Chiều ba mươi Tết

Bùi Bích Hà

Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu những buổi chiều ba mươi Tết ký ức ghi nhớ nhiều kỷ niệm buồn vui khác nhau.

Những chiều ba mươi Tết đẹp nhất của tôi gắn liền với cái thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, quanh năm soi bóng xuống một dòng sông nên thơ chỉ vài cơn mưa trong mùa đông đủ làm lụt lội những vùng đất trũng hai ven bờ tả hữu. Mặc dầu vậy, hết Tháng Mười Một qua Tháng Chạp, thời tiết ở đây chỉ còn những ngày mưa phùn mịn như sương dưới bầu trời mây mù. Tôi thường nghe mẹ tôi chép miệng cảm tạ trời đất khô ráo những ngày áp Tết để nhà nghèo chạy gạo bớt cơ cực, may ra gia đình có mâm cơm cúng ba ngày Xuân. Những sáng mùng một Tết còn đọng lại trong trí nhớ tôi có cái mát lạnh của sương sớm trong khu vườn rậm rạp và vầng thái dương phơn phớt hồng ở chân trời bên kia cánh đồng trống.

Từ chiều ba mươi những năm có Tháng Chạp đủ, thành phố thơm ngát trầm hương và rộn rã tiếng chuông chùa. Đối với tuổi thơ tôi, chỉ còn một buổi tối nữa thôi, sáng mai thức dậy cùng mặt trời, tôi đánh răng, rửa mặt xong là được xâu tay vào cái áo dài mới, súng sính quần lụa mới, xâu chân vào đôi guốc mới. Khi bố và mẹ già tôi đã khăn áo tề chỉnh chờ đón người đến xông đất đầu năm và phong pháo đỏ dài cả chục thước đã được anh người làm treo vào cái sào gỗ đong đưa từ cửa sổ căn gác cao, chờ được châm ngòi đón khách; khi trà mạn sen đã được pha nước đầu trong chiếc ấm gan gà đặt trong cái khay khảm xà cừ, bên cạnh cái chén tống và mấy cái chén hạt mít mỏng tang; khi mứt mơ, hồng khô và hạt dưa đã được bày biện mỹ thuật trong cái mâm quả sơn son thếp vàng có nhiều ngăn; khi trầu không đã được têm cánh phượng và cau tươi đã được cắt chũm, bổ sáu xếp gọn ghẽ vào các ngăn tráp lót giấy hồng điều, trẻ con chúng tôi biết là sắp sửa phải xếp hàng anh trước, em sau, đến trước mặt cha mẹ, khoanh tay, cúi đầu, lễ phép đọc thuộc lòng lời chúc Tết hàng năm để được nhận lại phong bao đỏ lì xì lấy hên.

Tôi chỉ được hưởng chừng mười năm tuổi thơ vô tư lự trong cảnh nhà sung túc trước khi đất nước bị chia cắt bởi giòng sông Bến Hải năm 1954 và bố tôi mất hết phần tài sản phía Bắc vĩ tuyến 17. Từ mốc thời gian này trở đi, gia cảnh cha mẹ tôi như cái cây hết lộc, bị sấm sét đánh ngã, tàn tạ, khô héo dần rồi tan thành tro bụi. Tuổi niên thiếu và tuổi trưởng thành của tôi buồn bã trôi theo ngày tháng. Những chiều 30 Tết chỉ còn thấy mẹ tôi lúi húi trong gian bếp mờ tối, làm mâm cỗ truyền thống cúng gia tiên; thấy bố tôi khăn áo tề chỉnh lễ bàn thờ không có tấm hình nào của ông bà nội ngoại. Chiều 30, mẹ tôi thổi xôi vò, nấu chè đường, luộc gà, bày mâm ngũ quả, bóc bánh chưng, sửa soạn mâm cúng giao thừa giữa trời và bố tôi canh đồng hồ đúng nửa đêm thì thắp nến, đốt nhang và trầm, thành tâm khấn khứa tiễn quan hành khiển năm cũ, đón quan hành khiển năm mới, cầu cho gia đình và cầu cho quốc thái dân an. Đêm xung quanh vắng lặng, chỉ có những đốm sao nhỏ xa tít tắp, sáng lung linh trên nền trời đen thẫm làm cho đêm như sâu hơn.

Giao thừa năm nào đất trời yên ắng, không có tiếng chim lạc bầy thảng thốt kêu, không có tiếng chó sủa bâng quơ trong ngõ xóm, không có tiếng gà giật mình gáy giữa khuya, bố tôi vui mừng tiên đoán một năm mới an lành, ít tai ương. Tôi không biết do đâu người lớn hay gọi Tháng Chạp âm lịch là tháng Củ Mật, được xem là bầu trời ban đêm tối hơn đêm những tháng còn lại trong năm và mọi người bảo nhau gia tăng đề phòng trộm đào ngạch hay đánh bả chó rồi cậy cửa vào nhà. Sau này lớn lên, tôi nghĩ kẻ trộm hoạt động nhiều hơn trong đêm tháng chạp chỉ là vì lý do họ cần tiền ăn Tết thôi!

Duyên số đẩy đưa khiến tôi lấy chồng xa. Hai câu thơ cổ chẳng biết của ai, “Khấp như nữ tử vu quy nhật, tiếu tựa nam nhân lạc đệ thì,” diễn nôm với ngụ ý châm biếm, cho rằng giọt lệ cô dâu là giọt lệ mừng và nụ cười của sĩ tử thi trượt là nụ cười gượng. Tôi không biết thực tế có bao nhiêu cô dâu về nhà chồng rơi lệ làm duyên và bao nhiêu cô dâu “chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều?” Riêng tôi, hôn nhân không đầm ấm nên mùa Xuân không về, những chiều ba mươi Tết tha hương chỉ “lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.” Đêm ba mươi Tết nào của tôi cũng chập chùng trong trí nhớ hình ảnh bố tôi khăn áo nghiêm trang lễ bàn thờ lúc giao thừa, khói trầm hương tỏa bay thơm ngát, có con gà mẹ tôi luộc rất khéo, mỏ nó ngậm một bông hoa đỏ. Tết nhà tôi ở nơi xa không bao giờ có hoa tươi. Mâm cỗ Tết trong lòng tôi là những món ngày xưa đã nguội lạnh. Chiều ba mươi Tết nào tôi cũng đi ra chợ hoa không để mua hoa nhưng để nhìn những khoảnh đất của khu chợ hoa đã vãn còn rơi rớt lại đôi ba cành nhánh gãy, vài bông vạn thọ hay vài cánh thược dược nhầu nát trên mặt đường vừa ngưng rộn rịp bước chân người qua lại. Tôi đứng ngẩn ngơ, mơ hồ tìm kiếm chút gì còn sót lại trong tôi giữa ngổn ngang những mộng ước tàn héo, cũng nhầu nát như con đường chợ hoa quét dọn vội vàng để đóng cửa. Tuổi thơ các con tôi không có những cái Tết thần tiên của tôi ngày tôi bằng tuổi chúng ngoài mấy cái phong bao đỏ.

Định cư ở Mỹ hơn ba mươi năm, ngay cả khi đã nhận nơi này là quê hương thứ hai trên địa cầu, nhắm mắt lại cũng thấy rõ hàng quán, chợ búa, đường phố, xa lộ, phi trường, có một chỗ gọi là nhà để sớm hôm đi về, nắng mưa ẩn náu, tôi vẫn không tránh được tâm lý sống tạm của một người thực sự “không biết nơi đâu là chốn quê nhà” như lời trong một bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nhất là thời gian những ngày áp Tết. Có lẽ tâm trạng này không khác bao nhiêu với tâm trạng những người vô gia cư sống lang thang, vạ vật trên các vỉa hè thành phố, ban ngày ngồi nhìn cuộc sống trôi qua mình như những thước phim câm, đêm về kê đầu lên mấy cái quần áo cũ, co đầu gối vào lòng tìm giấc ngủ để mặt trời thức dậy sáng hôm sau, hệt như những cái kim không biết vì sao cứ mãi chạy quanh cái mặt đồng hồ chưa biết bao giờ hết pin cho dù giờ giấc không còn đúng nữa.

Tuần lễ trước, đến thăm các cháu ngoại, tôi ghé mắt nhìn vào bài homework của cô bé Kaitlyn Mai An 17 tuổi, chị cả của đàn em hai đứa, ngạc nhiên trước một rừng ngữ vựng đầy màu sắc và cảm xúc thể hiện dưới mấy ngón tay gõ lên bàn phím PC của cháu. Tôi vừa cảm phục, vừa chạnh lòng, nhận ra tuổi thơ của trẻ con Việt Nam thế kỷ 20 trên quê hương rất khác với trẻ con thề kỷ 21 ở quê người. Sự khác biệt ấy càng được nhân rộng nhiều lần hơn khi kỹ nghệ tin học có những phát minh thần kỳ, thu nhỏ thế giới trong tầm nhìn của con người trong những chi tiết vi tế nhất. Mọi cánh cửa mở ra không một giới hạn cấm kỵ nào và mỗi không gian có những thử thách riêng cho mọi lứa tuổi không phân biệt giới tính hay chủng tộc. Vì vậy, trẻ con lớn lên ở Mỹ hiểu biết và khôn ngoan hơn tuổi, trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ được cha mẹ gói ghém kỹ trong văn hóa truyền thống, thường có cả khuynh hướng sống giùm con một phần đời của chúng.

Bài tập ở nhà thầy giáo cho K. với chủ đề dùng hình thức một bài thơ để mô tả một khu cắm lều của người vô gia cư, nội dung gồm 3 phần:

1- Chuẩn bị tư liệu do quan sát tại chỗ.
2- Nhân vật sinh sống trong môi trường ấy.
3- Bài thơ.

Quang cảnh những khu người không nhà cắm lều ven giòng sông Santa Ana chạy qua các thành phố Anaheim và Santa Ana khá quen mắt với bộ hành hay người lái xe thường đi qua những địa điểm này, là sự vướng bận dai dẳng duy nhất của giới chức quận hạt có trách nhiệm cũng như cư dân quận Cam nói chung. Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy phần đông trong số này lựa chọn cách sống hiện nay của họ và việc thuyết phục họ dời vào các trung tâm tạm trú an toàn đạt tỷ lệ không cao, chưa kể họ còn được Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ (ACLU) hết sức hỗ trợ, giúp họ đòi hỏi quyền được giữ ý muốn riêng. Cho tới khi nào tập hợp người vô gia cư có biểu hiện xâm hại đến an ninh và vệ sinh môi trường nơi họ có mặt thì việc giải tỏa mới có thể được nhân viên công lực thi hành.

Có một thời gian ngắn tôi phải bỏ thói quen thường lệ đi bộ mỗi buổi chiều dọc theo giòng sông xi măng cạn nước này vì người vô gia cư đến đây dựng lều, không bởi lý do nào khác hơn là tôn trọng sự riêng tư của họ. Tôi cũng nghiệm ra rằng tình trạng ăn ở của người vô gia cư có những nét chung nhưng yếu tố con người ở những nơi này luôn luôn cá biệt. Cháu K. của tôi đã “nhặt” ra một trong số những con người cá biệt ấy để bày tỏ suy nghĩ của cháu: “Một người đàn ông gầy gò, cao lênh khênh với ánh nhìn buồn nản, vô hồn, đôi mắt chất chứa niềm đau âm ỉ, nhìn chăm chú vào lũ trẻ chúng tôi với sự trống rỗng.”

Tôi mừng rỡ biết ra tuổi 17 của thời đại say mê Iphone, Ipad, hóa ra còn có những đứa trẻ khi cần, vẫn có một tâm hồn, một trái tim, một khả năng tiếp nhận phi điện tử và rất con người.

Và sau đây là nguyên văn bài thơ:

The Riverbed

By Kaitlyn Mai An

Smoke suffocates the sand’s newest tenants
As the Sun scorches their scarred, filthy skin
A spoiled county hides behind forced grins
Ignoring the men with battered, blue shins

Their tents cling to the charcoal path
Each resident a husk needing a place
Rubbery, yellowed skin hangs off each face
Colorless eyes stare blankly into space

Lost like the river, their words are not heard
As they become another grain of sand.

Có lẽ phải đợi thêm một thời gian nữa thì nhà thơ non nớt này mới hiểu được mỗi hạt cát cũng chứa trong chúng tiếng sóng của cả đại dương mênh mông. Không một thanh âm nào đã cất lên sẽ mất đi mà chỉ là cần một cơ duyên để hội tụ và làm nên sức mạnh.

Mời độc giả xem phóng sự “Những chiếc bánh tét gói trọn yêu thương”