Tuesday, April 23, 2024

Những bí ẩn trong bí ẩn về vụ máy bay Malaysia mất tích

 


Hà Tường Cát / Người Việt (Tổng Hợp)



Đến nay sau 4 tuần lễ vẫn không có thêm được bằng chứng gì cụ thể về trường hợp mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới của chiếc máy bay Boeing 777-200ER chuyến MH370 từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.








TPL (Towed Pinger Locator), thiết bị dò tìm tín hiệu âm thanh ‘ping’ kéo theo tàu, được thả từ tàu Hải Quân Hoàng Gia Autralia HMAS Ocean Shield xuống biển. (Hình: U.S. Navy via Getty Images)


Sau 4 tuần lễ tích cực tìm kiếm bằng hàng chục máy bay và tàu, cuối cùng chỉ vớt được những vật rác rưởi trên mặt biển không có liên quan gì với máy bay mất tích, hôm Thứ Sáu công tác chuyển sang hướng dò tìm dưới mặt nước. Việc này phức tạp hơn nhiều so với sự quan sát bằng mắt, nhưng nếu may mắn đạt kết quả tìm ra chiếc hộp đen, thì hy vọng có thể có lời giải đáp chính xác về chuyện gì đã xảy ra trên chuyến bay xấu số.


Hai tàu có những thiết bị dò tìm dưới mặt nước đã khởi sự tìm kiếm chiếc hộp đen của máy bay Malaysia Airlines trong vùng biển Ấn Độ Dương phía Tây Australia


Tàu thứ nhất là chiến hạm HMAS Ocean Shield, một tàu phụ trợ của Hải Quân Hoàng Gia Australia, chiều dài 105 mét, lượng dãn nước 6,500 tấn kéo theo thiết bị gọi là TPL (Towed Pinger Locator) mượn của Hải Quân Hoa Kỳ. có khả năng ghi nhận được những âm hiệu ‘ping’ phát ra từ hộp đen chìm dưới đáy biển sâu tới 6,000 mét ở cách xa 2 hải lý (3.7 km), các âm hiệu này tai người không nghe thấy.


Tàu thứ hai là tàu khảo sát HMS Echo của Hải Quân Hoàng Gia Anh, có dụng cụ phát hiện âm thanh dưới nước, đồng thời cũng tìm kiếm ở khu vực dài 240 dặm cách Perth khoảng 1,800 km hướng Tây-Bắc. Hy vọng thành công rất mong manh vì thời gian quá ngắn. Binh điện của hộp đen chỉ có thể hoạt động trong 30 ngày thì hết năng lượng. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       
Máy bay mất tích từ hôm 8 tháng 3, đến nay là ngày thứ 28, nghĩa là tới  Thứ Hai thì hộp đen chấm dứt phát ra tín hiệu ‘ping’. Như vậy hai chiếc tàu chỉ  có 3 ngày để dò tìm, sau đó vì thiếu điện nên tín hiệu nếu còn cũng rất yếu khó nhận thấy.


Thêm nữa, chưa chắc đã phải là còn tới 3 ngày, bởi vì người ta không rõ tình trạng của bình điện trong hộp đen của máy bay MH370 như thế nào. Theo lịch trình, năm 2012 phải thay bình điện, nhưng CNN dẫn nguồn tin của Malaysia Airlines nói rằng bình điện chưa được thay.


Malaysia Airlines không trả lời về chuyện này, nhưng CNN căn cứ vào lời giải thích trên một e-mail tuần trước: “Chúng tôi không biết có vấn đề gì với hộp đen, bộ phận phát âm hiệu (pinger) và bình điện. Bình điện không thay được vì gắn liền với pinger do hãng OEM (Original Equipment Manufacturer) chế tạo”.


Anish Patel, Chủ Tịch công ty Dukane Seacom sản xuất bộ pinger ở Saratosa, Florida, cho biết các pingers không tắt ngay tức thời nhưng yều dần đến khi ngưng hẳn.


Tất cả các máy bay hàng không dân dụng đều bắt buộc phải mang theo ít nhất là 2 pingers, một gắn với bộ phận ghi dữ kiện phi hành và một gắn với bộ ghi âm thanh trong phòng lái. Mỗi tín hiệu ‘ping’ phát ra cách nhau 1 giây trong khoảng 30 ngày. Thiết bị tìm kiếm tín hiệu ‘ping’, TPL là một loại microphone hình tháp cỡ 35 inches nặng 70 pounds, do tàu kéo đi dưới nước với vận tốc rất chậm để tránh nhiễu âm do máy tàu và sóng gây ra.


Tầm nhạy cảm của TPL trong vòng trên dưới 3.5 km, quá xa TPL sẽ không nghe được gì. Do đó theo lời Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ Mark Matthews: “Thiết bị tinh vi và tối tân đến đâu cũng vô ích nếu không khoanh vùng được nơi máy bay rớt”. Khu vực mà hai chiếc tàu tìm kiếm hộp đen được tính toán và suy đoán để thu nhỏ từ 250,000 km2 những ngày trước xuống chỉ còn trong vòng  2,500 km2 ngày Thứ Sáu


Vậy nếu trong 3 ngày, hai chiếc tàu Ocean Shield và Echo không tìm thấy gì thì đó là do tìm đúng chỗ nhưng pinger đã tắt hay tìm sai chỗ? Và sau đó nên  tiếp tục tìm kiếm ở đâu? Như thế không hé mở được chút nào điều bí ẩn mà lại còn thêm bí ẩn nữa!


Trung tá Matthews chỉ huy toán chuyên viên 11 người trên tàu HMAS Ocean Shield phụ trách vận hành thiết bị TPL-25 và có đem theo một thiết bị khác là Bluefin-21.


Bluefin-21, cũng của Hải Quân Hoa Kỳ cho mượn, là một robot tương tự như một ống màu vàng dài 17 feet nặng 1,600 pounds, một loại tàu ngầm tự động không người lái, Autonomous Underwater Vehicle (AUV). Bluefin-21 có thể lặn sâu 6,000 mét dưới mặt biển, di chuyển với vận tốc 3.5 đến 8 km/giờ, hoạt động liên tục được 20 giờ nghĩa là trong khu vực bán kính khoảng 50km. Bằng máy chụp hình và dụng cụ sonar (âm thanh), Bluefin-21 phát hiện được những vật dưới nước và vẽ bản đồ đáy biển.


Trong vụ tai nạn máy bay Air France giữa Đại Tây Dương năm 2009, TPL không tìm ra hộp đen nhưng hai năm sau, một AUV tìm thấy hộp đen và nhiều mảnh vỡ khác của máy bay.  Nhưng Bluefin không thể lần mò khắp một khu vực biển quá rộng nên chỉ có thể triển khai có hiệu quả khi xác định ra vị trí MH370 rớt, nhờ tìm thấy các mảnh vỡ hoặc nhờ tín hiệu ‘ping’ TPL phát hiện thấy. Vị trí này đến nay mới chỉ là dự đoán căn cứ theo sự phân tích rất tín hiệu do vệ tinh đã ghi nhận được.


Sau cùng, tìm thấy hộp đen cũng chưa hẳn đã hiểu rõ toàn bộ sự việc. Bộ phận thâu âm thanh trong phòng lái có thể tồn tại một thời gian rất dài dưới nước không hư hỏng, nhưng chỉ giữ được 2 giờ ghi âm cuối cùng. Người ta biết rằng gần 7 tiếng đồng hồ sau khi mất tích khỏi màn hình radar của đài kiểm soát không lưu Việt Nam và Malaysia, MH370 vẫn còn bay. Như vậy khoảng thời gian quan trọng nhất muốn được hiểu, âm thanh trong phòng lái có lẽ đã bị xóa, và chuyện bí ẩn sẽ không được phơi bầy.


Trong vụ chuyến bay MH370, Malaysia đã mắc hàng chục lỡ lầm do những thông tin đưa ra không chính xác rồi sau đó phải phủ nhận, sửa đổi hoặc không có lời giải thích gì tiếp theo. Quá trình tìm kiếm đã phải qua những thay đổi quá lớn trong vòng 4 tuần lễ, từ Biển Đông qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương tới 2,500 km Tây Nam Perth, rồi chuyển lên 1,000 km về hướng Đông-Bắc và chưa biết còn bao nhiêu chấn chỉnh khác nữa. Vì vậy mặc dầu tất cả các bộ phận trách nhiệm của Malaysia có thiện chí và nỗ lực bao nhiêu, họ vẫn bị rất nhiều phê phán chỉ trích mạnh mẽ.


Việc tìm kiếm, đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì điều kiện thiên nhiên tại vùng biển xa vắng với thời tiết luôn luôn có gió to và sóng lớn. Có thể phải một thời gian rất dài, hoặc không bao giờ có lời giải đáp về chuyện bí ẩn khó tưởng tượng xảy ra ở thời đại khoa học kỹ thuật và tin học hiện nay. Bài học về chuyện khó xảy ra này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lãnh vực từ xã hội đến chính trị và sự hợp tác giữa các quốc gia.  (HC)
                 

MỚI CẬP NHẬT