Friday, April 19, 2024

Đội bóng thiếu nhi ‘Heo Rừng, Wild Boars’

Bùi Bích Hà

Sáng Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu, như thường lệ, 13 cầu thủ nhí của đội bóng Heo Rừng, tuổi từ 11 đến 17, đến địa điểm tập dợt lúc 10 giờ. Sau buổi tập, cùng với huấn luyện viên của đội ở tuổi 25, cả nhóm rủ nhau vào hang Tham Luang. Đối với họ, việc đi vào hang là một phần trong các hoạt động rèn luyện thể lực và kỹ năng, không có gì mới lạ, có khác chăng là hôm đó một cầu thủ nhí trong đội cảm thấy không đủ khỏe để vào hang nên rút lui, không đi, khiến cho số thành viên tham dự rơi vào con số 13 vốn được coi là không hên. Theo bé này, dường như ngày Thứ Bảy ấy còn là sinh nhật của một cầu thủ trong đội nên cả nhóm muốn tặng bạn một buổi liên hoan bất ngờ. Thiện ý và niềm phấn khích của tình đồng đội làm họ quên một yếu tố quan trọng mà người dân địa phương ai cũng biết, là không nên vào hang trong mùa mưa và gió mùa.

Quả nhiên khi họ đã ở trong hang rồi, trời đổ mưa lớn và nước nhanh chóng dâng cao, tràn vào hang, chặn đường ra của họ. 10 giờ tối Thứ Bảy, các gia đình có con chưa về nhà và cha mẹ không liên lạc điện thoại được, bắt đầu trình báo cảnh sát. Tin tức đội bóng mất tích loan truyền rộng rãi làm dư luận xôn xao và chính quyền lập tức lên kế hoạch tìm kiếm. Hơn chục chiếc xe đạp bỏ lại trong công viên gần hang không cho chỉ dấu rõ ràng đội bóng đang ở đâu, có được an toàn không? Tin tức vượt qua biên giới nhiều quốc gia và các chuyên viên quốc tế giầu kinh nghiệm về hang động mau chóng nhập cuộc.

Tuy nhiên, phải chờ tới ngày 2 Tháng Bảy, các thợ lặn xuất sắc của Anh Quốc mới định vị được nơi đội bóng đang trú ẩn sâu bên trong hang Tham Luang, trên cái mỏm cao cách miệng hang tới 2 cây số rưỡi. Tham Luang dài 10,135 thước, xếp hạng tư trong hệ thống hang động của Thái, có địa hình uốn lượn hiểm trở, nơi chỗ ngoặt chữ T hẹp nhất chỉ đo được 38x72cm khiến chuyên viên cứu hộ phải tháo bình dưỡng khí có dây buộc vào đai trên lưng, thả chúng xuôi theo con nước mới lách qua được.

Vì Thái Lan đang trong mùa mưa lũ nên ý tưởng đầu tiên là đành để đội bóng ở nguyên trong hang, tìm cách tiếp tế nhu yếu phẩm cho đội hầu giúp họ sống còn, chờ mùa khô trở lại, thời gian có thể vài tháng. Tuy nhiên, với sự tiếp tay đông đảo của thế giới tập trung khả năng giải cứu cao, ý tưởng này lập tức bị bác bỏ nhằm tránh các hậu quả khó lường do điều kiện môi sinh không bình thường trong hang có thể gây tổn hại cho các em cầu thủ niên thiếu.

Người ta nghĩ tới việc khoan núi hay lục lọi kỹ lưỡng khu rừng rậm quanh hang xem có tìm được lối nào khác vào hang không song kết luận cuối cùng tới từ số đông thợ lặn tinh nhuệ, từng quen với loại hình cấp cứu này, là thiết lập hành lang dây cáp từ cửa hang vào đến chỗ đội bóng. Để đem mực nước hiện đang ngập trong hang xuống mức thấp nhất, cho phép công việc của các thợ lặn dễ dàng và nhất là không thể sai sót, mấy chục cái bơm nước xả hết tốc độ hút nước ra ngoài, tha hồ cho ruộng vườn quanh vùng bị úng thủy nhưng dù tất cả dân làng vốn nghèo và sống bằng nông sản, không một ai phàn nàn không phải vì biết chính phủ sẽ bồi thường cho họ mà vì đối với tấm lòng cùng là cha mẹ, sự an toàn của đám trẻ quan trọng hơn hết.

Mọi nỗ lực giải cứu phải được thi hành cấp tốc trước khi thời tiết có thể xấu đi và mưa lũ lại đổ thêm nước vào hang. Trong khi chờ đợi, một bác sĩ quân y Thái trẻ cùng với ba thành viên đã tình nguyện vào hang chăm sóc sức khỏe và nâng đỡ tinh thần đội bóng. Ông bác sĩ quần áo đầy bùn, tươi cười chuyện trò với đám trẻ trong khi bôi thuốc sát trùng lên những chỗ chân tay trầy trụa vì cọ vào đá của chúng, nói với chúng rằng có lần ông bị trầy xước nhiều hơn chúng, gần như khắp cả người và ông phải chịu bôi thuốc mới khỏi được. Không thấy cậu bé nào nhăn mặt cả dù thuốc để lại trên da chúng màu vàng sẫm khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, có lúc ngã rách đầu gối, mẹ bôi teinture d’iode cũng có cái màu vàng nghệ khó thương ấy, rát chảy nước mắt. Dẫu thế nào, anh Saman Gunan, một người nhái Thái Lan tuổi ngoài 30, thể lực tốt, có vợ, chưa có con, đã thiệt mạng trên đường trở ra sau 5 tiếng đồng hồ mải miết làm nhiệm vụ chuyển tải các bình dưỡng khí vào hang cho đội bóng. Từ biến cố này, các đồng nghiệp của anh buộc dây vào cổ tay mình, thề quyết tâm đạt thành công trong sứ mệnh khó khăn trước mắt để sự ra đi của anh không phí phạm. Lực lượng 40 người nhái thiện nghệ của Thái Lan là nguồn nhân sự chính nhưng họ được tiếp sức bởi 50 đồng nghiệp xuất sắc đến từ nhiều đất nước khác. Tiến trình giải cứu đội bóng ra khỏi hang trải qua nhiều giai đoạn, lúc đi bộ bằng những bước chân dò dẫm trên chặng đường ngổn ngang đá tảng, lúc phải lội, lúc leo trèo, chủ yếu phải lặn 2 mile rưỡi trong nước bùn với tầm nhìn hạn chế, chỉ bám theo đường dây cáp hướng dẫn.

Một huấn luyện viên thợ lặn Thụy Điển về hưu, sau này chia sẻ là ông đã lo sợ chờ các em ở cửa hang, hồi hộp không biết sẽ thấy chúng còn sống hay thế nào khác vì hành trình giải cứu vô cùng nguy hiểm và đầy bất trắc, nhất là với những đứa trẻ có đứa hoàn toàn không biết bơi, bị rời khỏi người thân yêu và sống hơn mười ngày trong hang tối hàng trăm thước dưới mặt đất, thiếu vệ sinh, sợ hãi, đói khát… Khi thấy bốn em đầu tiên xuất hiện ở miệng hang, coi bộ khỏe mạnh, linh hoạt, tinh thần phấn chấn, ông không tin ở mắt mình.

Theo tin tức truyền thông, có một yếu tố đặc biệt trong câu chuyện hy hữu này là huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng, anh Ekapol, mồ côi cha mẹ, hiện ở với bà. Anh cũng có một thời gian nương náu cửa thiền nên khi cùng các học trò mắc nạn, anh đã dạy các em ngồi thiền để tâm hồn được an tịnh. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến các em giữ được thần khí và sự hòa thuận trong hoàn cảnh bi đát, nếu không nói là hầu như tuyệt vọng, qua 10 ngày bị cô lập không một tiếng động nhỏ tới từ cuộc sống bên ngoài. Trong tình huống này, ngay cả người lớn nếu không thể tự kiềm chế, cũng dễ dàng bị bản năng tham sống, sợ chết làm cho hoảng loạn, đưa tới hành xử đáng tiếc, nói gì các em chưa có nhiều trải nghiệm.

Khi biết kế hoạch giải cứu thoạt đầu dự tính chia làm bốn đợt: 4, 3, 3 và 3, tôi băn khoăn thầm nghĩ vấn đề xếp đặt thứ tự những bé nào được ra trước sẽ rất nan giải cho người chịu trách nhiệm về mặt tinh thần khi quyết định. Hẳn là để cho khách quan và công bằng, thể lực sẽ là yếu tố ưu tiên để chọn lựa. Bác sĩ chắc chắn sẽ muốn các em không khỏe lắm ra trước để được chăm sóc sớm nhưng đội cứu hộ có thể muốn các em khỏe hơn đi chuyến đầu tiên để dễ xoay trở, tránh được bất cứ sự tổn thất nào gây ảnh hưởng bất lợi cho những lần sau. Cuối cùng, có lẽ vì công việc cứu hộ được chuẩn bị hết sức chu đáo cộng với thời tiết thuận lợi khiến mọi người hẹn nhau xuất quân là phải thành công (now or never) nên xem ra điều kiện sức khỏe chiếm ưu tiên và 4 em yếu nhất được chọn.

Sáng Chủ Nhật, 8 Tháng Bảy, người Mỹ dậy sớm mở TV, biết tin chuyến giải cứu đầu tiên thành công với 4 cầu thủ nhí được đưa lên mặt đất trong tình trạng “bụng đói nhưng vui sướng.” Tuy nhiên, vì còn 9 người ở lại, phải chờ các bình dưỡng khí mới được bơm đầy, cho các người nhái có thời giờ nghỉ ngơi trước khi vào cuộc lần thứ hai trong tình thế không có gì bảo đảm Mẹ Thiên nhiên không bất ngờ đổi ý, làm mưa lớn, nên khắp nơi, vẫn chưa một ai thấy hoàn toàn nhẹ nhõm.

Sáng sớm Thứ Hai ở Mỹ, sự may mắn vẫn đến phù trợ sứ mệnh cứu cấp của đội người nhái, thời gian cho chuyến này nhờ kinh nghiệm và thông thuộc lộ trình, giảm từ 11 tiếng xuống còn 9 tiếng. Số trẻ được đưa ra khỏi hang là 4 thay vì 3, khiến chỉ còn kẹt lại 5 thành viên của đội bóng kể cả huấn luyện viên. Thêm một buổi tối và một đêm phấp phỏng lo âu ở Mỹ. Giấc ngủ lúc đầu hôm vẫn trằn trọc chưa yên, cảm thấy từng giây phút bỗng trở nên quý giá vô biên trong hang Tham Luang. Sáng sớm Thứ Ba, hơi thở nén trong lồng ngực suốt mấy ngày thực sự được tung hê với tin công việc cứu người ở Thái Lan đã hoàn tất tốt đẹp và trọn vẹn. Cả 13 thành viên của đội bóng, trước sau, được đưa ra khỏi hang an toàn. Họ được chuyển tới bệnh viện Chiang Rai để làm thủ tục theo dõi sức khỏe trong tình trạng bị cách ly vì lý do có thể bị nhiễm khuẩn thời gian sống trong hang.

Lúc gần đây, tôi đọc báo, thấy nói tới một môn học mới: “Kỹ năng sinh tồn,” chưa hình dung rõ nó như thế nào tuy một cách chung chung, hiểu rằng đây là môn học trang bị cho con người cách ứng phó với hoàn cảnh bất ưng hay hoạn nạn, tương tự những gì tổ chức hướng đạo rèn luyện hướng đạo sinh, có lẽ ở mức độ phức tạp và tinh vi hơn trong thời buổi hiện nay. Cũng nhân tai nạn này, các phụ huynh nên quan tâm hơn nữa để tạo cơ hội cho con em được học tập những phương cách đối phó với sự bất ngờ vì không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho ai, thế nào và lúc nào nên cách tốt nhất là đề phòng và trang bị cho mình một số kỹ năng giải cứu cần thiết khi lâm nguy. Tôi có người bạn trẻ, cô con gái út được học bơi từ khi chưa thôi nôi. Hai tuổi, cháu đã tung hoành dưới hồ tắm, nhanh nhẹn như một con rái cá con bên cạnh mẹ.

Cầu mong các Wild Boars, sau kinh nghiệm đắt giá này, biết sống ý nghĩa và hy sinh vì người khác, không bị chấn thương thể trạng lâu dài. Trong các thư nhắn tin về gia đình, một số em cho thấy có tâm lý bình thường, thậm chí rất người lớn, khi viết: “Bố mẹ đừng lo, con được săn sóc kỹ và khỏe mạnh.” Bố mẹ đừng phải lo, con vui lắm.” “Con sẽ ra tiệm phụ mẹ một tay nếu con được cứu sống!” “Bố ơi, nhớ dẫn con đi ăn thịt nướng khi con được về nhà nha bố!” “Con ước ao sẽ là cầu thủ đá cho đội tuyển…”

Nhiệt tình của quốc tế nhằm giúp đỡ Thái Lan khiến một chị bạn thân thiết của tôi bật ra hỏi: “Việc này xảy ra ở Việt Nam thì thế nào nhỉ? Liệu chính phủ có từ chối như dạo nào từ chối phái đoàn khoa học gia và công nghiệp lớn của các nước muốn đến tận nơi nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân làm biển ô nhiễm và cá chết hàng loạt, để giúp biển sớm phục hồi hay không?”

Ai cũng biết lý do chính phía sau sự từ chối làm ra vẻ tự hào của đám lãnh đạo ngu muội và nhẫn tâm này là phải che dấu thật kỹ việc làm vô luân của chúng khi vì lợi ích riêng, đã hạ bút ký kết những hợp đồng cho phép tư bản đỏ khai thác, thao túng lãnh thổ với không một điều kiện về an ninh môi trường. Cá chết trắng bờ bãi hay ngư dân chết dần mòn trong ngôi làng nay cạn kiệt nguồn sống của họ không làm lay động lòng tham sân như núi của cả một bè lũ cầm quyền từ rừng về thành phố, say mê tiền tài và thế lực tới mức rồ dại. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT