Thursday, March 28, 2024

John McCain, ‘cái quan luận định!’

Huy Phương

-“Tôi đã nỗ lực để tận tình phục vụ quê hương chúng ta. Đôi khi tôi có lầm lẫn, nhưng tôi hy vọng lòng yêu nước của tôi được quý vị coi nặng hơn những lỗi lầm nhỏ.” (Trích thư vĩnh biệt của Thượng Nghị Sĩ John McCain ngày 27 Tháng Tám, 2018)

Người xưa có nói “cái quan luận định” (đậy nắp hòm rồi mới có thể khen chê hay dở!)

Trường hợp Thượng Nghị Sĩ John McCain, không những nắp hòm đã đậy mà quan tài cũng đã đem chôn, nói vài lời về ông cũng là việc phải.

Những người lính miền Nam, trong hai mươi năm dài đã hy sinh xả thân để bảo vệ miền Nam, ông John McCain từ một đất nước xa xôi đến đây cùng chiến đấu cho chính nghĩa của chúng tôi, như ông đã nói câu “the wrong side win!” Ông không những là bạn đồng minh của chúng tôi mà còn là một ân nhân của người dân miền Nam.

Sau khi thất trận, chúng tôi đã ở trong nhà tù Cộng Sản nhiều năm. Trong một phút sa cơ, ông cũng đã bị bắn hạ và ở trong nhà tù Bắc Việt hơn năm năm. Đồng hội, đồng thuyền, chúng tôi cũng đã thông cảm với ông những nỗi khốn khổ của những tù nhân trong một nhà tù của một chế độ tàn độc nhất trên thế giới. Không chỉ có lòng biết ơn, chúng tôi còn yêu quý ông hơn nữa.

Trở về quê hương, bước vào chính trường, ông coi chúng tôi, những cựu tù nhân của chế độ Bắc Việt như ông là những người bạn cần giúp đỡ.

Thượng Nghị Sĩ John McCain đã là một trong những chính khách vận động với chính phủ Hoa Kỳ trong việc điều đình lâu dài và kiên trì với chính phủ CSVN để cho chúng tôi, hơn 350,000 cựu tù nhân “cải tạo” và gia đình được đến định cư tại Hoa Kỳ. Ơn ấy sánh bằng Trời Biển! Nhờ sự can thiệp của Thượng Nghị Sĩ John McCain, qua Tu Chính Án mang tên ông, vào năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ sửa lại tu chính án này để cho phép những người con của cựu tù nhân “cải tạo,” bị từ chối trước ngày 1 Tháng Tư, 1995 vì lý do trên 21 tuổi, nay được nộp đơn xin cứu xét định cư tại Hoa-Kỳ.

Sau đó, dân biểu Christopher Smith đã hai lần đề xướng việc gia hạn Tu Chính Án McCain, được tổng cộng 4 năm để cứu xét trong chương trình McCain-Davis.

Sự góp phần vận động cho chương trình tái định cư những cựu tù đã bị giam cầm trong “trại cải tạo” của ông đã làm thay đổi tương lai của cả một thế hệ con cháu của những người cựu quân nhân VNCH. Ngoài ra ông còn có công trong việc thông qua Luật “the Amerasian Homecoming Act,” cho phép từ 23 đến 25 ngàn con lai và thân nhân định cư tại Hoa Kỳ.

Thời gian gần đây Thượng Nghị Sĩ John McCain đã tham gia việc vận động chính phủ Mỹ cho các sĩ quan Thương Binh VNCH (không có thời gian đi tù) được định cư tại Mỹ, cũng như đã can thiệp thẳng với Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho những nhân vật tranh đấu như Việt Khang được rời Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Thượng Nghị Sĩ John McCain cũng đã từng đề nghị với Việt Nam bốn vấn đề mà Việt Nam phải làm: – bỏ kinh tế thị trường XHCN để theo kinh tế tự do; – phải thả ngay tù nhân chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm; – Đảng CSVN bỏ vai trò lãnh đạo quân đội, quân đội phải phi chính trị; – Việt Nam phải tự do báo chí.” Nhưng chẳng may ông đã đối thoại nhằm với kẻ điếc.

Nhắc lại tiểu sử, sự nghiệp của John McCain, người ta đã ca ngợi ông như một anh hùng của nước Mỹ và là một “đại ân nhân” của CSVN. Mỹ và Bắc Việt đã từng là kẻ thù của nhau, có thể nào một anh hùng của đất nước này lại là một ân nhân của đất nước kia không? Ông không những có công với người Việt hải ngoại đã vì chống đối chế độ trong nước mà khăn gói ra đi, ông cũng là một trong những người vận động bỏ cấm vận và mở lại bang giao Việt Mỹ, để người Việt gọi ông là “đại ân nhân,” chúng ta đã thấy hình ảnh nhiều ngươi dân ôm ảnh ông vào lòng mà sụt sùi sau khi ông mất.

Có điều khá khó hiểu là vì sao đối với một “đại ân nhân” như John McCain, CSVN không xây cho ông một tượng đài mươi tỷ, không hoành tráng như tượng “bác Hồ” thì cũng tạm như tượng ông Fidel Castro. Cái tượng tạc ông, nói cho đúng một bức phù điêu nhếch nhác xây bên bờ hồ Trúc Bạch, mô tả cảnh ông quỳ gối, đang tay đầu hàng, bên cạnh một cái bảng khắc những dòng chữ:

“Ngày 26 Tháng Mười, 1967 tại Hồ Trúc Bạch, quân và dân thủ đô Hà Nội bắt sống phi công John Sydney McCain, thiếu tá không quân thuộc lực lượng Hải Quân Hoa kỳ đã lái máy bay A4, bị bắn rơi tại nhà máy điện Yên Phụ. Đây là một trong 10 chiếc máy bay bị rơi cùng ngày.”

Đây rõ ràng không phải là một bức tượng “vinh danh” hay “tri ân” mà là một bức tượng “sỉ nhục,” tả ông trong tư thế quỳ gối, hai tay đưa thẳng lên cao khỏi đầu. Điều làm tôi ngạc nhiên là Thượng Nghị Sĩ John McCain đã tỏ ra “tự hào” khi được Việt Nam dựng “bia” tại hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của ông bị bắn rơi. Một bức ảnh chụp lại bức phù điêu này được treo trong phòng làm việc của ông, và ông đã có lần nói với ông Đại Sứ CSVN Nguyễn Quốc Cường là: “Đây là bức ảnh tôi quý nhất!”

Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết mỗi lần thăm Việt Nam, ông John McCain thường dẫn các thượng nghị sĩ và bạn bè của ông tới để “khoe” về tấm bia và chụp hình kỷ niệm.

Người ta cho rằng tư thế quỳ gối đầu hàng của một chiến binh là một sự sỉ nhục ở tầm quốc gia. Câu chuyện này đã làm tôi nhớ lại việc Iran công bố đoạn video ghi lại cảnh 10 thủy thủ Mỹ quỳ gối khi bị bắt giữ ở hải phận Iran, dưới thời Obama. Nhưng ông John McCain chỉ bị bắn rơi và cũng chẳng bao giờ giơ hai tay lên khỏi đầu và quỳ gối với tư thế ươn hèn như vậy. (Ông bị gẫy hai tay và một chân khi rơi xuống hồ Trúc Bạch.)

Rõ ràng là CSVN luôn luôn chơi trò “kèo trên,” ngoài mặt giả vui cười, nhưng bên trong thì trịch thượng, chơi đòn bẩn, đâm sau lưng. Phải chăng vì là một người Mỹ, ông John McCain trung thực, không thấy rõ lòng dạ của kẻ thù?

Trong thời gian gần đây, giữa Tổng Thống Donald Trump và Thượng Nghị Sĩ John McCain, có chuyện “cơm không lành canh không ngọt,” chúng ta chưa thấy ông Trump đáng là bậc chính nhân mà McCain cũng chưa xứng được gọi là quân tử!

Về mặt tốt, sống được một cuộc đời như ông John McCain, quả là đáng sống, lúc nằm xuống, ai cũng cho ông là ân nhân của mình. Một người lúc sinh thời, đã làm những việc tốt, giúp đỡ cho mọi người, lúc ra đi được mọi người thương tiếc, mấy ai được như ông?

Nếu nay mai, CSVN lấy tên ông John McCain, “đại ân nhân” để đặt cho một con đường ở Hà Nội, thì trước hết phải phá bỏ bức phù điêu “quỳ gối đầu hàng” của ông bên hồ Trúc Bạch, để ít ra cho thiên hạ thấy chế độ này còn một chút liêm sỉ! (Huy Phương)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT