Hương xưa

Bùi Bích Hà

Tôi có vài người bạn thân thiết đã về hưu. Người còn đủ đôi, như chim liền cánh, cây liền cành. Ríu rít. Thỉnh thoảng chí chóe cho có chút rộn ràng, mắt nhìn nhau có đuôi. Người lẻ bóng, mỗi khi có dịp quần tụ, lại nhắc kỷ niệm thời uyên ương xung quanh cái ghế bây giờ bỏ không.

Chúng tôi thường hẹn nhau đi ăn ở các tiệm ăn ngoài Little Saigon vì các anh chị có thời giờ rảnh rỗi, khám phá nhiều địa chỉ hoặc món ăn lạ, hoặc cảnh trí nên thơ. Tôi rất háo hức được theo chân các anh chị đi đến những nơi mà nếu một mình, chắc chắn sẽ mãi mãi hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi cũng có đôi ba bạn thân thiết khác với nhiều khám phá to lớn khác mà trong khả năng hạn hẹp của mình, tôi không “đánh đu” theo được, chỉ xách hành lý tiễn bạn lên xe hoặc ngồi yên, mở to mắt hết cỡ, lắng nghe câu chuyện đường xa, xứ lạ họ kể sau những chuyến đi như chiêm bao.

Chủ Nhật vừa qua, tôi lại được tham dự bữa ăn trưa với nhóm “tinh hoa ẩm thực” nói trên.

Lượt đi, chị KC lái xe xa lộ vòng vèo, tôi không nhận ra phương hướng, thấy chừng như xa lắm. Lượt về, chị đi một quãng đường trong để vào xa lộ 55, tôi hỡi ơi, thấy xe chạy qua lối vào nhà cô con gái thứ hai của tôi ở thành phố Tustin. Thường thì Chủ Nhật cuối tuần, tôi hay nhẩn nha lấy đường 17 để đến thăm con cháu. Tôi chỉ đi quá một chút xíu vẫn trên đường 17, sẽ thấy tiệm ăn Mã Lai này bên tay phải. Hôm sau có dịp hỏi con, cô cười xì xì trả lời: “Con tới đó rồi nhưng nghĩ mẹ không thích vì gia vị chủ đạo của tiệm là nước cốt dừa và cà ri.” Quả là vậy. Nước chấm của tiệm dùng cho món bánh mì Ấn Độ khai vị được pha chế với nước cốt dừa và bột cà ri, không phải là món “hẩu” của tôi nhưng bữa đó tôi thưởng thức niềm vui của bằng hữu cũng no nê rồi! Dẫu sao, món cá rô Phi tươi deep fried, xốt chua ngọt, dòn rụm từng cái vi, cái xương nhỏ, quá ngon; món gà luộc có tên trên thực đơn là Gà Hải Nam, thơm, mượt mà như lụa, không khác gì gà Quý Phi ở Bolsa nhưng có da thịt hơn, cắn vào ngập răng, cũng rất “đã.” Nhà hàng dọn cơm trắng theo gà song khách có thể gọi thêm (side order) chén cơm nấu với nước dừa theo khẩu vị miền Nam. Món tráng miệng của nhà hàng là cà rem, đá nhận thập cẩm (?) với xương xáo, bánh lọt, đậu đỏ, dừa nước và… nước dừa.

Chỗ chúng tôi ngồi, hai phía cửa sổ mở ra khoảng sân thoáng đãng bên ngoài. Không gian buổi trưa cuối hè hừng hừng sáng, nắng trong veo và trời hây hẩy gió, khiến tâm hồn tôi cũng lao xao theo lá đùa vui trên các đỉnh cây. Tôi ngồi đối diện chị V, nghe lại cái giọng miền Nam êm dịu, tròn trịa, ấm áp, thả buông chậm rãi của chị mọi khi, pha trộn với giọng Bắc ầm ào của anh. Họ là một đôi với nhiều tương phản hài hòa, là bản trường tấu với nhiều nốt thấp cao mà tiết điệu vẫn quấn quyện trên thang âm. Nhất là lần này gặp lại, anh để bộ râu cắt tỉa khéo, trông anh giống tác giả cuốn Ngư  Ông và Biển Cả thập niên 1950, chỉ khác một chút ở tiếng cười lúc nào cũng phô hết tâm can. Trong nhóm họp mặt bữa nay, có chị D. và chồng chị mà chúng tôi hay gọi thân mật là ông J. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn rất phong độ trong chiếc áo sơ mi mùa hè, dáng dấp thanh lịch, đôi mắt tinh anh, nụ cười rộng và câu chuyện trao đổi duyên dáng, rành mạch. Chị D. chăm chút lấy thức ăn vào đĩa cho ông. Xong bữa, chị gượng nhẹ đặt vào lòng bàn tay ông viên thuốc với ánh mắt âu yếm. Chúng tôi ở xa nhau nên đã lâu lắm mới gặp lại, mái tóc chị nay đã hoa râm, muối nhiều hơn tiêu nhưng rất đẹp ở tuổi chị. Nhiều năm qua, bây giờ chị thong thả hơn, trông chị Hà Nội hơn với nét nhìn thăm thẳm, chiếc cằm thon, làn môi tươi tắn. Hai chị ở hai đầu đất nước, gom lại tinh hoa của hai miền, là quê hương gấm hoa một thời và mãi mãi.

Ra về, chúng tôi bịn rịn tiễn chân nhau trên hành lang nhà hàng. Luôn luôn ân cần và chu đáo, KC đứng bên cạnh tôi, đưa trả chị D. và ông J. hai cái nón cói rộng vành, nhìn họ tay trong tay đi hết cái hành lang, bước xuống mấy bậc thềm và đi vào trong nắng. Bóng họ di động, lấp loáng như những sợi tơ trời óng ánh trong một bức vẽ yêu đương đầy nghệ thuật.

Bốn người chúng tôi còn lại cũng lên xe. Mỗi khi có dịp đi đâu với KC, ngồi vào cái ghế bên cạnh trước đây của anh G. tôi luôn có chút ngậm ngùi thương bạn góa bụa, bất ngờ mất đi người bạn đời và những tháng năm hạnh phúc biết có bao giờ có lần nào nữa? Buổi chiều còn nguyên vẹn trước mặt mọi người với ý nghĩ lại đến lúc từ giã nhau, chị V. bâng khuâng lên tiếng: “Mình sắp đi qua một tiệm cà phê/bánh ngọt real Pháp, ngon tuyệt vời!” KC sốt sắng: “Chị V. muốn ghé không?” Tôi ăn theo liền: “Ghé đi các bạn ạ! Anh K. thì sao?” Như chỉ chờ cơ hội được hùa theo bất cứ đề nghị nào của hiền thê, anh K. trả lời: “Nên lắm chứ!” Vậy là chị V. hướng dẫn KC chạy xe đến Moulin, tọa lạc tại 1000 N. Bristol, thành phố Newport Beach.

Đúng như chị V. giới thiệu, tiệm do một ông Tây thứ thiệt làm chủ, bắt đầu kinh doanh từ Tháng Chín năm 2014, tự hào mang lại cho khách hàng bước chân vào đầy đủ hương vị các món ăn uống truyền thống theo văn hóa Phú Lang Sa. Mùi thơm nhẹ và ấm, không khắc, không khét, không pha hương liệu của cà phê nguyên chất xay/rang kiểu Pháp. Mùi thơm cào cấu dạ dầy của bột bánh mì nhồi bằng tay, đặc biệt của các bà mẹ quê nước Pháp, đeo tablier vào bếp mỗi ngày nướng bánh mì cho cả nhà như người Việt Nam nấu cơm. Cảnh tượng những con gà đẫy đà quay vòng trong lò nướng và thực phẩm đủ loại nhập cảng từ chính quốc, chất đầy trong các tủ và kệ cao thấp, lao xao tiếng người “parlant francais,” véo von, trầm bổng. Moulin cũng rất tự hào được mời tới đây tìm lại hương vị xưa những ai từng quen với món ăn sáng đặc thù của người Pháp, thực chất chỉ là món bánh mì fromage kẹp jambon nướng nhưng cầu kỳ, lãng mạn hơn hẳn Hamburger vừa ăn vừa lái xe ở Mỹ. Croque Madame/Croque Monsieur của Pháp khi ăn phải ngồi xuống, thong thả, phong cách, thưởng thức bánh với tách cà phê ngon, bên cạnh người tình, bất luận ở một cái tiệm nhỏ nào có nhiều trên đường phố Paris hay ngay trên chiếc giường gối chăn còn ấm áp, Bà hay Ông chỉ khác nhau ở cái trứng ốp la phủ lên mặt bánh và một chút mù tạt hiệu Dijon có vị chua cay và mùi tỏi cho quý bà.

Nếm ngụm đầu tiên tách cà phê sữa chị V. gọi cho, tôi bàng hoàng thấy lại những buổi sáng ngày tôi còn bé ở Huế. Chừng như là những buổi sáng mùa Hè, tôi không phải đi học nên lảng vảng quấn chân mẹ trong gian bếp ám khói. Khi mâm đồ ăn sáng bố tôi dùng xong được dọn xuống, tôi tò mò húp nốt chỗ cặn cà phê còn lại trong cái tách men trắng, lần đầu làm quen với vị cà phê làm tôi hơi váng vất say. Ký ức tuổi thơ tôi ghi nhớ mãi cho tới tận bây giờ, khiến tôi thường ca cẩm với bạn bè về cái vị cà phê dịu dàng, êm ái ngày xa xưa ấy nay không thể tìm thấy ở đâu nữa từ khi tôi theo chồng rời xa Huế và bố tôi qua đời. Bỏ ra ngoài yếu tố tâm tư hay hoài niệm thường thiếu khách quan, rõ ràng tách cà phê nào uống trong quãng đời khôn lớn của tôi cũng đắng, chát và gắt, rất khó chịu.

Ngoài cà phê hương vị tuyệt hảo đối với người Việt Nam sớm làm quen với cà phê truyền thống Pháp, ngoài mấy tủ bánh ngọt đủ loại với kiểu cọ quý phái và đẹp mắt mà chị V. và KC vừa nức nở khen, vừa cố nài ép bạn nếm thử, tôi chỉ ngắm để thưởng thức bằng mắt vì bản tính không thích của ngọt từ bé. Thế nhưng croissant của Moulin thì rất đặc sắc, có thể nói quanh vùng Little Saigon và phụ cận không đâu sánh bằng, nhất là so với croissant của Costco vỏ ngoài quá nhiều bơ nhưng bột bánh khô như rơm.

Sau croissant, bánh mì baguette của Moulin cũng tuyệt vời sương khói. Ít ruột, vỏ mỏng nhưng không vỡ, ăn ngay rất thơm, nướng lên thì dòn mà không cứng. Anh K. khen pâté tươi của tiệm rất ngon nhưng tôi không kịp mua vì tiệm xin phép đóng cửa nghỉ trưa lúc 4 giờ.

Chủ nhân của Moulin, ông Laurent, nói với khách hàng lui tới tiệm, rằng nơi chốn thanh lịch, vui tươi và hiếu khách này không chỉ làm sống lại những kinh nghiệm đã qua của quý vị mà còn là thể hiện lung linh giấc mơ của ông từ thời niên thiếu, khi ông còn là đứa trẻ sinh ra rồi trưởng thành ở khu văn hóa/nghệ thuật nổi tiếng khắp năm châu Montmartre, cái rốn của Paris hoa lệ. Dời cư qua California thập niên 80, sau 30 năm sinh hoạt trong kỹ nghệ thể thao, ông vẫn không nguôi quên “tình yêu say đắm” dành trọn cho không khí những quán nhỏ khu Montmartre, nơi ông lui tới, vào ra suốt thời tuổi trẻ, hẳn đã nuôi dưỡng trong ông biết bao mộng ước nên thơ.

Nhiều thi sĩ Việt Nam nổi tiếng của chúng ta đi qua Paris cũng nặng tình với Montmartre, có thơ phổ nhạc bởi các nhạc sĩ tài danh: Thanh Tâm Tuyền với Dạ Tâm Khúc (Phạm Đình Chương)

Đi đi anh đưa em vào quán rượu/ Có một chút Paris/ Để anh được làm thi sĩ/ Đi đi anh đưa em vào quán rượu/ Hay nửa đêm Hà Nội/ Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới… – Cung Trầm Tưởng với Mùa Thu Paris (Phạm Duy)

Mùa thu Paris/ Trời buốt ra đi/ Hẹn em quán nhỏ/ Rưng rưng rượu đỏ tràn ly/ Mùa thu nơi đâu?/ Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ/ Chờ mong em chín đỏ trái sầu…

Giữa Quận Cam vội vàng, náo nhiệt, đi tìm một mảnh trời có chút hương vị tình  tình yêu hay tình bạn, tưởng cũng nên lắm chứ? (Bùi Bích Hà)

Tướng gốc Việt nhận chức tư lệnh Lục Quân Mỹ ở Nhật