Friday, April 19, 2024

Điện ảnh và đời sống

Bùi Bích Hà

Nếu tiểu thuyết là đời sống được mô tả bằng văn chương thì thoại kịch và điện ảnh là một cách mô tả khác, tượng hình, tượng thanh, sống động, bằng chính con người thủ vai các nhân vật trong nhiều cảnh đời hoặc quen mắt, hoặc lạ lẫm, được đạo diễn chọn lựa và thể hiện.

Khi thai nghén rồi cho ra đời một tác phẩm, nhà sản xuất phim kết hợp với đạo diễn trong lựa chọn chủ đề, có thể khác nhau về mục tiêu nhưng cùng đồng ý trên nội dung: một bên bỏ vốn đầu tư, tin vào mức độ thu hút khán giả, đem lại tiếng tăm và lợi nhuận; một bên đầu tư tài năng và thể hiện quan tâm riêng nhưng tin là phản chiếu sự đồng cảm của nhiều khán giả.

Điểm gặp nhau chung giữa đôi bên là khán giả mê điện ảnh, thích đi tìm những cảnh đời khác hơn hoặc ít nhiều những cảnh đời họ đã sống qua hay mơ tưởng. Công trình của người đạo diễn cần khán giả để hoàn thành kịch bản, nếu không, nó sẽ nửa chừng.

Mười lăm năm qua, nhóm bạn trẻ VALAA với người thủ lãnh đa dạng, đảm lược là cô Lê Đình Y Sa, ái nữ của nhà báo quá cố Lê Đình Điểu, đã quần tụ bên nhau, ngày càng phát triển nhân lực và biên độ, tổ chức tới nay là lần thứ 10, các đại hội điện ảnh mỗi hai năm rồi hằng năm, giới thiệu tác phẩm ngắn dài của các đạo diễn nhiều quốc gia, chủ yếu là các đạo diễn người Việt hiện sống trong và ngoài lãnh thổ, ở nhiều quốc gia họ định cư trên thế giới.

Đại hội điện ảnh VALAA hay Việt Film Fest năm 2018 được tổ chức trong ba ngày, từ 12 đến hết ngày 14 Tháng Mười, tại rạp AMC rất lớn, trong khu thương xá The Block sát xa lộ 22 hướng Đông.

Phải nói là nhóm VALAA đã tiến từng bước ngoạn mục và rất đáng khen khi từ địa điểm sinh hoạt ban đầu trong khuôn viên các Đại Học UCLA và UCI, xa trung tâm Little Saigon nên có phần khó khăn cho người tham dự, nhất là quý cụ cao niên, các bạn đã di chuyển được sinh hoạt này về một nơi rất bề thế, thuận tiện để thu hút khán giả mọi giới và mọi lứa tuổi. Từ con số vài trăm người thời gian đầu, nay đã tăng lên tới 5000, trở thành sinh hoạt điện ảnh có tầm cỡ, duy nhất trên toàn thế giới, kể lại kinh nghiệm sinh tồn và cất cao tiếng nói của người Việt Nam.

Vì thời giờ bó buộc, tôi chỉ tham dự được hai trong ba ngày đại hội cũng như phải chọn lựa theo trực giác, các phim có thể xem được giữa số lượng hết sức phong phú các phim gởi về để ra mắt khán giả, tranh giải Trống Đồng và giải quần chúng.

Chủ đề các phim trình chiếu phản ảnh hầu hết cuộc sống đa dạng của người Việt tản lạc ở nước ngoài sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ngày càng phức tạp với tình tiết đa đoan, u uẩn hơn.

Chuyện một bà mẹ đơn thân, gia đình nề nếp, vẫn còn ăn Tết cổ truyền Việt Nam và có đứa con chuyển giống thành con gái. Thấy “cô” lính quýnh son phấn, xâu tay vào chiếc áo dài và đi tìm cái độn ngực, bà âu yếm ôm con, nhắc nhở: “Con là con của mẹ, Robert hay Robin, mẹ đều thương yêu như nhau.”

Chuyện tuổi trẻ thấy con đường hội nhập vào một văn hóa mới có khi phải chờ đến ba thế hệ. Chuyện trẻ con Việt Nam ra ngoài bị hiếp đáp, đánh đập nên nuôi chí rửa hận, lớn lên đi học quyền Anh, ghi khắc nằm lòng lời mẹ lau nước mắt căn dặn: “Con hãy biết đi trước khi chạy.”

Chuyện một thiếu niên đồng tính Mỹ gốc Việt cố thu nhặt kinh nghiệm của một di dân qua mẹ mình, sự phức tạp khi tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều người khác hầu có thể sống chung hòa hợp (phim dài 6 phút để tưởng nhớ mẹ hiền).

Chuyện một cậu học trò đẹp trai, hát hay, ngồi trong lớp học mơ mộng tình yêu, đâu biết mơ mộng và thực tế không bao giờ là một.

Chuyện một cụ bà góa bụa sống một mình bên Pháp, con cái thành đạt nên bận bịu, ít khi thăm viếng. Cụ thu mình trong căn nhà nhỏ, liên lạc duy nhất của cụ với thế giới bên ngoài là qua cô cán sự được sở xã hội gởi tới để giúp đỡ cụ. Cô này bị té ngã, phải tạm nghỉ. Cậu cán sự mới nhận việc đến thay. Cụ nhất định đóng cửa, từ chối, cho biết chỉ cần cô Kim. Cậu kiên nhẫn thuyết phục cụ rồi lấy được lòng tin của cụ qua cách chuyện trò bày tỏ được sự quan tâm của cậu mặc dầu giữa đôi bên có nhiều dị biệt. Hình ảnh cuối cùng đóng lại cuốn phim ngắn cho thấy cậu cán sự cẩn thận chọn cho cụ chiếc áo dài đẹp nhất trong tủ, đội nón an toàn cho cụ và đặt cụ ngồi lên yên sau chiếc scooter của cậu để cả hai cùng đi ngắm phố phường.

Chuyện một cậu thiếu niên nhờ năng khiếu và đam mê, nổi như sao băng, trở thành cầu thủ bóng đá người thiểu số gốc Việt đầu tiên đại diện nước Mỹ. Giữa vinh quang đang hồi sáng chói, cậu bất ngờ quay lại Việt Nam để thấy sự nghiệp chìm vào bóng tối. Trong một sinh hoạt thể thao được định nghĩa bằng những bàn thắng, câu chuyện của cậu nhắc nhở mọi người đừng quên rằng vấn đề quan trọng nhất trong đời thường là chúng ta phải đối phó với những khúc quanh không ai tiên liệu được.

Chuyện một gia đình di tản có ông bố bị bệnh mất trí nhớ. Mặc dầu Alzheimer xảy tới với bệnh nhân khắp nơi trên hoàn vũ song trong cộng đồng người Việt, dường như chưa có sự chuẩn bị để ứng xử và không những vậy, thân nhân còn bị định kiến và mặc cảm hổ thẹn dày vò.

Phim ngắn dưới hình thức tự truyện, muốn nêu vấn đề để giúp cảnh giác các gia đình trong hoàn cảnh này.

Còn rất nhiều phim ngắn khác nữa với những chủ đề như những tia chớp soi rọi bầu trời giông gió âm u của tuổi trẻ ngày nay trong cộng đồng chúng ta mà tôi đành bỏ qua. Tuy nhiên, tôi được xem “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè,” một phim trong tỷ lệ 50% các phim tham dự đại hội do các nhà sản xuất và các đạo diễn phái nữ thực hiện (Cao Thúy Nhi).

Tôi cũng được xem “Farewell Hạ Long,” một phim tài liệu (đạo diễn Ngô Ngọc Đức) kể lại chuyện nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhân danh UNESCO, giải tỏa các làng nổi đã bao đời sinh sống ở Hạ Long, với một lịch sử sinh tồn tự do, yên bình tuy cũng nhiều nước mắt song dân cư không ai muốn rời đi (hay đã đi rồi nhưng lại quay về).

“Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè,” cái tựa phim với cách hành văn lạ tai, hình như cũng không có chỗ nào liên quan tới nội dung nếu không là hình ảnh một rừng hoa hướng dương bạt ngàn với hai nhân vật chính đứng nhìn nhau từ hai hướng đối diện. Phim được quay tại Higashikawa, một làng nhỏ của Nhật.

Câu chuyện bắt đầu với chuyến đi của Nhật Hạ từ thành phố Đà Lạt tới làng Higashikawa để tìm người cha đã bỏ nhà, bỏ mẹ con cô đi lúc cô còn bé. Ông là một nhiếp ảnh gia đam mê và tài năng. Mỗi khi bắt gặp cô nâng niu mấy tấm hình bố cô gởi về cho con gái, mẹ cô thường ngậm ngùi nói với cô: “Mẹ chẳng thể nào hiểu được tại sao bố con lại có thể say mê mấy cái ảnh ấy như thế!”

Cô đến tuổi có tình yêu. Người thanh niên yêu cô muốn làm đám cưới. Cô hẹn đến sau chuyến đi Nhật nhưng đàng trai dung hòa xin làm đám hỏi. Chuyến bay đưa cô đến nước Nhật. Cô đáp chuyến xe đò vắng khách về ngôi làng theo địa chỉ thư bố gửi về.

Cô tìm tới nhà bố cô. Ngôi nhà im lặng, cửa đóng then cài. Có tấm bảng viết tiếng Nhật treo ở hộp thư mà cô không đọc được. Cô hỏi một ông cụ qua đường, được ông tử tế cắt nghĩa đó là cái bảng rao bán nhà. Tuy nhiên, ông cụ không biết gì hơn ngoài việc dẫn cô tới một bà hàng xóm có tiệm chụp hình, biết tin tức về chủ ngôi nhà muốn bán này.

Từ đây, câu chuyện lòng vòng, dính líu tới người thanh niên rất khó chịu mà cô gặp trên chuyến xe đò. Hóa ra anh ta là học trò cưng của bố cô, nay đang kế nghiệp bố cô truyền nghề cho đám học trò đàn em của anh ta. Khi biết cô là con gái của thầy Minh qua Nhật tìm cha, anh buồn bã đưa cô ra nghĩa trang, chỉ vào tấm mộ chí lạnh lùng. Bàng hoàng. Đau đớn. Không còn hy vọng gặp lại cha nữa nên cô muốn biết cha cô đã sống những ngày cuối đời như thế nào? Với ai?

Chỉ một mình ông thầy nhiếp ảnh trẻ Akira, gầy gò, dáng vẻ cô độc kia là người biết rõ điều này. Cô quyết tâm kết thân với anh để tìm hiểu, để có cảm giác vẫn còn gần gũi với ông bố rất thương yêu cô nay không còn nữa nhưng Akira chỉ nói một điều: “Thầy lúc nào cũng yêu thương cô hết lòng nhưng hoàn cảnh tàn phế không cho phép ông về Việt Nam. Những tấm ảnh sau cùng do tôi chụp và gởi về cho cô là theo sự ủy thác của thầy. Cô yên tâm vì thầy được săn sóc chu đáo cho tới khi ra đi.”

Tuyệt nhiên Akira không tiết lộ thêm điều gì cho tới một ngày, cô tình cờ khám phá ra người đàn bà hàng xóm làm chủ tiệm chụp hình One Day mà cô gặp đầu tiên khi tới đây chính là người đã săn sóc bố cô chu đáo như Akira mô tả một phần sự thật. Uất ức, thất vọng, cô đạp xe như bay trên đường làng với ý nghĩ “hóa ra bố đâu có chỉ say mê nhiếp ảnh? Ông say mê một phụ nữ khác.” Thần tượng đổ vỡ. Niềm tin khô cạn. Cô thu dọn hành lý, lặng lẽ rời bỏ nơi cô tìm tới chỉ để thấy sự dối trá của con người và giấc mơ thần tiên tàn phai.

Về Việt Nam, cô trở lại công việc phấn trắng, bảng đen, tiếp tục cuộc sống không còn tình yêu. Một buổi tối đang soạn giáo án cho lớp học, cô chợt thấy Internet loan tin Akira qua đời ở tuổi 32 vì bệnh ung thư não, sau loạt hình vừa đem lại cho anh vinh quang thế giới. Cô tức tốc bay đi Nhật, tìm về ngôi làng Higashikawa, nơi cô biết mình còn mắc nợ những ngày buồn vui ngắn ngủi và tình bạn tuy không lâu dài với Akira (mà biết đâu không là tình yêu?) nhưng đã làm thay đổi cách cô nhìn con người và cuộc đời.

Cô tìm tới tiệm ảnh One Day. Bà chủ tiệm mời cô bữa cơm thân tình, cầm tay cô, ngỏ lời: “Tôi thành thực tạ lỗi về những chuyện đã qua. Ông ấy có thể đã tệ nhưng không bao giờ ngừng thương yêu cô. Tôi dự tính chừng hai năm nữa sẽ đưa ông vế cố quốc.” Bà trao cho cô cái phong bì nhỏ của Akira, bên trong chỉ có hai tấm hình. Một tấm do cô chụp Akira đứng nghiêng, nhìn ra khoảng không chênh vênh phía trước, nghe Akira nhắc cô đếm từ 1 đến 5 trước khi bấm máy, theo thầy, là khoảng thời gian cần thiết để người nghệ sĩ thiết lập tương quan với đối tượng, cho tấm hình cái hồn. Tấm kia, ai đó chụp họ bên nhau, cô mặc kimono, khi cùng học trò đi dự lễ hội tại một ngôi đền. Phía sau chiếc ảnh, có hàng chữ của Akira: “Khi em không còn tin ai được nữa, hãy tin tôi.”

Là khán giả, tôi mừng thấy Nhật Hạ tìm lại được niềm tin về tình yêu của con người tuy hơi tiếc khi thấy đạo diễn Cao Thúy Nhi phải dùng đến cái chết của Akira để chứng minh những gì anh nói hay làm là sự thật. Cùng với hai vai chính của “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè,” tôi được nhìn ra một bộ mặt khác của tình yêu vượt qua ngôn ngữ, thể xác, không gian, thời gian, tưởng như mơ hồ nhưng thường hằng, vững chãi vì không cần tới những “vật liệu” dễ bị hư hoại. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT