Thursday, March 28, 2024

Oanh kích nhà máy nguyên tử Iran? Không dễ


Hồ sơ

 

 

 

Elisabeth Bumiller/ NYT

Dịch: Văn Giang/Người Việt

 

WASHINGTON – Trong trường hợp chính phủ Israel quyết định mở cuộc tấn công Iran, các phi công của họ sẽ phải bay hơn 1,000 miles (hơn 1,600 km) qua các không phận chẳng thân thiện gì với quốc gia này, phải tiếp tế nhiên liệu trên không khi trở về, chống lại hệ thống phòng không của Iran, cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu ngầm dưới đất-và phải sử dụng ít nhất 100 phi cơ.

Xe hoa trong lễ hội Carnival ở Koln, Ðức, làm hình tổng thống Iran ném bom nguyên tử vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Tuy dư luận cho rằng Israel có thể oanh tạc nhà máy nguyên tử của Iran nhưng trên thực tế chuyện này rất khó đối với không quân Israel. (Hình: AP Photo/Martin Meissner)

Ðó là ước tính của các giới chức Quốc Phòng Mỹ cùng các phân tích gia quân sự thân cận với Ngũ Giác Ðài. Họ nói rằng một cuộc tấn công của Israel nhằm làm trì trệ chương trình nguyên tử của Iran sẽ là một cuộc hành quân lớn lao và vô cùng phức tạp. Họ cho rằng cuộc tấn công này sẽ khác hẳn cuộc tấn công vào một lò nguyên tử của Syria năm 2007 và lò Osirak của Iraq năm 1981.

“Có những người cứ hô hào ‘Bỏ bom Iran đi’, điều này sẽ không dễ dàng đâu,” theo lời Trung Tướng David A. Deptula, cựu chỉ huy quân báo Không Quân Mỹ vừa về hưu năm ngoái và cũng từng lập kế hoạch cho các cuộc không yểm ở Afghanistan năm 2001 và trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

Các lời đồn đoán cho rằng Israel sắp tấn công Iran đã gia tăng trong mấy tháng gần đây khi tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia lên cao hơn. Trong một chỉ dấu cho thấy sự lo ngại của Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon đã sang Israel để gặp Thủ Tướng Benjamin Netanyahu. Trong khi tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, Tướng Martin E. Dempsey, cảnh cáo trên hệ thống truyền hình CNN rằng một cuộc không tập của Israel vào Iran ngay lúc này sẽ tạo sự mất ổn định.

Ngoại trưởng Anh, ông William Hague, cũng có cùng nhận định khi tuyên bố với đài BBC rằng tấn công Iran sẽ “không là điều khôn ngoan” cho Israel để thực hiện “ngay lúc này”.

Tuy nhiên, trong khi một phát ngôn viên Israel ở Washington, ông Lior Weintraub, cho hay quốc gia này tiếp tục thúc đẩy có thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Iran, ông nhắc lại rằng Israel, cũng như Mỹ, “hiện đang cứu xét mọi giải pháp”.

Khả năng Israel có thể mở cuộc tấn công đã là đề tài tranh cãi ở Washington, nơi một số phân tích gia quân sự nghi ngờ là Israel không chắc có khả năng quân sự để thực hiện điều này. Có sự lo ngại là Mỹ sẽ bị kéo vào cuộc chiến này để hoàn tất điều mà Israel thực hiện dở dang-một công tác mà ngay cả với số lượng bom đạn và phi cơ Mỹ hiện có vẫn có thể cần mấy tuần lễ mới xong, theo các phân tích gia quốc phòng. Một sự lo ngại khác là các phản ứng trả đũa của Iran.

“Tôi không nghĩ rằng có ai đó nói rằng, ‘Ðây là cách thực hiện việc này-chỉ cần một ít phi cơ, bay ban đêm, vào thả bom rồi bay ra,’” theo lời Andrew R. Hoehn, một cựu giới chức Ngũ Giác Ðài nay là giám đốc chương trình nghiên cứu về Không Quân Mỹ của cơ quan Rand Corporation.

Michael V. Hayden, từng là giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) từ năm 2006 đến 2009, hồi tháng qua nói thẳng rằng các cuộc không tập nhằm gây tổn thất nặng nề cho chương trình nguyên tử của Iran là điều “vượt quá khả năng của Israel,” một phần vì đường bay xa và mức độ của cuộc tấn công.

Tuy nhiên, một giới chức quốc phòng cao cấp khác lại cho hay trong cuộc phỏng vấn gần đây rằng “chúng ta không hoàn toàn biết hết võ khí của Israel” chứ đừng nói gì các tính toán quân sự của quốc gia này. Quan điểm của ông ta được sự đồng ý của Anthony H. Cordesman, một phân tích gia quân sự có uy tín tại viện nghiên cứu Center for Strategic and International Studies ở Washington. “Hiện có nhiều điều chưa biết rõ, cũng có nhiều rủi ro, nhưng Israel có thể biết là những rủi ro này không trầm trọng lắm,” ông cho hay.

Trong trường hợp Israel tấn công bốn địa điểm nguyên tử quan trọng của Iran, gồm các nhà máy tinh luyện uranium ở Natanz và Fordo, lò phản ứng nước nặng ở Arak và một nhà máy chế tạo nguyên liệu nguyên tử khác ở Isfahan, các phân tích gia quân sự cho rằng vấn đề đầu tiên là làm sao để đến được những nơi này. Có ba hướng bay có thể sử dụng: Về hướng Bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, về hướng Nam qua Saudi Arabia hay bay xuyên qua Jordan và Iraq.

Ðường bay qua Iraq được coi là ngắn nhất và nhiều phần sẽ xảy ra nhất, vì theo các phân tích gia quân sự đó là do Iraq coi như không có hệ thống phòng không và Mỹ không còn nhiệm vụ bảo vệ không phận Iraq sau khi rút quân vào cuối năm ngoái.

Giả sử như Jordan để cho Israel bay qua không phận của họ, vấn đề sau đó sẽ là khoảng cách. Israel hiện có các phi cơ loại F-15I và F-16I do Mỹ chế tạo có thể mang bom đến mục tiêu, nhưng tầm hoạt động của các phi cơ này-tùy thuộc vào cao độ, vận tốc và số lượng bom mang theo-quá ngắn so với đoạn đường tối thiểu bay đi và về là 2,000 miles (khoảng 3,200 km). Ðó là chưa kể đến thời gian bay quần trên không phận mục tiêu cũng như có thể phải chống lại các phi cơ và hỏa tiễn phòng không của Iran.

Phía Israel có thể dùng các phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không, nhưng cho đến nay các tin tức có được nói rằng Israel chỉ có tám chiếc KC-707 để tiếp tế nhiên liệu. Và sử dụng các phi cơ tiếp tế này cũng đòi hỏi là phải có các phi cơ hộ tống, đẩy con số chiến đấu cơ cần có lên cao hơn nữa. Israel hiện có khoảng 125 chiếc F-16I và F-15I. Ngoài ra Israel cũng còn cần phải sử dụng các phi cơ loại trinh sát điện tử có nhiệm vụ phá sóng radar, mở hành lang an toàn cho các phi cơ bay vào tấn công. Hệ thống phòng không của Iran có thể là không hoàn toàn mới, nhưng cũng không thể coi là không có tác dụng, theo các phân tích gia quân sự.

Các hỏa tiễn của Iran cũng có thể buộc phi cơ Israel nhào lộn và trút hết bom để dễ dàng tránh né dù rằng chưa tới mục tiêu. Iran cũng có thể trả đũa bằng cách bắn các hỏa tiễn có khả năng bay tới tận Israel, mở ra một cuộc chiến mới ở vùng Trung Ðông, dù rằng một số giới chức Israel từng nói rằng ngay cả những hậu quả này cũng không đáng sợ bằng việc Iran có võ khí nguyên tử.

Một vấn đề khác là số lượng bom của Israel có khả năng xuyên phá các cơ sở đặt dưới hầm sâu, có khi tới 30 feet (khoảng 9.2 m) xi măng cốt sắt như ở Natanz hay tại Fordo, vốn được xây trong lòng núi.

Cứ giả định là Israel không dùng đến bom nguyên tử, Israel cũng có loại bom GBU-28 do Mỹ chế tạo, có khả năng xuyên phá cao, dù rằng chưa biết rõ là sâu tới bao nhiêu.

Hồi đầu tháng này, một trung tâm nghiên cứu chính sách có tên Bipartisan Policy Center đưa ra một bản báo cáo do cựu nghị sĩ tiểu bang Virginia Charles S. Robb và cựu tướng Không Quân hồi hưu Charles F. Wald cùng thực hiện, theo đó đề nghị chính phủ Obama bán cho Israel 200 quả bom phá công sự loại GBU-31 biến cải cùng ba phi cơ tiếp tế nhiên liệu loại mới.

Hai nhân vật này cho hay họ không khuyến khích Israel mở cuộc tấn công, nhưng các quả bom và phi cơ này cần thiết để gia tăng mức độ khả tín của lời đe dọa tấn công.

Nếu Mỹ liên hệ vào việc tấn công- hay tự mình mở ra cuộc tấn công riêng-các phân tích gia quân sự cho hay Ngũ Giác Ðài có khả năng mở ra các cuộc không tập lớn bằng oanh tạc cơ, phi cơ tàng hình và hỏa tiễn bình phi (cruise missiles) và tiếp theo đó là các phi cơ không người lái để quan sát tầm mức thiệt hại để có thể xét đến việc mở ra các cuộc tấn công mới. Không giống như Israel, Mỹ có nhiều khả năng tiếp tế nhiên liệu trên không. Các phi cơ Mỹ có thể cất cánh từ căn cứ Al Udeid ở Qatar, Diego Garcia ở Ấn Ðộ Dương hay từ các căn cứ tại Anh và Mỹ.

Tuy nhiên, các giới chức Quốc Phòng cho hay việc tấn công các nhà máy nguyên tử xây ngầm dưới đất của Iran vẫn là điều khó khăn và do đó phải biến cải loại bom nặng tới 30,000 pounds (khoảng 13,607 kg) có tên MOP (Massive Ordnance Penetrator) đã được chế tạo để đặc biệt dùng đối phó với Iran và Bắc Hàn khi cần.

MỚI CẬP NHẬT