Thursday, March 28, 2024

Ổn định nội tình Ukraine


Hùng Tâm/Người Việt



Giữa hai khối Nga-Mỹ, Ukraine cố tìm quân bình nội bộ


Sau ba tháng biến động, chính quyền lâm thời Ukraine tại thủ đô Kyiv phải tạm ổn định tình hình trong khi Hoa Kỳ và Liên Bang Nga tiếp tục đấu lực về vị trí Ukraine giữa Âu Châu. “Hồ Sơ Người Việt” tìm hiểu những bài toán đặt ra cho dân Ukraine trong hoàn cảnh bất thường ấy.



Bối cảnh Âu Châu


Do địa dư lẫn lịch sử, Ukaine ở vào vị trí khó xử và rất khó cai trị. Ðấy là hoàn cảnh ít quốc gia nào mong muốn cho mình và là một thách đố éo le cho mọi giới lãnh đạo của xứ này.


Là biên địa nằm giữa hai khối khác biệt là Nga và Âu Châu, Ukraine có thể được coi là đất Âu hay lãnh địa Nga. Trong lịch sử hiện đại, xứ này chỉ giành lại độc lập đích thực từ năm 1991, đấy cũng là khi mà khái niệm Âu Châu, hay Liên Hiệp Âu Châu về sau, là chuyện không thực chất. Tuần qua, khi hai ngoại trưởng Nga-Mỹ là Sergei Lavrov và John Kerry gặp gỡ tại Paris ngày 30 Tháng Ba, người ta được nhắc nhở về thực tế éo le này.


Vì Ukraine nằm tại Âu Châu và sát với biên giới Nga, cớ sao lãnh đạo Nga không nói chuyện tương lai xứ này với Liên Âu, hoặc cường quốc số một của Âu Châu là Cộng Hòa Liên Bang Ðức, mà lại đàm phán với siêu cường ở xa là Hoa Kỳ? Chỉ vì Liên Âu chẳng là thế lực đáng nói.


Sự thật đó của bối cảnh quốc tế lại ít được truyền thông trình bày cho rõ ràng.


Biến động Ukraine bùng nổ cuối Tháng Mười Một khi Tổng Thống Viktor Yanukovich hủy bỏ việc ký kết hiệp ước hội nhập Ukraine vào Âu Châu mà lại ngả theo Liên Bang Nga. Khi dân chúng biểu tình phản đối chế độ tham ô và thân nga của Yanukovych và bị đàn áp, bị bắn sẻ, các nước Âu Châu đều sát cánh với dân biểu tình tại Kyiv và các tỉnh miền Tây.


Một lãnh tụ biểu tình là Dân Biểu Vitali Klitschko, cựu võ sĩ cầm đầu chính đảng Liên minh Dân Chủ Thống Nhất cho việc Cải cách (United Democratic Alliance for Reform – UDAR) được hậu thuẫn rất mạnh của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của Thủ Tướng Angela Merkel. Sau đó, ngày nay, Ðức lại có lập trường quá ôn hòa với Moscow vì lý do quyền lợi kinh tế. Klitschko bỏ ý định tranh cử tổng thống vào tháng tới, mà ủng hộ một tài phiệt thân Tây phương là Petro Poroshenko.


Chi tiết ấy khiến ta nhớ là Nga đã tung tiền vận động chính giới Ðức từ lâu. Vừa thất cử năm 2005 thì nguyên Thủ Tướng Ðức Gerhardt Schroeder của đảng Dân Chủ Xã Hội SDP nhảy qua làm tư vấn cho tập đoàn khí đốt số một của Nga là Gasprom và cầm đầu công ty thực hiện dự án dẫn khí của Nga lên các nước ở mạn Bắc (North Stream). Putin muốn doanh giới Ðức coi nước Mỹ là vấn đề và nước Nga mới là giải pháp có lợi cho kinh tế Ðức.


Ngoài Ðức, hai cường quốc Anh Pháp cũng ủng hộ dân Ukraine, nhưng khi Putin chơi bạo thì họ đều bày tỏ nỗi quan ngại về hậu quả kinh tế của biện pháp trừng phạt đôi bên sẽ tung ra. Pháp bán võ khí cho Nga và thị trường chứng khoán Anh yết giá nhiều doanh nghiệp Nga. Các nước phía Nam như Hy Lạp, Ý, hay Tây Ban Nha vẫn trông chờ du khách Nga như nguồn ngoại tệ.


Từng là nạn nhân của Liên Bang Xô Viết, nhóm quốc gia Ðông Âu gắn bó với Ukraine, như Cộng hòa Tiệp, Hung hay Bulgaria, v.v… cũng chẳng khá hơn. Họ đều muốn bênh dân Ukraine, nhưng trong chừng mực nhất định để khỏi xâm hại vào kinh tế vì đã làm ăn quá sâu với nước Nga.


Then chốt nhất, Ukraine vẫn quá lệ thuộc vào năng lượng Nga, trong khi Putin có giải pháp khác để bớt lệ thuộc vào lãnh thổ Ukraine làm đất trung chuyển dầu khí bán cho Âu Châu. Như dự án lập ống dẫn khí “Mạn Nam,” Southern Stream, sẽ đưa khí đốt của Nga qua Hắc Hải tới tám nước ở phía Nam là Bulgaria, Hung, Áo, Slovekia, Serbia, Croatia, Hy Lạp và Ý. Trong tình trạng đó, Âu Châu không thể có lập trường thống nhất trước áp lực của Nga.


Và nói về an ninh hay tình liên đới giữa các nước, thì Liên Âu chỉ là một khái niệm trừu tượng.



Liên Bang Nga và Ukraine


Liên bang Nga của lãnh tụ Vladimir Putin nhìn vào Ukraine hay các nước Ðông Âu như thế nào?


Trong cả chục năm, Âu Châu và Hoa Kỳ mở ra cuộc vận động tự do kinh tế và dân chủ chính trị vào Ðông Âu. Theo sau (Putin cho là đi trước), có lá chắn của Minh ước Bắc Ðại Tây Dương NATO. Các cuộc cách mạng dân chủ tại Georgia, Ukraine, Serbia hay cả Kyrgyzstan ở Trung Á, đều được Putin coi là sản phẩm của tình báo và tuyên truyền Tây phương do Mỹ yểm trợ và tài trợ qua nhiều tổ chức ngoài chính phủ và cơ quan được Quốc Hội Mỹ cho phép.


Cuộc nổi dậy ở Kyiv từ cuối Tháng Mười Một cho tới khi Viktor Yanukovych bị lật đổ cũng nằm trong chiều hướng đáng nghi ngờ ấy. Dưới con mắt Putin, tình báo Tây phương có sức khuynh đảo ngày càng sâu vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Nghĩa là khi dư luận Tây phương và thế giới nói tới đà thắng thế của trào lưu dân chủ thì Putin nghĩ đến sự thất thế của Nga, và sự xoi mòn quyền lực của bản thân. Vì vậy, ông ta lập tức phản đòn và thôn tính bán đảo Crimea.


Tiếp theo là gì? Ngay trước mắt, Putin trông cậy vào hai chuyện.


Ðòn kinh tế là việc nâng giá khí đốt khiến chính quyền lâm thời tại Kyiv vỡ nợ. Ðòn chính trị là… chờ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhảy vào cấp cứu với điều kiện cải cách khiến dân Ukraine thất vọng về chính quyền mới. Thí dụ như chấm dứt trợ giá xăng dầu để quân bình ngân sách. Kết quả là chính phủ lâm thời của Thủ Tướng Arseniy Yatsenyuk bị tê liệt.


Ðiều đó, hơn là đưa quân Nga vào miền Ðông Ukraine mới là thượng sách.


Ngoài Ukraine, Putin có thể nghĩ đến việc uy hiếp xứ khác. Như Moldova hay ba nước vùng Baltic. Muốn đưa quân vào Moldova thì phải qua lãnh thổ Ukraine, có khi đường tiếp vận sẽ bị đánh du kích. Muốn đưa quân vào vùng Baltic thì có thể gặp phản ứng của NATO, tức là Mỹ, và gây hiềm khích nặng hơn nữa với Liên Âu.


Sau cùng, Putin trông đợi vào… chính quyền Barack Obama và Ngoại Trưởng John Kerry. Sự bất nhất và nhu nhược khá quen thuộc của lãnh đạo Mỹ từ năm năm nay được Putin triệt để khai thác. Việc Ngoại Trưởng Sergei Lavrov đàm phán với Ngoại Trưởng Kerry nằm trong hướng đó.



Hoa Kỳ và Ukraine


Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama, hơn năm năm qua Hoa Kỳ chú tâm vào hai ưu tiên. Về an ninh là tìm cách triệt thoái ra khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan và giải tỏa mâu thuẫn với các đối thủ để dồn phương tiện giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội bên trong.


Chính là vì ưu tiên đó mà Hoa Kỳ còn phó thác cho Putin việc góp phần giải tỏa mối nguy tại Syria và Iran. Sự thể éo le là Putin lại cần gây mâu thuẫn giữa hai hệ phái Sunni và Shia trong thế giới Hồi Giáo Trung Ðông để tình hình an ninh căng thẳng tiếp tục đẩy giá dầu thô quá mức 100 đô la một thùng, là điều có lợi cho Nga khi xuất cảng năng lượng.


Khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Hoa Kỳ lượng định lại rủi ro.


Về quân sự, vì ở gần, Nga chiếm thế thượng phong trong khu vực, và Mỹ không thể can thiệp vào Crimea. Nếu muốn đổ quân thì cũng mất nhiều tháng, khi Hoa Kỳ đang tái phối trí phương tiện. Minh ước NATO cũng chẳng ngăn chặn nổi đòn tấn công quân sự vì mọi quyết định của tổ chức này đều cần 28 phiếu ủng hộ của tất cả các thành viên. Chỉ cần một nước do dự là Mỹ bị cản trở.


Nếu Putin leo thang về quân sự, như dồn nhiều sư đoàn bên kia biên giới của Ukraine, nhược điểm của Hoa Kỳ bị phơi bày. Chuyện Mỹ đàm phán nằm trong mục tiêu giải tỏa áp lực quân sự để khỏi tỏ lộ sự thật đó.


Nhược điểm về đối ngoại của chính quyền Obama có vài lẽ giảm khinh: khi đấu trí và đấu lực với Putin về vụ Ukraine, Mỹ chưa biết rõ phản ứng của cường quốc số một tại Âu Châu là Ðức. Thủ tướng Merkel sẽ sát cánh với dân Ukraine và ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ? Hay sẽ tìm cách hòa giải? Khi các thành viên NATO tại Âu Châu vận động Hoa Kỳ can thiệp vào Libya năm 2011, Ðức là quốc gia đã can ngăn, đi ngược quan điểm của Anh, Pháp và Ý.


Huống hồ Liên Âu chưa ra khỏi suy trầm kinh tế và vụ khủng hoảng của khối Euro đã trút gánh nặng xử lý lên nước Ðức. Cấp cứu đồng Euro, hay quyền lợi kinh tế Ðức, hoặc sự thống nhất của Liên Âu, hay sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine, đâu là ưu tiên của nước Ðức và của Âu Châu?


Vì vậy, Nga và Mỹ, Putin và Obama, phải có ngả đối thoại song phương về một hồ sơ nóng của Âu Châu. Ðã từng rút tỉa kinh nghiệm Georgia năm 2008, khi Putin tấn công xứ này giữa cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, lãnh đạo Ukraine không thể không thấy ra bài toán của mình.



Chính quyền Ukraine tính sao?


Trước tiên, và ngược với dự đoán của Putin, nội các lâm thời của Thủ Tướng Arsenyi Yatsenyuk không bị phân hóa và lập tức sụp đổ. Ông Yatsenyuk còn được hậu thuẫn của các chính đảng lớn đã từng tham dự biểu tình phản đối Yanukovych.


Các chính đảng ấy là Fatherland (Tổ Quốc) có 88 dân biểu trong Quốc Hội đương nhiệm, đảng UDAR có 42 dân biểu, đảng Svoboda có 35 ghế và nhiều người số 59 dân biểu độc lập. Trong đảng thân Nga của Yanukovych, gọi là Ðịa Khu, Party of Regions, có 120 ghế dân biểu thì hai nhóm đã tách riêng, mỗi nhóm 36 ghế, và đều ủng hộ chính quyền lâm thời. Nhờ vậy mà hôm 27 vừa rồi, ông Yatsenyuk thông qua được một đạo luật khó nuốt là tăng thuế và tăng giá khí đốt 50%. Biện pháp dễ mất lòng dân là điều kiện cho phép lãnh đạo Ukraine đàm phán với Quỹ IMF việc viện trợ từ 14 đến 18 tỷ đô la cứu nguy kinh tế.


Chuyện thứ hai về bối cảnh suy tính của Ukraine là nhiệm kỳ của Quốc Hội hiện hành còn kéo dài đến năm 2017. Vì vậy, giai đoạn lâm thời còn được ba năm nữa và tùy thuộc vào lập trường của các chính đảng kể trên. Khi ấy, ta mới hiểu ra đề nghị “liên bang Ukraine” của ngoại trưởng Nga. Ðó là chuyện thứ ba.


Khi Yanukovych vừa bỏ chạy vào Tháng Hai, Putin đã nói đến cải tổ chính trị Ukraine theo thể chế liên bang, trong đó, quyền lực của các địa phương được tăng cường. Chủ đích của Putin, tuần qua được Ngoại Trưởng Lavrov nhắc lại cho Kerry, là gia tăng quyền lợi kinh tế và thế lực chính trị của các tỉnh (oblasts) ở miền Ðông và miền Nam. Từ thời Xô Viết đến nay, khu vực này tập trung tiền tài và nhân lực của Ukraine, mà lại gắn bó với nước Nga.


Ðòn phép đó của Putin thực tế là rút ruột chính quyền trung ương tại thủ đô Kyiv, đẩy lui trào lưu quốc gia dân tộc Ukraine tại miền Tây và củng cố tư thế hay căn tánh Nga tại miền Tây. Còn áp lực cải cách lý tưởng của IMF thì khiến chính quyền lâm thời tại Kyiv phải áp dụng biện pháp kinh tế khắc khổ nên có thể mất hậu thuẫn của các đảng bảo thủ bên cánh hữu.


Trong khi đó, lãnh đạo Ukraine cũng chả mơ hồ gì về sức yểm trợ của các nước Tây phương, gồm cả Liên Âu lẫn Hoa Kỳ.


Ðấy là bài toán phũ phàng và sinh tử về đại thế chính trị (geopolitics), địa dư kinh tế, và chính trị bầu cử của các đảng phái và lãnh đạo Ukraine. Các đảng phái và nhân vật ấy gồm có:


Ðảng Tổ Quốc Fatherland của Thủ tướng Lâm thời Yatsenyuk và lãnh tụ đằng sau là cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko. Bà Tymoshenko được Âu Châu ủng hộ từ khi còn bị Yanukovych cầm tù, nhưng lại có khả năng đối thoại với Nga nếu Tây phương quá hững hờ và IMF quá khe khắt.


Thứ hai là đảng Svoboda thuộc xu hướng quốc gia và đã tích cực tranh đấu để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga. Sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Igor Tenyukh phải từ chức tuần trước vì không bảo vệ được Crimea, Nội các Yatsenyuk còn ba nhân vật thuộc về đảng này. Sự xoay trở của họ có thể biến trị thành loạn, hoặc chia mất phiếu của khuynh hướng quốc gia chống Nga.


Thứ ba là đảng UDAR của ông Klitschko, dù không tham gia nội các lâm thời để khỏi liên lụy với biện pháp kinh tế thất nhân tâm thì tới nay vẫn hậu thuẫn chính quyền. Việc Klitschko ủng hộ tài phiệt thân Tây phương là Poroshenko có thể giúp ông này có thêm lợi thế tranh cử tổng thống. Dù ít thế lực trong Quốc Hội, Poroshenko lại được lòng dân chúng và có tài sản đứng hàng thứ bảy và có kinh nghiệm làm ngoại trưởng, bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế nên vẫn là nhân vật có ảnh hưởng.


Sau cùng là đảng Ðịa Khu, hiện chiếm gần một phần ba số ghế dân biểu và có thể giúp Putin gây khó cho Ukraine. Sau thành tích tham ô của Yanukovych, không nhân vật nào của họ lại hy vọng đắc cử Tổng thống. Nhưng họ vẫn có thể liên kết với nhiều nhân vật độc lập hay 32 dân biểu của đảng Cộng sản để phá hoại chương trình kinh tế, cản trở việc hợp tác với IMF, gây bất ổn cho chính quyền và thúc đẩy giải pháp liên bang hóa… Tuy nhiên, không phải mọi dân biểu trong đảng đều là tay sai ăn tiền của Nga, chứng cớ là nhiều người đã bỏ phiếu truất phế Yanukovych.



Kết luận ở đây là gì


Cường quốc nào cũng có mục tiêu hay ràng buộc của mình, trông chờ vào họ là gặp bẽ bàng.


Biểu tình chống đối một chế độ tay sai tham ô là điều cần thiết, nhưng vẫn dễ hơn xây dựng một chế độ mới có thể đáp ứng nguyện vọng của toàn dân.


Cho tới nay, dân Ukraine có chứng tỏ những đức tính đáng nể, và rất đáng học hỏi.

MỚI CẬP NHẬT