Đứa con lạ mặt

Bùi Bích Hà

Cuộc hôn nhân khó khăn của họ tới ngã rẽ khi người chồng tìm được công việc mới khiến anh một mình xách vali rời Nebraska về California, để lại sau lưng cả cái gia đình trên đà tan rã, người vợ khép kín và đứa con trai lên 10, thể tạng yếu đuối, tính tình nhút nhát.

Ba năm sau, ở tuổi 13, cậu bé được mẹ dẫn ra ga hàng không, một mình đáp máy bay về Cali, nhập vào gia đình mới của bố cậu và người mẹ kế đối xử với cậu khá tử tế.

Cậu có một căn phòng đầy đủ tiện nghi trong ngôi nhà khang trang để cư trú và đi học, được bố bảo vệ, chăm sóc đến mức cưng chiều. Ngoài công việc làm toàn thời gian và trách nhiệm lo bếp núc cho cả gia đình, người vợ sau của bố cậu hầu như không bao giờ đụng chạm tới sự riêng tư của hai cha con cậu. Tuy rằng những lúc bà có mặt ở nhà thì thời giờ của bố cậu dành trọn vẹn cho bà, kể cả các cuối tuần họ thường ra ngoài vui chơi với bạn bè. Cậu không lấy thế làm phiền, trái lại, bằng lòng thấy cậu cũng có một khoảng cách với bố để được tự do vẫy vùng trong một không gian riêng.

Cuộc sống của họ trôi qua êm ả như vậy cho tới năm cậu 17 tuổi, phải đối đầu với thành tích học tập bết bát, không hứa hẹn sẽ tốt nghiệp trung học. Bố cậu quýnh quáng, đi gặp counsellor, đi tìm lớp dạy kèm cho con nhưng vấn đề của cậu không chỉ là văn hóa mà còn về tiến trình phát triển tâm sinh lý phức tạp ở cậu.

Thay vì với tuổi tác, ngày một trưởng thành, cậu có dấu hiệu ngừng lại, thậm chí lùi lại. Sự lo lắng quá độ, gần như hốt hoảng của bố cậu bắt đầu làm phiền tới bà mẹ kế của cậu khiến họ thường xuyên cãi nhau. Không khí trong nhà trở nên u uất, ngột ngạt, khó thở.

Căn phòng của cậu trước đây luôn đóng cửa nhưng không làm phiền ai cả vì sự yên lặng bên trong được coi là bình an thì nay nó chứa nhiều sự bất ngờ rất khó chịu. Chẳng đặng đừng, bà mẹ kế phải dùng chìa khóa riêng một lần để biết qua sinh hoạt của cậu ra sao phía sau cánh cửa đóng ấy và cảnh tượng bừa bộn, bẩn thỉu bà nhìn thấy trong đó khiến bà hỡi ơi! Đứa con riêng của chồng nay có bộ mặt khác.

Lần đầu tiên bà tự thống trách mình về sự tin cậy và tuyệt đối tôn trọng chồng, nghĩ rằng thái độ không can thiệp vào cuộc sống của cha con họ là khôn ngoan và đại lượng. Bây giờ bà mới hiểu sống và yêu thương là chia sẻ trách nhiệm, không phải là nhắm mắt cầu an. Bà đã vậy, nhưng chồng bà, điều gì khiến ông đi bên cạnh con hằng ngày mà không thấy sự bất thường biểu hiện cách này hay cách khác ở nó? Hay ông vì yêu con, bảo vệ nó môt cách mù quáng nên không còn tin ở mình qua những đánh giá tiêu cực mà ông mạnh mẽ chối bỏ vì không thể chấp nhận?

Chúa ơi! Đứa con trai duy nhất của ông có ngoại hình đẹp đẽ, giống ông đúc khuôn, cao lớn, thanh mảnh, chải chuốt, lẽ nào bên trong lại là cái ruột cây sùng? Ông quyết tâm giúp con, muốn đền bù cho nó sự thiệt thòi do cuộc hôn nhân nửa chừng gãy gánh của cha mẹ, muốn nó được thỏa lòng, như ý trong mọi ước mơ, muốn nó có mọi sự dễ dàng, suôn sẻ mà quên rằng cuộc đời chưa bao giờ dễ dàng, suôn sẻ, trái lại, luôn chông gai. Ông để sự ngây thơ vô tội của con mà mắt ông, mê hoặc trái tim ông hay chính ông tự mê hoặc mình bằng cách tự kỷ ám thị, đoan chắc con đường sương mù một chiều ông đi sẽ dẫn tới thành công, không mảy may tiên liệu mình có thể lầm lẫn.

Nhiều người tin vào “nghiệp” để giải thích những điều không giải thích được, để tự tha thứ mình và nhủ lòng thuận theo nghịch cảnh cho bớt đau, không biết con người tạo nghiệp và có khả năng giải nghiệp bằng cái tâm lành và ý chí vượt thoát cá nhân.

Tôi có cậu cháu đến Mỹ theo diện H.O., năm 1990, ở tuổi 28. Thời gian đầu nhập cư, cậu bị hụt hẫng, mặc cảm không đủ khả năng bươn chải, vốn liếng Anh văn và chuyên môn không có dưới áp lực gay gắt của bà mẹ nhiều tham vọng. Cậu rơi vào trầm cảm, lo sợ vu vơ, biếng ăn và mất ngủ triền miên.

Bệnh tăng tiến tới tình trạng hoang tưởng, cậu nghe nhiều tiếng nói lạ trong đầu và sau cùng, được bác sĩ chẩn đoán bị tâm thần phân liệt. Trong suốt chặng đường khó khăn này, cậu vẫn cố gắng đi làm công việc assembly cho một công ty lớn sản xuất y cụ và may mắn được bảo hiểm sức khỏe. Cậu ý thức mình có bệnh và nuôi quyết tâm chữa chạy.

Cậu nhờ tôi cùng đi với cậu những lần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa của công ty trong vòng hai năm. Cậu uống thuốc đều đặn, làm đúng các lời khuyên của bác sĩ, tập thể thao, tập ngồi thiền. Cậu vẫn ít nói, dáng vẻ vẫn buồn u uất nhưng trong cư xử với mọi người, đã thấy dễ dàng hơn và được sự cảm mến của mọi người đáp lại.

Sau hai năm, bệnh tình ổn định, cậu có khả năng kiểm soát bản thân, bớt nghi ngờ và hết sợ hãi. Tuy cậu vẫn được bác sĩ theo dõi định kỳ nhưng hầu như cậu đã lấy lại được phong cách sinh hoạt bình thường qua nỗ lực học lấy bằng đại học hai năm, có bạn gái rồi kết hôn và mua được căn condo xinh xắn để xây dựng tổ ấm. Bây giờ ở tuổi 52, tuy sức khỏe có chút nhạy cảm nhưng cậu sống bình thường như mọi ai, gia đình êm ấm với cô con gái lên 7 rất sáng dạ và thân thiện.

Cổ nhân có câu: “Bệnh quỷ, thuốc tiên,” ngụ ý bệnh khó có thuốc hay. Miễn là người bệnh biết mình mắc bệnh và có niềm tin tìm thầy chạy thuốc để chiến thắng bệnh. Quả là tôi có kiên trì làm bạn đồng hành với cháu tôi những lượt đi/về gặp gỡ bác sĩ, giúp cậu hiểu rõ/giãi bày rõ mọi tình tiết trong quá trình chữa trị hai năm để ứng phó nhịp nhàng nhưng chính cậu phải đi bằng đôi chân của cậu tới phòng mạch bác sĩ, phải đích thân nói và nghe những gì liên quan tới căn bệnh của mình, chắt chiu mọi tiến bộ lớn nhỏ đạt được làm ngắn lại cuộc trường chinh của cậu. Nếu tin vào nghiệp thì cũng phải tin cả định luật vay/trả sòng phẳng, bằng tỉnh thức, bằng nỗ lực cá nhân, không có gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, tìm được nguyên nhân thì tìm được giải pháp.

Đó là câu chuyện giải nghiệp. Vậy thì tạo nghiệp là gì? Là đi trước các hậu quả tiên liệu để tránh thấy chúng xảy ra rồi phải chạy chữa.

Một người bạn khác của tôi có hai cô con gái sinh năm một. Khi biến cố 30 Tháng Tư, 1975, bất ngờ giáng xuống và nuốt trọn miền Nam, một cô lên 5, một cô lên 4. Trước đó, bố các cô mịt mù chinh chiến. Lúc đó, bố các cô đi tù “cải tạo,” càng sương khói mịt mù. Mẹ các cô ngoài nghề dạy học, bấy giờ phải lăn lưng ra chợ trời buôn bán vặt để kiếm thêm lợi tức nuôi con và thay chồng phụng dưỡng mẹ già.

Mấy đứa bé cả ngày quẩn quanh bên bà nội già nua, yếu ớt, không thấy mặt mẹ từ tinh mơ đến sẩm tối, liu hiu bảo nhau học hành, liu hiu bảo nhau ăn uống thức ăn mẹ nấu sẵn đậy dưới cái lồng bàn nguội lạnh trong bếp. Mười năm tuổi thơ của các cô như bức tranh tĩnh vật rêu mốc bỏ ở một nơi hoang phế nhưng có tiếng nói riêng của nó, ảnh hưởng trên suốt cuộc đời mai sau của các cô ở Hoa Kỳ.

Khi có dịp trò chuyện, cô chị tâm sự: “Cháu không ngớt bị ám ảnh vì cảm giác cô đơn, sợ hãi không có mẹ bên cạnh khi cháu cảm thấy cần mẹ nhất. Vì vậy, ngay khi có đứa con đầu lòng, cháu đã thuyết phục chồng cháu chấp nhận từ nay cháu chỉ đi làm bán thời gian để được luôn kề cận với con cháu.” Cô là một phụ nữ chức nghiệp, lương cao, quyền lợi nhiều, lựa chọn của cô là một hy sinh lớn, không phải không có mặt cực đoan song cô biết rõ động lực đằng sau sự hy sinh ấy là gì và cô nhận trách nhiệm về quyết định của mình. Các con cô lần lượt trưởng thành xuất sắc, mỗi cháu được mẹ hỗ trợ tối đa để bộc lộ và thi thố năng khiếu. Điều quan trọng hơn cả, chúng có tuổi thơ tràn ngập niềm vui, sự yên tâm phát triển và khôn lớn hạnh phúc.

Cô em, không đơn giản như cô chị, nên nói với tôi: “Khi chưa có đủ trí khôn để hiểu nhân quả của mỗi việc, cháu rất tức giận và oán hận người lớn. Điều này làm tổn thương cháu lâu dài vì khi hiểu ra, cháu không tự tha thứ sự hẹp hòi của cháu. Đáng buồn hơn nữa, những thương tích đầu đời đáng lẽ không nên có kia cứ dai dẳng, không chịu lành. Cho tới nay, cháu luôn bị ám ảnh vì ý nghĩ nếu lúc đó có ai giúp cháu giải tỏa được những cảm xúc âm u trong lòng cháu, có thể cháu đã là một người khác, đón nhận cuộc sống một cách trong sáng hơn và không bị dày vò vì muốn quên, muốn bỏ qua một kinh nghiệm xấu không muốn nhớ mà không được.”

Cô cho biết hiện nay cô làm việc kiếm tiền 6 tháng và đi làm từ thiện 6 tháng. Nhìn bên ngoài như vậy, chỉ một mình cô biết cô làm từ thiện để tự cứu mình khỏi cảm giác tầm thường, vô dụng, dễ ghét, nhiều thói hư tật xấu. Bi kịch của cô là chán ghét chính mình trong khi người bàng quan nhìn cô, ao ước được là cô chỉ vì họ không bao giờ có thể hiểu được sự phiền não trong nội tâm cô, nó bắt đầu từ một tuổi thơ cô đơn và rối rắm.

Có một sự thật không thể chối cãi tuy người ta luôn phóng đại nó, là ký ức tuổi thơ và ảnh hưởng của quãng đời này trong sự hình thành nhân cách một đứa trẻ là hiển nhiên. Với chính bản thân kẻ viết bài này, tôi nghiệm ra sự có mặt thưởng hằng của một bà mẹ trong đời những đứa con tự nó thánh thiện và là thành trì bảo vệ chúng vững chãi nhất. Có thể nói không quá là tương lai mỗi đứa con bắt đầu từ trái tim bà mẹ. Không chỉ xây dựng, nó ngăn ngừa tai họa và chữa lành những vết thương khó chữa nhất. (Bùi Bích Hà)