Thursday, March 28, 2024

Nên ứng xử với Putin như thế nào?


Nguyễn Văn Khanh


Từ sáng sớm Thứ Hai đã có tin cuộc họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia sẽ bắt đầu lúc 3 giờ chiều, tức chỉ 15 phút đồng hồ sau khi Tổng Thống Barack Obama tiễn Chủ Tịch Mahmoud Abbas của Palestine.

Phiên họp quan trọng đến mức Ngoại Trưởng John Kerry phải hủy bỏ bài nói chuyện đọc trước các vị đại sứ được gọi về thủ đô dự cuộc họp hàng năm, để ông cùng với các phụ tá đặc trách quan hệ với Nga và Ðông Âu đồng góp ý kiến về cách ứng xử đối với chính phủ Liên Bang Nga sau khi được tin Tổng Thống Vladimir Putin quyết định công nhận Crimea là một nước cộng hòa độc lập thuộc Nga.

Khoảng 6 tiếng đồng hồ trước đó Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc bài phát biểu ngắn, nhắc lại những gì ông đã nói trong cuộc điện đàm với ông Putin hồi trưa Chủ Nhật. Ðại ý vẫn là những gì nhà lãnh đạo Mỹ đã từng nói trong suốt một tuần lễ: Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới không công nhận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, Hoa Kỳ và thế giới sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ đối với hành động của Nga khi can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine. Bài phát biểu dài chỉ vài phút đồng hồ kết thúc bằng lời loan báo “đã ký sắc lệnh ban hành biện pháp chế tài đối với 11 người” thân cận nhất của ông Putin. Sắc lệnh này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phong tỏa tài sản của những người có tên trong danh sách, và không cho họ chiếu khán vào Mỹ.

Quyết định của tổng thống Hoa Kỳ tức khắc bị các chính trị gia đối lập coi là “quá nhẹ,” không thể giải quyết được gì cả theo nhận xét của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain. Là vị dân cử mới từ Ukraine về, ông McCain cho rằng biện pháp Tòa Bạch Ốc đưa ra “không thể thúc đẩy ông Putin tới chỗ phải nhượng bộ,” nói rõ “không làm gì cả thì quá tệ, làm như thế này thì tệ cũng chẳng kém.”

Thượng Nghị Sĩ John McCain tin rằng “ông Putin sẽ không nhả Crimea ra đâu,” đồng thời đề nghị Tổng Thống Barack Obama “nên định lại mối quan hệ giữa nước Mỹ với Nga” nói thêm ông và nhiều đồng viện Dân Chủ lẫn Cộng Hòa “sẵn sàng ủng hộ biện pháp cấm vận kinh tế,” tức phải đánh thẳng vào bao tử “của một quốc gia vừa độc đoán lại vừa tham nhũng.” Cũng vẫn ông McCain, “kinh tế của Nga chỉ có xăng dầu và hơi đốt,” tại sao không cấm vận 2 món hàng này, đẩy lãnh đạo Nga tới chỗ phải suy tính lại việc làm của họ, “phải cứng rắn chứ đừng bảo với ông Putin là chúng tôi sẵn sàng nhân nhượng (để chờ đợi ông ta gật đầu với một giải pháp chính trị).”

Giải pháp chính trị “là điều chúng ta luôn luôn phải nghĩ đến,” nhà bình luận Paul Begala trả lời khi được hỏi Tổng Thống Obama làm đúng hay sai. Từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho Tổng Thống Bill Clinton, ông Begala nói rằng “chế tài với những người thân cận với ông Putin là thông điệp mạnh mẽ nhất Hoa Kỳ có thể gửi cho Kremlin ngay trong lúc này.” Ông còn cho rằng “biện pháp chế tài (11 người) của Mỹ và biện pháp chế tài (21 người) Liên Minh Âu Châu EU) cũng vừa đưa ra cho thấy 2 bên làm việc rất nhịp nhàng với nhau” và cả 2 bên cũng đều tin “đòi hỏi Nga phải nói chuyện trực tiếp với chính phủ Ukraine là điều khả thi.” Vì thế, “chúng ta không quên những biện pháp cứng rắn hơn (cấm vận), nhưng (áp dụng biện pháp cứng rắn đó) ngay lúc này chưa hẳn đã là điều hay.”

“Nói đến cấm vận là phải nói đến quyền lợi,” Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của Ðại Học George Mason ở Virginia đưa ra quan điểm của ông khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có sử dụng đòn cấm vận với Liên Bang Nga hay không. “Khi nào cũng thế, trước khi bàn đến chuyện cấm vận, họ sẽ bàn thảo với nhau xem lợi hại như thế nào, có lợi thì mới cấm vận, còn nếu cấm vận mà phần thiệt hại về mình thì chưa chắc họ đã làm.”

Nếu cân nhắc lợi hại như Giáo Sư Hùng nói, có lẽ chuyện Hoa Kỳ và đồng minh Tây Âu cùng đưa ra quyết định cấm vận với Liên Bang Nga là điều khó có thể xảy ra. Trong những cuộc trao đổi với báo chí, một số nhà phân tích kinh tế e rằng “cấm vận Nga có nghĩa là thiệt hại sẽ về mình hơn là có lợi.” Nhưng nhà phân tích này đưa ra nhiều lý do như hầu hết các đại công ty Mỹ “đều đang hiện diện và làm ăn rất tốt ở Nga” – chẳng hạn như McDonald hay Pepsi, có người còn nói nghe được tin công ty Boeing đã vận động với hành pháp xin đừng “nặng tay” với Nga vì công ty sản xuất máy bay này tin trong một thời gian ngắn nữa Nga cần mua thêm cả trăm chiếc máy bay của Hoa Kỳ với số tiền lên đến vài chục tỷ bạc, đủ để nuôi hàng chục ngàn công nhân trong nhiều năm trời.

Riêng với Liên Minh Âu Châu, thị trường xuất khẩu sang Nga của khối này lớn hơn thị trường xuất khẩu hàng của họ vào Mỹ, nhiều công ty dầu của Âu Châu có phần hùn rất lớn với Tổ Hợp Dầu Khí của Nga, chưa kể đến một lý do quan trọng khác: Âu Châu đang mua 1/3 lượng khí đốt Nga sản xuất hàng năm, phân nửa tổng số hàng xuất khẩu của Nga được đưa sang Âu Châu, chủ yếu là xăng dầu và nguyên liệu thô. Một yếu tố khác cũng được nhắc đến: thị trường Âu Châu là thị trường các đại gia Nga đang bỏ những khoản tiền khổng lồ vào đầu tư ở nhiều lãnh vực khác nhau, chẳng hạn như tiền họ đầu tư vào địa ốc nhiều đến mức người dân thủ đô Anh Quốc nói đùa với nhau rằng tư bản Nga muốn biến London thành “Londongrad.”

Có lẽ cũng vì “đang còn cân nhắc” hay “chưa thấy lợi” nên sau cuộc họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia không thấy các giới chức Tòa Bạch Ốc nói gì với báo chí. Một phụ tá của ông Ngoại Trưởng John Kerry nhắc lại lời người điều khiển ngành ngoại giao Mỹ đã nói ở London hôm Thứ Bảy vừa rồi sau cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov: “Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ chính phủ lâm thời Ukraine và chúng tôi tiếp tục tán thành một cuộc thảo luận trực tiếp giữa Ukarine và Nga, xem đó là cách hay nhất để giải quyết vấn đề” (nguyên văn: “The United States strongly supports the interim government of Ukraine, and we continue to favor a direct dialogue between Ukraine and Russia as the very best way to try to resolve the crisis.”). Một phụ tá của bà Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice thì bảo “ngày mai (Thứ Ba) ông Putin sẽ đọc bài diễn văn nói về chuyện Ukraine và Crimea,” hứa hẹn “sẽ có câu trả lời” sau khi nhà lãnh đạo Liên Bang Nga kết thúc bài diễn văn quan trọng đó.

MỚI CẬP NHẬT