Friday, March 29, 2024

Tổng Thống Obama không đi Châu Á

 

Nguyễn Văn Khanh

“Chuyện chẳng lạ,” một người trong nhóm nhà báo Á Châu ngồi uống cà phê chung với nhau ở Manila, Philippines, cất tiếng nói. Chẳng lạ khi nghe tin tổng thống Hoa Kỳ phải bỏ cả chuyến đi Châu Á được dự trù từ năm ngoái để ở nhà lo chuyện nội bộ, “vả lại,” nhà báo này nói tiếp, “ông Obama sang Ðông Nam Á lần này với nhiều lời hứa hẹn sẽ hỗ trợ các nước Ðông Nam Á về kinh tế, xã hội cho đến quốc phòng, nhưng ông không có một xu trong tay thì lấy gì mà hứa với hẹn.”




Tổng Thống Barack Obama (thứ hai từ phải) bắt tay một người dân trong lúc mua thức ăn trưa tại tiệm Taylor Gourmet Deli, gần Tòa Bạch Ốc, hôm Thứ Sáu. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Mặc dù các viên chức thân cận với tổng thống Hoa Kỳ từng nói “tổng thống vẫn giữ nguyên ý định đi Á Châu” nhưng từ đầu tuần đã nghe đồn đãi về chuyện Tổng Thống Barack Obama có thể không sang dự Thượng Ðỉnh APEC ở Bali, Indonesia và Thượng Ðỉnh ASEAN ở Brunei cũng như không ghé 2 quốc gia gồm Malaysia và Philippines đã được đồn thổi khắp nơi, lý do vì chuyện ngân sách của nước Mỹ đang gặp bế tắc, chính phủ liên bang Hoa Kỳ phải tạm đóng cửa trong lúc chờ đợi giải quyết. Ðến giữa tuần thì đồn đãi trở thành sự thật khi Tòa Bạch Ốc loan báo tổng thống sẽ cắt ngắn chuyến đi – vẫn dự 2 thượng đỉnh nhưng không ghé Malaysia và Philippines, hai ngày sau đó ông phát ngôn viên Jay Carney thông báo “chuyến đi Á Châu sẽ bị hủy bỏ” vì “những khó khăn… do chuyện chính phủ phải đóng cửa gây nên” cho dù nhà lãnh đạo nước Mỹ biết rất rõ ông bỏ mất cơ hội quan trọng “để tạo thêm việc làm cho người dân bằng việc cổ võ xuất khẩu hàng từ Mỹ sang Á Châu và đẩy mạnh vai trò lãnh đạo cũng như quyền lợi của Hoa Kỳ” ở khu vực đang phát triển mạnh nhất và đông dân nhất thế giới.

Quyết định bỏ hẳn chuyến đi Á Châu của Tổng Thống Obama “là một quyết định không dễ dàng,” theo lời một viên chức thuộc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia. “Ngay khi vừa nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống đã hãnh diện và thường xuyên nói ông là vị tổng thống Mỹ đầu tiên xuất thân từ Á Châu, hứa không bỏ quên Á Châu, cam kết sẽ tham dự tất cả những cuộc họp thượng đỉnh, cho thực hiện ngay chính sách mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Á Châu, ngay cả bữa tiệc đầu tiên đón nguyên thủ nước bạn cũng dành cho Á Châu.” Viên chức này nói thêm “rất tiếc tổng thống không thể rời Washington D.C. ngay lúc này, trong khi ông đã có sẵn một chương trình làm việc dày đặc ở những quốc gia ông định ghé thăm.”

Một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ cho hay theo chương trình đã định sẵn, tổng thống Hoa Kỳ “ghé 3 quốc gia Hồi Giáo” gồm Indonesia, Malaysia và Brunei “với mục đích cổ võ dân chủ và xây dựng nền tảng quan hệ với cộng đồng Hồi Giáo toàn cầu,” đồng thời thăm quốc gia đồng minh chiến lược Philippines để nhắc lại lời cam kết “hỗ trợ cho Manila bảo vệ an ninh lãnh thổ” trong lúc quốc gia Ðông Nam Á này đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng Thống Obama có thể gặp lại Tổng Thống Nga Vladimir Putin ở Thượng Ðỉnh APEC “để bàn thảo tiếp về những trở ngại đang xảy ra cho mối quan hệ song phương và tìm một giải pháp cho cuộc nội chiến Syria, trong đó có cả việc tịch thu và giải trừ các kho võ khí hóa học của Damascus.”

Các phát biểu vừa nêu hàm ý cho thấy không chỉ nhà lãnh đạo của nước Mỹ mà ngay cả những nhân viên dưới quyền ông đều xem Á Châu là phần đất “Hoa Kỳ phải tranh giành quyền lực lẫn ảnh hưởng với Trung Quốc,” theo nhận xét của chuyên gia Bonnie Glasser, từng làm việc với Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Sự vắng mặt của ông Obama ở 2 thượng đỉnh quan trọng “ít nhiều sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc” giữa lúc nước Mỹ “cần tiếp tục khẳng định vai trò của mình không chỉ ở Á Châu mà cả thế giới,” bà Glasser nói tiếp.

“Uy tín của Tổng Thống Obama sẽ bị giảm bớt” là nhận định của ông Mivhael Green, cựu giám đốc đặc trách Châu Á dưới thời Tổng Thống George W. Bush. Nhà phân tích của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tin rằng Hoa Kỳ “mất nhiều cơ hội tốt ở những nước Ðông Nam Á” và điều đó có nghĩa là “tạo lợi thế cho Trung Quốc” trong ván cờ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Vẫn theo nhận định của ông Green, “giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ âm thầm nói với nhau rằng không chỉ ông Obama vắng mặt ở Á Châu lần này, mà điều đó còn được xem là dấu hiệu chứng tỏ Hoa Kỳ không có đủ sức để tiếp tục vai trò cường quốc.”

Trong mục quan điểm, tờ Philippine Daily Inquirer nhắc lại đây là lần thứ nhì tổng thống Hoa Kỳ không đến Manila, “quốc gia đồng minh chiến lược và an ninh lâu đời của Mỹ ở Á Châu.” Bài viết nhắc lại chuyện Tổng Thống Obama từng ghé thăm Miến Ðiện, Thái Lan và Cambodia hồi cuối tháng 11 năm ngoái (ngay sau ngày đắc cử nhiệm kỳ hai), khiến mọi người phải thắc mắc tại sao ông Obama “lại ghé những quốc gia không bị đe dọa bởi thái độ gây hấn của Trung Quốc” giữa lúc Philippines, Việt Nam và Nhật Bản “là những nước đang phải đối đầu với chính sách hung hăng của Bắc Kinh” trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông. Lần này ông Obama cũng không ghé thăm Philippines “trong lúc tất cả mọi người, mọi quốc gia đều hiểu tầm quan trọng về chiến lược của chuyến viếng thăm” vì chuyến đi “còn là tín hiệu nhắn gửi cho Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi các nước đồng minh và những nước bạn trước mọi nguy cơ đến từ Hoa Lục.”

Khi loan tin chương trình thay đổi, Tòa Bạch Ốc cho hay Ngoại Trưởng John Kerry sẽ đại diện Tổng Thống Obama để dự thượng đỉnh, ghé thăm Malaysia và Philippines. Trên trang mạng xã hội, một blogger tên Ina viết câu như sau: “Ông nào đến cũng tốt, nhưng nếu là ông Obama thì hay hơn nhiều.” Một blogger khác tên Imeda viết rõ hơn: “Chẳng ai có thể thay thế được tổng thống Mỹ. Tiếc quá, Á Châu cần Tổng Thống Obama ghé qua nhưng ông lại ở nhà. Hẹn ông lần sau nhé.”

MỚI CẬP NHẬT