Thursday, March 28, 2024

Vì sao Mỹ trải qua khủng hoảng ngân sách và trần nợ?

Ðỗ Dzũng/Người Việt


Tối Thứ Tư vừa qua, hầu hết người dân Mỹ thở phào nhẹ nhõm, nhất là công chức liên bang, sau khi lưỡng viện Quốc Hội bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm cho tới ngày 15 Tháng Giêng, 2014 và nâng trần nợ lên đến ngày 7 Tháng Hai năm sau. Ngay lập tức, dự luật được Tổng Thống Barack Obama ký ban hành.

Ngày hôm sau, hàng trăm ngàn công chức liên bang được gọi trở lại làm việc.

Thế nhưng, từ giờ đến đầu năm tới, mọi người e ngại các chính trị gia lại có một trận “đấu đá” nhau nữa, có thể là dữ dội hơn, hoặc nhẹ nhàng hơn, hoặc giống như ba tuần vừa qua.









Khuôn mặt vui vẻ của Tổng Thống Barack Obama sau khi biết Quốc Hội thông qua ngân sách tối Thứ Tư. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)


Câu hỏi ở đây là tại sao chuyện ngân sách và trần nợ lại làm nước Mỹ lao đao như vậy?

Câu trả lời là luật nước Mỹ, dù hoàn hảo đến đâu, vẫn có những điều bất cập. Và các chính trị gia lợi dụng “kẽ hở” này để bắt bí với nhau khi cần.

Và chuyện này ngày càng được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tận dụng để có lợi cho đảng mình.



Ngân sách


Theo luật hiện hành, ngân sách nước Mỹ cung cấp tiền cho chính phủ liên bang chi tiêu, từ ngày 1 Tháng Mười mỗi năm cho đến 30 Tháng Chín năm sau, gọi là “tài khóa.” Vì ngân sách “choàng” qua hai năm, nên thường có con số hai năm đi kèm. Ví dụ, tài khóa hiện nay gọi là “tài khóa 2013-2014,” vì nó bắt đầu từ 1 Tháng Mười, 2013 và kết thúc vào ngày 30 Tháng Chín, 2014.

Nếu không có ngân sách, chính phủ phải đóng cửa. Ðó là điều tất nhiên.

Cũng theo luật, Quốc Hội (lập pháp) là nơi quyết định chi tiền cho ngân sách, nhưng phải được tổng thống (hành pháp) chấp thuận thì mới có giá trị.

Quốc Hội có Hạ Viện và Thượng Viện, nhưng ngân sách phải bắt đầu từ Hạ Viện, rồi sau đó chuyển qua Thượng Viện.

Nếu cả hai viện đều đồng ý với nhau, tức là Thượng Viện không điều chỉnh gì cả, thì đưa qua tổng thống, và nếu tổng thống đồng ý, thì ký thành luật, coi như xong ngân sách.

Tất cả phải hoàn tất trước 0 giờ ngày 1 Tháng Mười mỗi năm.

Nếu ngân sách do Hạ Viện thông qua, mà Thượng Viện không đồng ý, cơ quan này có thể điều chỉnh, rồi trả lại Hạ Viện để điều chỉnh cho phù hợp. Tiến trình này cứ thế qua lại giữa hai viện, cho tới khi thống nhất, bỏ phiếu thuận, ngân sách sẽ được chuyển qua tổng thống để ký thành luật.

Ngoài ra, trong tiến trình lập ngân sách, để giải quyết khác biệt, mỗi viện có thể cử ra một số người đại diện, cùng ngồi lại với nhau, để giải quyết, rồi đưa ngân sách sang Tòa Bạch Ốc.

Nếu không đồng ý, tổng thống không thể điều chỉnh ngân sách, mà phải phủ quyết toàn bộ, rồi trả lại Quốc Hội, để hai viện tiếp tục điều chỉnh, cho tới khi cả Hạ Viện, Thượng Viện, và Tòa Bạch Ốc đồng thuận với nhau.

Nếu Quốc Hội không đồng ý với Tòa Bạch Ốc, họ có quyền bác phủ quyết của tổng thống, nhưng phải hội đủ 2/3 số phiếu, một điều ít khi đạt được.

Nhưng tại sao ngân sách lại bắt đầu từ Hạ Viện, mà không phải là Thượng Viện?

Hiến Pháp quy định, vì toàn thể Hạ Viện được bầu hai năm một lần, trong khi chỉ có 1/3 Thượng Viện được bầu mỗi hai năm. Vì thế, Hạ Viện chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân nhiều hơn là Thượng Viện, nên ngân sách phải xuất phát từ Hạ Viện để người dân “dễ thở,” vì ngân sách có được là do tiền thu thuế của người dân.

Tuy nhiên, Hiến Pháp không bắt buộc phải có ngân sách, nhưng bắt buộc ngân sách phải xuất phát từ Quốc Hội.

Thành ra, Quốc Hội có thể cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động cả năm, vài tháng, hoặc từng tháng, miễn là chính phủ có hoạt động.

Ðây chính là điều mâu thuẫn mà các nhà lập quốc của Mỹ không mường tượng ra được cách đây hơn 230 năm!

Hiện nay, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số, nên có quyền quyết định đưa ngân sách ra. Còn Thượng Viện, do đảng Dân Chủ chiếm đa số, có quyền không chấp thuận ngân sách do Hạ Viện đưa ra.

Vì thế, đảng Cộng Hòa, mà chủ yếu là thành phần bảo thủ thuộc Tea Party, đã lợi dụng “kẽ hở” này để “bắt bí” Tổng Thống Barack Obama và đảng Dân Chủ phải hủy bỏ, hoặc trì hoãn thi hành, Ðạo Luật Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân (Affordable Care Act), hay còn gọi là “Obamacare,” đã được ký ban hành hồi năm 2010, và được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho là hợp hiến, thì họ mới thông qua dự luật ngân sách.

Tuy nhiên, Tổng Thống Obama, cũng thuộc đảng Dân Chủ, và Thượng Viện không chịu, lập luận rằng, Hạ Viện không có lý do gì để mang ngân sách quốc gia ra làm áp lực để hủy bỏ ột bộ luận hợp hiến.

Và cứ thế hai bên “đưa banh” qua lại cho tới khi bên nào mệt mỏi và chịu áp lực của dân chúng nhiều hơn thì đành phải chấp nhận đề nghị của bên kia.

Trong trường hợp năm nay, rõ ràng phía Cộng Hòa ở Hạ Viện đã bị thất bại, đành phải chấp nhận ngân sách của Dân Chủ, sau khi chính phủ liên bang bị đóng cửa 16 ngày.

Tuy nhiên, ngân sách này chỉ kéo dài 3 tháng rưỡi, từ 1 Tháng Mười, 2013 đến 15 Tháng Giêng, 2014, để bên Cộng Hòa “tái phối trí lực lượng” rồi tính tiếp.


Trần nợ


Bắt đầu từ năm 1917, Hoa Kỳ có luật giới hạn mức nợ quốc gia, “debt ceiling,” mà truyền thông Việt Nam thường gọi là “trần nợ” hoặc “nợ trần.”

Bộ Tài Chánh là cơ quan chịu trách nhiệm vay và trả nợ cùng với lãi nợ hàng năm. Khi món nợ quá lớn, tức là sắp “đụng trần,” cơ quan này phải báo cho Quốc Hội biết.

Sau đó, Quốc Hội sẽ quyết định có cho Bộ Tài Chánh vay thêm nữa không, hoặc vay bao nhiêu.

Hoa Kỳ chưa bao giờ phải đến mức vỡ nợ, tức là không vay được tiền để trả nợ, cho đến gần đây, nhất là sau hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan quá tốn kém.

Vì thế, những năm trở lại đây, Bộ Tài Chánh thường “báo động” vấn đề này trước để Quốc Hội chuẩn bị.

Ðiều đáng chú ý ở đây, trần nợ là một vấn đề riêng rẽ, không liên quan gì đến ngân sách, nhưng tiến trình cho phép vay nợ cũng giống y chang tiến trình duyệt ngân sách.

Năm nay, Bộ Tài Chánh báo cho Quốc Hội biết nợ sẽ đụng trần vào ngày 17 Tháng Mười, đúng ngay thời điểm hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang “đấu đá” với nhau về ngân sách.

Vì thế, nhóm Tea Party trong đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện cũng “kèm” trần nợ vào luôn, để gây sức ép bắt đảng Dân Chủ phải bỏ hoặc hoãn thi hành “Obamacare.”

Hồi năm 2011, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát cũng từng “gài” trần nợ vào việc thông qua ngân sách, đẩy kinh tế Hoa Kỳ đến bợ vực thẳm, làm S&P 500 hạ điểm tín dụng chính phủ. Chỉ đến phút chót, hai đảng mới đạt được thỏa thuận ngắn hạn, để Hoa Kỳ không bị vỡ nợ.

Biết trước điều này sẽ được phía Cộng Hòa sử dụng trở lại, lần này, ngay từ đầu, Tổng Thống Obama tuyên bố không nhân nhượng, nếu trần nợ lại được “kèm” vào ngân sách để gây sức ép lẫn nhau.

Ông Obama đã “cương tới bến” và liên tục đổ lỗi cho đảng Cộng Hòa.

Với 28% dân chúng ủng hộ, thấp nhất trong 21 năm qua, đảng Cộng Hòa đành chấp nhận thối lui tạm thời cho tới ngày 7 Tháng Hai năm tới, rồi tính tiếp.

Dân chúng Mỹ bây giờ đang lo ngại, nếu sau này đảng Dân Chủ nắm đa số Hạ Viện và đảng Cộng Hòa kiểm soát Thượng Viện và Tòa Bạch Ốc, liệu những chuyện này có lập lại.

Nếu còn sống đến ngày nay, các nhà lập quốc Hoa Kỳ chắc phải chào thua các hậu duệ của họ!

MỚI CẬP NHẬT