Canh dưa hường

Bùi Bích Hà

Giữa những ngày làm việc cật lực, từ 15 đến 18 tiếng đồng hồ thẳng rẵng, ăn uống qua loa, người mệt nhừ, khô như ngói nung, như vỏ cây cổ thụ, chợt thấy lóe lên trong trí nhớ bát canh dưa hường mẹ nấu những ngày còn thơ, lòng xao xuyến, nước dãi đầy lên khóe miệng.

Những quả dưa chỉ bằng quả bưởi bói lần đầu, da xanh non màu thiên lý, có vân sọc y như dưa hấu. Mẹ gọt vỏ, rửa sạch rồi bửa làm tư hay làm sáu, bỏ ruột, thái miếng mỏng, cũng có khi mẹ đổi, bằm dưa thay vì thái miếng, để riêng trong rổ. Mẹ bóc tôm, hai ngón tay bóp cho mình tôm dẹt xuống, nát ra, để trong cái chén. Nước mắm ngon, hành tiêu, chút ớt bột, chút đường, ướp vào tôm.

Bắc nồi lên bếp, cho chút dầu. Dầu nóng, trút chén tôm đã ướp vào, tao cho tôm vàng màu hổ hoàng xong thì thêm nước lạnh, áng chừng cho vừa đủ canh để cả nhà ai cũng có phần. Canh sôi, hớt bọt kỹ, đổ dưa hường vô nồi, nêm nếm lại rồi tắt bếp. Hành ngò xắt nhỏ, rắc lên tô canh. Rau xà lách xắt rối chung với húng cây, và theo canh. Mẹ nhìn con hì hà hì hụp ăn, cười nói: “Thủng nồi trôi rế hả con?”

Ở quê người, con có đủ sơn hào hải vị. Mua nhà lầu thì khó. Mua xe đẹp hay nữ trang lớn cũng khó nhưng thèm ăn, thèm mặc gì thì không khó. Con không thèm bất cứ món ăn nào ngoài nộm bông cau, nộm vả mẹ làm với trái quả trong vườn. Con thèm canh mít non nấu lá sanh lốt. Con thèm canh dưa hường nấu tôm vừa dòn, vừa ngọt, vừa thơm đến từng chân tóc, vừa mát đến từng kẽ răng. Con nhớ nồi ốc luộc, những cái gai bưởi hăng mùi nhựa tươi để lể ốc chấm mắm gừng. Con nhớ những con cá nục chuối đỏ thẫm, óng ánh nước màu, chỉ nhìn thôi đã bứt rứt cả châu thân.

Một hôm đã lâu lắm, lúc chợ Tân Mai còn ở chỗ ngã tư Bolsa và Bushard, buổi chiều tan sở về tình cờ ghé qua, thấy mấy quả dưa hường lăn lóc trên cái kệ gỗ, mừng như bắt được vàng. Vồ lấy chúng, đem ra quầy tính tiền, hỏi bà chủ: “Chị ơi, ở đâu có dưa hường này? Mà có thường xuyên không?” Bà chủ cười, trả lời bằng tiếng Huế (chắc chắn rồi!): “Ờ, chẳng biết ai đưa tới, lâu lâu mới thấy.” Sau duyên may bữa đó, cho đến khi chợ đóng cửa, không bao giờ còn thấy dưa hường nữa.

Nói là nói vậy, mong là mong vậy, đem dưa hường về nhà, nấu nướng như mẹ, bát canh múc ra không phải là bát canh những ngày thơ ấu. Thiếu vạt áo xông mùi hành tỏi, mùi khói bếp của mẹ. Thiếu miệng cười đen lánh những chiếc răng màu hạt huyền của mẹ. Thiếu không gian buổi hoàng hôn trên vuông sân nhỏ, mẹ lúi húi qua lại cùng với đàn dơi chấp chới bay. Thiếu giấc mơ thời mới lớn với biết bao nguyện ước thần tiên mà ngay cả vị ngon ngọt của canh dưa hường lùa qua đôi môi cũng rì rào hạnh phúc. Không biết nếu có một lần nào khác, lại bắt gặp dưa hường trong một ngôi chợ ở xứ Mỹ, liệu lòng có còn háo hức như lần đầu khi hiểu rằng không bao giờ và ở bất cứ đâu, canh dưa hường có hương vị như bát canh mẹ nấu ngày xưa?

Căn nhà tôi mới dọn vào hai năm nay ở sát cạnh nhà hàng xóm có trồng một hàng cau kiểng rất đẹp dài theo bức tường làm ranh giới ngăn đôi hai bên. Mỗi lần đi đâu về, vừa quẹo vào đầu con đường nhỏ, hàng cau bên hông nhà luôn cho tôi cảm giác êm đềm của những ngày thơ ấu trên quê hương. Tuy những tàu cau kiểng ở đây rất khác với những tàu cau cho quả ăn trầu ở Việt Nam vì cau kiểng tàu lá thấp, tòe rộng như cái tán lọng, không giống những tàu cau sắc cạnh, túm gọn tít trên đầu những cây cau mảnh mai, thẳng tắp ở vườn nhà Việt Nam nhưng dù vậy, chúng vẫn thuộc họ nhà cau và gợi nhắc hình ảnh nhau trong lòng người lữ thứ như tôi.

Huế có món nộm cau rất độc đáo, ngoài Huế không đâu có. Tôi không biết có bao nhiêu người Huế lưu lạc từng thưởng thức món nộm bông cau ở Huế đến nay còn nhớ món ăn đặc biệt này? Ngay bên dưới cái tán lá bung ra, cong cong, mềm mại, in lên nền trời hôm sớm, khi bụng cau phồng lên như bụng một bà mẹ chửa con so, tôi chờ đợi từ đấy nứt ra buồng cau nhỏ xíu lơ quơ mấy cái nhánh gầy non yếu màu vàng mơ, đeo mang những trái cau chưa tượng hình, chỉ mới là chùm hột phơn phớt màu tơ tằm…

Nếu may mắn nhằm lúc mẹ tôi không bận bịu việc gì khác, bà sẽ nhờ anh phu kéo xe cho bố tôi quặp chân vào thân cau, leo lên, bóc nó xuống để bà làm món nộm bông cau cho cả nhà ăn. Ngày ấy tôi còn bé quá, ráng sức kiễng cả người cũng chưa cao ngang tầm bếp nên không biết mẹ tôi pha chế những gì, chỉ biết những nụ cau, cành cau non vừa thơm, vừa dòn và ngọt, hình như có cả mùi nhựa cau say say, trộn lẫn rau thơm, lạc rang, nước mắm chanh, tỏi, ớt, đường, giấm, tất cả hòa quyện vào nhau cùng với hương vị miếng bánh tráng gạo nướng vừa tới, chao ôi là ngon!

Tôi nhớ có ai đó trong nhà được mẹ tôi cho ăn món nộm cau, đã hít hà kêu lên: “Ôi chao, ngon chi vô hậu rứa hè!” Sở dĩ tôi nhớ câu này lâu vì tôi không hiểu tại sao người ăn khen món ăn mẹ tôi làm lại dùng hai chữ “vô hậu” vốn hàm ý chê bai một điều không tốt, không có hậu vận tương lai? Thấy ai làm việc gì ác, thiếu nhân đức, người Huế có câu mắng khá độc địa: “Đồ vô hậu!” Tôi lẽo đẽo theo hỏi mẹ nhưng mẹ tôi bảo: “Em nghe ai nói thì hỏi người đó cho chắc, chữ nghĩa đa đoan, chị không biết ý người ta.” Hồi đó tôi sợ, không dám vặn vẹo người lớn nhưng sau này khi chính tôi khôn lớn, hỏi lại đúng câu này thì mỗi người giải thích một cách như mẹ tôi đã trả lời tôi ngày nào.

Mẹ tôi hiền nhưng khôn ngoan, Tôi không thấy bà làm mất lòng ai bao giờ, có lẽ vì cuộc sống của mẹ tôi vốn đã nhiều khó khăn. Sống lâu với Huế và lớn lên ở Huế, dần dần tôi biết thêm nhiều cách dùng hai chữ “vô hậu” với ý nghĩa hoàn toàn tương phản. Khen một nhan sắc làm mê mệt lòng người, “Em ạ, yêu nhau chết cũng đành,” người Huế nói: “O nớ đẹp vô hậu!” Tôi không biết “vô hậu” trong trường hợp này và những trường hợp tương tự, ngoài cái nghĩa trách yêu “không để cho người ta sống với,” có phải nó ghép từ mấy chữ “vô tiền khoáng hậu” hay không? Thế nhưng chê một ai, một cái gì thậm tệ, người Huế cũng nói: “Ăn ở chi mà vô hậu rứa?”

Món ăn Huế thứ hai, home made, cũng ngoài Huế không tìm được ở đâu khác và mẹ tôi hay làm là nộm vả. Nhà tôi có cây vả ở vườn sau. Lá vả to, giông giống lá sen nhưng sờ nhám tay, không nhẵn như lá sen. Quả vả tròn, dẹt ở hai đầu như quả quýt, màu xanh lục, lớn nhất cũng chỉ vừa lõm tay. Hái vào, rửa sạch, luộc cho mềm. Xong, gọt vỏ, thái vừa rồi xới tơi ra. Tôm thịt tao lên, nêm nếm vừa ăn, trộn vào vả, rau răm xắt mỏng, lạc rang giã rối, vừng rang vừa vàng, giã sơ.

Nộm vả không cần nước mắm pha vì nhân tôm thịt đã rim rồi. Khi ăn, dùng bánh tráng gạo nướng để xúc thay cho muỗng đũa. Khác với nộm bông cau, tươi, dòn, mát, nộm vả bùi và ngậy, mỗi món một vẻ, món nào cũng tê tái ngon. Ngoài nộm, trái vả nhờ vị chát và thơm còn được ăn sống như một thứ rau củ dọn với món bánh khoái bên cạnh rau cải con, khế chua và tỏi sống.

Món thứ ba khiến khi xa Huế rồi cũng rất nhớ nhung là món canh mít non lá sanh lốt (theo cách người Huế gọi). Vài năm trước, một buổi chiều mùa Hè nắng muộn, trên đường về nhà qua phố Bolsa, tự dưng tôi thèm canh mít xót xa. Tôi tạt xe vào chợ, mua hai lon mít non hiệu Chao-Koh xong ra hàng rau tìm lá lốt thì không có. Chợt nghĩ chắc chỉ tiệm bò bảy món là có sẵn lá lốt nên tôi chạy tới nài nỉ xin mua lại một ít nhưng chủ nhân lịch sự trả lời là mối bỏ chỉ đủ cho tiệm làm và bán ra mỗi ngày, không có dư. Thì thôi, đành cất hai hộp mít vào tủ bếp để làm kỷ niệm. Cuối tuần làm chương trình phát thanh, ông thần khẩu xui tôi buột miệng than sao lá lốt khan hiếm quá, chợ không có, vườn nhà không có, tiệm chuyên bán bò lá lốt thì có nhưng không dư cho tôi nài lại.

Mấy ngày sau, tôi nhận được một phong bì ưu tiên của bưu điện gởi từ Florida tới đài, bên trong có ba liếp lá lốt rửa sạch sẽ, lau khô và xếp như lá trầu không, vẫn tươi nguyên như vừa hái vì được gói trong paper towel trước khi bỏ vào Ziploc, rất cẩn thận và mỹ thuật. Ngưởi gửi là chị Vân, cho biết rất thông cảm với “cơn thèm” của tôi mà vườn nhà chị thì xanh mướt lá lốt không biết làm gì cho hết.

Thời đại kỹ thuật cao này, hàng xóm có thể ở cách nhau vài ngàn dặm đường, còn gì tuyệt vời hơn nữa? Hôm đọc tin bão Irma đánh vào Florida, băn khoăn không biết khu vườn hoa lá xanh tươi của chị Vân có bị hề hấn gì không nhưng may quá, khu vực chị ở không bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhớ ơn chị bát canh mít non lá lốt. Mít hộp không ngon bằng mít tươi hái từ vườn của bố mẹ tôi ngày xưa nhưng lá lốt chị gửi dường như thơm hơn, ở lại với mình thật đậm đà chị Vân ạ! Ai đọc bài chia sẻ lẩm cẩm này mà muốn thưởng thức canh mít lá sanh lốt, xin nhắc (anh hay chị) nhớ đừng quên nêm chút nước ruốc sau cùng, trước khi bắc nồi canh xuống nhé!

Cali nhiều nhà có cây khế sau vườn nhưng khổ nỗi Cali ít mưa. Dẫu sao, thay vì dầm khế cả vại như khi mùa Đông tới ở Huế, trời mưa suốt mấy tháng, Cali chỉ cần một cơn mưa nhỏ để đủ nước mưa cho người Cali dầm khế một hũ lớn thôi là bếp gia đình sẽ có những bát canh khế xâm trong veo, ngọt ngào và thơm ngát, ăn xong bữa mà vị khế thanh tao còn đọng lại trong kẽ răng. Có điều bầu trời Huế khi tôi lên 9 hay lên 10, chưa biết ô nhiễm là gì, không gian trong trẻo, đêm đầy sao long lanh như ngọc vãi, mưa rơi (và rơi nhiều) không cuốn theo bụi bặm hay hơi khói từ các nhà máy, có lẽ vị nước mưa cũng tinh khiết hơn?

Món ngon của Huế quá nhiều, nhất là những món của nhà nghèo. Những ai đã ăn món chột nưa kho ruốc hay dưa nưa chấm nước cá kho chắc sẽ không bao giờ quên được cái hương vị nồng cay đến cháy lòng, thấm đượm trong từng hạt cơm nhai nuốt thong thả ở một nơi chốn cuộc sống bình an, chưa hề lo âu hay vội vã.

Tôi được ăn nhiều món ngon, rẻ tiền và dễ nấu của Huế. Bây giờ, những vật liệu rẻ và dễ kiếm ấy đã trở thành rất đắt (tôi không cách nào mua được) và rất hiếm (tôi không còn tìm thấy ở đâu nữa): mẹ hiền, khu vườn cũ và tuổi thơ tôi. Cho nên, đành cất riêng nỗi tiếc thương trong lòng, nhai lại ký ức mình như con bò rời khỏi đồng cỏ xanh tươi bát ngát về chuồng, nhai lại không chỉ nắm cỏ đã tan vào xác thân nó mà cả màu trời xanh, làn gió mát, tưởng còn nguyên vẹn nhưng đã khác rất nhiều qua một giờ, qua một ngày, qua một dặm đường, như chính nó cũng không còn nguyên vẹn như hôm qua. (Bùi Bích Hà)