Thursday, March 28, 2024

Vladimir Putin, nhân vật của mùa Đông 2014

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Từ Syria đến Thế Vận Hội Sochi và bây giờ Crimea, Tổng Thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo chiếm vị trí hàng đầu trên thời sự quốc tế trong mùa Đông 2014 vừa chấm dứt vào ngày hôm qua 20 tháng 3.

Tổng Thống Vladimir Putin bày tỏ thái độ sau khi ký nghị định thu nhập Crimea tại điện Kremlin hôm Thứ Ba 18 tháng 3, 2014. (Hình: AP/Alexander Zemlianichenko)

Một số cơ quan truyền thông quốc tế gọi ông là “người của sự phục hận”. Dân Nga bằng lòng với sự chấm dứt chế độ Cộng Sản nhưng có thể nuối tiếc dĩ vãng oai hùng của một siêu cường quốc ngang hàng với Hoa Kỳ. Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã năm 1991, nước Nga lui xuống thành một nước  hạng nhì trong con mắt và cách đối xử của Tây Phương.

Những nước đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, từ các “chư hầu” Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania,… cho đến cả các nước Cộng Hòa Xô Viết cũ Latvia, Lithuania, Estoniavùng Baltic, tách rời khỏi Nga và đi vào quỹ đạo Tây Phương. Lãnh thổ Crimea, được giao choUkraine vì nước này từng được xem chỉ như là một phần của nước Nga. Bây giờ trở thành quốc gia độc lập, Ukraine cũng xa rời hẳn với Nga bằng việc muốn gia nhập NATO và Liên Âu. Tới mức đó, dễ hiểu là Nga phải có phản ứng.

Tổng Thống Putin là một con người phức tạp và  khó có thể hiểu hết tham vọng của ông,  nhưng chắc chắn ông ta biết khai thác thời cơ và hoàn cảnh thuận lợi như vậy cho các mục tiêu của mình. Ông bị những người đối lập trong nước và dư luận quốc tế chỉ trích phê phán về chính sách cai trị, về đường lối kinh tế, về tình trạng vi phạm nhân quyền. Nhưng ông lại được sự ủng hộ rộng rãi bằng cách vận dụng tinh thần dân tộc, không chỉ của những giới cực đoan mà có thể là đa số quần chúng Nga, chứng tỏ qua cuộc chiến tranh Chechnya, trong quan hệ với các nước cộng hòa Đông Âu và trong đường lối đối ngoại.

Vladimir Putin, 61 tuổi, sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 tại Leningrad; bà mẹ là công nhân và ông bố là  thủy thủ trong hạm đội tàu ngầm Liên Xô. Những hiểu biết cùng kinh nghiệm chính trị của ông có lẽ được phát triển qua quá trình là một sĩ quan KGB làm việc trong nước và ngoại quốc, đặc biệt là giai đoạn phối hợp với Stasi ở Đức  trong công tác do thám gián điệp.

Sự nghiệp chính trị Putin khởi đầu khi Liên Xô sụp đổ. Từ 1990, ông là một cố vấn quốc tế vụ cho Thị Trưởng thành phố Leningrad, sau đó đồi tên lại là St. Petersburg. Năm 1996 Thị Trưởng Anatoly Sobchak không tái đắc cử và Putin về Moscow làm việc, đến 1998 là một trong 3 Phó Thủ Tướng trong chính phủ của Tổng Thống Boris Yeltsin rồi trở thành Thủ Tướng.

Cuối năm 1999, Yeltsin bất ngờ từ chức Tổng Thống và theo Hiến Pháp Nga, Putin đảm nhiệm chức vụ quyền Thủ Tướng. Từ chỗ là một tên tuổi  ít ai biết đến trong cũng như ngoài nước, Vladimir Putin thành nhà lãnh đạo lâu dài nhất của nước Nga trong giai đoạn đầy phức tạp khó khăn khi bước vào thời kỳ xây dựng dân chủ. Ông liên tục nắm chính quyền 15 năm cho đến nay với hai nhiệm kỳ Tổng Thống đến khi hết quyền tái ứng cử giữ chức vụ Thủ Tướng, rồi sau đó trở lại đắc cử nhiệm kỳ thứ ba năm 2012.

Mặc dầu bị các phe phái đối lập chỉ trích mạnh mẽ và tố cáo bầu cử không ngay thẳng, nhưng nhiều quan sát viên quốc tế nhận định rằng tỷ lệ thắng phiếu 83% nhiệm kỳ đầu, 71% nhiệm kỳ 2 và 63% nhiệm kỳ 3 không phải là kết quả hoàn toàn giả tạo. Thực tế chính trị Nga cho thấy Putin rõ ràng vẫn có được sự ủng hộ của một khối cử tri đồng ý với chính sách kinh tế và chủ trương đề cao tinh thần dân tộc.

Có lẽ trong vụ khủng hoảng chính trị tại Ukraine và Crimea hiện nay, Tây Phương đã coi nhẹ tác động của tinh thần dân tộc Nga trải qua lịch sử. Không phải nước Nga chỉ mất vị trí siêu cường và bị xem thường sau khi Liên Xô sụp đổ, trải qua lịch sử từ thế kỷ thứ 18 đến nay, Nga luôn luôn bị chèn ép bởi các nước Tây Âu và Trung Âu, cô lập trong quan hệ, ngăn chặn đường phát triển ra các đại dương tới các khu vực trên thế giới. Chính sách của ông Putin là luôn luôn không quên mặc cảm yếu kém  ép của người dân Nga và tìm cách phát triển lòng tự hào dân tộc để dáp úng nguyện vọng của họ.

Tham gia Liên Âu không phải là cái đích nhắm tới của Nga. Nếu ngày nay quốc gia này không còn mang giấc mộng Đại Nga thì ít nhất cũng phải hình thành được một Liên Minh Âu-Á thì mói đáp ứng được mong mỏi vì trong đó Nga mới có thể có một vai trò xứng đáng. Từ lịch sử, các nước Tây Phương vẫn coi Nga “không hẳn là Âu Châu” và chưa bao giờ để cho Nga có một vị trí trong cộng đồng này. Đó là một trong những lý do đưa đến 40 năm Chiến Tranh Lạnh trên thế giới, do hoàn cảnh sau Thế Chiến II và do sự tranh đấu ý thức hệ chính trị Cộng Sản – Tự Do. Thực ra chiến tranh lạnh đã có từ lâu ở Âu Châu nếu hiểu theo nghĩa đối đầu Đông và Tây.

Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay có thể là khởi đầu cho một cuộc Chiến Tranh Lạnh thứ nhì.  Điều đó khó xảy ra vì thế giới bây giờ không còn có thể là những khu vực biệt lập ngăn cách bởi những Bức Màn Sắt hay Bức Tường Bá Linh. Quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới ở trong khung cảnh toàn cầu và không quốc gia nào có thể tự cô lập hay bị cô lập. Do đó,  dù muốn dù không mọi tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng và thỏa hiệp. Vả lại quan niệm quen thuộc rằng Tây Phương đã thắng Chiến Tranh Lạnh có lẽ không  chính xác lắm, và do đó đối xử với Nga như với bên thua cuộc là một sự sai lầm.

Crimea không chỉ quan trọng với Nga vể chiến lược. Và rõ ràng Nga không chủ động trong vụ khủng hoảng chính trị ở Ukraine rồi đưa tới vấn đề Crimea vừa qua.  Phản ứng của Nga ở Crimea chỉ là thể hiện ý chí không chấp nhận lui bước hơn  nữa.  Người ta có thể nghĩ là sau Crimea, Nga sẽ còn có những bước lấn tới khác, tuy nhiên có lẽ ông Putin hiểu rằng điều ấy không thể nào làm được. Ông sẽ không cố gắng tiến quá xa, nhưng cũng sẽ không thụt lui hơn một giới hạn nào đó. Nếu như ông Putin có lúc thành thật, thì điều này đã được ông nói đến trong bài phát biểu tại Quốc Hội Nga sau khi ký hiệp ước đưa Crimea trở lại làm lãnh thổ Nga. (HC)

MỚI CẬP NHẬT