Hàng hiệu

Bùi Bích Hà

Các câu tục ngữ trong kinh nghiệm xử thế khôn ngoan của tổ tiên người Việt, ví dụ như: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần,” “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay câu cùng một ý nghĩa tương tự của Tây phương: “L’habit ne fait pas le moine” (tạm dịch “Chiếc áo không làm nên ông thầy tu”) hay câu thành ngữ mới nhất của quốc gia tiến bộ non trẻ nhất châu Mỹ: “Don’t judge a book by the cover” (“Đừng đánh giá một cuốn sách qua cái bìa”) đều nhắm vào một ý chung là “Không nên xét người hay vật thể bằng cái vỏ bề ngoài.”

Tuy nhiên, nhận xét của ông bà trong lời dặn dò “Lạ sợ áo quần” không phải là vô căn cứ. Trái lại, nó được minh chứng hầu như hàng ngày trong sinh hoạt xã hội, giữa con người với con người, giữa con người với một vật dụng “tốt nước sơn” rất dễ làm chóa mắt. Người đi xin việc, hẳn nhiên phải kiếm bộ quần áo vía dù trông không lịch sự lắm nhưng ít ra phải tươm tất để gây thiện cảm và không bị nghi ngờ… Một chuyên viên địa ốc môi giới bán nhà thường chạy xe đắt tiền để khi đưa đón khách, không bị đánh giá mức độ thành công không cao, v.v…

Tôi còn nhớ trong chuyến du lịch bằng đường biển đi Alaska năm 2005, khi tàu ghé qua cảng Anchorage, chúng tôi xuống bờ lang thang dạo phố, vui chân tạt vào mấy cửa tiệm bán nữ trang để rửa mắt. Ngoại trừ tôi, mấy người bạn cùng đi đều thuộc hàng ngũ đại gia đã nghỉ hưu sớm hay đang làm ăn phát đạt, chỉ là du lịch thì y phục giản dị, thế nhưng khi chúng tôi bước vào một tiệm chuyên bán nữ trang bằng huyền, một loại đá quý màu đen, tò mò hỏi giá một đôi hoa tai ($12,000) một chiếc thánh giá nhỏ ($3,700) và sau khi nghe chàng thanh niên bán hàng nói lên con số, chúng tôi vội vàng đưa trả lại anh ta món hàng vừa trao tay thì một chàng tuổi trẻ khác, âu phục tề chỉnh đứng gần đó, làm ra vẻ lễ phép nói với chúng tôi rằng: “Các ông bà ơi, tàu đang hụ còi kìa!” Hóa ra tiếng đồn dân tỉnh lẻ hiền lành và hiếu khách coi bộ có ngoại lệ.

Trở lại chuyện “vẻ ngoài.” Vừa qua, tôi đọc được bài phóng sự của nhà báo Trúc Linh trên tờ Người Việt, viết về những cái túi xách hàng hiệu của quý cô/quý bà, trị giá bằng nửa căn nhà loại trung bình tại quận Cam, nghĩa là cỡ trên dưới $300,000, biết thêm những điều chưa bao giờ biết, thậm chí chưa bao giờ tưởng tượng ra, vừa giật mình, vừa thú vị, có chút hãnh diện thấy trên bảng phong thần có cả phương danh các bậc nữ lưu người Việt mình hiện sinh sống trong và ngoài nước. Bài phóng sự cũng cho biết theo khảo sát của công ty Niesel, Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới về căn bệnh mê hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhà báo Trúc Linh, vì “hay bị người khác đánh giá qua vẻ bề ngoài nên nhiều người phải trang bị cho mình những món đồ xịn kể cả khi không có tiền.”

Đến đây, tôi chợt nhớ lại có thời quý ông Bolsa từng mắc tiếng thị phi khi dư luận đồn đãi ì xèo là họ chạy xe brand name nhưng sau cốp xe toàn mì gói. Tôi thực sự chưa bao giờ “bắt gặp” tình huống này mà chỉ thấy quý ông lái xe loại sang, nhìn qua thảy đều có tướng mạo và phong cách phù hợp với nhãn hiệu xe họ làm chủ, own hoặc lease.

Theo thông tin từ nhà báo Trúc Linh, tôi tự hỏi không biết tại sao dân tình ba xứ sở nghèo, được xếp vào loại đang phát triển như kể trên, lại nhiễm bệnh mê hàng hiệu nặng đến thế?  Phải công nhận ông bà mình tinh tế đáo để, không có gì qua mắt được các cụ khi các cụ phán rằng “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ, nghèo hay làm sang.” Phục các cụ thì nói vậy nhưng thật ra mọi sự đều có ngoại lệ cả. Như trường hợp thấy ở Anchorage/Alaska kể trên. Như trường hợp Bác Sĩ Xuyến Đông góp tiếng trong bài phóng sự của Trúc Linh. Trong sinh hoạt cộng đồng, tôi hân hạnh được biết bà trên hai thập niên qua. Bà là một phụ nữ chức nghiệp trẻ tuổi, nhiệt tình, giản dị, khiêm tốn, có tên tuổi và địa vị. Nếu muốn, bà có thể mua túi xách hiệu Louis Vuitton bất cứ lúc nào nhưng bà chỉ mua vào dịp được tăng lương, vì vui, vì cảm giác hưng phấn thấy công việc có thành quả nên muốn tự thưởng mình sau những đóng góp liên tục ở một lãnh vực nhiều áp lực, là phản xạ tâm lý rất chung và dễ hiểu. Ngoài ra, vẫn theo bài báo, phần đông sở hữu chủ của những cái túi xách giá cao ngất ngưởng trời xanh trên thế giới, thuộc giới nghệ sĩ trình diễn và các cô làm móng tay. Nghệ sĩ tài sắc được nhiều khán giả hâm mộ, những túi xách đắt giá của họ có thể là quà tặng từ các vương tôn công tử thừa tiền lắm bạc mong nhận được sự quan tâm của giai nhân/tài nhân, là biểu hiện quyền lực của nhan sắc và sức quyến rũ Trời ban cho họ, là một thứ trò chơi phù phiếm biết là thời gian sẽ lấy đi nhưng có vẫn hơn không. Riêng các cô làm nail, tuy họ xuất thân từ những trường huấn luyện, về cơ bản, không khác nhau; cùng trải qua các cuộc sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề với tiêu chuẩn chung nhưng họ có thân phận may rủi khác nhau khi ra đời kiếm sống. Có cô tay nghề không kém đồng nghiệp nào, nói được tiếng Anh nhưng chỉ tìm được việc ở các khu vực loàng xoàng. Họ ăn mặc loàng xoàng, cả ngày cắm cúi phục vụ khách, ăn vặt không thành bữa vì nhiều khách walk-in. Tan buổi làm, hôm thì hộc tốc đi chợ, hôm thì hối hả chạy ra Walmart mua sữa, mua tã cho con, ở nhà có một ông chồng tuy cũng yêu đương, hẹn hò rồi mới lấy nhau nhưng cái não trạng có vợ làm nail thì đương nhiên mình được nuông chiều đã thành cố tật, khiến cô thợ nail muốn chồng thay đổi, dễ vác chiếu ra hầu tòa ly hôn hơn là tìm thấy hạnh phúc, chưa kể có ông buồn buồn vì vợ không nấu cơm bèn có cớ bỏ nhà đi ăn phở luôn. Những cô này làm việc cần mẫn, vất vả mà thu nhập thấp. Nếu chồng không phụ giúp được nhiều, các cô cố gắng lắm cũng chỉ nối được đầu tháng/cuối tháng, có tiền trả góp một căn nhà nhỏ và hai cái xe loại phổ thông để lái đi làm, lâu lâu shopping ở Ross Store, Marshalls hay T.J Maxx là mãn nguyện rồi.

Trái lại, những cô may mắn tìm được việc làm ở những khu sang trọng, nhiều du khách và khách da trắng, ngoài thu nhập ăn chia với chủ, họ nhận được những khoản tip hậu hĩnh. Họ ăn mặc đẹp, shop ở các khu mua sắm cao cấp, đeo vòng tay, dây chuyền kim cương, nhẫn kim cương 2 carats, thường xuyên lui tới mỹ viện tu bổ nhan sắc, không hoàn toàn vì nghề nghiệp mà vì muốn giữ chân ông chồng có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn họ. Quả thật những bạn gái này thích xài túi xách hàng hiệu như một bù trừ nhằm xóa bỏ mặc cảm thân thế không được nể trọng đúng mức trong một cộng đồng vẫn còn nhiều định kiến về khoa bảng. Dầu sao, làm đẹp mình, đeo nữ trang đắt giá, lái xe xịn, xài vật dụng hàng hiệu vẫn tốt hơn mua vui giây lát trong sòng bạc. Nghe nói có các cô làm móng tay theo chúng bạn đi chơi casino, đánh bài ở phòng VIP, thua một canh đến vài chục ngàn trong quỹ tiết kiệm. Tôi nghĩ không biết đúng hay sai nhưng có lẽ đây không phải là máu mê mà chỉ là một lúc hứng chí muốn mạo hiểm hay muốn tỏ cho bạn bè biết mình gan dạ, chì, theo kiểu đám trẻ Mỹ thường ca tụng đứa có máu lạnh, cool! Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm…

Nói như Luật Sư Hằng Nguyễn cùng góp tiếng trong bài phóng sự của nhà báo Trúc Linh, đại ý người có tiền muốn xài thế nào là chuyện của họ, miễn phê phán, nhưng riêng với luật sư, bỏ ra hàng chục ngàn mua một cái túi xách là quá lãng phí. Ra đi từ một đất nước triền miên khói lửa, thừa hưởng tính cần kiệm bao đời của nhiều thế hệ cha ông, ăn bữa nay, lo bữa mai, coi sự phí phạm ngoài nhu cầu là một cái tội, phụ nữ Việt Nam càng thành danh càng có cuộc sống cân bằng về cả hai mặt tinh thần và vật chất. Tôi được biết vợ một ông bác sĩ trẻ ở quận Cam, cũng là bác sĩ, khi được chồng tặng quà trong ngày kỷ niệm sinh nhật một bộ hai chiếc ví Chanel trị giá hơn $5,000, bà đã lẳng lặng đem bộ ví trả lại tiệm, tự mua cho mình một túi xách hiệu Coach, giá hơn $300. Số tiền dư ra, bà bỏ vào quỹ học vấn cho hai con. Khi biết được việc này, ông bác sĩ giận điên người, trách vợ không tôn trọng ông, không tôn trọng hình ảnh người vợ (có vẻ ngoài) như ông muốn thấy. Sau này, lúc họ li dị, ngưởi chồng coi hành động của vợ là một lỗi lầm trong các dị biệt không thể hòa giải giữa hai người.

Vấn đề ở đây không chỉ là cái xách tay hiệu gì, giá bao nhiêu làm hôn nhân đổ vỡ mà ở cách thế người chồng nhìn vợ và người vợ tự nhìn mình không giống nhau, khiến người chồng thấy mình bị tổn thương thay vì chấp nhận sự khác biệt, về mặt tích cực, có khi bổ sung cho nhau.

Nhờ đọc bài báo của Trúc Linh, tôi mới biết trong thế giới phụ nữ có món “phụ trang” đắt giá kinh hồn! Chị Vương Trân, chủ một tiệm nail ở Alhambra, nói rằng “ngoài phẩm chất (mà Bác Sĩ Xuyến Đông cũng thừa nhận) xách tay hàng hiệu mắc tiền còn làm nên ‘giá trị’ một con người, khiến họ được đón tiếp niềm nở, đặc biệt ở những nơi mua sắm của người Việt thường xảy ra việc dòm ngó bề ngoài dữ lắm!” Tôi thiển nghĩ cái “giá trị” xét trên khả năng chi tiền ở nơi shopping không thật sự là giá trị lâu dài của một người ở những nơi khác và thời điểm khác, khi khả năng chi tiền vì một lẽ gì không còn nữa ở con người đó. Đúng là gỗ bền bỉ hơn nước sơn và cái áo tràng không là ông thầy tu. Tôi kinh ngạc khi biết được cái xách tay hiệu Hermès Himalayan Crocodile Birkin với cái tên dài lê thê như hàng số giá tiền của nó, tự hỏi không biết nhà sản xuất đã dùng tới những vật liệu ngoại hạng cỡ nào, những thợ tay nghề siêu việt tới đâu để tạo ra một cái xách tay có trị giá tưởng chừng như vô lý đến thế?

Viết đến đây, tôi liên tưởng tới các tạp chí của Mỹ có những trang cho điểm các nhân vật nổi tiếng mặc cùng một mẫu y phục giống nhau, khoảng cách điểm khá xa giữa người này và người kia cho thấy dù là vẻ ngoài, quần áo không làm nên phong cách người mặc mà ngược lại. Trong đôi mắt phàm tục với khiếu thẩm mỹ không được bảo kê của cá nhân tôi, cái xách tay hiệu Hermès Himalayan Crocodile Birkin, trông bề ngoài và trên cánh tay người đẹp Ngọc Trinh, chẳng có gì hớp hồn tôi cả, rất khác với chiếc áo hàng hiệu được người mặc chọn lựa phù hợp với nhân dáng riêng, nâng cao vẻ ngoài của cả người lẫn áo. Người sành điệu thường tìm mua được y phục hàng hiệu giá rẻ ở các out-lets với nguyên vẹn phẩm chất như khi chúng vừa ra khỏi xưởng may tới các cửa hàng bách hóa sang trọng với cái giá nguyên thủy, người tầm tầm như tôi sờ vào phỏng tay, chỉ phải tội ăn mặc kiểu tiết kiệm này thì không hướng dẫn thị trường thời trang như Công Nương Kate Middleton của Hoàng Gia Anh được!

Để kết luận, suy rộng ra từ phát biểu của Luật Sư Hằng Nguyễn là chí phải: “Mỗi người có tự do chọn một cách thể hiện mình riêng,” kẻ bàng quan chỉ nên ngắm nghía thôi, miễn bàn. (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình giới thiệu “Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018”(Phần 1)