Friday, April 19, 2024

Địa Cầu nóng lạnh

Đầu tuần vừa qua, hầu hết 50 tiểu bang từ Tây sang Đông nước Mỹ đều có tuyết hay mưa đá ở một số nơi do trận bão mùa Đông Inga quét ngang. Đây là trận bão mùa Đông thứ tư trong mùa Đông năm nay ảnh hưởng đến miền Nam, những vùng hiếm khi có tuyết từ Texas qua Carolina và ngay cả Florida.

Tại Houston, nhiệt độ có khi xuống tới 25 độ F (-4 độ C), tạo nên nạn kẹt xe nặng nề vì một số đoạn xa lộ bị đóng băng.

Hôm Thứ Năm vừa qua, cơ quan khí tượng Liên Hiệp Quốc WMO, tập hợp các dữ kiện nghiên cứu của NASA, NOAA và Đại Học East Anglia – Anh Quốc, cho biết năm 2017 là năm nóng kỷ lục thứ ba sau các năm 2016 và 2015 dù không có El Nino, hiện tượng nước biển giữa Thái Bình Dương ấm lên và gây tác động tới bầu khí quyển.

Không nên lầm lẫn hai dữ kiện trái ngược nóng lạnh vừa nói về thời tiết và khí hậu. Thời tiết là tình trạng xảy ra chỉ trong thời gian rất ngắn còn khí hậu là tác động của khí quyển trong thời gian dài. Nói cách khác, khí hậu là trung bình của thời tiết trong một khoảng thời gian dài.

Cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, nhân lúc miền Đông nước Mỹ đang trải qua những ngày giá lạnh, Tổng Thống Donald Trump đã đánh  ra một tweet có ý châm biếm lý thuyết khoa học về khí hậu trái đất đang ấm dần và biện minh cho quyết định nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc năm 2015 ở Paris.

Giáo Sư Michael Oppenheimer trường Đại Học Princeton nhận định: “Không thể nào biết tổng thống nghĩ gì trong đầu, ông không hiểu thời tiết và khí hậu, hay cố tình làm cho mọi người lầm lẫn về thực tế khí hậu biến đổi. Cái lạnh đột ngột là thời tiết chứ không phải khí hậu và không liên quan gì tới chiều hướng lâu dài.”

Theo ông Trump thì chuyện khí hậu thay đổi  nằm trong âm mưu lừa gạt của Trung Quốc nhằm cản trở kỹ nghệ Mỹ phát triển và là gánh nặng tài chính của nước Mỹ vì phải đóng góp bất công hàng ngàn tỷ dollars cho quỹ khí hậu Liên Hiệp Quốc. Lập luận này cũng không xác đáng, vì thật ra chính quyền Tổng Thống Obama chỉ cam kết đóng $3 tỷ trong vòng 4 năm chứ không phải hàng ngàn tỷ. Trong khi đó thì Pháp, Đức, Anh, Nhật mỗi nước đóng từ $1 tỷ đến $1.5 tỷ và nhiều nước đang phát triển khác như Mexico, Chili, Indonesia cũng đều có phần đóng góp.

Các khoa học gia thời tiết dự đoán Trái Đất có thể ấm hơn trung bình từ 2 đến 7 độ F cuối thế kỷ này tùy theo mức gia tăng của lượng khí nhà kiếng (các loại khí thải trong đó chủ yếu là khí carbonic – C02). Điều ấy không có nghĩa là mùa Đông không còn nữa, sẽ vẫn có những ngày nhiệt độ xuống thấp tới kỷ lục, tuy nhiên sẽ ít hơn.

Một nghiên cứu năm 2009 nhận thấy nước Mỹ có số ngày nhiệt độ cao kỷ lục và thấp kỷ lục trong thập niên 1950 nhưng tới năm 2000, kỷ lục cao nhiều bằng hai lần kỷ lục thấp.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay cao hơn trung bình từ năm 1979 đến năm 2000 vào khoảng 0.9 độ F. Nhưng ngày Tổng Thống Trump phát đi tweet về thời tiết, một số nơi ở Mỹ lạnh từ 15 đến 30 độ F so với trung bình hàng năm. Trước Tổng Thống Trump, những chính trị gia không tin khí hậu biến đổi cũng đã từng nhân dịp thời tiết lạnh đột ngột để  bài bác lý thuyết khoa học đó. Một ngày Tháng Hai năm 2015, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa James Inhofe mang đến hội trường Quốc Hội một cục tuyết để nói rằng Trái Đất không ấm lên!

Bản thông cáo của cơ quan khí tượng Liên Hiệp Quốc WMO, ký tên ông Tổng Thư Ký Petteri Talaas, nói rằng trong số thiên tai thời tiết năm ngoái có các trận bão tố vùng biển Caribbean và Đông-Nam Hoa Kỳ, lớp băng Bắc Băng Dương ít nhất vào giữa mùa Đông và các rặng san hô vùng biển nhiệt đới bị tổn hại vì nước quá ấm. Đặc biệt đáng quan tâm là nhiệt độ Bắc Băng Dương ấm lên sẽ tác động mạnh và lâu dài tới mực nước biển trên các đại dương.

Theo ước lượng của Cơ Quan Khí Tượng và Hải Dương Quốc Gia (NOAA), các thiên tai liên quan đến thời tiết và khí hậu trong năm 2017 bao gồm bão Harvey, Maria, Irma và cháy rừng ở Mỹ đã gây tổn thất kỷ lục $306 tỷ.

Hiệp định khí hậu của Liên Hiệp Quốc ký kết tại Paris năm 2015 nhằm hạn chế mức khí thải bằng cách bớt sử dụng các loại năng lượng hầm mỏ như dầu lửa, than đá. Tổng Thống Donald Trump không tin là khí hậu biến đổi vì khí thải do con người, quyết định sẽ rút khỏi thỏa hiệp. Nếu tương lai quả thật khí hậu biến đổi đem đến những thiên tai nặng nề thì tổn thất tài chính sẽ cao gấp bội tiết kiệm.

Một nghiên cứu của trường Đại Học Princeton, N.J., phối hợp với các khoa học gia quốc tế nói rằng cái lạnh đột ngột ở Mỹ vừa qua không liên quan gì đến sự kiện khí hậu biến đổi. Thời tiết lạnh trong mùa Đông là hiện tượng bình thường mỗi năm ở Mỹ do làn sóng lạnh từ Bắc Cực tràn xuống.

Năm nay, tại một số nơi như Detroit, Buffalo, nhiệt độ thấp hơn trung bình tới hơn 20 độ F và một phần thác Niagara nước đóng thành băng. Đó là  hiện tượng rất hiếm, nhưng nhiệt độ trung bình mùa Đông trên toàn quốc lại ấm chứ không phải lạnh hơn. Tổng Thống Trump cho rằng điều ấy chứng tỏ Trái Đất không ấm lên. Còn cựu Phó Tổng Thống Al Gore gởi đi một tweet nói rằng cái lạnh đột ngột quá mức ấy chính là hậu quả của tình trạng khí hậu chuyển biến.

Các chuyên gia khí tượng cho rằng vì luồng Jet Stream hiện nay có vẻ yếu đi nên khí lạnh xuống sâu hơn tới các tiểu bang miền Nam từ Texas, Louisiana tới Georgia, Florida. Jet Stream là luồng không khí chuyển động thường trực từ Tây sang Đông trên tầng cao khí quyển ở miền vĩ độ cao. Từng thời gian, luồng Jet Stream đi gần lên phía Bắc hay xuống phía Nam có ảnh hưởng quan trọng đến thời tiết ở vùng ôn đới.

Giáo Sư Khoa Học Địa Cầu Gabriel Vecchi, Đại Học Princeton, nói là giới chuyên gia khí hậu không thống nhất ý kiến về vấn đề có phải mùa Đông lạnh hơn là do Địa Cầu đang ấm dần. Ông cho biết không tìm thấy bằng cớ liên quan giữa con người với thời tiết lạnh, nhưng không nghi ngờ rằng nhân loại có vai trò ảnh hưởng rộng rãi đến tình trạng Địa Cầu, và đây là vấn đề đáng nghiên cứu tìm hiểu thêm. (Hà Tường Cát)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT