Tổng Thống Trump khập khiễng tới Châu Á?

Cổ-Lũy

Đầu Tháng Mười Một, Tổng Thống Donald Trump bắt đầu chuyến Á du cần thiết, nhưng hơi trễ dù đã vào thời khóa biểu trước.

Chuyến đi lại xem ra hơi thiếu sửa soạn vì từ lâu ông từng công khai cho biết không bận tâm mấy về vùng này, và bỏ ngay chính sách “Chuyển trục về Châu Á/Pivot” và “Hiệp Định Mậu Dích Xuyên Thái Bình Dương/TPP” mà Tổng Thống Barack Obama đã thực hiện nhằm chống lại Trung Quốc bành trướng thế lực trong vùng và xa hơn. Ông cũng tới Châu Á vào thời điểm rất bất lợi cho mình và Hoa Kỳ.

Nguyên trong Tháng Mười, nhiều chuyện không hay và nguy hiểm dồn dập xảy đến với ông Trump; những hệ quả từ đây có thể đe dọa trực tiếp tương lai chính trị của ông và Hoa Kỳ. Về mặt luật Hiến Pháp không thôi: Trước hết là vụ kiện hai ngày sau khi ông nhậm chức buộc tội tổng thống lạm dụng chức vụ lấy phúc lợi cho mình (“Foreign-emoluments Clause” cấm công chức nhận phúc lợi từ chính quyền nước ngoài mà không có chấp thuận của Quốc Hội) bởi vì một số chuyên gia về Hiến Pháp với mục tiêu bãi nhiệm ông Trump ngay, hoặc ngăn ngừa ông dùng chức vụ để hỗ trợ cho làm lợi riêng cho mình. Vụ kiện này đã đi tới giai đoạn phân xử trước tòa.

Thứ hai, một dân biểu Texas đã khởi tố bãi nhiệm ông ở Hạ Viện; thứ ba, một tỷ phú California với tham vọng chính trị bỏ 10 triệu dùng truyền hình tố cáo và kêu gọi dân chúng cùng Quốc Hội dẹp bỏ ông như “mối nguy rõ rệt và cận kề/clear and present danger” cho đất nước; đã tới một triệu rưỡi người ký vào thỉnh nguyện. Đồng thời phong trào ngoài và trong Quốc Hội đòi xem xét “capacity/khả năng, tư cách” để làm tổng thống, rồi đi đến quyết định thay thế ông (theo “Tu Chính Án Thứ 25/Twenty-fifth Amendment”) cũng lên cao.

Hai nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker, hiện là chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao và từng không chịu làm ngoại trưởng với ông Trump, và Jeff Flake công khai tố cáo ông đẩy đất nước xuống mức hạ cấp (“debase”). Kỷ niệm một năm đắc cử, thống kê cho thấy trung bình mỗi ngày ông nói sai, nói láo, hoặc bị chứng minh là dối trá không dưới năm lần. Một số bổ nhiệm chức vụ cấp tổng trưởng và thấp hơn bởi tổng thống bị chống đối quyết liệt về “capacity” khiến ông Trump phải rút lại.

Cao điểm nổ bùng Thứ Hai cuối tháng với “báo cáo” đầu tiên của “Special Counsel/Công Tố Viên Đặc Nhiệm” (mà ông Trump vẫn đánh vần sai là “Council/Hội Đồng,” dùng để chỉ một nhóm hoặc định chế) Robert S. Mueller III, người được cử điều tra những tội ác liên quan đến các nhân vật quan trọng trong mặt trận tranh cử của ông cùng những đi lại, liên hệ chòng chéo bất hợp pháp với chính quyền Nga Vladimir Putin giúp ông Trump đắc cử. Cáo trạng sơ khởi cho thấy những buộc tội vững chắc và nặng nề tới mức có thể đưa đến việc Quốc Hội bãi nhiệm tổng thống (“impeachment” hay “đàn hạch;” dù chữ này đã có từ trước 1975 nhưng nghe ra quá “Tàu hóa tiếng Việt,” người viết không quen dùng).

Trong khi đó ở trời Á, qua đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc thứ 19, ông Tập Cận Bình đã thành công lớn trong việc thu tóm và củng cố quyền lực, chính thức đưa mình lên gần hàng “Lãnh Tụ Tối Cao/Paramount Leader” kiểu Bắc Hàn, không những trong nhiệm kỳ mới mà còn lâu dài (không kém “Paramount Leader” Mao Trạch Đông trước đây) trên đường thực hiện “Giấc Mơ Tàu/Chinese Dream” bá chủ hoàn cầu với ủng hộ rộng rãi của dân chúng. 

“Special Counsel”: Mối đe dọa lớn cho ông Trump

Sau khoảng nửa năm điều tra, chiều Thứ Hai tuần trước, “Special Counsel” Robert Mueller, một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến từng bị thương nặng ở Việt Nam và nguyên giám đốc FBI hai đời tổng thống, đưa ra những buộc tội ba nhân vật quan trọng đầu tiên trong mặt trận tranh cử của ông Trump.

Ba người này bị xem là có dính dáng, liên hệ chặt chẽ với chính quyền Vladimir Putin – cũng đã bị giới tình báo Mỹ chính thức xem là nhẩy vào kỳ bầu cử 2016 với mục tiêu lũng đoạn tiến trình dân chủ Mỹ, triệt hạ đối thủ Hillary Clinton, và giúp ông Trump lên làm tổng thống. Chính quyền Putin từ lâu đã mang tiếng trực tiếp can thiệp vào những bầu cử ở Đông và Tây Âu.

Giới luật gia, tình báo, và truyền thông chuyên nghiệp đã lưu ý về phương cách điều tra của FBI dưới quyền ông Mueller và nhóm luật sư cự phách được tuyển chọn kỹ lưỡng dựa trên kiến thức và kinh nghiệm về các tội ác tinh vi và có tổ chức của “dân thầy có học/white collar” (so với “dân thợ/bue collar”) quốc tế, nhất là dính dáng tới Nga và các nước chư hầu cũ. Theo phương cách này, các bị cáo dễ buộc tội nhất bị áp lực nặng nề ngay từ đầu để phải hợp tác và cung cấp những tin tức, bằng chứng cần thiết đưa đến lật mặt và buộc tội những nhân vật chính.

Theo nhật báo uy tín miền Tây và toàn quốc Los Angeles Times, chuyên gia luật tội ác quốc tế Jens David Ohlin thuộc viện Đại Học Cornell lừng danh cho biết: “Có lẽ sẽ có nhiều đợt buộc tội như trên cho đến khi điều tra đi đến gốc rễ tội ác.” Báo này cũng xác nhận ông Mueller sẽ “tưởng thưởng” những nghi can chịu hợp tác; kẻ không hợp tác sẽ nhận “búa tạ” – cả hai đều “khuyến khích” những nghi can khác “mở miệng” hay trong nghề gọi là “hát/sing.”

Nói cách khác ông Mueller, một công tố viên thuộc đảng Cộng Hòa có tiếng nghiêm túc, vô tư, ráo riết và vô cùng kín đáo, sẽ đi từ nhiều vòng ngoài, trước khi soắn tới trung tâm: gia đình và Tổng Thống Trump. Ông cũng sẽ đi tới những nhân vật Dân Chủ chuyên làm lóp-bi cho người nước ngoài, như Nga và cựu chư hầu Ukraine.

Những nhân vật “vòng ngoài” dễ bị buộc tội (như “khai man/gian” trước FBI) sẽ được cho nhẹ tội theo đúng luật pháp để đổi lấy những tin tức, bằng cớ, tài liệu về những người hay đồng lõa khác – nếu không sẽ nhận “búa tạ” vào tù theo kiểu “củ cà rốt hay cái roi.” Một trong hai “cố vấn ngoại giao” (trong số năm người thời tranh cử) mà ông Trump còn nhớ tên là ông George Papadopoulos, tên thấy là gốc Hy Lạp và ở tuổi 30, đã nằm đúng vào vai trò “vòng ngoài” này.

Cố vấn “hót như khướu”

Cho tới khi ra tòa chiều Thứ Hai lộng gió ở thủ đô Washington, DC, không ai mảy may ngờ là ông Papadopoulos nằm trong danh sách nghi can vì ông Mueller rất kín đáo. Nhưng trước đó, qua mắt FBI ông Papadopoulos là điển hình một “chân dung/profile” của những “phụ tá” giúp ông Trump liên hệ, hợp tác với Nga tìm cách ảnh hưởng vào bầu cử ở Hoa Kỳ năm qua.

Ông này được FBI khai thác, rồi đề nghị hợp tác để được giảm tội (“plea bargain”), đến độ được xem như một “proactive cooperator/người hợp tác tích cực” – theo ngôn ngữ “trong nghề” an ninh, tình báo đây là loại cộng tác viên bằng lòng đeo máy ghi âm để thu lén những nhân vật khác lấy bằng chứng.

Dĩ nhiên từ Tháng Bảy đến nay ông đã thu được nhiều tin tức và bằng chứng từ những nhân vật đã không hề nghi ngờ ông và nay đang nhấp nhỏm như ngồi trên lửa bỏng. Ông Papadopoulos nhận tội “khai man” trước đây để được tội nhẹ (chịu án sáu tháng tù, nhưng có thể chỉ vài tuần trong tù) và bắt đầu “hát.”

Theo báo chí, ông là một chuyên gia hay học giả về nhiên liệu thuộc viện nghiên cứu bảo thủ khá danh tiếng miền Đông, Hudson Institute; ông từng làm cố vấn cho ứng viên tổng thống Ben Carson. Khi giới thiệu để ông vào làm “cố vấn chính sách ngoại giao” ông Trump nói ông là người “tuyệt hảo/excellent,” dựa vào giới thiệu của ông Sam Clovis – ông này cũng làm cho ứng viên Rick Perry rồi được phong chức đồng chủ tịch mặt trận tranh cử Trump (dù chỉ là một người làm “talk show/tán gẫu” trên truyền hình ở Iowa; ông vừa “tự ý” rút tên khỏi chức vụ Tổng Trưởng Canh Nông ông Trump cho ông dù không một kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn).

Với chức vị mới ông Papadopoulos đột nhiên được nhiều người tự nhận có liên hệ với chính quyền Putin vồ vập, đáng kể là ông Joseph Mifsud, giám đốc trường ngoại giao London Academy of Diplomacy (Anh) mà ông gặp ở Ý giữa Tháng Ba, 2016. Ông Mifsud khoe có nhiều liên hệ với viên chức Nga. Mười ngày sau ở London, hai người gặp lại, với ông Mifsud mang theo một phụ nữ tự nhận là cháu ông Putin; cuối ngày ông Papadopoulos gửi điện thư cho những phụ tá thân cận với ông Trump cho biết ba người đã bàn bạc móc nối viên chức Nga với mặt trận tranh cử Trump.

Truyền hình cho thấy cuối Tháng Ba, 2016, trong Trump International Hotel ở thủ đô, khi ngồi cùng bàn cách ông Trump bốn ghế, và Nghị Sĩ Jeff Sessions (người cao cấp nhất ủng hộ ông Trump từ đầu; nay là tổng trưởng Tư Pháp) ở một đầu bàn cùng chín nhân vật thân tín khác, ông khoe có nhiều liên hệ với viên chức Nga cao cấp có thể dàn xếp một gặp mặt giữa ứng viên Trump và Tổng Thống Vladimir Putin.

Ông Trump rất vui vẻ nắm ngay lấy cơ hội, nhưng ông Sessions lại e dè khuyến cáo không làm việc này. Đây có vẻ tốt cho ông Trump và Sessions; tuy nhiên, hệ quả tức khắc từ việc này là ông Sessions (phần chắc đã bị Special Counsel điều tra), từng ba lần ra trước các ủy ban Quốc Hội nói dối rằng ông không hề biết bàn thảo nào về liên hệ với Nga trong tranh cử. Vô số lần ông Trump cũng phủ nhận những nỗ lực liên hệ với Nga khi tranhh cử.

(Kỳ tới: Những người cận kề ông Trump nhất ra tòa)