Saturday, April 20, 2024

Câu chuyện từ Bartow

Một số không nhỏ bạn bè của tôi lúc sau này tuyên bố không đọc báo, cũng không xem truyền hình nữa, than rằng tin buồn nhiều quá, xem riết rồi đổ bệnh. Tôi vì làm việc trong ngành truyền thông nên không thể chối từ việc tiếp cận các nguồn tin tức, chỉ tự nhủ lòng chuyện gì dù ghê gớm tới đâu, với thời gian, cũng sẽ trôi qua.

Tuy nhiên, bản tin do FOX News loan đi mới đây: “Cảnh sát Bartow, Florida, bắt giam hai bé gái 11 và 12 tuổi về tội âm mưu giết ít nhất 15 bạn học cùng trường” đã khiến tôi bủn rủn chân tay, bàng hoàng muốn khóc mà không khóc được. Vì lo âu, sợ hãi và buồn phiền.

Các bé này đang theo học tại một trường công lập ở Bartow, hôm Thứ Ba, 23 Tháng Mười, đã bảo nhau mang theo dao, kéo, cả máy cắt bánh pizza, với mục đích sát hại và phanh thây các nạn nhân là những bé nhỏ hơn mà chúng có thể chế ngự được, ngay trong dãy nhà vệ sinh của trường. Cảnh sát trưởng Joe Hall của quận Bartow, tiểu bang Florida, cho biết trong cuộc họp báo một ngày sau đó, là các nghi can nhi đồng mai phục sẵn tại nơi toan hành sự, chờ cơ hội giết ít nhất 15 trẻ em.

Theo các nhà điều tra, hai bé gái này ở tuổi 11 và 12, khai với cảnh sát là chúng đã cùng nhau lập kế hoạch mang hung khí vào trường, có cả một chiếc ly lớn dự trù dùng để uống máu các nạn nhân theo đúng một nghi thức thờ phượng Satan.

Cảnh sát trưởng Joe Hall nói: “Chứng kiến việc lấy khẩu cung của hai đứa bé, tôi biết đây không phải là trò đùa. Vì vậy, quận Bartow đã chính thức bắt giam chúng và lập hồ sơ vụ án, tăng cường tuần tra an ninh trong/ngoài khuôn viên trường và mở rộng cuộc điều tra truy lùng các tòng phạm là bất cứ ai đã xúi giục hai đứa trẻ này đi vào con đường tội ác. Rất may mắn là âm mưu được phát giác kịp thời sau khi có báo cáo các bé thình lình biến mất khỏi lớp học khiến hiệu phó nhà trường cấp tốc tìm kiếm và tìm ra chúng trong nhà vệ sinh.”

Sau này, người ta khám phá trên điện thoại cầm tay của chúng các trao đổi chi tiết về kế hoạch tấn công, kể cả địa điểm chúng đã chọn là nơi chúng được tìm thấy. Khám xét nhà nơi chúng ở, ban điều tra tịch thu một bản đồ vẽ tay ngôi trường trung học Bartow có ghi dòng chữ: “Hãy giết trong nhà vệ sinh.” Các chi tiết khác gồm cả lời dặn dò: “Chúng ta sẽ để lại các cơ phận của bọn nó ở cổng trường rồi tự sát.”

Hiện nay, hai đứa bé một lớp 6, một lớp 7, đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự bao gồm tội âm mưu giết người cấp I.

Trên mặt đất này, ngoại trừ xứ sở Bhutan lấy hạnh phúc đời người làm thước đo sự phồn thịnh của quốc gia và sự thành đạt của người dân, trong hiểu biết của tôi, nước Mỹ là thiên đường của trẻ con và là nơi mà mọi người nhìn về, mơ ước được tới. Bản thân tôi sống ở đây trên 30 năm, có lúc tôi chợt nhớ lại một trò chơi của trẻ con miền Nam Việt Nam mở đầu bằng câu hát “Thiên Đàng/Địa Ngục hai bên…” ám ảnh tôi cho tới bây giờ vì sự tương phản có lẽ khó hiểu cho cả bầy trẻ đang vui đùa lúc đó cũng như với tôi đã qua thời tuổi thơ nên không có cơ hội truy nguyên nguồn gốc.

Chỉ biết càng sống, càng trải nghiệm, tôi càng thấy câu hát trẻ thơ ngày nào ứng dụng hiển nhiên vào thực tế. Thiên Đàng và Địa Ngục như mặt trời ở bên này và bên kia quả đất, sáng tối theo nhau thành một định luật. Trẻ con trên cả nước Mỹ, nói chung, được nuôi dưỡng trong cảnh trí thiên đàng và được yêu quý như thiên thần nhưng trong một số hoàn cảnh khác, chúng bị ném xuống tận cùng địa ngục khi cha mẹ chúng không hài lòng nhau, khi cha mẹ chúng là nạn nhân của những thất bại tình cảm hay xã hội.

Tuy nhiên, bản tin thuật lại biến cố kinh khủng có tiềm năng xảy ra và gây nguy hại cho nhiều trẻ em vô tội khác tại trường Bartow, Florida, lần đầu, cho thấy một thảm cảnh của tuổi thơ vượt khỏi tưởng tượng của những ai giàu tưởng tượng hoặc tâm trí bất ổn nhất có thể hình dung ra, viết xuống giấy để thực hiện như một trò chơi của ma quỷ.

Có lẽ không ít người như tôi đau đớn tự hỏi hai đứa bé tội nghiệp này đã được hưởng một nền giáo dục từ gia đình như thế nào? Đã bị nhiễm dộc cách nào và từ một môi trường độc hại nào ngoài vòng kiểm soát của cha mẹ? Chúng đã trải qua bao nhiêu đêm ngày bị xiềng xích trong những ý nghĩ đen tối, hãi hùng và ghê rợn như vậy mà không một người lớn nào sống cùng đã có thể phát giác vì thiếu quan tâm tới các biểu hiện cách này hay cách khác của chúng?

Một bà mẹ tương đối trẻ ở tuổi 50, phàn nàn với tôi là sao trẻ con thời buổi này, ở xứ sở có đủ mọi phương tiện phát triển tối ưu này mà lại không biết lo thân, tâm lý phức tạp, suy nghĩ viển vông, có nhu cầu thể hiện mình không giống ai?

Không chỉ bà mẹ nói trên, cơ quan CDC và tài liệu chính thức được NBC công bố nhìn nhận thế hệ tuổi trẻ Mỹ ngày nay đang trải qua cơn khủng hoảng về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng nguy hại đến tương lai của cả đất nước. Cứ 1 trong 5 trẻ Mỹ trong hạn tuổi từ 3 đến 17 (khoảng 15 triệu em) được xem là mắc bệnh tâm thần biểu hiện qua tình trạng rối loạn cảm xúc và hành xử bất thường. Điều đáng quan tâm là chỉ có 20% trong số này được chẩn đoán và chữa trị, 80% còn lại không nhận được sự giúp đỡ chuyên môn nào.

Nguyên nhân thì có nhiều. Trước tiên, có thể quy kết dễ dàng cho tiến trình phát triển xã hội, khi nhịp sống có tốc độ nhanh hơn và lo toan gia tăng cường độ khiến cha mẹ và con cái ít có thời giờ bên nhau như trước đây. Thêm vào đó, sự bùng nổ của Internet ngày càng có nhiều phát minh trong lãnh vực này, cho phép trẻ con tiếp cận dễ dàng với các sản phẩm điện tử như con dao hai lưỡi về mặt giáo dục, hoặc giúp mở mang kiến thức hoặc đưa chúng vào những mê lộ không có lối ra.

Trong nhiều gia đình, cái iPhone và iPad thay thế bà mẹ, ông bố, thậm chí người nanny để bầu bạn với trẻ con ngoài giờ tới trường và khi người lớn chưa về nhà. Qua các phương tiện dễ gây nghiện này, trẻ con được cung cấp một lượng khổng lồ những tin tức phức tạp đủ loại, không chọn lọc đã đành mà còn nguy hiểm vì chỉ một chiều, không có đối thoại nên trẻ con tha hồ suy diễn, cách nào (thần tiên, lãng mạn, khác thường hay khủng khiếp) là tùy thuộc môi trường sinh hoạt hàng ngày của chúng.

Ở tuổi niên thiếu, tự do của nước Mỹ khiến trẻ con có khuynh hướng sớm tách rời cha mẹ để tự xác lập căn tính của chúng. Thay vì nhận biết khoảng cách này có thể đưa đẩy trẻ vào những bước sai lầm, cha mẹ cần kiên nhẫn tạo lập một nhịp cầu mới để giúp cho con cái có thêm thời giờ trưởng thành thì đa số cha mẹ vì nhu cầu riêng, chấp nhận buông con một cách dễ dàng, coi như theo đúng kim đồng hồ sinh học.

Bé Alex C. vừa đúng 11 tuổi khi bé ý thức có điều gì bất ổn nơi mình. Không chỉ đơn giản là bé không cảm thấy hạnh phúc mà bé còn luôn thấy nội tâm trống trải và ray rứt buồn khổ. Bé không muốn kết bạn với các trẻ khác. Trong nhiều năm, bé âm thầm ôm nỗi niềm riêng, lòng ngập tràn hổ thẹn không nguyên cớ, có lẽ biết mình không giống ai. Bé xin mẹ đổi trường song không có gì thay đổi cả.

Sau này, bé nói với đài NBC News: “Em không cảm thấy bị ghét bỏ hay thiếu tình thương. Em chỉ cảm thấy lãnh đạm với cả thế giới quanh mình. Em biết em được bảo bọc với nhiều ân điển tuyệt vời nhưng vấn đề là em không biết tại sao em không thể nào cảm thấy mình hạnh phúc?” Đến một lúc nào đó của tuổi 16, hết chịu nổi và ý tưởng muốn chết khiến Alex bật ra nói với mẹ bí mật của mình.

Khi chia sẻ câu chuyện của họ với công luận, mẹ Alex tâm sự: “Trong giây phút cùng quẫn, bất ngờ nghe con nói lên nỗi thống khổ của nó, tôi không suy nghĩ gì nữa mà ôm chầm lấy con, hôn như mưa lên khuôn mặt xa cách của bé và hỏi con dồn dập: “Con có cảm thấy mẹ đang ôm con không? Con có cảm thấy dễ chịu trong vòng tay ấm áp của mẹ không?”

Ra khỏi cái vỏ ốc cô lập bé một thời gian dài, bé được bác sĩ điều trị đúng quy cách và hồi phục. Nhìn hình bé tươi tắn, nụ cười dậy thì rạng rỡ như một bông hướng dương đứng vững sau cơn mưa, nghe bé đích thân chia sẻ: “Hãy nói với một ai đó ngay khi bạn cảm thấy có điều gì bất ổn trong lòng,” tôi vui mừng biết rằng quả thật đối thoại, sự cảm thông và hơi hướm của một vòng tay ôm siết có sức mạnh chữa lành những vết thương và hồi sinh một cơ thể băng giá.

Tôi nhớ lại tuổi thơ mình ở cái thành phố Huế cổ kính nhưng hiền hậu thuộc miền Trung Việt Nam. Cũng có những lần đang giữa cuộc vui với đám nhóc con như tôi ở tuổi lên 5, lên 6, mải mê hái hoa quả trong vườn và giả bộ nấu nướng, tôi sực nhớ hơi mẹ nên chạy đi tìm bà.

Mẹ tôi vất vả lam lũ với công việc, thấy tôi đang không níu áo bà, nhăn nhó, mắt rớm lệ: “Chị ơi, em buồn!” thì chục lần như một, mẹ ẩy tôi ra và quát nhẹ: “Buồn, buồn cái gì? Buồn ị hay buồn đái? Hết khôn dồn ra dại hả, đi chơi đi!” Tuy không được mẹ âu yếm và xử sự một cách văn minh như mẹ của Alex C. nhưng có chút gì nơi mẹ cho tôi hiểu rằng mẹ không muốn, không chấp nhận tôi buồn.

Trong trí tưởng đơn giản của mẹ, trẻ con phải vui như cái tuổi hồn nhiên của chúng. Vạt áo mẹ, hơi hướm mẹ ấp ủ tôi khi đêm xuống, khi ngày rạng, bất kể lúc nào tôi bỗng dưng khắc khoải đi tìm mẹ bởi tôi cần mẹ và biết mẹ ở đâu đó cho tôi nắm áo nói một điều vu vơ rồi chạy đi. Lớn lên tí nữa, đi học rồi, vào lớp viết những bài chính tả là những đoạn văn hay mà thầy, cô giáo đã chọn lọc, tôi không cuống quýt chạy đi tìm mẹ để thở than nữa mà tôi lẻn vào một góc nhà, tập tành viết xuống giấy mấy câu nắn nót, hươu vượn để diễn tả nỗi buồn có thật của tôi. Nguyên nhân thì tôi không biết rõ, chỉ biết mình không vui.

Sau này trưởng thành, tôi hiểu rằng từ trong vô thức, cuộc sống buồn bã của mẹ tôi ám ảnh tôi, cái bóng nhỏ xíu, cô quạnh của tôi trong ngôi nhà quá lớn, thửa vườn quá rộng, đôi lúc làm tôi sợ. Dẫu sao, tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm, yên ổn, nhờ mẹ tôi quê mùa và vững chãi, cho tôi sự bình an của hy sinh không mỏi mệt, của chấp nhận và thương yêu như đất im lặng hằng ngàn năm cưu mang loài người.

Thời thơ ấu của tôi không có iPhone, iPad, không có cuộc sống xung quanh với kích thước vô hạn và những điều quái gở như ngày nay trong mắt trẻ thơ, là những cám dỗ và thử thách vượt qua khả năng ứng xử ở tuổi chúng nó. Vậy nên giáo dục con cái giờ đây là một sứ mạng thập phần khó khăn cho cha mẹ so với trước kia, một khi đứa trẻ bị phơi trần trước những hiểm nghèo ngày càng đe dọa hơn và chúng thì ngày càng mất dần những điểm tựa.

Kết quả những cuộc nghiên cứu mới nhất đưa ra các yếu tố gây nguy cơ cho trẻ em thời nay là sự cô lập, lạm dụng Internet, áp lực học tập và thiếu sự hỗ trợ. Tuổi niên thiếu là thời điểm đặc biệt có nhiều xáo trộn trong cuộc đời một người. Theo tài liệu của cơ quan American Psychiatric Association, có đến 50% các trường hợp tâm thần bắt đầu từ tuổi 14, hiện nay còn sớm sủa hơn nữa so với hiểu biết trước đây là từ tuổi lên 2 tới lên 5. Bệnh trầm cảm và buồn vui lưỡng cực (bipolar disorder) có khuynh hướng gia tăng gần gấp đôi trong hạn tuổi từ 13-18.

Tôi không biết cái tin từ Bartow trong tuần lễ vừa qua có làm cho các bậc cha mẹ giật mình nhìn lại cái gia đình nhỏ bé và những đứa con nhỏ bé, yếu ớt của họ hay không? Để biết chúng suy nghĩ gì trong cái đầu thơ ngây, cả tin, dễ thâm nhập của chúng, bằng cái trí khôn non nớt của chúng để kịp thời dìu dắt, nâng đỡ, hay rồi cũng như cả ngàn vạn những cái tin ghê gớm khác chỉ như những viên sỏi nhỏ ném xuống hồ, làm gợn chút sóng rồi chìm vào lãng quên như chưa từng bao giờ xảy ra? (Bùi Bích Hà)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT