Thursday, March 28, 2024

Cộng Sản cũng biết sợ!

Tạp ghi Huy Phương

Từ trước đến nay có nhiều cuốn phim và ca khúc mang tên “Mẹ Vắng Nhà” nhưng chỉ có một cuốn phim ngắn, gần đây, cũng mang tên này, làm cho chính quyền Cộng Sản Việt Nam sợ hãi. Vì sợ hãi, nên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bangkok đã ra mặt khiếu nại với Câu Lạc bộ Báo Chí Quốc Tế Thái Lan (FCCT) yêu cầu ngưng chiếu cuốn phim.

Đó là cuốn phim tài liệu về blogger Mẹ Nấm không có nhân vật chính, vì nhân vật chính đang ở trong nhà tù. Cuốn phim chỉ kể lại chuyện hai đứa trẻ vắng mẹ, sống với bà ngoại mà bà ngoại lại còn một bà mẹ già phải săn sóc. Cuốn phim không hề xúc phạm đến Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan, cuốn phim cũng không nêu đích danh đồ tể Hồ Chí Minh, nhưng vì sao nó lại bị cấm chiếu ở Bangkok?

Thân mẫu của Mẹ Nấm cho rằng chế độ Cộng Sản sợ con bà: “Bản án 10 năm dành cho con gái tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho thấy ‘họ sợ hãi con tôi, sợ cái cộng hưởng lan rộng, được nhiều người hưởng ứng, nên họ phải bóp cổ, bóp miệng con tôi!’”

Đảng Cộng Sản đã phải sợ nhiều lần, nếu không sợ, chúng đã không làm áp lực với chính phủ Malaysia để phá bỏ tấm bia trên đảo Bidong, với chính phủ Indonesia để phá bỏ tấm bia tương tự trên đảo Galang năm 2005. Mà hai tấm bia này nói gì để nhà nước Cộng Sản can thiệp thô bạo như thế? Một tấm bia ghi rằng: “Để nhớ ơn những nỗ lực của Phủ Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ Malaysia và các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, chính phủ và nhân dân Malaysia cùng các quốc gia đã cung cấp nơi tạm trú đầu tiên cũng như nơi tái định cư. Chúng tôi cũng xin bày tỏ tri ân đến hàng nghìn cá nhân khác từng làm việc hết mình để giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. (Các Cộng Đồng người Việt Hải Ngoại).”

Trên một tấm bia khác: “Tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên con đường đi tìm tự do (1975-1996). Dù họ chết vì đói khát, vì bị hãm hiếp, vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta thảy đều cầu nguyện để họ được yên nghỉ dài lâu. Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. (Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại- 2005).

Tấm bia chỉ được dựng lên để tưởng niệm những người đã chết oan khuất trên đường đi tìm tự do và ghi nhận lòng nhân ái, giúp đỡ của những người dân địa phương, nhưng đã làm cho chính quyền cộng sản Việt Nam, phải dùng đến Trần Đức Lương lên tiếng vận dụng ngoại giao để đục bỏ nó đi.

Chúng ta cũng chưa quên chuyện Việt Cộng trong cuộc tấn công vào Huế năm Mậu Thân 1968 đã giết ba vị giáo sư Đức Quốc một cách dã man và chôn tại Chùa Tường Vân. Sau khi Huế được giải phóng, sinh viên Y Khoa Huế đã đựng một tấm bia ghi ơn công lao của các vị giáo sư này trong sân trường Y Khoa. Vậy mà sau năm 1975, khi Việt Cộng chiếm Huế, chúng đem tấm bia này vứt xuống một hồ rau muống, như rửa vết máu, để “phi tang!” Tấm bia không được dựng lên để tố cáo Cộng Sản, tấm bia chỉ nói đến một lời tri ân “tôn sư, trọng đạo!”

Việt Cộng luôn luôn nói rằng các thi thể tìm được trong các hầm chôn tập thể là do bom đạn Mỹ Ngụy, nhưng vì sao sau khi chiếm Huế năm 1975, chúng cho xe ủi đất san bằng ngôi mộ tập thể ở núi Bân, thường được gọi là Ba Tầng, nơi mà chính phủ VNCH đã cải táng các nạn nhân từ các hầm chôn tập thể về đó! Việt Cộng sợ công luận và luôn luôn tìm cách xóa hết vết tích của tội ác.

Cả một đảng, một chính phủ, một tập thể quân đội, công an hùng hậu, trang bị vũ khí tận răng, mà bỗng dưng đi sợ một bài hát chỉ có dăm câu, bài hát đặt những câu hỏi với nhà cầm quyền đã đánh đập, hành hạ dân, nêu ra tương lai nước mất đã gần kề. Vì sợ hãi, nên tác giả phải ra tòa án, vào nhà tù. Giam tác giả vào nhà tù, nhưng không giam được tiếng hát đã bay xa, ra khỏi những song sắt, đi khắp miền đất nước và vượt khỏi biên giới! Đó là trường hợp của Việt Khang.

Người ta thường chê phụ nữ yếu đuối, nông cạn nhưng đất Việt đã có những bậc anh thư, bình thường, và can đảm một thân, một mình, nêu cao tiếng nói, đối diện với cả một chính quyền hung bạo, nhà tù và cả những sự trả thù nhỏ nhen nhắm vào những người đàn bà tay không. Đó là bà mẹ đơn thân như trường hợp của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào tù bỏ lại hai con nhỏ, Nấm và Gấu; như bà Trần Thị Nga (Thúy Nga) vào tù, khi bà còn hai đứa con thơ là Phú và Tài; như bà Nguyễn Thị Minh Thúy, chỉ là “phụ tá” Blogger Ba Sàm thôi, cũng lãnh án tù, bỏ lại hai đứa con trai chừng 5, 6 tuổi.

Mới đây trong chiến dịch cầm tù kể cả sát hại những người đối kháng, không có tổ chức, không có vũ khí, chỉ có cây viết trung thực, ký giả tờ “Pháp Luật TP.HCM” Đặng Thị Tuyền, bút hiệu Hải Đường, đã bị sát hại tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Một người can đảm, có ý hướng, thương yêu cha mẹ, có một đứa con nhỏ, lại bơi giỏi không thể nào bị tai nạn sông nước hay tự trầm. Hải Đường cũng là một bà mẹ đơn thân, mất đi để lại một con trai lên 6.

Chúng ta đã có Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga (Thúy Nga), Nguyễn Thị Minh Thúy, Đặng Thị Tuyền, bút hiệu Hải Đường… Chúng ta không thiếu những anh thư dũng cảm như Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vi, Hồ Thị Bích Khương, Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân… họ đã bị chính quyền Cộng Sản cầm tù, sách nhiễu, trả thù bằng nhiều cách đê tiện. Chỉ vì họ đã dám lên tiếng, tranh đấu vì quyền lợi công nhân, vì môi trường, vì nạn tham ô, vì vận mệnh đất nước.

Họ không có vũ khí trong tay, không có tổ chức, đảng phái, không có tuyên ngôn không chủ trương kêu gọi quần chúng nổi dậy lật đổ chính phủ, không là lực lượng của một tổ chức nước ngoài, vậy mà họ bị kết án “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…”

Dư luận trong nước đã lên tiếng cho đây là một sự trả thù ti tiện, vô đạo của nhà cầm quyền đương cuộc. Điều 79 trong luật cũ và Điều 109 trong luật mới, về tội “ lật đổ chính quyền nhân dân” là một điều luật mơ hồ để “cắt cổ” dân chủ!

Thế giới lên tiếng Việt Nam đàn áp, bắt bớ các nhà dân chủ là không thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo Điều 18 và 20 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và các Điều 19 và 22 của Công Ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị.” Quả là một điều xấu hổ khi, hiện nay Việt Nam ở trong Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Một bài xã luận của tờ New York Times ngày 26 Tháng Hai, 2006 cũng đã gọi Ủy Ban Nhân Quyền là “một nỗi nhục của Liên Hiệp Quốc!”

Gần đây, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, gọi đó là một cơ quan “đạo đức giả và vụ lợi” và tạo ra “một sự nhạo báng về quyền con người!”

Nhà độc tài nào cũng sợ quần chúng! Cộng Sản do vậy cũng biết sợ!

Có khi đảng không sợ quần chúng mà sợ “quan thầy” như trường hợp Nguyễn Thiện Nhân, Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn khi tiếp Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Cộng, tại khách sạn REX, đã phải dùng một chậu cây lớn để che và tắt đèn gần vị trí đặt tấm bản đồ Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!

CSVN cũng đã thu hồi cuốn sách sự thật về “Gạc Ma-Trường Sa” vì sợ làm phật ý Trung Cộng!

Đây là những hành động sợ hãi hèn hạ, điếm nhục, vô liêm sỉ của những quan chức cấp cao của đảng Cộng Sản Việt Nam mà lịch sử đất nước phải ghi nhận. (Huy Phương)

Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam California có tân chủ tịch với nhiều chống đối

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT