Lá cờ tổ quốc

Bùi Bích Hà

Hơn hai mươi năm trước, một buổi sáng mờ sương, tôi lái chiếc Corolla cũ đi làm trên đường Euclid hướng về Bolsa. Nhà cửa, hàng phố hai bên vỉa hè còn yên ắng, xe của những công nhân đi làm ca sớm lưu thông thưa thớt và tôi đang lơ mơ nghĩ về một ngày như mọi ngày.

Thốt nhiên mắt tôi chạm vào những lá cờ quốc gia màu vàng với ba sọc ngang màu đỏ bay phấp phới bên cạnh cờ Hoa Kỳ trên các trụ điện thành phố. Tôi cựa mình ngồi thẳng lên, tỉnh táo, mở mắt to hơn, chạy qua những cái cột điện treo cờ như trong một cuộc diễn hành kỳ lạ. Cảnh vật nhòe đi trong nước mắt tôi mừng vui tuôn rơi trên vạt áo, xúc động và hãnh diện thấy mình bỗng nhiên tìm lại được một thời tươi đẹp ở quê hương.

Tôi đã không nhìn thấy lá cờ tổ quốc một thời gian thật dài, sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Sài Gòn thân yêu của tôi kể từ mốc lịch sử oan khiên, đau buồn ấy đã oằn mình dưới một rừng cờ đỏ, cuồn cuộn màu chu sa, làm sống lại cái thê lương trong thơ Trần Dần khi về giữa Hà Nội năm 1954: “Tôi đi không thấy phố thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.”

Tưởng rằng đã thôi. Đã mất. Đã trăm năm chia tay. Sẽ ngàn năm vĩnh biệt. Một dân tộc điêu linh. Một đất nước tội tình. Những phận người phiêu bạt lênh đênh không còn biết đâu là nhà, không còn cả một lá cờ là căn cước để biết chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Thế nhưng không, lá cờ tổ quốc của tôi vẫn hiện diện cùng đồng hương của tôi trên xứ sở vĩ đại này. Chúng tôi có cả một lịch sử nhiều ngàn năm văn hiến. Chúng tôi vẫn còn một điểm hẹn chung để hội tụ, vẫn còn cơ hội nắm tay nhau để cùng hành động cho một ngày trở về dưới bóng cờ tổ quốc linh thiêng của 90 triệu con dân cùng một tổ tiên oai hùng. Tôi cực tin rằng lá cờ ấy mang linh hồn của những người Việt Nam trong mọi cương vị, từng hiến dâng sự sống cho tổ quốc tồn sinh và cũng như thế cho mọi lá cờ của mọi quốc gia trên địa cầu này. Cho nên, cứ mỗi lần được nghe bản quốc ca cất lên, lòng tôi không khỏi bùi ngùi và mắt tôi không khỏi rướm lệ.

Cùng với ý nghĩa thiêng liêng và to lớn của lá cờ tổ quốc, vào thời điểm rực rỡ nhất trong lịch sử định cư trên bốn thập niên tại Mỹ của cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại, tôi tin rằng mỗi thành viên của tập thể lưu lạc ấy đã có lúc cảm thấy mình hồi sinh với lá cờ tổ quốc tung bay dưới bầu trời này.

Chúng ta vẫn mang theo nhân thân mỗi người một mảnh vỡ tổ quốc sẽ có ngày hàn gắn lại như văn hào Voltaire từng viết: “Tổ quốc là tâm điểm cột buộc trái tim chúng ta.”

Về sau, vì cộng đồng thiếu một chiến lược nhất quán, vì sự phá hoại thiên hình vạn trạng của đối phương, vì nỗ lực sinh tồn vừa xói mòn năng lực, vừa làm nguội lạnh nhiệt tình với đại cuộc ngày càng trôi xa mục tiêu, lá cờ tổ quốc từ vị thế là đích nhắm cao cả “tổ quốc còn thì con dân còn” đã trở thành phương tiện đấu tranh được sử dụng tùy tiện trong tay một số người tự cho mình quyền suy nghĩ và hành động thay cho mọi người, quyết định cả sự an vui của mọi người nhưng thực tế chỉ tạo ra bầu khí gây chia rẽ, lo sợ, hận thù ngay trong lòng mình và trong lòng anh chị em một nhà.

Thậm chí lá cờ tổ quốc là cái nhãn hiệu để nhận ra nhau ở bề ngoài, hệt như cái nhãn hiệu dán trên một sản phẩm để bảo đảm nguồn gốc và chất lượng bên trong bao bì thực tế có khi đã thay đổi. Các ông/các anh thắt cà vạt, các bà/các chị quàng khăn, mặc áo dài có hình tượng cờ tổ quốc, nhịp nhàng, đồng điệu, làm sao biết được tâm thế đã cách chia, không còn cùng nhau một mối tương đồng?

Từ đó, phải thú thật, hình ảnh lá cờ tổ quốc trở thành một ám ảnh buồn bã trong tôi, cả hồn lẫn xác, cho dù ở một nơi sâu thẳm nhất trong tâm tư mình, tôi biết lá cờ ấy vẫn cháy lên như ngọn đuốc thiêng Thế Vận Hội, mãi mãi được tiếp nối, được gìn giữ với tràn trề sức sống thanh xuân không bao giờ phai tàn.

Lá cờ tổ quốc của tôi không ai được làm nhem nhuốc hay có thể lấy đi, bỗng nhiên mất cả danh xưng mạnh mẽ, oai hùng của nó để nhận lấy cái tên thông tục “cờ vàng ba sọc đỏ,” làm đau lòng toàn bộ con dân nhà Nam hết thế hệ này sang thế hệ khác, luôn ngước nhìn, trông vời lá cờ như ngọn hải đăng soi đường để không lạc bước, như ngôi nhà luôn ao ước trở về dẫu xa xôi cách trở ngàn trùng.

Lá cờ tổ quốc phủ lên quan tài các tử sĩ hy sinh ngoài chiến trường theo đúng lễ nghi quân cách, nay phủ lên quan tài những chiến binh không có vinh dự này như một cách thể hiện giùm cho người nằm xuống mang theo họ giấc mơ hồi hương không trọn.

Lịch sử Việt Nam xa xưa đã có giặc cờ đen, cờ vàng, cận đại có đảng Cộng Sản cờ đỏ sao vàng, là những liên tưởng đầy bóng tối không một công dân nào của tổ quốc Việt Nam muốn có. Cờ đỏ sao vàng là đảng kỳ của đảng Cộng Sản Việt Nam, chưa bao giờ chính danh là cờ của tổ quốc Việt Nam có lãnh thổ, có dân tộc, có lịch sử riêng, hiện nay gồm hơn 90 triệu dân cùng một tổ tông. Lá cờ đó muôn năm cứ là cờ đỏ sao vàng, không có một danh xưng nào khác. Cùng lắm, chỉ có hơn ba triệu đảng viên người Việt đứng dưới lá cờ ấy, nhìn nhận nó khi tuyên thệ nhận căn cước Cộng Sản của họ.

Thấm thoát, cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản đã rời bỏ quê cha đất mẹ gần nửa thế kỷ. Chúng ta như những mảnh puzzles của một mô hình kiến trúc lớn bị gió bão đánh đổ, không tìm được cách gắn ghép vào nhau và ngày càng chông chênh, trôi dạt. Gần đây, một số khá lớn chúng ta có dấu hiệu mỏi mệt, muốn bỏ cuộc và buông xuôi theo thời thế. Tuổi trẻ không tin tưởng và ngưỡng phục người lớn trong cách hành xử nên kính nhi viễn chi. Người lớn thấy năng lực hao mòn cùng tuổi tác trước viễn ảnh một tương lai vô vọng, cũng muốn dừng chân, gác kiếm, để xem con Tạo xoay vần đến đâu?

Người anh hùng bĩ vận Ngô Thì Nhậm có câu đối nghĩa khí: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế.” Người Mỹ có nhân sinh quan tương tự: “If you can not fight them, join them.” Vậy là khôn ngoan, quyền biến, thức thời. Dù chưa xoay chuyển được thời cơ thì cũng là một cam tâm khí phách, biết đâu bàn cờ có lúc phá được thế bí?

“Thế thời phải thế” hay “join them” không có nghĩa là đầu hàng mà chỉ là tạm hòa để bảo toàn lực lượng và mưu sự. Hơn nữa, là dấn thân khi không còn ai để trông cậy ngoài chính mình, kiểu “không vào hang cọp, sao bắt được cọp con?” Nghịch lý trong cả hai trường hợp là sau cùng, kẻ yếu phải cầm được bánh lái để chiến thắng, nếu không, sẽ là sự thua cuộc trá hình ngay từ đầu, dối lòng, dối người, nào có ích gì nếu không là tội lỗi?

Trong cuộc chiến cuối cùng này, vũ khí của chúng ta là lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên các trụ đèn đường của nước Mỹ như nó đã phấp phới bay trên cổ thành Quảng Trị, thôi thúc chúng ta hãy bền lòng nuôi những giấc mơ và biến chúng thành sự thật, hãy bền lòng nhớ rằng chúng ta có một cội nguồn, một quê hương để trở về xây dựng lại. Hãy luôn mang lá cờ ấy trong tâm khảm, đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì vì dù có lúc khó khăn, nó luôn chứng minh chúng ta có một lịch sử hào hùng và đáng hãnh diện.

Hình như tôi đang mắc cạn trong một thời đại nhiều dối trá, hời hợt, ươn hèn, mỗi ngày tự ve vuốt mình để quên đi những điều không muốn nhớ. Lâu dần, mọi thứ trở thành tự nhiên. Tôi thấy mình vật vờ như một sinh vật không có căn tính, một sợi khói vô định, mờ nhạt, lang thang đi tìm mái xưa trong trời chiều bảng lảng quê người. Cho nên, tôi thực sự cảm ơn lá cờ tổ quốc linh thiêng cho tôi nơi an trú trong quãng đời lưu lạc, cho tôi đường hoàng ngẩng cao đầu trả được món nợ đất nước này đã cưu mang, cho tôi thoát khỏi thân phận kẻ côi cút không nhà cửa, không gốc gác, trôi sông lạc chợ đến đây như cánh bèo mặt nước.

Mai kia, nếu phải gửi xác ở chốn này, tôi xin được là gió để mãi mãi quẩn quanh ở các khu kỳ đài của cộng đồng người Việt di tản khắp nơi trên thế giới, lưu dấu bước chân của một dân tộc chấp nhận trả giá cho lỗi lầm lịch sử và kiên cường đứng lên, xây dựng lại từ những mất mát và đổ vỡ đau thương bi thảm nhất trên dòng sinh mệnh của nhân loại cuối thế kỷ 20. (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình “Quê nhà quê người” với chủ đề “Món nợ máu và một lời xin lỗi”(Phần 2)