Friday, April 19, 2024

Dấu chân trên tuyết

Bùi Bích Hà

Ngày mùng 4 Tết, tuyết bắt đầu rơi nhiều ở tiểu bang Washington. Nhà bạn tôi ở Bellevue, ở Shoreline và nhiều thành phố khác, tuyết như những đàn bướm trắng thiên di chậm chân chết cóng giữa đường, xác rụng tả tơi, phủ lên nóc nhà, bao lơn, đường sá, vạn vật.

Trong vài tiếng đồng hồ, có nơi tuyết dầy tới 6 inches. Trời vừa xẩm tối, đèn đường vừa bật lên, tuyết óng ánh sáng như ngân nhũ giữa vùng tối đen của đêm mùa Đông vừa bắt đầu dâng lên bốn phía xung quanh. Xe hơi không chạy. Bộ hành không còn ai ngoài đường. Cả một không gian đông cứng, lặng yên, thanh tịnh, lạ lẫm, mơ hồ, tưởng như một thời hoang sơ xa xôi đã mất hút bỗng bàng hoàng trở lại.

Đôi vợ chồng cùng đứng phía sau khung cửa kính rộng của phòng khách căn nhà họ ấm hơi sưởi. Người chồng để một tay lên vai vợ, hỏi bằng đôi măt khích lệ: “Em có muốn mạo hiểm đi một vòng quanh đây không?” Hơi bất ngờ tuy ý nghĩ chồng vừa nói ra là ý nghĩ chị vừa có, thoáng qua trong đầu. Nhìn con dốc thoải trước ngôi nhà, ngày thường khô ráo, chị đi xuống thường phải bấu chặt mấy ngón chân trong mũi giầy thể thao chúi về phía trước, bây giờ phẳng phiu, trắng toát, tinh khôi, trơn tuột với ít nhiều đe dọa, chị ngần ngại ngước nhìn chồng: “Có nên không?” Bàn tay người chồng bóp nhẹ vai vợ như mọi khi anh muốn chị yên tâm về một việc gì: “Em thích hay không thích, giản dị thế thôi, em yêu.”

Họ nai nịt thêm áo ấm, găng tay, khăn quàng. Họ mở cửa garage và bước ra trong vùng sáng của ngọn đèn gắn trên cao, đủ theo chân họ xuống nửa con dốc, cảm giác là hai sinh vật chưa có tên gọi thời khai thiên lập địa, mặt đất chưa có ai khác.

Một hạnh phúc lâng lâng, mới mẻ, xâm chiếm và tràn ngập chị, có thể cả anh nên không ai nói gì với ai, để họ nghe từ thinh lặng tiếng nói của đất trời dường như cũng tràn trề hoan lạc trong khí xuân uyên nguyên của mùa Xuân đang về. Chị níu tay anh từ bước đầu tiên. Tuyết dưới chân họ không quá mềm để giày lún sâu, chỉ đủ để in rõ dấu giầy của cả hai đi bên nhau. Bước đi của anh vững vàng, đế giày đều tăm tắp in từng đôi trước sau ngay ngắn, thẳng băng. Bước đi của chị chân trái in dấu giầy mảnh mai, nhẹ nhàng hơn nhưng chân phải chị đi zigzag, có lẽ để giữ thăng bằng riêng phần chị.

Cứ thế, họ đi một vòng phía ngoài khu xóm tuyệt đối im ắng rồi vòng trở về, ngược lên dốc để vào nhà. Một vầng sương khói lờ mờ quấn quýt, tỏa bay trong mắt họ cùng với hơi thở theo mỗi bước chân càng lúc càng nhanh và phải dùng sức nhiều hơn.

Vào garage, nhìn ra con dốc vẫn còn rành rành bốn cặp dấu chân họ đi và về trong một buổi tối hiếm hoi của Seattle, người chồng lấy máy ảnh ghi lại kỷ niệm đáng yêu này cho album gia đình của anh chị.

Không biết với người đàn ông, uống xong ly nước táo ấm để cám ơn thân thể, anh có nghiền ngẫm cảm giác thỏa thuê vừa trải qua hay không? Với chị, người đàn bà như loài bò nhai lại, chị không thể không hồi tưởng hạnh phúc còn hôi hổi trong lòng. Chị vào thư phòng, làm thơ. Để tận hưởng niềm vui, thấm ngấm nó, để chia sẻ với bạn bè, gởi ra độc giả của chị khắp nơi với tấm ảnh minh họa là tác phẩm của người bạn đời.

Chị có ngờ đâu cái đêm tuyết trắng trời Seattle với không gian tịch mịch vừa rồi, quãng đường dốc lên dốc xuống hai vợ chồng cùng đi trong tay nhau và trong thinh lặng, đã mặc khải cho chị một tình nghĩa vợ chồng không cần bất cứ hình thức hoa mỹ nào để bày biện. Nó là núi im lìm, sừng sững, bất biến, phủ bóng chở che. Nó là biển thăm thẳm, giữ sóng gió riêng mình, có lúc nổi giận nhưng không lúc nào ngừng bảo dưỡng sự sống trên trái đất. Nó là bến đậu an toàn cho con thuyền nổi trôi quay về dưới trời giông bão. Nó là ước hẹn một ngày cũng xin mãi mãi trăm năm.

Dấu giầy in trên tuyết
con đường đêm lặng thinh 

Bước từng bước rất khẽ
sợ tuyết vỡ dưới giầy 

có bàn tay luống cuống
níu vào cánh tay ai
ta đi như vô tận
im lặng và tinh khôi 

im lặng của tuyết và im lặng của thơ
rơi xuống giữa hai ta 

Quay về trước hiên nhà
nhìn dấu giầy trên tuyết
xếp bên nhau từng đôi
lò sưởi nào còn ấm
đợi những ngón chân vui 

Tuyết ơi in dấu ở đây
Để bao năm cũng nơi này tìm nhau.

(tmt, tối mùng 4 Tết Kỷ Hợi)

Dấu giầy trên tuyết sẽ tan biến khi tuyết ngừng rơi và nắng lên, tấm ảnh từng khiến bạn bè xôn xao khen ngợi rồi cũng phai mờ nhưng ký ức ghi khắc những bước chân song hành bên nhau trong đất trời tinh khôi và lặng lẽ chỉ có hai người, vô hình, vô ngôn, sẽ còn ở lại mãi mãi với anh chị (và những ai từng nhìn ngắm tấm ảnh) như một tặng phẩm tình yêu mầu nhiệm đến từ thiên duyên hạnh ngộ.

Trong nhóm bạn thân tình thường trao đổi điện thư với nhau, hình ảnh lội tuyết nhắc nhở vài lứa đôi từng có kỷ niệm này.

Ảnh nào làm vật chứng cũng đẹp và nên thơ có lẽ do ý nghĩa của ngoại cảnh (trời rét, tuyết trắng mênh mông trong một vũ trụ bỗng thay hình đổi dạng) và của nội tâm (chúng ta bên nhau, thử tìm xem có thấy gì ngoài sự bình yên sau cánh cửa nhà đóng lại?).

Vài người khác trong đó có kẻ viết những dòng này, nhớ lại thời bé dại ở quê miền Trung, rủ nhau đi lội nước lụt. “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ,” ngôi nhà của phụ thân tôi ở một vùng đất trũng, bên này cánh đồng nhìn thẳng xuống Bao Vinh. Trời chỉ mưa vài cơn là nước từ phía ruộng tràn lên bờ, phủ kín vườn tược và con lộ đá răm chạy qua cổng, xuôi về Bãi Dâu, Tả Duệ. Nước mưa trong veo, rửa sạch đất cát trên mặt lộ, làm ánh lên màu đá xanh biếc bị chôn trong nhựa trải đường những ngày khô ráo.

Tôi và lũ trẻ con hàng xóm chờ mưa tạnh, nắng hửng là trốn mẹ túa ra, xắn quần lội nước. Bây giờ nghĩ lại, thấy trò chơi ngày ấy đâu có gì vui nhưng có lẽ vì chúng tôi không có trò chơi nào khác nên cùng lấy việc lội nước, té tát vào nhau, vừa chạy thục mạng vừa sợ tê tái thấy đỉa đuổi theo bên chân, làm vui.

Có lần tôi cuống quýt, chạy không kịp, bị đỉa bám vào ống chân, túm quần đứng giữa trời khóc rống lên cầu cứu. Lũ nhóc con cũng sợ như tôi nhưng chúng mặc kệ tôi, hè nhau bỏ chạy và cười như nắc nẻ, làm nước bắn tung tóe như bạc vụn. Sợ hãi thấy con đỉa ngo ngoe, bé xíu bám vào bụng chân tôi cứ to dần lên, đen thui, tôi càng khóc to, khiến bà Sáu có quán bán bánh bột lọc, bánh nậm và chè đậu xanh bên cạnh miễu thờ ông thần Hổ, tội nghiệp con gái cụ Bùi, phải xắn cục vôi ăn trầu ky vào con đỉa để nó cong cái mình trương phình, rụng xuống nước, kéo theo một vệt máu tươm ra từ vết cắn của nó trên chân tôi. Bà Sáu thương tình, dắt tôi vào quán, cho ăn bánh nhưng tôi còn quá sợ, không nghĩ tới món ăn thường ngày hẩu xực với tôi mà cứ tấm tức khóc và nài nỉ bà làm sao cho tôi về nhà? Sau lần ấy, bị mẹ giận lắm vì không vâng lời, mắng cho một chặp và dọa bỏ đói bữa cơm chiều, tôi cạch luôn trò chơi nhạt nhẽo ấy.

Tuy nhiên, nước lụt ở Huế để lại trong ký ức tuổi thơ tôi nhiều cảm xúc buồn bã khác mà tôi cũng sẽ không bao giờ quên.

Chập tối lúc đi ngủ, vườn tược quanh nhà còn khô ráo, nước chỉ ngấp nghé bờ ruộng phía trước và hồ sen bên phủ ông Hoàng Mười. Tôi chui vào chăn, sung sướng ngủ thiếp đi trong tiếng mưa rào rạt ru êm trên đám cây lá rậm rạp ngoài vườn. Nửa đêm thức giấc vì tiếng chân lội nước bì bõm ngay bên cạnh, tiếng lạch cạch của đồ đạc bị di chuyển, tôi dụi mắt, cố tỉnh ngủ, một cánh tay thò ra ngoài mép tấm phản gỗ chạm ngay vào nước, tôi hết hồn ngồi bật dậy, thấy mẹ tôi dầm nước ngang bụng, chạy những thứ cần chạy lên chỗ cao hơn trong nhà. May là nước chỉ mấp mé mặt phản rồi ngừng nên tôi được yên vị sau tiếng gọi mẹ thảng thốt đầu tiên “Chị ơi!” và nghe mẹ trả lời: “Nằm xuống ngủ đi cho chị làm việc.”

Kinh nghiệm chạy nước lụt qua mẹ tôi tuy vất vả nhưng kinh nghiệm dọn dẹp sau cơn lụt mới thật sự kinh hoàng. Ở Mỹ, thỉnh thoảng báo đưa tin có cụ cao niên cào tuyết trước sân nhà, động tim mà chết. Ở Việt Nam, chưa bao giờ nghe nói có trường hợp tương tự người chết vì dọn bùn và rác nước lụt để lại nhưng cho đến bây giờ, mỗi lúc hồi tưởng công việc mẹ tôi phải làm khi nước lụt ngập tới đầu gối trong ngôi nhà rộng bẩy phòng ngủ, chưa kể hành lang, rút dần đi, tôi vẫn không cách nào hình dung hết được nỗi cơ cực của mẹ. Bùn đặc quánh, dầy cỡ gần hai phân, bám vào sàn xi măng, dưới gầm giường, gầm tủ và các góc nhà.

Thời ấy chưa có những đồ gia dụng tiện nghi và ít dùng sức người như bây giờ để giúp các bà nội trợ thi hành nhiệm vụ săn sóc nhà cửa. Mẹ tôi phải quỳ hai gối, tay chỉ có cái bàn chải rễ tre để cạo bùn, vừa lê trên sàn vừa đẩy cái xô nước theo bà để dội rửa chỗ sàn đã cọ sạch. Tôi không biết nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi viết lời ca cho Sông Hương trong bản trường ca Hội Trùng Dương: “Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để làm biển khơi…” có biết đến đau thương của những người đàn bà phần số hẩm hiu như mẹ tôi, không “lều tranh, chiếu manh” nhưng cực khổ đến điều?

Thời gian tôi xa Huế đã quá lâu, sau này vài lần về Huế thăm mộ phụ thân, tôi chỉ về qua vườn cũ một lần vào mùa Hè để thấy cảnh vật hoàn toàn đổi thay, nghe kể lại trong cuộc chiếm đóng ngắn ngủi và tàn sát bi thảm của người Cộng Sản Tết Mậu thân, quân đội Việt Nam Cộng Hòa từ đồn Mang Cá phải câu pháo vào thẳng ngôi nhà của bố tôi lúc đó cộng quân đang cố thủ, san thành bình địa, chỉ còn sót lại một góc ở mặt tiền nhà trước đây là tổ ấm của anh tôi và chị dâu.

Tôi không can trường như mẹ, một lần đi là chấp nhận vĩnh biệt như bà đã vĩnh biệt làng quê Bắc Ninh, gửi thân vào đoạn trường và không bao giờ ngoảnh nhìn lại. Như bà đã xa lìa ngôi nhà, khu vườn bà thương yêu đổ mồ hôi trên từng tấc đất, ngày nắng ngày mưa rẫy cỏ, vun xới, ươm trồng cây quả và một ngày lau tay vào vạt áo, bỏ Huế, theo con đi vào nơi vô định. Tôi không được như mẹ, thấy tôi như tôi lúc này, một mình “ngồi khóc tuổi thơ bay…”

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT