Friday, March 29, 2024

Ấn Độ và ‘chiến dịch vệ sinh vĩ đại,’ làm 111 triệu cầu tiêu

Hà Tường Cát/Người Việt

Năm 2014, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đã làm dư luận quốc tế ngạc nhiên khi ông nói rằng mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là vệ sinh. Ngày 4 Tháng Mười, năm 2014, tại New Delhi,  ông chính thức tuyên bố phát động chiến dịch  làm sạch Ấn Độ, được gọi tên là “Swachh Bharat Abhiyaan” (SBA), với mục tiêu cải thiện tình trạng vệ sinh công cộng các cơ sở hạ tầng ở  thành phố và nông thôn.

Trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm với ngân khoản dự trù $30 tỷ của chiến dịch này, quan trọng nhất là công tác xây dựng 111 triệu cầu tiêu, gồm cả công cộng và tư gia trên toàn quốc. Trước kia phân nửa dân Ân Độ, khoảng hơn 500 triệu người, vẫn theo thói quen “đi đồng,” nghĩa là phóng uế ngoài nơi công cộng, đồng ruộng, bãi biển hay chỗ đất trống. Sự phóng uế ngoài trời là một trong những nguyên nhân lan truyền các mầm bệnh do ruồi nhặng mang từ phân người đến thực phẩm, gây các chứng bệnh đường ruột như tiêu chảy và trầm trọng hơn có thể là dịch  tả.

Tiến độ của dự án này được coi là rất khả quan. Qua 4 năm, chương trình xây cất cầu tiêu ở vùng nông thôn đã hoàn thành được 88% và dự trù kết thúc vào 2 Tháng Mười, năm 2019, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi.

Trong chiến dịch SBA, một số vùng nông thôn Ấn Độ đã đề ra khẩu hiệu “Không Có Nhà Vệ Sinh, Không Có Cô Dâu” để thúc đẩy phụ nữ từ chối kết hôn với người đàn ông không có nhà vệ sinh.

Một nhà vệ sinh ‘kiểu mới’ được xây dựng cho dân chúng tại Ấn Độ. (Hình: Getty Images)

Các gia đình nghèo có thu nhập dưới mức trung bình được trợ cấp 12,000 rupee ($170) để làm một cầu tiêu trong nhà. Trong điều kiện thiếu hệ thống ống cống thì kiểu nhà vệ sinh giữ phân người trong một cái hố dưới đất, hay hầm cầu, là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất. Những hố tiêu này thuộc loại không dội nước hoặc chỉ cần dội một đến ba lít nếu là loại hố xí dội nước. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới của Liên Hiệp Quốc (WHO) có 1.8 tỷ người trên thế giới sử dụng nhà vệ sinh có hố tiêu, hầu hết là ở các nước đang phát triển.

Theo tiêu chuẩn do WHO đưa ra các hố tiêu phải có nắp đậy và ánh sáng phải được ngăn không cho chiếu vào hố để giảm ruồi nhặng bay vào.  Khi hầm cầu đầy đến gần mặt trong vòng nửa thước, cần phải làm trống hoặc đào một hố mới và di dời hay dựng lại nhà vệ sinh tại chỗ khác. Thời gian này thay đổi từ một đến mười năm hay lâu hơn nữa tùy theo dung tích hầm cầu, mức ngấm nước của đất và số lần sử dụng. Việc lấy phân bùn từ những hố tiêu dội nước không đơn giản, thường phải sử dụng xe bồn rút hầm cầu thay vì bằng tay, có thể có nguy cơ về môi trường và sức khỏe nếu không được thực hiện đúng cách.

Một biến thể mới được dùng là nhà vệ sinh với 2 hố tiêu luân chuyển có hệ thống ống liên kết.  Công ty Nhật LIXIL đã cung cấp hàng trăm ngàn kiểu hố tiêu này với giá chỉ dưới $10 mỗi đơn vị. Lợi ích của hệ thống hai lỗ hố tiêu là chỉ cần làm trống hố thứ nhất khi hố thứ hai đã đầy, như thế có thời gian để cho cứt ở hố thứ nhất phân hủy hoàn toàn.

Bộ trưởng đặc trách SBA, ông Parameswaran Iyer, đã gây sự sửng sốt cho mọi người khi đích thân chứng minh điều này. Một ngày đầu Tháng Hai năm ngoái, ông Iyer cùng hơn một chục viên chức dùng xe bus đi từ Hyderabad đến làng Telangana. Ở đây, trước đông đảo viên chức, phóng viên và dân chúng, ông bước xuống một hố tiêu của một nhà vệ sinh 2 hố tiêu và tự tay xúc phân ra. Ông giải thích: “Sau một năm, cái này đã thành phân bón, tuyệt đối an toàn và vệ sinh để làm như vậy.”

Ông Iyer nói thêm: “Kiểu cầu tiêu này không những rẻ tiền, an toàn mà còn rất có lợi vì cho phân bón rất tốt để nông dân dùng trên đồng ruộng của họ. Chúng tôi sẽ  đề nghị chính phủ cổ vũ sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Loại nhà vệ sinh một lỗ tiêu tốn tiền thuốc khử trùng và không an toàn vì hầm cầu đầy chảy ra mạch ngầm gây ô nhiễm nguồn nước uống.”

Ông Parameswaran Iyer là chuyên gia về vệ sinh và nước uống của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), đã làm việc 13 năm ở nước ngoài tại Mỹ, Trung Quốc, Lebanon, Ai Cập, Việt Nam, trước khi ủng hộ chủ trương của Thủ Tướng Narendra Modi và trở về làm việc cho chiến dịch SBA.

SBA được tài trợ bằng ngân sách liên bang, tiểu bang, tín dụng của Ngân Hàng Thế Giới và hỗ trợ kỹ thuật của các công ty xí nghiệp. Là một chương trình xã hội và dân sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại, SBA có tác động sâu rộng đến sinh hoạt của hàng trăm triệu dân và nâng cao phẩm giá cho đất nước Ấn Độ.

Nhân viên vệ sinh lượm rác trên bãi biển Juhu thành phố Mumbai trong ngày kỷ niệm năm thứ ba, Tháng Mười, 2017, chiến dịch SBA (Swachh Bharat Abhiyan) làm sạch đất nước Ấn Độ. (Hình: Getty Images)

Theo Liên Hiệp Quốc, do điều kiện vệ sinh kém cỏi, mỗi năm Ấn Độ thiệt mất hơn $60 tỷ nghĩa là 6%, tổng sản lượng quốc dân (GDP). Vì vậy nếu kết quả là lấy lại được 6% tổn thất về GDP thì SBA sẽ là một đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Chiến dịch vệ sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại này cũng đem đến sự  gia tăng tiêu thụ nhiều loại sản phẩm. Theo cơ quan theo dõi thị trường toàn cầu Euromonitor International, tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng 81% và sản phẩm như giấy vệ sinh, thuốc tẩy uế tăng 48% nhờ chiến dịch này. Các tổ hợp công kỹ nghệ  và công ty đa quốc gia từ Tata Group Ấn Độ, cho tới Reckitt Benckiser Group plc ở Anh đều được hưởng lợi.

Hãng tin Bloomberg nói rằng diễn viên Akshay Kumar của kinh đô chiếu bóng Ấn Độ Bollywood nổi tiếng với bộ phim cổ vũ chiến dịch SBA mang tên “Toilet: Ek Prem Katha” nghĩa là “Nhà vệ sinh: Một chuyện tình” vừa được chọn làm đại sứ cho thương hiệu Harpic, hóa chất khử trùng cầu tiêu do Reckitt Benckiser sản xuất. Hãng này đã chiếm ngự thị trường vệ sinh ở Ấn Độ bằng sản phẩm tẩy uế Dettol với doanh số bán tăng 11% lên tới $105.7 triệu năm ngoái.

Phân bộ Ấn Độ của đại công ty đa quốc gia Unilever đi vào thị trường bằng một kiểu bột tẩy uế mới cùng nhiều loại thuốc khử mùi khác. Bà Sowmya Adijaru, phân tích gia của Euromonitor  ở Bengaluru, thành phố 10 triệu dân tiểu bang miền Tây-Nam Karnataka, nói rằng các công ty  tham gia mạnh mẽ vào việc khuyến khích dân chúng sử dụng nhà vệ sinh bằng các sản phẩm vệ sinh dùng trong nhà tốt hơn, tuy nhiên mức tiêu thụ hãy còn chậm so với tiêu chuẩn quốc tế. Theo giải thích của bà, tình trạng này do lúc đầu các công ty chú ý nhiều đến công tác chính quyền hơn là nhận ra ảnh hưởng xã hội  của chiến dịch SBA. Bà dự đoán mức tiêu thụ các vật dụng vệ sinh trong nhà sẽ tăng 11% mỗi năm cho tới năm 2022.

Ông Parameswaran Iyer nói là dự án Swachh Bharat nhằm dứt bỏ thói quen ‘đi đồng’ ngoài trời của dân Ấn Độ bằng chương trình xây dựng cầu tiêu đã có kết quả tốt đẹp. Thăm dò hàng năm của Cơ Quan Vệ Sinh Nông Thôn cho biết 93% dân chúng có thể dùng cầu tiêu đã vào nhà vệ sinh thay vì phóng uế ngoài trời.

Ông cho biết rút kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài như Việt Nam, các chiến dịch quần chúng như SBA cần phải có một chủ đề tuyên truyền gì để khởi động. Vì vậy SBA nói cho dân chúng biết rằng rằng ‘đại tiện ngoài trời là ăn cứt,’ vì ruồi nhặng từ đó đem tới thực phẩm.

Ông Iyer tin rằng “Swacch Bharat Abhiyaan” thành công không chỉ vào ngày 2 Tháng Mười, năm 2019, khi kết thúc 5 năm hoạt động, mà ở tác động lâu dài trên nhiều lãnh vực đến tương lai Ấn Độ. (Hà Tường Cát)

Mời độc giả xem phóng sự “Một góc khuất nơi Vịnh Cam Ranh”

MỚI CẬP NHẬT