Đời vui như ong bay

Bùi Bích Hà

Có những buổi tối về muộn, tôi lái xe qua mấy con đường quen thuộc của thành phố đã lên đèn, chờ lưu thông ở các ngã tư, mắt nhìn vẩn vơ lên những khung cửa sổ đóng kín trên lầu những ngôi nhà dọc theo hàng phố, ấm áp ánh sáng bên trong. Tôi nghĩ thầm, nếu tôi có được đôi thần nhãn, hẳn sẽ thấy nhiều cảnh đời muôn màu muôn sắc dàn trải trong các không gian ẩn mật và riêng tư ấy, là những cuốn trường thiên tiểu thuyết đầy tình tiết quyến rũ mà không một nhà văn nhiều tham vọng nào nào có thể mô tả hết.

Vì vậy, thỉnh thoảng có dịp bước chân qua ngưỡng cửa một căn nhà, dù nhỏ, dù lớn, bao giờ tôi cũng thận trọng, rón rén, háo hức với sự may mắn như một đặc quyền hay một đặc ân.

Tuần vừa rồi, cái chân của tôi lại quấy rầy tôi. Tôi than thở với chị A.. Chị liền vội vàng khoe mới được giới thiệu một ông thầy chuyên trị đau nhức bằng phương pháp dùng khí công xoa bóp và ấn huyệt, chị đã thử qua một lần, tuy chưa thực sự thuyên giảm nhưng chị cảm thấy dễ chịu. Chị khuyến khích tôi nên đến chữa trị với ông.

Bản thân tôi đã một lần trải qua kinh nghiệm tuyệt hảo với một ông thầy châm cứu ở Sài Gòn sau năm 1975, khi cả nước Việt Nam chỉ có xuyên tâm liên trị bá bệnh. Năm 1979, con gái đầu lòng của tôi lúc đó 15 tuổi, cháu đi vượt biên và bị đắm thuyền. Tôi suy sụp tinh thần, sức khỏe, hai chân tôi thỉnh thoảng đột nhiên khuỵu xuống, không đỡ nổi hình hài tôi da bọc xương, chỉ cân nặng có 75 lbs. Tôi  sợ mình tàn phế, sẽ không có ai cáng đáng gia cảnh của tôi gồm mẹ già ngoài 80 tuổi và hai con còn thơ ấu.

Thời may, có người mách miệng ông thầy châm cứu ở trạm xá Vân Đồn, chỉ cách trường NT tôi dạy chừng hai cây số. Tôi đến ngay. Ông bảo tôi nằm sấp trên cái giường sắt nhỏ. Ông dùng kim châm cứu lần lượt chích vào một huyệt đạo giữa bụng chân phải và trái của tôi, đo từ gót chân lên đúng một gang tay, xoe xoe cái đầu kim trong vài giây đồng hồ rồi để yên. Thời gian sau đó, tôi cảm giác hai chân tôi nặng như mỗi bên đeo một tạ gạo, không động cựa được. Tôi lo sợ kêu lên nhưng ông thầy điềm tĩnh bảo tôi: “Không sao cả! Hai mươi lăm phút, tôi lấy kim ra, cô sẽ lại thấy chân nhẹ ngay.” Quả nhiên đúng như lời thầy nói.

Trước khi chào từ giã, tôi được dặn ngày hôm sau trở lại để thầy châm cứu thêm một lần nữa là tôi sẽ khỏi hẳn. Tất nhiên tôi trở lại và hai chân tôi khỏe mạnh từ đấy cho tới năm 2015, khi tôi phải dọn nhà và lao động quá mức với mấy cái kệ sách, với cả đống đầu rau rế rách tích lũy trong hơn một thập niên an cư nên cả hai chân tôi lại đau từng chập. Hơn hai năm qua, tôi cứ phải dỗ dành, van vỉ đôi chân mỗi khi chúng làm phiền tôi.

Tôi nhớ lại cách trị liệu của ông thầy cũ, tự dùng tay mình bấm vào cái huyệt đạo năm xưa thầy chữa cho tôi, song có lẽ tôi không biết chính xác vị trí của huyệt đạo, tay tôi lại không có cùng tác dụng với cái kim châm cứu nên tôi không trị được đôi chân mình.

Được chị A. cho số điện thoại, tôi gọi ông thầy xin địa chỉ. Có địa chỉ, tôi Google tìm đường đi. Đến nơi, tôi xuống xe, tần ngần đứng trước mặt tiền ngôi nhà quá đẹp, quá ngăn nắp, quá Việt Nam với tượng đá, bồn nước, vườn hoa lát gạch đỏ, cây cỏ cắt tỉa tươm tất, khác hẳn ngôi nhà tôi thấy trong Google map quest, khiến tôi phải cẩn thận kiểm soát lại số nhà.

Bước hẳn vào trong, tôi càng ngỡ ngàng hơn nữa với bài trí nội thất. Thay vào phòng khách trải thảm, phòng ăn lớn 8 hay 10 ghế, là một cái sảnh rộng lát gạch sáng choang, chiếm hết bề ngang của ngôi nhà, dành làm nơi luyện tập khí công cho các môn sinh. Bộ sưu tập hàng trăm pho tượng Phật lớn nhỏ của thầy có nhiều pho lạ mắt, quý hiếm.

Một không gian u nhã, thanh tịnh, sáng sủa, văng vẳng tiếng nhạc cổ điển Tây phương, mơ hồ, sâu lắng, tràn ngập khắp nơi. Ngoài chuyên môn khí công trị liệu kết hợp với Đông y gia truyền, thầy còn viết nhạc từ những ngày đọa đày trong các trại tù khổ sai của Việt Cộng. Không có giấy bút để ghi và bị cấm đoán, thầy sáng tác rồi giữ trong trí nhớ. Được thả ra, thầy gạn lọc ký ức, chỉ còn đủ bài bản cho hai cái CD hát lên tình yêu, sự chia xa, nỗi nhớ và thân phận.

Du dương, tha thiết, tình tứ, êm đềm, nhưng không chút bi lụy, đôi khi rào rạt sức sống và hy vọng. Là đôi mắt chợt buồn, chợt vui. Là tiếng nói chậm rãi, vừa đủ nghe, của một người lễ độ, cẩn trọng, trước cuộc đời không phải lúc nào cũng êm ả và trước con người không phải ai cũng chấp nhận mình.

Được chữa trị xong, tôi ra về trên đôi chân còn mơ hồ cảm giác đau nhức nhưng có phần nhẹ nhõm, dễ chịu, hệt như chị A. mô tả sau lần đầu chị đến đây. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mình không phải gượng nhẹ, nghe ngóng, thăm chừng động tĩnh khi đặt hai chân xuống thảm để bước đi những bước đầu ngày nên tự nhủ sẽ theo đuổi việc chữa trị thêm.

Chỉ vài hôm sau, tình cờ tôi lại có dịp theo đuôi cô cháu đến một nơi khác, với những người trẻ khác trong một nhịp sống khác: khoa học, sáng tạo, năng động. Người “già” nhất trong nhóm chỉ ở tuổi trung niên, tóc húi cao, khuôn mặt rắn rỏi. Họ làm việc trong tòa cao ốc lớn do họ làm chủ, trần thiết sang trọng tuy nay không còn nguyên tốc độ hoạt động lúc thịnh thời của phong trào lồng tiếng phim ngoại quốc.

Trong cái diện tích mênh mông của tòa nhà như một mê cung, trang trí chọn lọc với những đồ đạc tuyển chọn, mỗi cửa ra vào bằng kiếng dầy, khung mạ kền sáng bóng, đều có khóa chữ để bảo vệ các thiết bị đắt giá dùng cho công việc chuyển âm, tôi mường tượng sinh hoạt một thời nào ở đây, vừa kỷ luật, vừa vui chơi nhộn nhịp của các nghệ sĩ có giọng nói đẹp hiện tản mát ở các cơ sở truyền thông  của cộng đồng, cảm thấy khâm phục khả năng kinh doanh, khả năng xoay chuyển và ứng phó nhậy bén của tuổi trẻ hội nhập vào vùng đất nhiều cơ hội như Hoa Kỳ.

Đáng khâm phục hơn nữa là tất cả công trình xây dựng và phục hoạt cơ sở này từng thời gian, tùy thuộc đòi hỏi phù hợp với ngành kinh doanh họ khai thác, đều do chính bàn tay với kỹ năng cao của nhóm anh em cùng nhóm thực hiện.

Là một người luống tuổi, có những lúc nhìn con đường trước mặt thu hẹp dần trong bóng chiều, con đường sau lưng như cánh đồng trống sau mùa gặt, tôi không khỏi có chút nao lòng, thấy ra sự hư huyễn buồn bã của kiếp người. Thế nhưng, nếu đứng dậy từ chỗ đang ngồi hay đang nằm, vươn tay cuốn tấm rèm cửa sổ lên, tôi lập tức thấy mấy cành hồng tươi tắn đùa vui trong gió sớm, bóng những chiếc xe hơi chạy vụt qua dưới lòng đường, mang theo chúng những chiến sĩ hăm hở lao mình vào dòng sống cuồn cuộn như triều dâng, không có thời giờ nhìn trước, nhìn sau như tôi và ngày sắp tới của họ tràn đầy hứa hẹn, không có gì cần bận tâm ngoài thời khóa biểu những việc phải chu toàn để hoàn tất mục tiêu.

Cũng đã lâu lắm, vì bận rộn công việc, tôi không có dịp tham dự các buổi hội họp của nhiều tổ chức trong cộng đồng cho tới Chủ Nhật, 8 Tháng Tư vừa qua, khi một cô bạn trẻ có nhã ý mời tôi đến chung vui trong dạ tiệc gây quỹ của Hội Cao Niên Á Mỹ, vẫn với chủ tịch trên ba thập niên qua là bà Từ Dung.

Tôi biết hội, biết bà từ những ngày xa xưa ấy, khi trụ sở đầu tiên của hội còn trên đường Bolsa. Nhiều vị trong hội đã qua đời hay bỏ cuộc vì tuổi tác và cho dù trong quãng thời gian không ngắn kể trên, phong ba, bão táp dập dồn, vị chủ tịch hội vẫn can trường và thủy chung vững tay chèo lái. Hằng năm, hội vẫn đều đặn gây quỹ tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để nhắc nhở người Việt di tản khắp nơi, chúng ta là giống dân có tổ tông, có cội nguồn, có lịch sử: “Nào ai buôn bán ngược xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”

Dù giấc mơ tìm được một mảnh đất ở nơi tha phương có đông đảo hậu duệ sinh sống này để dựng đền thờ tổ vẫn còn xa vời, dù nắm đất thiêng thỉnh từ Đền Hùng quốc nội sang đây vẫn nằm im lìm, gọn ghẽ trên án thờ, người phụ nữ kiên cường trong cương vị hội trưởng vẫn chưa bao giờ sờn lòng, ngại khó, chưa bao giờ nao núng vì đồng đội chung lo ngày càng thưa vắng, một mình âm thầm vun xới, âm thầm gìn giữ những gì đã tạo dựng được trong khả năng và niềm tin của bà. Thật đáng khen! Thật đáng quý!

Một cô trong đội tế nữ quan ngồi bên cạnh tôi, giơ bàn tay ra tính nhẩm số năm cô đã tham gia với hội rồi cười xòa, đôi mắt lúng liếng: “Chao ôi, mới ngày nào em còn nhỏ xíu, bây giờ tuổi xuân đã qua lâu rồi!” Cô nói vậy nhưng tiếng cô cười vẫn trong như suối reo, như thủy tinh, chiếc áo dài cách tân cô mặc vẫn tràn trề vẻ xuân tươi thắm. Hội trường, sân khấu, bàn ăn, sàn nhảy, đâu đâu cũng rộn rã tiếng người và câu chào hỏi, sức sống cuồn cuộn dâng lên, tỏa ra trong khán phòng khoảng gần bốn trăm đồng hương mọi lứa tuổi, gồm cả một cụ bà 98 tuổi sức khỏe còn tráng kiện, vẫy tay chào cả hội trường khi được ban tổ chức giới thiệu.

Sau cuộc họp mặt đông vui, tôi nghiệm ra đời sống muôn hình, muôn vẻ, như dòng sông trôi chảy không phút giây ngưng nghỉ, chỉ có con người chồn chân, mỏi gối, dừng lại giữa cuộc vui, bần thần tiếc nuối những đồng bạc đã tiêu đi, ngậm ngùi ôm giữ ít đồng bạc còn lại tuy biết rằng nếu không tiêu hết, chúng cũng sẽ rời khỏi mình.

Cảm ơn cô bạn trẻ Lily trong chiếc áo dài tà đôi may cắt khéo, đã cho tôi một buổi tối Chủ Nhật thật vui. Một tối Chủ Nhật không chỉ đóng lại một tuần lễ mất thêm trong quỹ thời gian không còn nhiều của tôi mà nó cũng mở ra cho tôi một tuần lễ mới với nhiều hứa hẹn như với bất cứ ai, miễn là tôi biết hồn nhiên mong đợi. Cảm ơn riêng đến bà chủ nhà hàng Seafood Paracel trong chiếc áo kim tuyến màu xanh biếc, đã lên sân khấu song ca với chồng một bài hát rộn rã trước khi thay đổi xiêm y, bới cao mái tóc mây dài và xắn tay áo tiếp tục điều khiển nhà bếp cho gần 400 phần ăn.

Xung quanh tôi, “đời vui như ong bay” và ly rượu đời thơm ngon đến giọt cuối cùng cho người tri kỷ. (Bùi Bích Hà)

‘Ký’ sách mới của nhà báo Đinh Quang Anh Thái