Friday, March 29, 2024

May rủi

Bùi Bích Hà

CEO của định chế tài chánh Berkshire Hathaway là ông Warren Buffett, vừa đây, trong dịp kỷ niệm 12 năm ngày thành hôn của ông với bà Astrid, đã chia sẻ: “Đối với tôi, việc kiếm tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có ai khác, tựa như người vợ, cùng chia sẻ phú quý với tôi.”

Ông nói với tạp chí Forbes: “Không nghi ngờ gì nữa với chân lý muôn đời đúng là cuộc sống của chúng ta sẽ trải nghiệm những niềm vui trọn vẹn với một người bạn đồng hành trung tín. Sẽ có nhiều lợi lạc to lớn đến từ cái quan điểm riêng tư này của một người chủ trương đời cần có tri âm. Đây là thực tế hiển nhiên trong hôn nhân, theo tôi, đây là quyết định quan trọng nhất bạn đã làm. Bạn kết hôn với một người thực sự là cộng tác viên tốt thì đây chính là yếu tố quan trọng nhất sẽ giúp hình thành vừa hạnh phúc, vừa thành công của bạn trong cuộc sống. Tôi là kẻ rất may mắn trong lãnh vực này.”

Nhận định của ông Buffett không là ngoa ngữ mà được các công trình nghiên cứu khoa học hỗ trợ. Một cuộc nghiên cứu do trường đại học Carnegie Mellon University thực hiện cho thấy những ai có được người phối ngẫu luôn sẵn sàng hỗ trợ, sẽ có nhiều cơ may đạt tới thành công hơn.

Các nghiên cứu gia tiến hành tìm hiểu 163 cặp đôi hôn nhân, phát hiện rằng những ai có chồng hay vợ tâm thế tích cực, luôn ủng hộ người bạn đời của mình, sẽ dễ dàng chấp nhận đương đầu với những thử thách lớn. Vài tháng sau những thử thách này, phúc trình cho thấy các đương sự cảm nhận tự ngã trưởng thành hơn, đạt được hạnh phúc và sự mãn nguyện trong lòng hơn.

Chia sẻ với tạp chí Forbes, ông Buffett nói: “Bà vợ đầu của tôi, Susan Buffett, là một trong những người thầy vĩ đại của tôi bên cạnh phụ thân tôi là Howard đã quá cố và thầy phụ giáo của tôi là Benjamin Graham.”

Bà Susan qua đời năm 2004, sinh thời là người phụ nữ thứ 17 giàu nhất thế giới, từng giữ vai trò tổng giám đốc công ty Berkshire Hathaway và đồng thời cũng là chủ tịch sáng hội Buffett Foundation.

Năm 2006, ông Buffett tục huyền với người bạn gái thâm giao Astrid Menks qua một lễ cưới trang trọng và đơn giản cử hành đúng vào sinh nhật thứ 76 của ông. Chú rể mặc y phục đi làm hằng ngày, cô dâu mặc áo sơ mi lụa và quần tây trắng, chủ trì buổi liên hoan nhỏ tổ chức tại nhà cô con gái Susie của chú rể ở Omaha, tiểu bang Nebraska. Chú rể còn các con trai lúc đó xuất ngoại vì công việc nên những người hiện diện chỉ gồm cô chủ nhà Susie, em gái bà Menks và ông chánh án chủ tọa buổi lễ với phần nghi thức hoàn tất trong vòng mười lăm phút.

Theo ông Buffett, “mặc dầu có lẽ các bạn không có sự chọn lựa cách thế vào đời và hoàn cảnh khôn lớn song các bạn hẳn có thể nói đôi ba điều về đối tượng bạn muốn cùng người đó trao xương gởi nạc.”

Thời yêu đương hẹn hò, ai cũng có nhiều hơn đôi ba điều thật tốt đẹp để nói về người bạn đường tương lai nhưng câu chuyện kết thúc thế nào, có giống như dự đoán lúc ban đầu hay không thì lại là điều rất khó tiên đoán.

Cuộc đời của ông Warren Buffett có những thành tựu lớn lao cả thế giới biết, đã tới từ câu nói ngắn gọn do chính ông thốt ra: “Tôi là kẻ rất may mắn trong lãnh vực này.” Thiếu hai chữ “may mắn” như một bí nhiệm, mọi nỗ lực của con người, kể cả tài năng, cũng đành mai một.

Sống đến một tuổi đời nào, con người không còn mảy may ngờ vực gì về sự bất toàn được xem là yếu tính của cuộc sống. Luôn có một điều gì ray rứt trôi chảy ngoài tầm tay con người đưa tới thất vọng, oán than, nếu như con người không ý thức để chuẩn bị mình đón nhận và ứng xử.

Ở nhà, tôi dùng nước nóng trong cái bình thủy điện tự động, vừa nấu nước sôi vừa giữ được nhiệt độ. Có một đường vạch bên trong cái bình, chỉ mức chứa tối đa của nó. Trước khi sử dụng, tôi đọc kỹ cách dùng và bảo trì cái bình, luôn luôn đổ nước đúng ở mức được phép. Tất nhiên không có trục trặc nào xảy ra. Cái bình thủy hoạt động liên tục và rất tốt gần một thập niên.

Vừa qua, bạn tôi ở xa về chơi, thấy nước trong bình cạn nên châm nước giúp tôi. Bất chợt nghe tiếng bạn la chói lói trong bếp vì chị không đóng được nắp cái bình thủy xuống. Tôi chạy ra, loay hoay thử. Đúng là không thể đóng được mặc dù khoảng cách giữa cái nắp và miệng bình chỉ là khoảng không. Đảo mắt một lúc mới thấy ra bạn tôi tiện tay đổ nước đầy bình, vượt qua đường vạch báo động.

Tôi thật tình không hiểu nguyên tắc vật lý nào ngăn cái nắp bình thủy không đậy xuống được một khi mực nước quá lằn ranh cho phép mà chỉ hiểu đơn sơ là tôi không thể tham công tiếc việc, đổ lấy được nước đầy bình thủy khiến trục trặc nảy sinh.

Trong đời thường, như một câu ngạn ngữ Pháp mà tôi thuộc nằm lòng: Tout excès est mauvais (quá độ là không tốt), có lẽ mọi người đều biết điều giản dị này, chỉ không biết thế nào là “quá độ” vì đâu phải ở đâu, lúc nào cũng có đường vạch báo nguy, thậm chí, được lập trình sẵn như máy điện toán? Cho nên, “vấn đề” luôn xảy ra, từ nhẹ đến nặng, may (lại may!) lắm thì chữa kịp, nhiều khi không may, hết thuốc chữa!

Ở tuổi 76 cách đây 12 năm, tỷ phú Warren Buffett cảm nhận ông là một người may mắn. Lúc đó, mùa Hè đang rực rỡ xung quanh ông. Kẻ viết bài này ở vị thế xa tít mù tắp với nơi ông đứng, ngước nhìn ông như kẻ ngắm sao trời, cũng cảm thấy mình may mắn theo cách riêng. Nhiều mùa Hè trôi qua, nhiều mùa Đông tiếp theo cũng trôi qua, nay ông 88 tuổi, có vẻ như may mắn vẫn theo ông.

Như một bí nhiệm lạ thường hay do công lao vun xới mà có? Nghe nói người ta trả nhiều trăm ngàn vào quỹ từ thiện do ông bảo trợ để được tham dự bữa ăn tối với ông, được ông chia sẻ kinh nghiệm thành công của ông về mọi phương diện trong cuộc sống. Tôi tự hỏi liệu ông có chia sẻ được sự may mắn không dù tôi cực tin ông là một người có lòng quảng đại?

Trong những cái khổ vây hãm đời người, cái khổ khó tránh là bệnh nạn. Y học lâm sàng cắt nghĩa được nguyên do gây bệnh nhưng không cắt nghĩa được nguyên do ấy từ đâu mà có? Do đâu mà phát sinh? Hay tại sao điều kiện là một mà kết quả lại là hai, ba…? Khi không giải thích được cặn kẽ, người ta đổ cho số phận và số phận trong trường hợp này, đồng nghĩa với may mắn/không may mắn. Chấm hết.

Vậy nên, may mắn muôn đời là cứ là một ẩn số không có lời giải, chi phối buồn vui của cả nhân loại mà không ai có thể chủ động. Tôi trải qua một quãng thời gian dài sống bình yên, hầu như không có dịp nhớ đến cuộc đời còn có những rủi may bất thường, không hẹn trước.

Thỉnh thoảng nghe bạn bè nhận xét: “Chị cứ gọi là sống trăm tuổi nhé!” tôi nghĩ bạn vì tình cảm mến mà chúc tụng quá lời tuy trong lòng có trộm nghĩ, một phần sức khỏe là do di truyền từ bố mẹ, phần khác do ăn uống đạm bạc, hồn trí an tịnh và thường xuyên tập thể dục.

Cho tới một hôm, bắp chân bên phải của tôi bỗng nhiên đau kịch liệt, khiến tôi phải bỏ việc đi bộ hằng ngày từ nhiều chục năm qua. Đứng lên, ngồi xuống, nằm, cúi, khom lưng, trở mình, mỗi một cử động là một cơn đau thắt ruột.

Đi gặp bác sĩ, ông khám nghiệm kỹ lưỡng, xét nghiệm đủ thứ và phán rằng: “Đây không phải là bệnh bà nhé! Khi tuổi lớn (ông tế nhị nên không nói khi về già, sợ bệnh nhân bị ám ảnh) các mạch máu không làm việc hữu hiệu nữa, co bóp nhiều, gây ra cảm giác đau đớn. Bà cần mang loại vớ chật để giúp máu lưu thông dễ hơn. Đau quá thì có thể uống Advil.” Tôi vâng lời bác sĩ, chỉ không uống Advil.

Tôi mua vớ chật, dệt bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, trùm cả bàn chân hay để hở nửa bàn chân, chả có vớ nào “works” mà nóng nực muốn tắt thở. Quyết định bỏ mang vớ, phải nín luôn không dám than thở vì các cô con gái làm việc ở nhà thương, sẵn sàng mắng mỏ: “Mẹ cứng đầu, không chịu mang vớ thì phải chịu đau thôi!” Tôi chỉ thắc mắc nhưng nể tình không hỏi lại bác sĩ “Vì sao cả hai chân tôi cùng lớn tuổi mà chỉ một chân bị đau?” Hỏi thầm xong, chợt nhận ra tôi có may mắn. Đau cả hai chân thì ngồi xe lăn rồi!

Tây y không chữa nên nghe thầy châm cứu, điểm huyệt, thầy lang ở đâu hay là tôi tìm tới. Bệnh không chuyển, ngày càng đau hơn. Hết tiền mặt nhưng còn thẻ nhựa. Ai mách thuốc gì, bảo là rất hiệu nghiệm, cũng theo. Nhắm mắt uống chưa hết một chai nhỏ, thấy đôi chân múp míp như khoai lang Mỹ, sợ quá bèn thôi, vứt thuốc đi để lo chữa bệnh bàn chân bị phù! Nào rễ tranh mía lau. Nào bo bo hầm chân gà. Nào lá lốt vừa ăn vừa uống. Nào xoa bóp với mật gấu pha rượu…

Loanh quanh gần nửa năm trôi đi, tôi với bệnh thập thò rình nhau hết sáng qua chiều, hết chiều qua sáng, có lúc tưởng hết rồi lại không hết và ngược lại, tiếng Anh gọi tình trạng này là on and off, tiếng Việt gọi là bệnh giả đò hay bệnh ma làm. Cuối cùng đành mặc kệ, thử “trơ gan cùng tuế nguyệt để xem con Tạo xoay vần tới đâu?” Chả biết con Tạo là ai, có thật hay không nhưng thời gian quả có xoay vần, nóng lạnh thay nhau bốn mùa và, bà thầy tử vi đoán vận mệnh như thần: “Qua hết Tháng Tám Âm Lịch thì cô hết bệnh.”

Chưa hết Tháng Tám Âm Lịch, chân tự nhiên bớt đau, không còn nặng như đá đeo nữa nên đi lại như bước trên bông mềm, bạn cùng đi cứ phải cho mượn cánh tay. Tôi buồn cười tự nhủ: chắc phải tập đi như trẻ con sau tuổi thôi nôi. Nằm, ngồi, đứng lên, khom xuống, di chuyển đã dễ dàng hơn nửa năm vừa qua, cũng chẳng biết tại sao hay nhờ cái gì? Hay là hết rủi thì lại may?

Kết luận sau cùng: vẫn là chuyện rủi may luôn xảy ra mà con người tu tập cỡ nào cũng không thể kiểm soát được để làm chủ lấy mình. Bao giờ thì cái iPhone vạn năng có đáp số cho vấn đề này? (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT