Thursday, March 28, 2024

‘Chị Hạnh Nhơn!’

Tạp ghi Huy Phương

Chị Hạnh Nhơn! Chị đi rồi, nhưng ba tiếng ấy như còn vọng mãi trong lòng mọi người. Quả thật là chị không còn trẻ! Trong một thế giới mà những ông, những bà 70 tuổi được gọi bằng những chữ kính trọng, cụ ông, cụ bà, thì với tuổi 90, người ta sẽ dành tiếng gì để gọi chị? Nhiều lúc chị cũng than là chị đã quá già, nhưng già mà được như chị có ai bằng. Chị ngủ ít, ăn chay hơn 20 năm nay, cũng đau ốm lặt vặt như những vị cao niên khác, nhưng ai làm việc được bằng chị.

Từ ngày đang định cư tại Mỹ, chị không biết lái xe, ít đi ra ngoài, chỉ quanh quẩn với đống hồ sơ, tràn ngập trong nhà xe, phòng ngủ và cả trên giường của chị. Ba cái điện thoại, danh nghĩa là để người ta gọi về hội, đều nằm trong tầm tay của chị, mà chúng nó muốn reo lúc nào thì reo, cũng không chịu nhường nhau, reo trước reo sau, mà có khi cùng lượt. Trên trái đất này có nhiều múi giờ, người gọi không nhớ giờ này ở chỗ “chị Hạnh Nhơn” là ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi trưa. Chị không muốn để mất một cuộc gọi, lỡ bên kia đầu dây có người đang muốn cho thương binh $20, mà không ai bắt máy là một cơ hội đã bỏ lỡ.

Chị biết hết mọi chuyện, có thể giãi bày những thắc mắc của người gọi, nhất là đem lại sự yên tâm và tin cậy cho người bên kia đầu dây.

Ở hải ngoại này có hằng trăm hội thiện nguyện giúp thương binh VNCH, nhưng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH được xem là một hội lớn có tầm vóc về hoạt động và uy tín hàng đầu. Chị Hạnh Nhơn, ngày bắt đầu đến với hội, sáng kiến lúc đầu do một số anh em đến Mỹ theo diện cựu tù nhân chính trị, chị không phải là người của công chúng, mang cấp bậc tướng lãnh, hay là một người từng điều hành những hội đoàn lớn. Vậy mà trong vòng vài năm, từ một hội thiện nguyện vô danh, chỉ có vài anh em hoạt động, mỗi năm may ra kiếm được vài nghìn cho 100 anh em thương binh, ngày nay, hội đã có tầm vóc lớn, số tiền gửi cho thương binh lên hơn $1 triệu mỗi năm, và con số hồ sơ thương binh chính thức hội có con số hơn 15,000 chưa kể hơn 3,000 hồ sơ quả phụ.

Được như vậy là nhờ nhân cách và đạo đức của chị, mặc dầu đôi lúc, chị tỏ ra một chút vụng về, chân thật. Chị không có tài hùng biện hay thuyết phục người khác bằng những lý luận của mình, nhưng ở chị toát ra một điều gì khiến cho người mới gặp cảm tình, tin cậy. Cái cảm giác khi Nam Lộc gặp chị lần đầu tiên, khi chúng tôi đưa chị đến gặp anh ở văn phòng Đông Nam Á hay lần đầu tiên Trúc Hồ gặp chị qua Nam Lộc là: “…Khi gặp cô, nghe cô nói chuyện, tôi tin tưởng ngay. Cô có một phong cách mà khi nói chuyện, tiếp xúc mình cảm thấy bình an lắm. Cô là một người tốt, một người sống vì mọi người. Do đó tôi tin tưởng hết vào cô và sẵn sàng làm việc với cô trong suốt 10 năm qua mà không có sự nghi ngờ gì hết.” (phát biểu của nhạc sĩ Trúc Hồ về chị).

Vì theo tôi, đầu tư tiền bạc, công sức dễ dàng hơn khi ta chọn nơi để đầu tư uy tín. Mất uy tín là mất tất cả. Vì vậy, mà tin tưởng nơi hội, nhiều tổ chức giúp thương binh ở trên nước Mỹ cũng như ở ngoại quốc sau khi gây quỹ đã gửi số tiền thu được về cho hội để phân phối đến các thương binh.

Chị bình tâm, dịu dàng, không tranh chấp và vị tha, ngay cả trong thời gian có chủ trương nhằm đánh phá vu vạ hội, với những lời lẽ khiếm nhã đối với chị, cũng như với những người cộng tác, theo ý niệm của con nhà Phật: “Oan ức không cần bày tỏ!”

Phải nói mọi người đều bàng hoàng trước tin chị ra đi, nhất là vào những ngày vết đau 30 Tháng Tư lại cào xé nỗi tâm can của mọi người: những ân nhân đã từng đóng góp từng đồng bạc cho thương binh qua chị, những người lính đã thương yêu quân ngũ VNCH như chị, những người con xa xứ đã biểu đồng tình với công việc của chị lâu nay, những thương binh ở quê nhà đã coi chị như là một ân nhân lớn, hay là những người đã từng biết đến tên tuổi và công việc của chị.

Chị Hạnh Nhơn! Tuổi chị đã nhiều, cũng không ai đòi hỏi sự cống hiến của chị là vô hạn, nhưng chị ra đi lúc này là có quá sớm hay không? Hơn 15,000 thương phế binh hướng về chị hôm nay, chính là đang gửi gắm lòng tin đến những người Việt xa quê hương.

Nhưng thương quý chị, chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp nối con đường chị đi. Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 11 sắp tới đây tổ chức tại San Jose, và những kỳ gây quỹ sau nay sẽ không còn chị, nhưng tinh thần “Hạnh Nhơn” sẽ còn với các phong trào yểm trợ thương binh VNCH trên thế giới. Đó là tinh thần “sẵn sàng” của Hướng Đạo,” ứng trực 24/24 của một quân nhân và lòng yêu thương đùm bọc của đạo lý Việt Nam.

Từ đây, em sẽ không còn nghe vợ nói khi trở về nhà: “Sáng nay, chị có gọi!” hay khi bước vào nhà chị, nghe một cháu gọi vọng vào nhà trong: “Mạ ơi! Có chú tới!”

Vì chị đã không còn nữa, thật rồi! Chị Hạnh Nhơn ơi!

MỚI CẬP NHẬT