Friday, April 19, 2024

TT Trump và vùng Châu Á-Thái Bình Dương: Ngoảnh mặt thờ ơ? (Phần 1)

Cổ-Lũy

Đầu năm 2017, khi cột báo này trở lại báo Người Việt, người viết giới thiệu những nghiên cứu  năm trước của Giáo Sư Mark Beeson, chuyên gia về Châu Á và chính trị quốc tế, với chú trọng vào chính trị, kinh tế và an ninh vùng “Asia-Pacific/Châu Á-Thái Bình Dương.” Trước khi về viện Đại Học Western Australia, ông từng giảng dạy và làm khoa trưởng bang giao quốc tế ở một số đại học Anh, cùng làm việc tại trung tâm Nghiên Cứu Cao Đẳng, viện Đại Học Freiburg, Đức. Ông là tác giả 150 nghiên cứu và sách vở, sáng lập chuyên san Critical Studies of the Asia-Pacific. Gần đây ông đã xuất bản sáu công trình nghiên cứu thẩm quyền và viết cho báo Asia Times về bang giao quốc tế và khu vực Asia-Pacific.

Năm 2016 ông đã đưa ra năm nghiên cứu về chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Công trình thứ sáu cuối năm đặt nhiều câu hỏi về bang giao Mỹ-Hoa và cố gắng đưa ra một số trả lời. Liên hệ giữa hai siêu cường thượng đỉnh (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa tràn ngập – và tham vọng bá chủ) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới; hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài riêng trường hợp Việt Nam.

Cột báo xin trình bày công trình nghiên cứu mới nhất của ông năm nay, với những ý chính của tác giả, thêm những giải thích cần thiết và góp ý nhỏ bé của người viết. 

Những nét tổng quát

Ông Beeson mở đầu với cái nhìn về những điểm nay đã là kiến thức phổ thông về Tổng Thống Donald Trump: như nhiều người đi trước, ông Trump tranh cử với hứa hẹn đặt quyền lợi quốc gia trước hết; khác với họ, ông mang theo khẩu hiệu thời tranh cử “America first/Nước Mỹ trước hết” vào tòa Bạch Ốc. Khẩu hiệu này như có ma lực lôi cuốn nhóm “base/ủng hộ trung kiên” của ông, gồm những người da trắng lớn tuổi hoặc trung niên, vùng thôn quê, bình dân, không bằng cấp đại học, thiếu hiểu biết, thêm kỳ thị chủng tộc. Hiện ở mức 24%  cử tri, ông phóng đại nhóm “base” lên thành “silent majority/đa số thầm lặng” – theo chữ của Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon trước khi bị bãi nhiệm năm 1974 vì xì-căng-đan Watergate.

Cái nhìn khác theo khoa “xã hội học chính trị/political sociology” đi xa hơn. Cách đây hơn 60 năm, với học vấn trung học hoặc thấp hơn, giới thuộc “silent majority” có thể kiếm việc dễ dàng, đi làm cần cù rồi gia nhập tầng lớp trung lưu Mỹ. Theo lý tưởng “tư bản Mỹ” (“good worker and good consumer/công nhân làm việc giỏi rồi tiêu thụ giỏi” không suy nghĩ gì mấy, và ích lợi cho phát triển kinh tế), họ sống trong xã hội dồn dập tiêu thụ vật chất nhưng tương đối giản dị, và tinh thần thoải mái với những giá trị da trắng (WASP: White, Anglo-Saxon, Protestant) trung lưu. Họ sống trong môi trường an toàn với người da mầu (nhất là da đen) và phụ nữ dù bị ngược đãi, bóc lột và kỳ thị vẫn ngoan ngoãn “biết vị trí mình,” không đòi hỏi công bằng, tự do và dân chủ – những điều Washington rao giảng khắp thế giới trong cuộc chiến ý thức hệ dài và đẫm máu nửa sau thế kỷ 20, khi Hoa Kỳ thành đế quốc giầu mạnh nhất.

Thập niên 1960 và sau này, với thay đổi văn hóa lớn trong xã hội, những thức tỉnh và tranh đấu bình đẳng “dân quyền/civil rights” của người thiểu số (da mầu và phụ nữ) và cuộc chiến Việt Nam chia rẽ gia đình, thế hệ gộp lại như phá đổ trật tự “thời hoàng kim 1950” sau Thế Chiến II (1939-1945). Những người này, không hội nhập nổi với thay đổi và thấy như “bị bỏ quên” bởi chính quyền, đâm ra bi quan và “bất mãn” với những nhóm thiểu số (nhất là tổng thống da đen đầu tiên Barack Obama), người di cư cả hợp lẫn không hợp pháp (như mọi đế quốc da trắng khác, Hoa Kỳ không thể tránh việc dân da mầu đến định cư và mang theo văn hóa từ các nước trong quỹ đạo đô hộ của mình). Nặng nề hơn là đe dọa về mặt kinh tế, với những hệ quả từ “globalization/toàn cầu hóa kinh tế và chính trị” – mà vì không thể tham gia vào, họ chỉ thấy mặt tiêu cực như “cạnh tranh không ngưng nghỉ, mức sống đi xuống và ước vọng thu hẹp.”

Mặt trận tranh cử Trump đưa ra khẩu hiệu ngược dòng lịch sử “Make America Great Again/Trở Lại Thời Hoàng Kim” lôi cuốn người da trắng bị “bỏ quên” (“forgotten men and forgotten women,” chữ của ông Trump; nhưng “Make America Great Again” là chữ của tổng thống thần tượng Cộng Hòa Ronald Reagan, gần bị bãi nhiệm năm 1987 vì xì-căng-đan Iran-Contra) qua các “tín hiệu hiểu ngầm với nhau/dog whistle,” “tuýt/tweet” và “tập hợp xách động/rally” hướng nội và bài ngoại, đầy phẫn nộ, chia rẽ, và nhiều khi bạo hành. Lịch sử cho thấy tiền lệ trong những tuyên truyền và “rally” kiểu độc tài phát-xít Adolf Hitler (Đức), Benito Mussolini (Ý) và “Thống Chế/Generalissimo” Franco (Tây Ban Nha) đưa đến Thế Chiến II tàn phá Châu Âu, rồi Hoa Kỳ dựa vào đây lên hàng bá chủ trong trật tự thế giới mới.

Nhìn theo hai hướng trên ông Beeson đã khẳng định đúng: Chính những thành phần này đưa ông Trump vào tòa Bạch Ốc – và cũng không mấy ngạc nhiên khi đám “base” kỳ thị tìm thấy một “đồng minh” hay “người bạn” ở đây. Tuy nhiên, khi giương cao ngọn cờ kỳ thị và tinh thần quốc gia chật hẹp, thử thách lớn cho tổng thống là làm sao thực hiện những khẩu hiệu nặng mặt xách động tuyên truyền nhưng sơ sài về chính sách rõ ràng và kế hoạch để tiến hành. Ông Trump huênh hoang xem mình như “kẻ đứng ngoài/outsider” chính trị với “khả năng độc nhất/unique ability” nhận diện và giải quyết những vấn đề “bị bỏ bê” từ trước. Ông Beeson đặt câu hỏi: ông có thể vừa giữ lời hứa sửa đổi “sai lầm ghê gớm” về cai trị trong nước và ngoại thương của những người đi trước, đồng thời bỏ qua những mục tiêu trong chiến lược lớn của chính quyền Obama trong “Chuyển trục về Châu Á/Pivot” chăng? Câu trả lời sau tám tháng đầu của chính quyền Trump có lẽ là phủ định. Càng “tweet” và “rally” với cái “silent majority” không có thật, ông Trump càng tránh đối diện với những vấn đề ông không nhận ra và không thay đổi nổi. Trong bối cảnh “power vacuum/lỗ trống quyền lực” ở vùng này Bắc Kinh xúc tiến việc đi lên như cái thế lực thật sự đe dọa vùng Asia-Pacific, và xa hơn nữa như mở căn cứ đầu tiên ở Ethiopia và ve vãn Sri Lanka/Tích Lan – hai nước trấn giữ Ấn Độ Dương/Indian Ocean với đường dầu khí huyết mạch và kênh Suez đi vào Địa Trung Hải/Mediterranean Sea nguyên nam Châu Âu và Bắc Phi, ra Đại Tây Dương/Atlantic Ocean. Đây chưa kể chiến lược “Một vòng đai, Một con đường/One belt, One road” Tây tiến trên đường bộ.

Tám tháng qua ông Trump không giữ được một lời hứa mà đám “base” ước vọng, nhưng họ vẫn  không hoặc chưa vỡ mộng chút nào. Mới đây, cây bút tiêu biểu cho đa số Cộng Hòa bảo thủ truyền thống và ôn hòa (Establishment Republican) ông Jonah Goldberg đưa ra nhận xét: ông Trump “không hiểu biết mấy nhưng lại hưởng lợi rất nhiều từ những người chỉ nhìn thấy cái gì họ muốn thấy.” Hai tuần qua ông bỏ quên giới Establishment Republican và “đi đêm” với phe Dân Chủ trong Quốc Hội về giữ hoặc tăng mức chính quyền có thể “vay mượn/debt limit” cho những chi tiêu trong nước. Theo “tín điều” Cộng Hòa và nhất là “base” của ông Trump, đây là chuyện không thể chấp nhận được (vì vay thì phải lệ thuộc, và yếu về kinh tế, nhất là chủ nợ lớn lại là Tầu). Đa số giới truyền thông ủng hộ và ca ngợi hành động “lưỡng đảng hợp tác đề huề/bi-partisanship” này. Ông Trump một mặt thóa mạ giới truyền thông (gọi họ là “fake news media/truyền thông tin vịt,” vừa lòng đám “base”) một mặt vui vẻ, mừng rỡ vì đây có lẽ là lần đầu tiên giới “fake news” thân thiện với ông (ngược ý đám “base”). Điều này cho thấy ông Trump “yếu đuối” và “mâu thuẫn” với chính mình (ông chỉ thóa mạ “fake news” khi họ không khen ông) và người ủng hộ; nhưng đám “base” lại hồ hởi xem đây như bằng chứng ông “thắng lớn/win bigly” như ông vẫn huênh hoang – nhất là khi họ ghét cay đắng giới lãnh đạo Establishment Republican “nhơ bẩn chuộng globalization” và “cố tình hủy hoại thắng cử 2016.” Và họ muốn ông Trump “win bigly” nữa!

Chính quyền TT Trump đơn giản thủ tục xuất cảng vũ khí

Ông Beeson nhận xét, tuy những vấn đề tiêu cực nội bộ ảnh hưởng nhiều vào thành công và tuổi thọ của chính quyền Trump, có thể nói đây không quan trọng bằng đấu trường ngoài nước, “nơi mà những chính sách từ Washington tiếp tục ảnh hưởng – với cả xấu lẫn tốt – vào cả thế giới. Và không đâu bằng vùng Asia-Pacific, nơi gồm những điểm nóng chiến lược sẵn sàng nổ bùng, những thế lực kinh tế hàng đầu, cùng một đối thủ ngang ngửa và hung hăng của Hoa Kỳ dưới  dạng Cộng Hòa Nhân Dân Tầu.”

Ông Beeson kết luận, “Dĩ nhiên những ràng buộc phức tạp, đa dạng, chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và vùng Asia-Pacific sẽ uốn nắn chính sách ngoại giao và nội trị của các nước then chốt trong vùng… Dù không thuộc Đông Á – tuy nhỏ hơn nhưng hiện là trọng tâm của những sinh động kinh tế lẫn đe dọa chiến lược nguyên vùng Asia-Pacific-Hoa Kỳ tiếp tục ảnh hưởng vào những tiến hóa ở đây. Triển vọng hòa bình và phồn thịnh đều thành hình từ những hành động bởi Washington, ngay cả khi những hành động này có vẻ xuất phát từ những động lực nội bộ. Mặt khác, nguyên vùng này cũng có thể ảnh hưởng ngược vào Hoa Kỳ, với kế hoạch rõ rệt hoặc qua những tình cờ ngẫu nhiên.”

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT