Tại sao các đảng Cộng Sản chưa bị giải thể?

Việt Nguyên

Chuyến đi qua các nước Âu Châu của Tổng Thống Donald Trump chấm dứt bằng cuộc gặp mặt với Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm 16 Tháng Bảy, 2018, đã cho thấy bộ mặt chính trị thế giới đang thay đổi, không còn giản dị, tự do, Cộng Sản và hậu Cộng Sản như thời Tổng Thống Ronald Reagan. Các nước dân chủ cũng thay đổi. Tổng Thống Putin độc tài kiểm soát Nga, Chủ Tịch Tập Cận Bình trên đường thành chủ tịch Trung Quốc muôn năm. Ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Hungary và Philippines nền dân chủ trên đường thoái hóa thành chế độ độc tài.

Thổ Nhĩ Kỳ với Tổng Thống Erdogan đã khiến Âu Châu cảnh giác vì những thủ đoạn chính trị không khác gì thời Đức Quốc Xã: giam cầm, bắt bớ đối lập chính trị, chỉ trích tự do ngôn luận, xem tất cả các tiếng nói đối lập là “kẻ thù của quốc gia,” “kẻ thù của nhân dân,” kiểm soát quốc hội, không còn có sự cân bằng giữa hành pháp và lập pháp.

Tổng Thống Donald Trump với các thủ đoạn chính trị mua bán khi đương đầu với Canada và Âu Châu, đã làm thế giới giật mình nghĩ đến Hitler. Đức Quốc Xã dùng chữ “báo chí nói láo” (Lugenpresse) khi đề cập đến nền truyền thông. Tổng Thống Trump xem giới truyền thông báo chí là “Bọn loan tin vịt” (Fake news) và nói: “Bọn chúng không phải là kẻ thù của tôi mà là kẻ thù của dân chúng Hoa Kỳ” không khác nào các chính quyền Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam khi nói đến giới truyền thông đối lập luôn luôn gọi: “Kẻ thù của nhân dân.”

Các tờ báo lớn Washington Post và New York Times là kẻ thù cần phải được loại bỏ ra Twitter khi 70 triệu chương mục Twitter đã bị loại. Chính quyền Trump xem thường khoa học nhất là về môi sinh (Bộ Trưởng Scott Pruitt bị bãi nhiệm nhưng tân bộ trưởng không có lập trường tốt hơn), chính quyền Trump không có các cố vấn khoa học đầy đủ như các chính quyền tiền nhiệm (ông Trump không tin vào khoa học và các khoa học gia cũng không tin ông). Đức Quốc Xã thời 1940 không tin vào khoa học nhất là khoa học Do Thái “của nhà bác học Einstein” chỉ tin vào tinh thần khoa học của giới bình dân (Volk) (Tổng Thống Trump chỉ tin vào thiên tai, không có vấn đề nhân tai). Dân Hoa Kỳ cũng chưa từng thấy các thủ đoạn đã được Tổng Thống Trump dùng trong chế độ dân chủ có trên 200 năm: đòi rút giấy phép các đài truyền hình, báo chí, nhốt đối lập chính trị, gọi những người chỉ trích là lưu manh, xem thường quyền của FBI và Bộ Tư Pháp.

Hơn các thế kỷ trước Tổng Thống James Madison đã cảnh cáo: “Lương tâm không còn trong chính quyền sao?” lương tâm cần thiết để kiểm soát các nhà độc tài, lương tri nằm trong đầu của mỗi người. Lương tri con người bị đàn áp trong các chế độ Cộng Sản Đông Âu bùng lên sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ năm 1991. Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam vẫn nghĩ kiểm soát truyền thông, kiểm soát báo chí cùng những chiến thuật mới với kỹ thuật mạng lưới dùng “robot,” “blot,” “dư luận viên” dùng các “tin vịt” là có thể lung lay lương tri của người dân. Luật an ninh mạng là thử thách cho những người dân Việt còn lương tri biết đâu là lẽ phải.

Giải thể đảng Cộng sản là phương pháp duy nhất để đem lại dân chủ tự do. Bài học Đông Âu sau khi các chế độ Cộng Sản sụp đổ là một bài học lịch sử nhưng các chế độ Cộng Sản còn lại, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba vẫn còn đứng vững một phần vì những biện pháp đàn áp của bộ máy tàn bạo của chế độ Cộng Sản một phần vì thế giới bước qua giai đoạn mới, quyền lợi và tiền bạc đứng trên tư duy.

Nhà văn Ba Lan Witold Szablowski đã viết cuốn sách với những chuyện thật trong các xã hội hậu Cộng Sản và Cộng Sản “Các Con Gấu Nhảy Múa:” “Các chuyện thật về những người dân còn luyến tiếc đời sống dưới chế độ độc tài.” Ông Szablowski đã đi du lịch qua các nước chư hầu Xô Viết, chúng ta gọi là các nước hậu Cộng Sản còn ông gọi nhẹ nhàng hơn “những vùng đất thay đổi chế độ” bắt đầu là Cuba, (hơi không đúng vì Cuba chưa đổi chế độ Cộng Sản) ông mướn xe hay đề nghị cho các người Cuba đi quá giang từ nông dân, lính, cảnh sát, bác sĩ, y tá, linh mục và trẻ em đi đến trường.

Nhà độc tài Fidel Castro đang hấp hối, chế độ Cộng Sản có thể thay đổi nhưng vẫn còn nhiều người yêu Fidel. Một bà Cuba da đen có học, thông minh vẫn tin là Fidel Castro đã giải phóng Cuba thoát ách nô lệ Hoa Kỳ: (Bộ máy tuyên truyền của Castro không thua gì Cộng Sản Hà Nội!) “Nhờ chủ tịch, chúng tôi là quốc gia cuối cùng không còn bị Hoa Kỳ cầm dây dắt. Chúng tôi có nền giáo dục mạnh và y tế tốt không ai chết đói ở đây. Chỉ cần nhìn vào Dominica hay Haiti, họ đói vì vẫn còn bị Hoa Kỳ cầm dây xích!” Những người khác đợi ngày Fidel Castro chết, chế độ thay đổi nhưng vẫn không tin vào tự do sau Fidel. “Chế độ Cộng Sản hiển nhiên thất bại nhưng họ không thể đưa chế độ tư bản vào trong một đêm giống như những người đang chết đói bổng nhiên được ăn 5 cái bánh Hamburger một lúc, bao tử của họ không thể tiêu hóa được.”

Hàng triệu đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc đã biết chế độ Cộng Sản sai lầm, tin tức khó bị che đậy, mạng lưới thông tin đã đưa tin tức cập nhật nhưng họ đã nhìn thấy hàng triệu đảng viên các đảng Cộng Sản Đông Âu và Nga mất việc làm ổn định và hưu bổng, một trong những lý do che mờ lương tri khiến họ không trả thẻ đảng. Xã hội hậu Cộng Sản Xô Viết và Đông Âu đã cho thấy công xã, hãng xưởng, hầm mỏ phải đóng cửa, công nhân, nông dân thất nghiệp, đảng viên mất tiền hưu bổng. Công nhân nhờ tự do chạy qua các nước ngoài làm thợ giặt, nhặt trái cây, thợ hàn, thợ ống nước, tài xế taxi hay sống trên đường phố…

Ông Szablowski gặp phản ứng chung của các nông dân làm trong các nông xã: Không ai còn muốn làm vườn làm ruộng sau nhiều thập niên bị chính quyền Cộng Sản ép buộc, họ không còn nghị lực để làm việc cho chính họ. Giống như những con trâu cày bị quất bằng roi khi con trâu được thả ra chúng không còn sức và không còn muốn cày. Một bà người Ukraine 60 tuổi tên Chermak tâm sự với ông Szablowski: khi nông xã ở làng đóng cửa chồng bà được cho hai mẫu rưỡi đất nhưng ông không cảm thấy còn muốn làm ruộng vườn chỉ muốn uống rượu! Không may là cả nước Ukraine cũng giống gia đình tôi, hoặc đi nước ngoài làm việc chăm chỉ hoặc ở lại làng, ngồi dưới gốc cây lê cầm gậy đập mạnh vào cây hy vọng trái lê sẽ rụng xuống.” Câu chuyện có vẽ khôi hài nhưng có thật của xã hội hậu Cộng Sản (không khác nào Việt Nam!).

Hồn ma Cộng Sản không biết mất hẳn ở các nước hậu Cộng Sản Đông Âu. Ở Gori, Georgia quê hương của Stalin, ông Szablowski đến viếng viện bảo tàng Stalin nơi đây giữ lại tất cả vinh quang tàn tích của chế độ Xô Viết như một đền thờ. Một nữ nhân viên làm việc ở đây đã bày tỏ ý kiến: “Khi tôi còn học trường cao đẳng tôi được dạy Stalin là nhà lãnh đạo xuất chúng, nay chế độ thay đổi tôi dạy sinh viên Stalin là tên độc tài, kẻ tội đồ gây nhiều tội ác. Tôi không nghĩ là đúng, chính sách tái định cư là để dân sống trong hòa bình, tàn sát đã xảy ra không vì chính sách mà vì trùm mật vụ Beria. Nạn đói ở Ukraine? Đó là vì thiên tai,” ý kiến của cô đã khiến người viết nghĩ đến những bào chữa của Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc về những tội ác cải cách ruộng đất, Mậu Thân và Thiên An Môn. Ông Hồ và ông Mao hoàn toàn vô tội, lãnh đạo anh minh, tất cả là vì cán bộ thi hành sai lầm chính sách!

Nhớ lại thời Xô Viết, bà bày tỏ tiếp: “Dân chúng đã mất trí. Hãy nhớ lại thời liên bang Xô Viết, ai cũng có việc làm. Trẻ con đi học miễn phí.”

Nhớ lại chế độ Cộng Sản ngu xuẩn, ông Szablowski nghĩ là thời trước quan hệ giữa người dân tốt hơn bây giờ, khi không có điện thoại thông minh, dân có nhiều giờ nói chuyện với nhau bạn bè thăm nhau nhiều hơn (ở điểm này ông đã lầm lẫn giữa thời đại truyền thông kỹ thuật và thời Cộng Sản, trong xã hội Cộng Sản con người luôn luôn nghi ngờ nhau và có nhiều thì giờ để báo cáo hơn là thăm viếng!). Điểm này của ông Szablowski cho thấy những người đã sống dưới chế độ Cộng Sản lại nuối tiếc quá khứ, sống trong mộng, vật chất thiếu thốn sống chung đụng trong những cư xá chật hẹp, ở nơi làm việc công nhân không sản xuất luôn luôn bên tai phải nghe những lời tuyên truyền của cán bộ với chính sách vô sản không có giờ nghe nhạc! Con người chỉ nhớ những kỷ niệm tốt!

Hệ thống tư bản, nhất là ở Nga sau 1991, hậu Cộng Sản Đông Âu và Trung Quốc, không phải là tư bản thật. Tư hữu hóa hãng xưởng vào tay một nhóm quyền lực, một bọn độc quyền từ tài chính đến quyền lực vì vậy công nhân đã nhớ thời Xô Viết. Không thất nghiệp, có tiền để dành, có tiền hưu, y tế bảo đảm, giáo dục miễn phí. Điều nguy hiểm là nỗi tiếc nuối chế độ gia tăng trong các thành phần trẻ tuổi sinh sau thời Xô Viết sụp đổ. Thống kê năm 2016 cho thấy 27% thanh niên 18 đến 24 tuổi và 85% người trên 65 tuổi đã cho sự sụp đổ của Xô Viết là một sai lầm (không khác gì đảng viên Cộng Sản Việt Nam sợ mất quyền lợi đảng). Nuối tiếc chế độ Xô Viết hiện ra mọi nơi trong nước Nga của Putin từ chương trình truyền hình, ca nhạc, quần áo, nhãn hiệu rượu, kẹo bánh, đồ chơi, trẻ em… Giản dị là nhiều người không thích ứng với xã hội mới, họ giống những con gấu ở vùng Tây Nam Bảo Gia Lợi. (gấu là biểu tượng của Nga, Rồng là biểu tượng của Trung Quốc).

Những con gấu nhảy múa được Witold Szablowski ví với người dân sống trong xã hội Cộng Sản. Công viên gấu nhảy múa ở Âu Châu là nơi nuôi gấu lớn nhất sau khi gấu được cứu từ những thợ săn, ở thành phố Belitsa trên rặng núi Rita vùng Tây Nam Bảo Gia Lợi, công viên là nơi du khách thăm viếng nhiều nhất. Công viên được hội săn sóc súc vật Four Paws (Bốn móng) quản lý từ năm 1990 sau khi các chế độ Cộng Sản sụp đổ. Hội hy vọng là những con gấu này cũng sẽ hưởng được tự do như những người dân sau chế độ Cộng Sản!

Từ nhiều thế kỷ, các gấu con bị bắt từ gấu mẹ, được nuôi và huấn luyện, dạy gấu nhảy với dây xỏ mũi, bắt gấu nhảy trên tấm kim loại nóng bỏng. Chủ gấu đánh gấu bể răng. Gấu được nhảy và làm trò xiếc, bắt chước các diễn viên nổi tiếng được người nuôi đấm bóp bù lại khổ hình gấu phải chịu. Dân trong làng thích xem gấu nhảy, một giải trí hiếm ở các làng không có đài truyền hình hay các phương tiện giải trí khác.

Gấu được dạy những phong tục tập quán của con người, sống như người với bánh mì trắng, uống rượu, làm việc quanh năm ngay cả mùa đông là mùa gấu ngủ. Gấu dần dần mất bản năng thiên nhiên, quên ngủ mùa Đông, quên khả năng đi săn, đi tìm đồ ăn, khả năng quyến rũ gấu khác phái, gấu quên cả cách di chuyển tự do chỉ đợi xích xiềng dẫn dắt! Hội súc vật Four Paws khám phá ra là các con gấu và thú vật từ trước đến nay không biết tự do là gì thì không dễ dạy sống tự do. Trong sách Witold Szablowski đã ví những con gấu vùng Belitsa được giải phóng giống như dân Đông Âu đã sống quá lâu dưới chế độ Cộng Sản.

Những người nuôi gấu học được bài học: “Những con gấu được giải thoát về nuôi phải được tự do từ từ, sau vài ngày ở trong động nhân tạo gấu sẽ quen dần, trước hết là gỡ dây ở lỗ mũi, sau vài ngày gấu được ở trong vườn có hàng rào ngăn cách với các con gấu khác. Các gấu mới đến dần dần ngửi được mùi các gấu khác, nhìn thấy bạn, ăn gần bạn nhưng không được tiếp cận mật thiết, bản tính thiên nhiên trở lại, gấu từ từ đi săn mồi và ngủ trong mùa Đông.” Bị giam cầm lâu, gấu có tâm trạng của người tù, khi thấy người chúng sẽ đứng lên nhảy múa. Khi được thả về rừng, gấu thiếu khả năng sống còn hoặc là chết vì lạnh hoặc bị con gấu khác tấn công, gấu phải lục thùng rác tìm thức ăn và bị người bắn chết.

Các ông bà chủ của các con gấu bị bắt làm xiếc, nhớ gấu và cảm thấy mình không làm lỗi gì (giống cán bộ Cộng Sản). Họ cảm thấy là họ đã yêu gấu và xem gấu như người trong gia đình!

Chính nhà văn Szablowski và ký giả Bulgary Krasimir Krumov ở Warsaw, Ba Lan, cũng có cảm tưởng như mấy con gấu khi các nước Đông Âu thoát vòng Cộng Sản: “Chúng tôi có cảm tưởng như sống trong phòng thí nghiệm. Kể từ giai đoạn chuyển tiếp từ xã hội chủ nghĩa qua dân chủ bắt đầu ở Ba Lan năm 1989, đời sống chúng tôi trở thành dự án nghiên cứu tự do. Tự do là gì, xử dụng tự do đã có được như thế nào và cái giá phải trả cho tự do? Chúng tôi học được là những con người tự do biết tự lo cho chính mình, cho xã hội, cho tương lai, ăn uống, ngủ… còn chính quyền xã hội chủ nghĩa luôn luôn dòm ngó vào đời sống riêng tư của người dân từ giường ngủ cho tới bữa ăn.”

Giải thể chế độ Cộng Sản, tiếng kêu gọi của những người có lương tri đang đụng phải bức tường chủ nghĩa quốc gia quá khích. Ở Việt Nam và Trung Quốc, chủ thuyết Khổng Tử bị Tâp Cận Bình xuyên tạc qua các viện Khổng Tử, Tập Cận Bình chỉ hô hào “Trị Quốc, Bình Thiên Hạ” “trên Vua dưới Tôi” để giữ chế độ độc tài trong đó con người là nô lệ. “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” và “Thượng Bất Chính, Hạ Tất Loạn” những lời dạy đúng này của ngài bị bỏ qua. Tội nghiệp Khổng Tử! (Việt Nguyên)