Thursday, March 28, 2024

Khi tổng thống Mỹ gặp thủ tướng Ðức

Nguyễn Văn Khanh

NguyenVanKhanhNếu xem bản thông cáo báo chí được Tòa Bạch Ốc phổ biến từ trưa Thứ Tư (15 Tháng Ba 2017), cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Ðức Angela Merkel sẽ diễn ra bình thường như trăm ngàn cuộc gặp gỡ khác của các vị nguyên thủ quốc gia. Lịch trình sơ khởi cho thấy 10 giờ sáng Thứ Sáu (17 Tháng Ba 2017) Tổng Thống Trump tiếp bà Merkel ở Phòng Bầu Dục, 12 giờ cùng nhau ăn trưa để bàn luận tiếp, 1 giờ 30 gặp báo chí, tức chẳng khác gì lịch trình của những cuộc gặp gỡ đã diễn ra giữa tổng thống Hoa Kỳ với các vị thủ tướng Anh, Nhật Bản, Israel và Canada.

Chương trình làm việc giữa hai nhà lãnh đạo trông có vẻ nhẹ nhàng, nhưng không có gì đảm bảo mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ. Từ năm 2015, ông tỷ phú Trump đã lớn tiếng chỉ trích chính sách của bà Merkel, gọi bà thủ tướng Ðức là người “làm tan nát nước Ðức.” Ðến Tháng Giêng 2017 khi trả lời phỏng vấn của nhật báo Bild, vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ chẳng ngần ngại cho rằng bà Merkel “đã sai lầm kinh hoàng” khi quyết định mở cửa đón người tị nạn. Trong cuộc phỏng vấn đó – cũng như trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Times xuất bản ở London, ông Trump nhắc đi nhắc lại “sai lầm kinh hoàng của bà Merkel là đón tất cả những người nhập cảnh lậu, đón người bất kể từ đâu tới trong khi chẳng ai biết xuất xứ của họ như thế nào.”

Ðể đáp lại, Văn Phòng Thủ Tướng Ðức ra thông cáo cho hay “một lần nữa bà Merkel khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không cho phép chúng ta nhắm vào bất kỳ quốc gia nào hay nhắm vào những người thuộc tôn giáo nào,” ý muốn chê trách những lời tuyên bố ông Trump đưa ra từ lúc vận động tranh cử là sẽ có biện pháp cứng rắn đối với những nước Hồi Giáo và những người theo đạo Hồi, và những sắc lệnh về di trú mà Tổng Thống Trump ban hành ngay sau khi nhậm chức. Ngoài ra khi tiếp Tổng Thống Brack Obama lần cuối cùng khi ông ghé thăm Ðức, bà thủ tướng nước chủ nhà còn nói rằng “chia tay với ông (Obama) là điều tôi không hề muốn xảy ra,” ý muốn nói bà mất đi một người bạn có cùng chí hướng, phải sửa soạn làm việc với một người có thái độ lẫn lập trường chính trị khác hẳn với bà và với những nhà lãnh đạo các cường quốc khác.

Vì lý do đó, nên các viên chức trong chính quyền Ðức cho biết bà Merkel “sửa soạn rất kỹ lưỡng” trước khi lên máy bay sang Washington D.C. phó hội. Tin được tiết lộ từ Bonn cho hay “bà đọc tất cả những cuộc phỏng vấn ông Trump dành cho báo chí, xem tất cả những cuộc phỏng vấn ông dành cho các đài truyền hình,” đồng thời cùng với dàn cố vấn “phân tích cặn kẽ những điểm ông Trump đã trình bày khi đón thủ tướng Anh, Nhật Bản, Israel và Canada.” Giới ngoại giao Âu Châu đang làm việc tại Hoa Kỳ còn tiết lộ “bà Merkel chỉ thị cho nhân viên tham khảo ý kiến với những nước bạn, lắng nghe đề nghị của mọi người xem phải ứng xử với Tổng Thống Trump như thế nào.”

Bản tin của hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời một viên chức cao cấp trong chính phủ Ðức, cho hay “chúng tôi phải sửa soạn thật kỹ lưỡng những gì bà thủ tướng phải trình bày khi gặp Tổng Thống Trump tại Washington” vì “ông Trump không phải là người kiên nhẫn lắng nghe giải thích, ông chỉ muốn đi thẳng vào vấn đề, không muốn thảo luận sâu vào chi tiết của những điều cần bàn.” Viên chức này giải thích thêm “những gì chúng tôi phải sửa soạn trước khi gặp ông Trump là điêu bình thường,” đưa dẫn chứng “ngay chính Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng làm như vậy, trước khi sang Washington D.C., ông (Netanyahu) và dàn cố vấn tự đặt ra nhiều phương án khác nhau để đối phó với những tình huống không thể lường trước được.”

“Liệu bà Merkel và Tổng Thống Trump có trở thành những người bạn thân thiết với nhau hay không?,” ông Charles Kupchan, cố vấn đặc trách Châu Âu của Tổng Thống Obama nêu câu hỏi và tự trả lời “có lẽ họ khó có thể làm bạn với nhau.” Tuy nhiên, ông Kupchan cho rằng “thế chính trị và chiến lược đẩy họ tới chỗ phải làm việc với nhau.” Chiến lược gia Mich O’Neal từng làm việc với NATO cũng đồng quan điểm, cho rằng “cả Tổng Thống Trump lẫn bà Thủ Tướng Merkel đều hiểu là họ có trách nhiệm phải xóa bỏ những mâu thuẫn, vì quyền lợi của Hoa Kỳ và của Ðức quá lớn, quan hệ giữa Ðức và Mỹ ảnh hưởng đến an ninh, ổn định, cũng như phát triển kinh tế toàn cầu. Tranh chấp giữa 2 nước, bất kể dười hình thức nào, cũng là điều bất lợi không chỉ cho Mỹ hay Ðức, mà cho cả thế giới.”

Nhưng vẫn theo ông O’Neal, “hàn gắn bất đồng” không phải là điều dễ làm, “vì trước ngày gặp nhau lần đầu tiên, ông Trump và bà Merkel đã có những khác biệt về kinh tế lẫn chính trị.” “Nên nhớ,” ông O’Neal nói tiếp, “từ khi chưa làm tổng thống, ông Trump đã dọa sẽ đánh thuế cao vào những chiếc xe chế tạo ở Ðức nhưng bán tại Mỹ, ngoài ra ông còn chê trách Ðức và những nước khác trong khối NATO không chia sẻ trách nhiệm quân sự, đẩy Hoa Kỳ tới chỗ phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để lo bảo đảm an ninh cho Âu Châu.”

Một vấn đề khác nữa mà cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Ðức phải giải quyết là chuyện thâm thủng mậu dịch, hàng năm số hàng Ðức đưa vào Mỹ bán hơn lượng hàng Ðức mua của Mỹ tới 50 tỷ đôla. Ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Tổng Thống Trump chỉ trích Ðức lợi dụng giá đồng euro đang xuống (so với đồng đôla Mỹ) để đẩy hàng sang Hoa Kỳ, bất kể lời giải thích của bà Merkel và những người điều hành Bộ Kinh Tế và Bộ Thương Mại Ðức cho rằng “tỷ giá đồng euro được quyết định bởi Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu,” chứ không được quyết định bởi Ðức. Thứ Hai đầu tuần này, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của bà Merkel còn nói rằng “chúng tôi tin tưởng tự do mậu dịch sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho mọi quốc gia, chủ trương bảo hộ mậu dịch chẳng giúp gì cho những nỗ lực xây dựng kinh tế bền vững,” ý muốn nói tới chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” mà Tổng Thống Trump đang thực hiện.

Ngoài những điểm nêu trên, chuyện Tổng Thống Trump muốn thắt chặt quan hệ với Tổng Thống Nga Vladimir Putin “cũng là một lý do khiến ông (Trump) và bà Merkel khó có thể đến gần với nhau,” theo nhận xét của bà Michelle Tully, cựu viên chức của Hội Ðồng Ðối Ngoại Liên Hiệp Âu Châu. “Không ai có dịp gặp và thảo luận với ông Putin nhiều như bà Thủ Tướng Merkel, thái độ của bà với ông Putin là đừng quá vồn vã, vì ông ta không phải là người chúng ta có thể tin cậy được. Chính vì thế nên bà Merkel là người đầu tiên ủng hộ đề nghị cấm vận với Nga sau khi ông Putin đưa quân chiếm một phần lãnh thổ của Ukraine, nhưng đồng thời bà cũng là người tán thành ý kiến nên hợp tác rất chừng mực với ông Putin để giải quyết cuộc chiến Syria.” Bà Michelle Tully tiết lộ thêm “tôi được một số người làm việc với bà Merkel kể lại là bà chau mày khi nghe báo cáo rằng ông Trump ca ngợi ông Putin, bà bảo rằng hình như ông Trump quên ý đồ của ông Putin là muốn xé nhỏ Âu Châu để dễ bề thao túng.”

Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Bắc Hàn không phải sợ Mỹ

Như vậy, thế giới có thể chờ đợi những gì ở cuộc gặp gỡ vào sáng Thứ Sáu ở Tòa Bạch Ốc giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và bà Thủ Tướng Ðức Angela Merkel? Có lẽ nên nhắc lại câu trả lời của ông Charles Kupchan, cố vấn đặc trách Châu Âu của Tổng Thống Obama: “có lẽ họ khó có thể làm bạn với nhau” nhưng “thế chính trị và chiến lược buộc họ phải làm việc với nhau.”

MỚI CẬP NHẬT