TT Trump và vùng Châu Á-Thái Bình Dương: Ngoảnh mặt thờ ơ? (Phần 2)

Cổ-Lũy

(Tiếp theo kỳ trước)

Đầu năm 2017, khi cột báo này trở lại báo Người Việt người viết giới thiệu những nghiên cứu  năm trước của Giáo Sư Mark Beeson, chuyên gia về Châu Á và chính trị quốc tế, với chú trọng vào chính trị, kinh tế và an ninh vùng “Asia-Pacific/Châu Á-Thái Bình Dương.” Trước khi về viện Đại Học Western Australia, ông từng giảng dạy và làm khoa trưởng bang giao quốc tế ở một số đại học Anh, cùng làm việc tại trung tâm Nghiên Cứu Cao Đẳng, viện Đại Học Freiburg, Đức. Ông là tác giả 150 nghiên cứu và sách vở, sáng lập chuyên san Critical Studies of the Asia-Pacific. Ông đều đặn cho xuất bản những công trình nghiên cứu thẩm quyền và viết cho báo Asia Times về bang giao quốc tế và khu vực Asia-Pacific.

Năm 2016 ông đã đưa ra năm nghiên cứu về chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Công trình thứ sáu cuối năm đặt nhiều câu hỏi về bang giao Mỹ-Hoa và cố gắng đưa ra một số trả lời. Liên hệ giữa hai siêu cường thượng đỉnh (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa tràn ngập – và tham vọng bá chủ) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới; hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài riêng trường hợp Việt Nam.

Bài kỳ trước đưa ra những nét tổng quan của Giáo Sư Beeson về vùng Asia-Pacific và Hoa Kỳ trong thời điểm mới 2017 và tương lai. Người viết trình bày thêm về bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ đưa đến việc ông Donald Trump thắng cử bất ngờ và lên làm tổng thống. Cột báo xin trình bày công trình nghiên cứu mới nhất của ông năm nay, với những ý chính của tác giả, thêm những giải thích cần thiết và góp ý nhỏ bé của người viết. 

Định đề hình dạng mới của Asia-Pacific và Indo-Pacific

Ông Beeson mở đầu với khẳng định: giới nghiên cứu, học giả thường bận tâm với nhiều cách chúng ta định nghĩa những phần địa dư khác nhau trên thế giới. Đây có thể rất quan trọng; vùng đang nghiên cứu được gọi là vùng Châu Á-Thái Bình Dương/Asia-Pacific, Đông Á/East Asia, hoặc tên mới nhưng khá thông dụng và rộng lớn hơn: Indo-Pacific/vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo tự điển lớn Wikipedia trên mạng, “Indo-Pacific” được dùng đầu tiên bởi ông Gurpreet Khurana trên chuyên san chiến lược Strategic Analysis về triển vọng hợp tác giữa Ấn và Nhật  đầu năm 2007. Vùng này bao gồm khu biển chạy từ dọc duyên hải Đông Phi Châu và Tây Á, băng qua Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương và duyên hải Đông Á, nhìn sang Hoa Kỳ bên kia đại dương. Đây là “trọng tâm kinh tế và chiến lược thế giới”: hai phần ba dầu khí và một phần ba hàng hóa toàn cầu di chuyển qua vùng; gần 90%  dầu hỏa từ Trung Đông và Phi Châu băng qua Ấn Độ Dương tới Trung Quốc, Nhật và Đại Hàn.

Bảy tháng sau, trước Quốc Hội Ấn và trong tinh thần chiến lược Ấn-Nhật, Thủ Tướng Shinzo Abe nhắc lại kết hợp này như “giao lưu đầy năng động giữa hai đại dương của tự do và thịnh vượng” trong “một Á Châu rộng lớn hơn.” Quan niệm “Châu Á Rộng lớn hơn” cũng bao gồm Australia, một cường quốc vùng, trong thế chân vạc đương đầu với Bắc Kinh khi chính quyền Trump bỏ qua chiến lược “Chuyển trục/Pivot” về Châu Á của Tổng Thống Obama. Từ 2011 tên gọi này đã thành thông dụng trong giới nghiên cứu và chiến lược, với Hoa Kỳ sửa tên thành “Indo-Asia Pacific.”

Theo nhận xét của ông Beeson, những tên gọi có ý nghĩa khác nhau, không phải chỉ riêng cho những nhà làm địa đồ mà còn còn đi sâu hơn nữa; chúng cho thấy những định chế chính trị, kinh tế, an ninh và xã hội phát triển trong vùng, và nước nào đi hàng tiên phong dẫn đầu ở hai vùng hay nguyên cả Châu Á. Dựa vào đây cùng các dữ kiện khác, trong cuối bài kỳ trước người viết nhắc tới tham vọng cùng chiến lược lẫn hành động của Bắc Kinh trong vùng Indo-Pacific. Tiến trình phát triển này nằm trong bối cảnh chính quyền mới Donald Trump chọn lợi ngắn trước mắt (lo cho “nước Mỹ trước nhất/America first” nhằm giữ ủng hộ cần thiết của “nhóm trung kiên/base”) mà quên và tạo “khoảng trống quyền lực/power vacuum” trong vùng cho Trung Quốc trám vào.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, dù ở cách xa nửa vòng thế giới, Hoa Kỳ với sức mạnh vô địch về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa đã rõ rệt nắm lấy cái quyền “lãnh đạo từ xa/long-distance leadership” ở nguyên vùng Asia-Pacific. Đây là một trong những hình thức thực dân đế quốc “tế nhị” hơn theo khoa chính trị học/political science, nhưng sau thất bại đắt giá và đau đớn ở Việt Nam giới làm chính sách ngoại giao Mỹ đặt nhiều câu hỏi về việc tiếp nối chuyện “lãnh đạo từ xa” và “can thiệp.” Tuy nhiên, như đại siêu cường độc nhất Hoa Kỳ vẫn duy trì ảnh hưởng lớn qua những định chế nhắm “đồng hóa thế giới/American hegemony,” qua cái nhìn của nhiều nước ngoài nhất là Trung Quốc.

Nhiều người và nước trên thế giới khá quen thuộc với các định chế kinh tế và chiến lược như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế/International Monetary Fund (IMF, 1944), Ngân Hàng Thế Giới/World Bank (1944) và Tổ Chức Thương Vụ Thế Giới/World Trade Organization (WTO, 1995). Những tổ chức này, theo ông Beeson, “phản ánh một loạt những chính sách và chiến lược thắt chặt hơn hết với [quyền lợi] Mỹ. Ảnh hưởng liên tục của những giá trị tự do, dân chủ Mỹ là một lý do chính tại sao nhiều giới quan sát đã lên tiếng chỉ trích những hậu ý và hệ quả của những định chế tài chính này.” Qua các định chế Washington vẫn giữ vị thế đầy mạnh mẽ, khiến Bắc Kinh cũng gấp gáp tạo ra hai định chế tương tự (Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu và “Một Vòng Đai, Một Con Đường”) cho “vùng ảnh hưởng” của mình ở Indo-Pacific, Phi Châu, và về mặt lâu dài tiến tới Đại Tây Dương/Atlantic Ocean và Địa Trung Hải/Mediterranean Sea – vùng nguyên thủy và “cái nôi” của văn hóa và các đế quốc da trắng trấn át thế giới sáu thế kỷ vừa qua.

Nếu không là nạn nhân trực tiếp – để có thể nhìn đế quốc Tầu một cách tương đối “vô tư” như các học giả Tây Phương – ta có thể hiểu phần nào mối hận sâu đậm của người Tầu từ lâu nay: sao người da trắng dám “lộng hành” đi nửa vòng thế giới vào xâu xé “Trung Hoa” và vùng ảnh hưởng của Tầu hàng thế kỷ nay – mới nhất là người Mỹ? Ông Beeson cho thấy tầm mức ảnh hưởng lớn lao của chiến lược Mỹ trong vùng: sau Thế Chiến 2 (1945), chiến lược “trục-và-dẻ quạt/hub-and-spoke” với Washington làm cái trục tỏa rộng tới những dẻ quạt liên minh ở vùng Asia-Pacific. Những liên minh song phương cùng liên hệ chiến lược chặt chẽ  giữa Hoa Kỳ và những “bạn đồng sàng” Nhật, Đại Hàn, Australia và Phillipines đã đóng vai trò lớn với những căn cứ quân sự và nhân sự chiến lược. Ông Beeson tỏ ra thận trọng, không nói rõ đây là xấu hay tốt, nhưng xác nhận “hub-and-spoke” cho phép Washington thật sự ảnh hưởng vào tất cả những tiến triển trong vùng.

Vùng mà nay ta gọi là Đông Á, như một dự án vừa kinh tế lẫn chính trị, không thể thành hình khi Chiến Tranh Lạnh (ngay sau Thế Chiến 2) còn sôi nổi và Trung Quốc còn đứng trong thế thù nghịch. Sau đó thế giới thay đổi sâu xa; khi Trung Quốc được tham gia vào World Trade Organization năm 2001, nhiều người nghĩ rằng đây là chiến thắng vẻ vang của tư bản và tự do tiến bộ kiểu Mỹ, đánh bạt mọi chọn lựa khác. Nay, việc Trung Quốc bắt chước và đi lên hàng “kinh tế tư bản năng động nhất” (tuy không đưa đến tự do, dân chủ như sách vở Mỹ khẳng định) cũng cho thấy nhiều nhược điểm và nguy hiểm của khuôn mẫu kinh tế Mỹ.

Theo ông Beeson, thực tế cho thấy những điều đáng lưu ý: thị trường tiêu thụ thu hẹp và mức thất nghiệp lên cao trong giới lao động với kỹ năng thấp đe dọa chính quyền, như ở Trung Quốc (hàng trăm nghìn người mất việc đều đặn), và Hoa Kỳ (với việc ông Trump đắc cử và sau khi nhậm chức mà không có biện pháp làm giảm thất nghiệp cho giới ủng hộ ông). Câu hỏi là: Hoa Kỳ với ông Trump có chính sách gì đủ khả năng đương đầu với những khúc mắc của kinh tế toàn cầu đồng thời với những liên hệ chiến lược hiện nay? Đường lối Washington liên hệ với Asia-Pacific – “vùng với nền kinh tế và vị thế chiến lược hệ trọng nhất thế giới” – sẽ đưa ra một câu trả lời.

Một phụ nữ chết vì nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau bão Harvey