Nhìn Từ Hoa Kỳ

Nhìn về Biển Đông

“Hè Về!” Bài hát của Hùng Lân nhắc tôi mùa Hè đã đến. Hè Houston, Texas, trời nóng như đổ lửa, thiếu những hàng cây phượng vỹ hai bên đường như Sài Gòn mùa Hè. Tôi rời thành phố máy lạnh lên thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi có những hàng cây xanh hai bên xa lộ và những cánh rừng với thời tiết mát mẻ.

Ngày 22 Tháng Sáu, tôi và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng đến CSIS dự buổi ra mắt sách của ký giả đài BBC Humphrey Hawksley “Asian Waters,” tạm dịch “Đường Biển Á Châu.” Cơ quan CSIS là trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế với những cố vấn nổi tiếng như Tiến Sĩ Henry Kissinger.

Giáo Sư Hùng đã có nhiều bài viết về Biển Đông. Năm 2011 trong hội thảo về Biển Đông ở Hà Nội, ông dạy khoa chính trị học Đại Học George Mason, Virginia, đã làm đại biểu Trung Quốc giận dữ qua bài phát biểu của ông.

Cuốn sách nghiên cứu của ký giả H. Hawksley dày 302 trang là cuốn sách đầy đủ tài liệu lịch sử về Thái Bình Dương và vùng Biển Đông đang dậy sóng. Chuyên về Đông Nam Á, ký giả có cặp mắt trung thực của một quan sát viên.

Đường biển luôn đóng vai trò trong lịch sử thế giới từ giao thương đến quân sự trong nhiều thế kỷ. Đại Dương chiếm 60% diện tích quả đất, giống như cơ thể con người, nuôi dưỡng nhân loại qua tài nguyên trong và dưới lòng đại dương. Thế kỷ 17, đế quốc Anh đã biết vai trò của đường biển qua lời dạy của Sir Water Raleigh năm 1614: “Quốc gia nào kiểm soát đường biển quốc gia đó sẽ kiểm soát và làm chủ thế giới.”

Ông H. Hawskley đã nhìn Thái Bình Dương và Á Châu trong một bình diện rộng lớn. Người Việt hay tự ví Việt Nam như một cô gái đẹp nên bị các cường quốc dòm ngó, trong khi Hawksley nhìn từ trên không xuống ví “Á Châu như một đĩa thức ăn với nhiều món ngon.”

Thế kỷ thứ 19, Âu Châu nhìn xuống. Thế kỷ 20 đến Nhật, sau đó thời chiến tranh lạnh là Hoa Kỳ và Xô Viết, cuối cùng chỉ còn Hoa Kỳ. Qua thế kỷ 21 Trung Quốc đến bàn tiệc với cung cách khác: “Ngồi đầu bàn tiệc với đặc tính Trung Quốc.” Hoa Kỳ có chủ đích rõ ràng, nhanh, vào bàn tiệc cắt thịt bò với dao và nĩa. Trung Quốc đủng đỉnh lựa món với đôi đũa. Trong hai người chủ tọa buổi tiệc đến lúc phải có một người rời bàn tiệc.”

Đường biển Á Châu là nơi tranh chấp với hàng hóa thương mại trao đổi hơn hàng ngàn tỷ đô la, thuyền chở dầu từ Trung Đông qua Ấn Độ Dương và Nam Hải. Biển Đông đổi tên tùy vai trò quốc gia có khi là Đông Hải, có khi là Nam Hải nơi chiến hạm Hoa Kỳ và Trung Quốc qua lại gần kề. Đường biển Á Châu là nơi đụng độ, các chính quyền vùng này không ai đồng ý ai làm chủ đảo hay đường biển. Trung Quốc cảnh cáo Nhật. Việt Nam thách đố Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan về chủ quyền các đảo với dầu nằm dưới các đá san hô. Bắc Kinh chơi trội bằng cách xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo vùng Nam Hải. Không quốc gia nào đồng ý với lịch sử và các bản đồ.

Chính sách quân sự mạnh đi theo nền kinh tế mạnh, oái oăm của lịch sử là sau 1975, Trung Quốc đã mạnh là nhờ chính sách kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ, chính sách của Nixon và Kissinger thời chiến tranh Việt Nam. Trong 5,000 năm lịch sử Trung Quốc, “con trời” vẫn giữ một thái độ không đổi, khi suy yếu như vào thế kỷ 19 bị Ngũ Quốc chia cắt “con rồng Trung Quốc” hèn, nằm ngủ, khi mạnh “Bá Quyền” nổi dậy xâm lăng các nước láng giềng. Cuối thế kỷ 20, chính sách “một vòng đai, một con đường” trên đất và dưới Biển Đông với 500 học viện Khổng Tử khắp thế giới là vũ khí xâm lăng của Cộng Sản Trung Quốc.

Nam Hải, Nam Thái Bình Dương, Đông Hải nay lại đổi tên Ấn Độ-Thái Bình Dương qua chính sách của Tổng Thống Donald Trump vào ngày 21 Tháng Tám, 2017. Ấn Độ hợp tác chính về kinh tế và an ninh với Hoa Kỳ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Chương đầu cuốn sách bắt đầu với câu chuyện của Jurrich Oson, ngư phủ tàu đánh cá Philippines. Tháng Hai, 2014, đang đánh cá vùng biển Bajo de Masinloc, thuyền anh bị trực thăng tuần tiễu của Trung Quốc tấn công bằng súng đại bác phun nước, thuyền chìm, anh suýt chết phải bỏ nghề đánh cá. “Nếu Mỹ ủng hộ, chúng ta nên đánh nhau với Trung Quốc” nhưng Hoa Kỳ không đến cứu và chiến tranh không xảy ra.

Cũng giống như ở Việt Nam, “bọn Trung Quốc đã cướp lợi tức và thực phẩm của chúng tôi, có khi tôi muốn tự sát.” Theo luật quốc tế, tàu Trung Quốc không được đến gần các đảo san hô gần Philippines nhưng năm 2012 tuần dương hạm Trung Quốc đã đến và sau đó là các chương trình xây cất trên các đảo Johnson, Mischief và Thomas – các tên được đặt từ thời thuộc địa.

“Từ 2013 đến 2018, Âu Châu yếu hơn vì Anh rời khối Âu Châu, đồng minh của Hoa Kỳ (Nhật, Phi, Nam Hàn, Đài Loan và Thái Lan) không đoàn kết. Tổng Thống Barack Obama tin vào sự hợp tác của Trung Quốc, vì vậy chương trình xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo của Trung Quốc thành công dù quân đội Hoa Kỳ có thể dẹp tan trong vòng một giờ.”

Ngũ Giác Đài đứng nhìn trong 10 năm. Năm 2013, một năm sau tranh chấp các quần đảo san hô, Tập Cận Bình loan báo “một vòng đai, một con đường” đi khắp thế giới từ Á sang Âu thực tế là chương trình bành trướng bá quyền Trung Quốc khác với chương trình hậu chiến Marshall của Hoa Kỳ, các quốc gia được giúp suốt đời không trả được, tài sản sẽ bị Trung Quốc tịch thu. Miến Điện đã đuổi Trung Quốc. Bốn năm sau, Tập Cận Bình cầm đầu hội nghị 29 quốc gia trong đó có các lãnh tụ độc tài như Putin (Nga), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) đối đầu với giá trị dân chủ Tây phương.

Ký giả H. Hawksley nhắc lại các chiến thuật cổ truyền của Trung Quốc từ thế kỷ XI trước Tây Lịch như Thái Công trong sách “Sáu Bí Mật Về Chiến Thuật” với cách thưởng phạt như “cà rốt và cây gậy” của Nixon hay “binh thư Tôn Tử” thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch “nghệ thuật chiến tranh cao là chinh phục kẻ thù mà không dùng đến quân sự.”

Năm 2016, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp nhưng được trả lời là Hoa Kỳ sẽ không tham dự cuộc chiến trên vùng đánh cá. Trung Quốc tăng gia sức ép, xây thêm các căn cứ quân sự, cuối cùng Duterte ngã về với Tập Cận Bình sau khi Tổng Thống Trump lên cầm quyền.

Ý tưởng bất ngờ và lý thú trong sách của H. Hawksley là Trung Quốc xây “Bức đại thành trên biển.” Chương trình xây cất các căn cứ quân sự trên Nam Hải là kết quả của chương trình từ thế kỷ thứ 7 trước Tây Lịch, giai đoạn đầu là xây Vạn Lý Trường Thành. Dưới mắt chính quyền Trung Quốc, đây là chính sách bảo vệ chứ không phải là xâm lăng.

Trong buổi ra mắt sách, Hawksley đã kể lại buổi đàm thoại với một viên chức Trung Quốc. Ông này đã bực bội nói: “Trung Quốc không bao giờ xâm lăng,” trong khi đó “Không giống như Hoa Kỳ gây chiến tranh khắp nơi trên thế giới.”

Chương 8 viết về Việt Nam là chương đáng đọc. Với tấm hình ngư dân Võ Văn Giàu bị lính Trung Quốc đánh bằng vồ vào mặt. Người Việt không thể nào quên thân phận dân nước nhược tiểu với chính quyền Cộng Sản “mạnh tay với dân, hèn yếu với kẻ thù.” H. Hawksley đã nhắc lại trận Hoàng Sa năm 1974 của Hải Quân VNCH (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói một câu để đời “Không nhường một tấc đất cho kẻ thù” dù VNCH lúc ấy đã bị cắt viện trợ).

Tác giả cũng nhắc đến trận đánh ở biên giới Việt-Trung năm 1979 và mối hận thù truyền kiếp giữa hai nước. Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ trên đảo Trường Sa năm 2014 nhắm vào đường biển 550 dặm về phía Tây và Nam của quần đảo mặc dù trong vòng 200 dặm là vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam. Công ty dầu quốc doanh Trung Quốc xây giàn khoan vĩ đại 9000 mét vuông bắt đầu cho khoan dầu. Đụng độ xảy ra giữa ngư dân và tàu tuần của cả hai phe. Dàn khoan sau đó bỏ trống, Trung Quốc nói là vì công việc đã hoàn tất. Tháng Bảy, 2017 công ty Repsol trúng thầu của Việt Nam nhưng ngưng sau vài ngày khoan vì bị Trung Quốc đe dọa. Bắc Kinh phải dạy Việt Nam một bài học. Chính quyền Việt Nam lúc đầu cho phép biểu tình chống Trung Quốc, đốt hãng xưởng, nhà máy. Nhưng sau biểu tình chống Trung Quốc thành biểu tình chống chính quyền độc đảng, và cuộc biểu tình năm 2014 đổ máu vì bị công an đàn áp.

Thiếu tiền, nhà cầm quyền Việt Nam phải cầu cứu kẻ cựu thù, trên thực tế là vì Hà Nội sợ dân chủ hóa. Tháng Giêng, 2017, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đến Bắc Kinh, một tuần sau đến lượt Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Bắc Kinh, ở sáu ngày, một thời gian dài khiến người dân liên tưởng đến chuyện thời Bắc thuộc vua phải qua Tàu triều cống.

Gần đây Việt Nam có nghiêng về chiến thuật Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhận vũ khí và huấn luyện của Ấn khiến Trung Quốc giận dữ. Năm 2012, Tập Cận Bình loan báo chương trình quân sự: “Chúng ta sẽ khai triển sáu hàng không mẫu hạm, tiềm thủy đĩnh, các tàu tuần trang bị hỏa tiễn chống chiến đấu cơ trong mỗi lục địa. Hoa Kỳ và Trung Quốc không muốn chiến tranh nhưng nếu Hoa Kỳ muốn loại chúng ta ra khỏi Trường Sa hay Nhật chiếm đảo Điếu Ngư, chiến tranh sẽ xảy ra.”

Hè năm 2017, Trung Quốc cảnh cáo nếu Hoa Kỳ tấn công Bắc Hàn, Trung Quốc sẽ bảo vệ đồng minh nhưng tình hình thay đổi với chính sách của Tổng Thống Trump chống toàn cầu hóa vì chính sách ấy “chuyển tài sản các nước giàu qua các nước đang phát triển.”

Năm 1992, Tổng Thống Bill Clinton nói: “Tất cả là kinh tế, đồ ngu!” Tập Cận Bình nay ủng hộ chính sách toàn cầu hóa, còn Tổng Thống Trump theo chính sách quốc gia cực đoan “Mỹ trên hết.”

Tháng Hai, 2017, Tập Cận Bình đã đưa ra hai điều: “Hướng dẫn cộng đồng thế giới xây dựng trật tự mới và giữ an ninh thế giới.” Tháng Năm, 2017, một lần nữa Tập Cận Bình nhấn mạnh “một vòng đai một con đường,” chính sách bá quyền đã xem thường phán quyết tòa án quốc tế Tháng Bảy, 2016, về Biển Đông.

Nay với chính sách bành trướng trên Biển Đông, tân chỉ huy trưởng vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Philip Davidson đã cảnh cáo: “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Nam Hải khi chiến tranh Hoa-Trung xảy ra.”

Bill Hayton đã dự đoán “các chiến đấu cơ sẽ được đưa đến Trường Sa trước giai đoạn quân sự hóa cuối cùng của Trung Quốc ở Biển Đông.” Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis chống chiến lược của Trung Quốc cảnh cáo: “Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả nếu không tôn trọng cộng đồng thế giới.” Lời cảnh cáo đã được Tập Cận Bình đáp lại ngày 27 Tháng Sáu, 2016: “Trung Quốc không nhượng một tấc đất.”

Cả hai chính quyền Obama và Trump đều thất bại trong việc ngăn chặn chính sách bá quyền Trung Quốc dù dưới thời Trump Hải quân đi trên vùng biển Thái Bình Dương nhiều hơn thời Obama (chính sách FONOPS) tự do lưu hành với chiến hạm và tuần dương hạm và không mời Trung Quốc tập trận chung với hải quân của 26 nước trong vùng (RIMPAC). Ngược lại Trung Quốc cũng biết dùng FONOPS để đuổi hai chiến hạm Hoa Kỳ.

Quan trọng nhất là RIMPAC và FONOPS không đem lại tự tin cho đồng minh Hoa Kỳ. RIMPAC và FONOPS chỉ bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Chính sách Trump không hơn Obama vì chú trọng đến Iran, Bắc Hàn và chiến tranh thương mại hơn là vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chính quyền Trump cũng chỉ đứng nhìn Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp.

Ngày 9 Tháng Năm, 2018, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrik đến Houston, ông nhắc lại chiến hạm USS Vinson đến thăm Đà Nẵng: “Sẽ có nhiều chiến hạm như USS Vinson và Hoa Kỳ không quên nhân quyền.” Những điều ông đại sứ nói xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. Những lời tuyên bố sau hội nghị của ông Trump đã khiến các quan sát viên nghĩ đến Hiệp Định Paris 1973 với mối lo chính sách Kissinger sẽ một lận nữa phản bội đồng minh và bỏ Biển Đông cho Trung Quốc. Hy vọng sau lời tuyên bố gần đây của Ngoại Trưởng Mike Pompeo: “Bắc Hàn vẫn còn là mối đe dọa lớn,” Hoa Kỳ sẽ có chính sách rõ ràng hơn.

Ngày 10 Tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người Việt trong nước đã biểu tình phản đối Luật An Ninh Mạng và dự luật Đặc Khu Kinh Tế, hậu quả của “một vòng đai, một con đường” của Trung Cộng. Một sự mỉa mai là sau Tháng Tư, 1975, những người Việt đói khổ cả hai miền phải bán tất cả những gì đang có để sống sót, để rồi 43 năm sau các đảng viên Cộng Sản tham nhũng cướp tất cả tài sản của dân để làm giàu nay lại bán nước để giàu thêm trong 99 năm!

Biển Đông! Tôi không bao giờ quên, hơn 40 năm trước, 42 ngày lênh đênh trên Biển Đông trong chuyến vượt biên. Thuyền đánh cá đến Pattani đã bị đuổi đi Malaysia, chính sách “cách ly” đuổi đàn bà và trẻ em lên một thuyền, đàn ông lên một thuyền khác, thuyền chở đàn bà và trẻ em bị chìm may mắn được cứu không ai chết.

Chúng tôi, những “di dân bất hợp pháp,” không được vào Thái Lan bị đuổi đến trại tị nạn Pulau Besar. Chính sách nhân đạo của Liên Hiệp Quốc rồi đến chính sách đoàn tụ gia đình của Tổng Thống Jimmy Carter đã giúp những người Việt tị nạn. Cộng Sản Việt Nam thời ấy tàn bạo hơn bọn buôn thuốc phiện Nam và Trung Mỹ và những người Mỹ quá khích thập niên 1970-1980 cũng đã nghi ngờ người Việt sẽ không thành người công dân Mỹ gương mẫu.

Sống trên đời, giàu hay nghèo, con người cần có một trái tim! (Việt Nguyên)

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Giải Trí

‘Ngọc Trong Tim’s Got Talent 2024’ long lanh sân khấu SBTN

Chương tình “Ngọc Trong Tim’s Got Talent 2024” thực hiện tại đài truyền hình SBTN…

10 mins ago
  • Hoa Kỳ

Nam California tuyết rơi dày, mưa lớn do bão dịp Lễ Phục Sinh

Bão sẽ làm tuyết rơi dày, mưa lớn và có thể sạt lở đất đá…

10 mins ago
  • Việt Nam

4 ngân hàng ngoại quốc phản đối Trương Mỹ Lan đòi bán tòa nhà Capital Place

Bốn ngân hàng ngoại quốc nói bị cáo Trương Mỹ Lan không có quyền bán…

10 mins ago
  • Việt Nam

Bắt Lê Viết Chữ, người kế nhiệm ghế bí thư Quảng Ngãi của Võ Văn Thưởng

Ông Lê Viết Chữ, cựu bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngãi, vừa bị bắt với…

10 mins ago
  • TỪ THỦ ĐÔ

Dân Chủ sẽ ‘cứu’ Mike Johnson để thông qua dự luật viện trợ Ukraine

Dân Chủ sẽ 'cứu' Mike Johnson để thông qua dự luật viện trợ Ukraine Đảng…

12 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Nhớ Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Nguyễn Đức Quang

Giao Chỉ/SGN Kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (27-3-2011) Vào cuối…

12 mins ago

This website uses cookies.