‘Vietnam War’

Bùi Bích Hà

Chiến tranh Việt Nam, sau hơn 4 thập niên, vẫn mãi là một ám ảnh ray rứt cho nhiều người, nhiều thế lực ở nhiều phía. Có một câu nói nghe hay đọc được đâu đó, hình như từ Kinh Thánh, đưa ra một chân lý: Chỉ có “sự thật” mới giúp giải thoát. Khốn thay, sự thật luôn có nhiều bộ mặt của những kẻ đại diện nó và bao lâu con người chưa có phép thần thông để nhìn thấu suốt sự thật đằng sau những sự thật ấy thì hầu như sự thật cứ mãi là sự kể lại, vẽ ra, thêu dệt, theo mong ước riêng, theo trí nhớ mù mờ lúc biến cố xảy ra, đã bị thời gian bôi xóa, vì nhu cầu thanh minh, bào chữa, thậm chí vu vạ để chạy tội, nên không bao giờ là sự thật chính nó!

Thập niên 70 thế kỷ trước, lúc văn hóa/đạo đức toàn cầu chưa sa sút như bây giờ, chiến tranh Việt Nam chưa kết thúc để có kết quả ngã ngũ, để những thế lực và những nhân vật liên hệ tới cuộc chiến này có nhu cầu lên tiếng, khán giả ở Nam Việt Nam đã được xem phim Rashomon, làm quen với cách chấp nhận những sự thật không bao giờ là sự thật, tới từ Nhật Bản, xứ sở nhờ thua trận mà lột xác, lớn lên trong một phong cách khác, đưa nước Nhật và dân Nhật lên địa vị hàng đầu của tư cách và đạo đức làm người, để rửa mặt, để tự răn dạy mình và để chứng tỏ với thế giới họ thừa sức xoay chuyển thất bại và viết ra những trang sử mới như phượng hoàng bước ra từ lửa đỏ, không cần phù phép, sơn phết, tô vẽ lại cuộc thất trận của họ nay được nhìn như kinh nghiệm trưởng thành trong đau thương của nước Nhật.

Đi tìm sự thật đằng sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam ư? Còn mất thì giờ, công sức đi tìm nó ở đâu nữa khi nó đã chình ình hiện nguyên hình, nhầy nhụa, tanh hôi, sình thối trên các chiến địa im tiếng súng? Giờ phút này, có lẽ chỉ còn những người được trả công để thỉnh thoảng hô hoán lên họ tìm được một cái xác sự thật khác, ít nhem nhuốc, ít ghê tởm hơn thôi! Từ chối nó, nguyền rủa hay tung hô nó, chẳng thay đổi gì được  một cái xác ngoại trừ chịu làm cái công việc của các sinh viên trường thuốc, can đảm mổ xẻ nó để có được những bài học cứu người trong tương lai.

Có một thời điểm trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ có nhu cầu xây dựng một lực lượng đối trọng với khối Cộng Sản, cụ thể là Nga và Trung Cộng, để bảo vệ thanh thế và vai trò của một siêu cường cầm cân nẩy mực sự quân bình giữa hai thế lực tư bản và vô sản. Mỹ nhìn thấy Việt Nam là chiến trường tiêu biểu cho khuynh hướng này, thể hiện bởi một bên là phe quốc gia hậu thuộc địa, thèm khát và cực lực muốn xây dựng một thể chế độc lập, tự do, bên kia là phe Cộng Sản dưới lá bùa chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc nhưng lại nương dựa vào hai đàn anh khổng lồ là Liên Xô và Trung Hoa Lục Địa. Bên nào thắng sẽ làm nghiêng cán cân quyền lực về phía họ ở Châu Á.

Có chủ trương rồi, Mỹ dùng đủ mọi mưu chước/thủ thuật để không những dọn đường vào Việt Nam mà còn chủ trương giải quyết chiến trường thay cho Việt Nam: ép người Pháp phải rời khỏi Việt Nam một cách nhục nhã, lập chính phủ rồi đảo chánh lật chính phủ theo nhu cầu của họ từng thời kỳ. Đến cao điểm, Mỹ công khai đưa quân vào Việt Nam và trực tiếp điều động chiến lược/chiến thuật trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Để có chính nghĩa, họ tạo dư luận chê bai khả năng tác chiến của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) yếu kém trong khi không thiếu các cố vấn Mỹ đứng đắn, có công tâm, từng trực tiếp tham chiến bên cạnh binh sĩ và tướng lãnh VNCH, đã hết lời ca tụng lòng dũng cảm và kinh nghiệm chiến trường xuất sắc của quân lực VNCH.

Cuối thập niên 60 thế kỷ trước, tình hình từ âm ỷ nhiều năm do mâu thuẫn về quyền lãnh đạo phong trào Cộng Sản quốc tế giữa hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Liên Xô, bất ngờ bùng nổ với cuộc xung đột võ trang ngày 13 Tháng Tám 1969 ở biên giới Tân Cương, khiến cho rạn nứt trong khối CS không có hy vọng hàn gắn và đồng thời đẩy Trung Hoa xích lại gần với Mỹ vì những đe dọa của Liên Bang Xô Viết. Nặng nề nhất khi chỉ 2 ngày sau, 15 Tháng Tám, Leonid Brezhnev thông báo cho Mỹ biết Liên Xô chuẩn bị đánh đòn hạt nhân để phủ đầu Bắc Kinh. Lúc này, Hoa Kỳ vừa thấm đòn với cuộc chiến tranh Việt Nam không dễ nuốt như họ nghĩ lúc ban đầu, vừa bị áp lực dữ dội của nhóm phản chiến được quần chúng, quốc hội và truyền thông phe tả tiếp tay thổi bùng lên, lập tức nhìn thấy một lối thoát “trong danh dự” cho họ.

Những chuyến bay đi bay về bí mật của Kissinger đến Trung Quốc, gặp họ Chu, họ Mao, cam kết bỏ VNCH, cuối cùng với cuộc viếng thăm của Tổng Thống Nixon năm 1972, được Trung Quốc đánh giá là một quyết định tiến bộ mở ra trang sử mới trong lãnh vực ngoại giao của thời đại, dọn đường cho hòa đàm Paris diễn ra năm sau đó với thân phận của miền Nam Việt Nam được định đoạt ngoài thẩm quyền của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đương nhiệm. Đại diện nước Mỹ, Kissinger uốn ba tấc lưỡi để hết sức thuyết phục họ Chu đa nghi về sự thành thực của họ, để lại những câu nói hoạt đầu vô trách nhiệm mà sử sách còn ghi: “Vì vậy, khi tôi đưa đề nghị rút ra khỏi Việt Nam, đó không phải là tìm mưu mẹo gì để rồi lại vào lại (VN) trong cách nào khác, nhưng là chúng tôi muốn chính sách ngoại giao của chúng tôi dựa vào những điều thực tại hiện thời, không phải dựa vào những giấc mơ của quá khứ.”

Có thể ai cũng biết nước Mỹ thực dụng nhưng chắc không ai có thể ngờ nước Mỹ đã dựa vào những giấc mơ khi bước vào cuộc chiến ở Việt Nam và giẫm lên hàng triệu xác người.

Thời cơ thuận lợi, Mỹ thương lượng chia thị phần thế giới với Trung Hoa Cộng Sản và bỏ Việt Nam, khác với Cộng Sản luôn keo sơn gắn bó với Cộng Sản Bắc Việt vì tham vọng bành trướng mà Hoa Kỳ không theo đuổi. Mặt nạ chống Cộng để bảo vệ Tự Do/Dân Chủ của Mỹ rơi xuống một cách thảm hại. Trước cái chết bị lạm dụng của 58,000 quân nhân Hoa kỳ hy sinh trên chiến trường Việt Nam, của con số không ít cựu quân nhân Mỹ về nước mang theo họ hậu chấn của chiến tranh vẫn còn sống lây lất, các nhân vật dính líu vào thảm kịch này có nhu cầu rửa mặt, chạy tội, họ viết hồi ký để đưa ra những tại, bị, bởi thế này thế kia nhưng họ không thể xóa bỏ câu nói của Tướng Abrams Creighton, tư lệnh các lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam (từ Tháng Mười Hai 1968)  trước khi ông hồi hương, Tháng Mười Một 1972: “Chúng tôi bước vào một cuộc chiến với hai tay bị trói” để nói về ý đồ không muốn thắng, về cuộc chiến tranh có giới hạn của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Sự thật trong lời tuyên bố của Tướng Abrams, sau này được Tiến Sĩ Lewis Sorley xác nhận trong cuốn A Better War mà ông là tác giả, như sau: “Khác với đánh giá của phần lớn các nhà phân tích, sau khi Tướng Creighton Abrams thay thế Tướng Westmoreland, tình hình chiến cuộc Việt Nam đã xoay chiều, tới mức có lúc có thể khẳng định lực lượng đồng minh đã thắng. Mọi sự diễn tiến tốt đẹp tới mức có lúc tôi đã mạnh dạn viết trong quyển ‘A Better War’ rằng có một thời điểm khi có thể nói thắng lợi đã về tay miền Nam. Tôi viết rằng mặc dù giao tranh vẫn chưa chấm dứt, nhưng coi như chúng ta đã thắng, lý do là bởi vì chính phủ miền Nam Việt Nam đã đủ khả năng để có thể duy trì độc lập và tự do, với điều kiện Hoa Kỳ phải giữ những cam kết đã hứa với họ.”

Sự thật ư? Chẳng phải đã có một sự thật rành rành đó sao? Chỉ có những người không chịu nhìn nhận nó. Vậy, còn ai muốn đi tìm sự thật nào và ở đâu nữa? Ông Ken Burn và Bà Lynn Novick khi làm cuốn phim gọi là tài liệu, sao lại nêu lên vấn đề “Cuộc chiến Việt Nam là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau”? Vậy đâu là những dữ kiện lịch sử khách quan mà họ tìm kiếm và thu thập được với sự xác tín cao nhất của họ?

Cháy nhà hàng xóm, bằng chân như vại. Tổ tiên đã dạy. Chúng ta không nên trách móc ai cả ngoài tự trách mình, càng không nên trông đợi ở lòng tốt vô điều kiện của đồng minh mà hãy tiếc là “lãnh đạo” của Việt Nam đã không tương kế, tựu kế để nhân cơ hội, đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước và dân tộc khi thời thế cho phép. Tháng Tư 1975, người Mỹ ra khỏi Việt Nam, sự can thiệp chính trị của Trung Cộng chưa lộ diện, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam còn nguyên vẹn cơ chế, dân chúng hai miền Nam/Bắc đã thống nhất, của chìm của nổi của miền Nam còn nhiều, nếu lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam quả thật vì dân, vì nước, có chí khí, có tài năng và đức độ thì đã biết cùng toàn dân nắm lấy vận mạng của cả nước, đã có thể vận động đại khối dân tộc lúc đó mạnh như nước vỡ bờ để cùng nhau xây dựng nền độc lập tự do dân chủ thực sự cho một Việt Nam đầy tiềm năng, đâu có thua kém ai bên trời Đông?

Tiếc thay và buồn thay, những người chủ mới hiện nguyên hình những kẻ đánh thuê, làm thuê, mang tâm lý đòi công, siết nợ, rủ nhau trộm cắp, cướp ngày cướp đêm kiếm tiền bỏ túi riêng, phá tan mọi tiềm năng lớn lao của dân tộc, mọi giá trị nhân bản còn sót lại ở miền nam, tiếp tục chịu ách nô lệ ngoại bang để vinh thân phì da đúng như Lê Duẩn từng nói “chúng ta chiến đấu vì Liên Xô và Trung Quốc.” Một chính thể không xây trường học thì sẽ phải xây thêm nhà tù. Từng tập đoàn cán bộ lớn bé các cấp ăn không đồng, chia không đều, kéo nhau ra tòa lãnh án về tội tham ô, nhũng lạm của công, bán đất, bán rừng, bán biển, bán tài nguyên. Vẫn chưa đủ, đi vay, đi xin, thể hiện một cuộc sống vô liêm sỉ chưa từng thấy trên suốt dòng lịch sử của dân tộc.

Năm 1977, khi cần đánh tư sản để vô sản hóa họ, là thành phần từng đóng góp tiền bạc bảo bọc “cách mạng,” lãnh đạo Cộng Sản tuyên bố: “Vai trò lịch sử (nuôi quân giải phóng) của các anh đã chấm dứt. Đây là thời điểm các anh vì yêu nước, phải tự xóa bỏ mình.” Hay quá! Bây giờ không thấy lãnh đạo nào tự nhắc mình câu nói năm xưa ấy: “Vai trò lịch sử đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước của chúng ta đã chấm dứt. Đây là thời điểm mà chúng ta vì lòng yêu nước, phải tự xóa bỏ mình.”

Đây là một sự thật sống động khác, của dối trá và ươn hèn, cũng nên nhìn nhận bên cạnh những sự thật đầy nghi vấn trong các cuốn sách, các bộ phim về cuộc chiến tranh Việt Nam trong hơn bốn thập niên qua.

Chiều Chủ Nhật vừa rồi, đến chung vui lễ Tết Trung Thu của thiếu nhi vùng Quận Cam tổ chức trên sân cỏ của công viên Một Dặm Vuông, nhìn các em thơ hồn nhiên vui chơi hay tận lực cống hiến khả năng mình qua tiếng trống thúc quân hào hùng, qua những vũ điệu tình tự dân tộc, qua các thế võ múa gậy, múa quyền, chuẩn bị các em mai này bước vào đời biết tự vệ, biết tấn công khi cần, tôi không ngăn được nước mắt dâng lên mi, càng thấm ngấm câu hỏi “Người lớn chúng ta đang để lại cho những thiên thần nhỏ này một di sản thế nào đây?”

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Tôm kho tàu gạch đỏ au”