Khóc một thành phố

Bùi Bích Hà

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có lần nói với tôi: “Ai đi qua Huế một lần, sẽ mãi mãi không bao giờ quên.” Giọng anh có chút bùi ngùi, xa vắng. Tôi yêu Huế như yêu tuổi thơ mình. Nghe anh nói, chỉ bâng khuâng nghĩ rằng cảm xúc của một nhà văn thường mây bay, gió thoảng, chợt có chợt không, biết đâu vì tôi gợi nhắc anh chút gì anh để lại sau những bước chân qua Huế vội vàng?

Riêng với tôi, cha mẹ tôi từ những làng quê nghèo miền Bắc, đã rong ruổi xuôi Nam và định cư ở Huế vì phong cảnh hữu tình, núi sông diễm lệ. Tôi được sinh ra, lớn lên trong dưỡng nuôi bảo bọc của hai bà mẹ, một bà đứt ruột cho tôi hình hài, đưa tôi vào đời trong khốn khó, một bà là thiên nhiên cho tôi tâm hồn và trái tim như những sợi dây đàn nắng gió Huế làm rung lên giai điệu.

Tôi theo chồng, xa Huế năm hai mươi bốn tuổi. Rồi thôi. Rồi đứt đoạn. Sau lễ đính hôn, hôm gặp lại anh Nguyễn Thành Hưng, bạn đồng môn Sư Phạm và Văn Khoa Huế của tôi, cả hai cùng tình cờ dừng xe trên đỉnh đèo Hải Vân, anh nhìn tôi và kêu lên thống thiết: “Sao BH kỳ vậy? Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa là tại sao?” Tôi gượng cười, không trả lời được câu hỏi đầy tình nghĩa của anh. Mãi về sau, tôi tiếc không còn lần nào gặp lại anh để đọc thơ TTKH, mời anh nghe: “Đâu biết lần đi một lỡ làng?”

Tôi bỏ Huế, mơ hồ không hình dung được đau thương của biệt ly. Của núi non đổ xuống trong lặng thầm. Của dòng sông cạn khô vì ngăn cách thượng nguồn. Của giây phút lâm chung, bố tôi còn gắng gượng hỏi: “Con Bích đâu?” Của mẹ tôi cuối đời phiêu bạt xứ người, bứt khỏi mảnh đất bà từng đổ mồ hôi qua biết bao mùa Hè nồng nực để vun trồng cây quả xanh tươi? Và cuối cùng, của tôi, một đời khô héo ở nơi chỉ còn mùi nhang trên nghĩa trang quá khứ.

Chủ Nhật vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 25 năm tham dự ngày họp mặt thường niên của Ái Hữu Quốc Học-Đồng Khánh Nam California trong trách nhiệm là người MC, bữa nay tôi được thảnh thơi ngồi giữa bạn bè, thưởng thức toàn bộ hoạt cảnh náo nhiệt trong ít giờ đoàn viên của người Huế chúng tôi mỗi năm chỉ được một lần ở quê người bận bịu. Khán phòng của nhà hàng Golden Seafood trên đường Katella tràn ngập tiếng nói cười với âm hưởng Huế, người cao niên nhất là một cụ bà ở tuổi 93 song vẫn còn rất tráng kiện. Cụ giữ được vóc dáng thẳng băng, khuôn mặt đằm thắm với làn da tươi nhuận. Cụ ngâm thơ Hàn Mặc Tử, tình tứ hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” giọng trong và ngọt như đường phèn. Tuy nhiên, một cụ ông hình như đã ngất xỉu vì hoan hỷ, vì xúc động, ngay tại bàn tiệc khi cuộc vui chưa bắt đầu, khiến Bác Sĩ Hội Trưởng Võ Đình Hữu, sau khi thi hành chức năng y sĩ, đã lên sân khấu chào mừng quan khách/thân hữu bằng một bài ứng khẩu, chia sẻ về sự vô thường trong cuộc sống đầy bất ưng và kêu gọi yêu thương, đoàn kết.

Nếu có một cuộc họp mặt nào trong cộng đồng, quy tụ số đông tham dự viên mà người tham dự luôn luôn tới trước hẹn thì đó là buổi họp mặt của đồng hương người Huế. Thiệp mời 11 giờ sáng nhưng từ 10 giờ, bãi đậu xe đã tấp nập những lượt xe nối đuôi nhau vào. Sau 11 giờ, parking mông mênh của khu thương xá không còn một chỗ trống, kể cả ba mặt đường xung quanh nhà hàng.

Câu chuyện hàn huyên buổi tao ngộ nổ ra như pháo ngày Xuân. Điện thoại thông minh chụp hình lia lịa. Những vòng tay ôm thân tình, những lôi kéo tràn trề mong đợi thấy ở khắp mọi nơi, trong khách sảnh, trên hành lang…Dẫu thế nào, tôi vẫn nhớ nhiều khuôn mặt đã vắng xa, nhiều thầy cô giáo, các cựu học sinh của những lần họp mặt trước đây đã không còn nữa.

Con số 50 bàn cách đây gần 30 năm, nay chỉ còn 30 hay 31 bàn. Không gian buổi họp mặt không có những ghế trống để tưởng niệm người đã khuất và những ghế trống để vinh danh người còn với đầy ắp tình yêu Huế không suy suyển nhưng cũng không có sức khỏe hay điều kiện để tới.

Tôi nhớ cô Hảo, Tố Nga, Diệu Trà, Vân Hòa, không bao giờ còn một lần gặp lại. Tôi nhớ Vân, chị Vân, Vĩnh, Diệu Uyển, Cúc Anh, mỗi người một nơi. Tôi nhớ tất cả chúng tôi thời thiếu nữ ngược xuôi hai mùa mưa nắng trên con đường Lê Lợi rợp bóng hai hàng cây xanh cao, lòng như những vuông lụa mới thơm mùi tơ tầm.

Năm nào họp ái hữu Quốc Học-Đồng Khánh, ban tổ chức cũng chọn lọc một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn với chủ đề về cố đô Huế. Chúng tôi có Phan Dụy từ Houston với giọng hò giã gạo mang trong chúng những đêm trăng xanh biếc trong các thôn làng ngày mùa, tiếng chày bập bùng làm thoảng bay mùi cám gạo ấm áp trong các vuông sân đất nện chan chứa tình người.

Bên cạnh hò giã gạo, Phan Dụy hò mái nhì hay mái đẩy cũng thật tha thiết và nồng nàn, cái tha thiết nồng nàn giấu trong nó chút não nùng rời rã của những giòng sông miên man trôi đi trong bóng chiều bảng lảng mà dặm về còn xa và những tay chèo đã mỏi. Khi chị cất tiếng, thanh âm từ buồng phổi tràn trề sinh lực của chị khiến cả không gian đang lao xao tiếng người bỗng im bặt, không một tiếng động nào có thể ganh đua. Năm nay chị hứa góp tiếng với Huế Nam Cali nhưng không về được. Nhớ chị. Nhớ dòng sông tuổi thơ của tôi dịu dàng soi bóng cả một kinh thành trơ gan cùng tuế nguyệt và những con đường loanh quanh buồn như những tiếng thở dài.

Tôi đã nhiều lần được nghe Quý Châu hát nhưng năm nay, với tôi, giọng hát anh có hấp lực lạ thường. Có thể anh đã gửi gấm tâm tư nhiều hơn khi trình bày ca khúc, có thể do tôi được ngồi yên để thinh lặng thưởng thức, không bị chia trí vì công việc của người MC, chưa xong tiết mục này đã phải chuẩn bị tiết mục tới.

Bằng một giọng Huế tinh tuyền, chuẩn mực, anh hát rõ từng chữ, từng câu, mỗi chữ, mỗi câu mang âm hưởng rặt Huế, chứa trong chúng nét đôn hậu, sự thật thà, niềm say đắm có đè nén của cả một thành phố như tôi từng sống ở đấy, từng nghe và thuộc chúng nằm lòng trong vô thức. Không chỉ có vậy, hóa ra tôi còn để tâm hồn mình thấm ngấm trong suối nguồn âm điệu bất tận ấy để bây giờ, mỗi khi có dịp nghe lại, tôi thấy mình tan chảy, cảm ơn nhạc sĩ Từ Công Phụng đã viết xuống ca từ như một lời tiên tri: Lệ này em sẽ khóc ngàn sau.

Những Bến Ngự trăng soi, những Vân Lâu hò hẹn, những dòng Hương lờ lững nhớ thương, những Ngự Bình thông reo đời kiếp, các địa danh được người ca sĩ xướng tên với niềm nhung nhớ tưởng như ngọt ngào mà nghe ra chua cay, tưởng như hạnh phúc mà thấy ngậm ngùi bi thiết, là dao ngọt cứa lên cảm xúc của người nghe làm rướm máu âm thầm.

Tôi nhớ anh Duy Khánh đi những bước chân dài vào đài phát thanh Huế, mũ calô dắt cầu vai, tiếng hát anh lồng lộng những sáng nắng hồng, những chiều mưa bất chợt, qua những con phố mùa Hè rợp trời hoa phượng đỏ. Tôi nhớ nhạc sĩ Văn Giảng và cây đại hồ cầm gắn liền với ông ngày xa xưa ấy, trong các chương trình ca nhạc của đài phát thanh Huế mà bây giờ hồi tưởng lại, tôi có nguyên một bức tranh tĩnh vật tím ngát màu thời gian trong ký ức.

“Xa rồi còn đâu?” Phải, xa rồi còn đâu, là điệp khúc buồn mờ nhạt dần rồi lịm tắt theo tia nắng cuối ngày chìm khuất chân mây. Sau đó, chỉ còn là bóng tối. Để ăn năn. Để tiếc nuối muộn màng. Ôi, đàn con bạc lòng như hải âu thèm biển theo gió bay đi muôn phương tìm bờ bãi lạ, không còn đường về.

Nhiều người Huế yêu Huế thường ngậm ngùi nói rằng Huế như người tình lỡ, để mãi mãi thương nhớ, mãi mãi vùi sâu kỷ niệm trong tim, không để trăm năm sống cùng. Huế chỉ vừa với những ước mơ hiền hậu và khờ khạo của thời mới lớn, không nhốt được những khao khát đổi thay của tuổi trưởng thành đòi hỏi những hành trình khai phá.

Tôi không ở trong số những cánh chim bằng mơ trời cao bể rộng này nhưng sao cha mẹ tôi bỗng dưng gả tôi lấy chồng xa đến thế? Ngày đón dâu, chị Cả bảo tôi quỳ lạy bố tôi hai lạy, gọi là để đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành. Cả bố và chị, có biết trước tôi ra đi một lần là vĩnh biệt hay không? Vậy là suốt một đời, kể từ giây phút biệt ly ấy, tôi sẽ chỉ còn nhận ra bố tôi trong mùi hương áo theo gió thoảng lên mỗi khi ông đi qua và mỗi khi tôi nhớ lại.

Còn mẹ tôi nữa! Ngày cưới tôi sao mẹ vẫn cặm cụi trong gian bếp ám khói, cũng không có mặt bên tôi để tiễn đưa và chúc con hạnh phúc. Hay mẹ biết trước con đường tôi đi sẽ vui ít buồn nhiều và mẹ không phải là Chúa Trời để cõng tôi trên lưng, đi giùm tôi những bước đời gian khổ? Nên mẹ ngậm tăm, trân mình như đá núi.

Những chương sách đời tôi mở đóng lặng lẽ. Những con chữ là những mảnh hình hài tôi vỡ vụn, bị ép khô giữa những trang giấy rồi sẽ nát theo thời gian và trở về cát bụi.

Chừng đó, tôi sẽ tự do bay về quê cũ, lang thang thăm lại phố phường xưa, ngồi xuống mấy bậc thềm đổ nát ở cửa chợ Đông Ba mua mấy viên kẹo gừng bà hàng bày lơ thơ trên cái mẹt tre, tạt vào chỗ hàng quà sực nức mùi mắm muối mẹ vẫn để tôi chờ những khi bà cho tôi theo…

Những hè phố xi măng từ Đò Cồn qua Ngự Viên, qua Gia Hội, qua Trần Hưng Đạo, qua Trường Tiền xuôi theo Lê Lợi bên bờ phải sông Hương, chắc không nhớ bàn chân tôi in dấu bao nhiêu lần nhưng lòng tôi như con đường trải mình lặng lẽ, không bao giờ nguôi xót thương chính dấu chân mình để lại trong cuộc lữ hành một thời đi qua mặt đất khổ nạn của kiếp người. “Ôi, sao ta không là xi măng, mang hồn cỏ cây? Để người qua rồi, ngày vẫn thanh tân.” (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, 6 tháng 6 năm 2018