Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới về “Internet of Things”

Tại “Le Web”, hội nghị kỹ thuật lớn nhất ở Âu Châu họp tại Paris từ ngày 4 đến 6 Tháng Mười Hai, người ta chờ đợi những sáng kiến và thành tựu mới sẽ được trình bày.


Các phân tích gia nói rằng có một lãnh vực mà hiện nay Trung Quốc đang muốn chiếm giữ vị trí hàng đầu thế giới, đó là Internet of Things (viết tắt IoT). Mục tiêu của Trung Quốc là giành thắng thế trong cuộc chạy đua mà cho đến nay họ vẫn còn thua kém, đó là nắm giữ định chuẩn quốc tế về kỹ thuật mới. Trung Quốc muốn các quốc gia khác phải trả tiền bản quyền sử dụng cho họ chứ không phải như ngày nay họ phải chịu xin được sử dụng nếu không phải là đánh cắp bản quyền.


Cụ thể Trung Quốc muốn đứng ở mức khởi hành IoT hoặc là thậm chí đứng trước mức khởi hành IoT.


 


Vậy thì IoT là cái gì?


 


Thuật ngữ Internet of Things được Kevin Ashton, nhà tiền phong về kỹ thuật người Anh làm việc cho MIT (Học Viện Kỹ Thuật Massachusetts) sử dụng lần đầu năm 1999 khi mô tả một hệ thống kết nối Internet với thế giới vật chất qua những bộ nhạy cảm đặt khắp nơi. Chúng ta đã quen thuộc với sự tự động hóa nhiều công việc, chẳng hạn từ bấm nút remote control xem truyền hình hay dùng hệ thống dẫn đường GPS lúc lái xe cho đến xe điện ngầm, xe hơi và máy bay không người lái. Nhưng với IoT không cần nhấn bất kỳ một nút điều khiển nào mà mọi chuyện sẽ diễn ra đơn giản và thuận lợi như ý muốn.


Ashton trình bày về khái niệm IoT: “Các computers hiện nay, và từ đó Internet, hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào thông tin mà con người mang đến cho chúng, qua việc đánh máy, nhấn nút, chụp hình hay scan một bar code. Vấn đề là mọi người bị hạn chế về thời gian, sự chú ý và nhận xét chính xác, có nghĩa là không hẳn đã cung cấp những dữ liệu về mọi vật và sinh hoạt. Cuộc sống cũng như môi trường là duy vật, chúng ta không thể ăn con số (bits), đốt nó để sưởi ấm hay cho vào bình xăng để chạy xe hơi. Tư tưởng và thông tin là quan trọng nhưng sự vật quan trọng hơn. Kỹ thuật thông tin ngày nay quá tùy thuộc vào dữ liệu do từ con người và computer biết về tư tưởng hơn là sự vật. Nếu computer biết được mọi thứ và xử lý dữ liệu mà không cần qua sự trợ giúp của chúng ta thì ngược lại sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều… IoT có tiềm năng biến chuyển hoàn toàn thế giới giống như Internet đã làm và có thể hơn thế nữa”.


Phóng viên CNN thuật lại trường hợp kiến trúc sư James Law ở Hong Kong. Mỗi sáng thức dậy, nhìn vào tấm gương có tên là ‘Cybertecture Mirror’, ông không chỉ thấy dung nhan mình mà còn có thể biết dự báo thời tiết, e-mail và huyết áp cùng nhịp tim của ông. Law giải thích: “Từ 25 năm qua, Internet đã làm thay đổi hết mọi thứ. Trong ngành xây dựng, Internet được dùng cho mọi việc nhưng chưa bắt kịp những vật như cửa, bàn ghế, gương”.


Công ty của Law là một trong nhiều cơ sở được chính quyền Trung Quốc tài trợ cho những dự án phát triển quan niệm ấy. Tấm gương trị giá $5,000 là sản phẩm kỹ thuật cao về trang bị nhà cửa do công ty này sản xuất cho Dubai. Law nói rằng: “Ðối với chúng tôi IoT không chỉ là dự án. Chúng tôi đã bất đầu đưa nó ra khỏi kiến trúc để làm ra những sản phẩm độc lập và cố đưa vào nó trình độ kỹ thuật nào mà chúng tôi có thể đạt tới”.


Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cho rằng trong cuộc chạy đua IoT, Trung Quốc phải ở hàng đầu. Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, ông gọi IoT là “một công nghệ chiến lược đang nổi lên” và Bắc Kinh đang đặt trọng tâm vào sự phát triển ngành kỹ thuật này.


Trung Quốc dự định sẽ đầu tư 5 tỷ nhân dân tệ ($800 triệu) cho công nghiệp IoT cho đầu năm 2015. Bộ Thông Tin và Kỹ Thuật ước lượng thị trường IoT Trung Quốc sẽ đạt tới 500 tỷ nhân dân tệ ($80.3 tỷ) năm 2015 và đến năm 2020 tăng lên gấp đôi.


Nhiều khu công nghệ cho các xí nghiệp quốc doanh đã được thành lập. Viện Kỹ Thuật IoT Thành Ðô, tỉnh Tứ Xuyên, đang phát triển một hệ thống y tế để cho dân chúng chỉ cần bước vào một phòng cỡ như trạm gọi điện thoại là được chẩn bệnh và ghi toa thuốc từ một bác sĩ ở một bệnh viện xa. Như thế người dân sẽ giảm bớt được tiền khám bệnh, toa thuốc được in ra tại chỗ để đi mua và có thể chọn bác sĩ khác nếu muốn cho lần sau, theo lời quảng cáo trên web site của chương trình này.


Kiến trúc sư Law còn nhìn thấy ba lợi điểm khác cho sự phát triển IoT ở Trung Quốc. Thứ nhất lúc này có khả năng hơn các nước khác trên thế giới để bỏ tiền đầu tư nghiên cứu. Thứ hai, Trung Quốc vẫn còn kiểm soát và ngăn chặn Internet cho nên sản phẩm này sẽ thuận lợi để điều hành, theo dõi, kiểm duyệt. Ông nói: “Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là Trung Quốc đã phát triển đến mức không còn là một thị trường lao động rẻ và như vậy phải là nơi đủ trình độ chế tạo ra những sản phẩm kỹ thuật cao thế hệ mai sau và đưa vào những Apple, Google tương lai”.


Cho đến nay công ty của Law đã bán được 500 tấm gương ‘Cybertecture Mirror’ và đang phát triển một chiếc ghế có khả năng nhận ra người ngồi và lập hồ sơ bệnh lý. Ông nói: “Trong viễn cảnh của nhà nước, có đủ mọi lợi ích thâu được ở lãnh vực IoT bởi vì Trung Quốc muốn quy định được thị trường hơn là đuổi theo nó”.


Nhưng nếu như tất cả mọi thiết bị thông minh đều có thể giao tiếp với nhau thông qua một mạng thông tin không có sự kiểm soát của con người thì cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho những xã hội chưa có tự do dân chủ và bảo đảm nhân quyền. (H.C.)

MỚI CẬP NHẬT