Một miếng thịt tươi, một hầm cá sấu

Bùi Bích Hà

Thời gian trong vòng một thập niên trở lại đây, con số những người trong nước sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để công khai bày tỏ lập trường chống đối chính quyền Cộng Sản, được phép xuất cảnh qua Mỹ ngày càng nhiều.

Bề ngoài, nói rằng đây là thành quả do áp lực chính trị ở hải ngoại được một số các vị dân cử Hoa Kỳ hay viên chức Bộ Ngoại Giao đỡ đầu qua sự can thiệp cách này hay cách khác với nhà nước Cộng Sản thì cũng đúng tuy còn một thực tế khác phía sau những chuyến đi này, có lẽ không ai không biết nhưng vì nhiều lý do, không ai muốn huỵch toẹt ra.

Đã hết rồi cái thời Việt Nam là một mảnh đất tối mò ở đó nhà nước Cộng Sản nắm quyền sinh sát đối với những ai không chấp nhận họ hay những ai chính họ không chấp nhận. Từ đấu tố như một hình thức thi hành án tử ngay trên bãi cỏ, giữa trưa nắng chang chang, nạn nhân bị trói vào cái cọc, mặc cho đám đông trong đó có cả thân quyến, láng giềng và những người từng được nạn nhân ban ơn, bây giờ bị cán bộ khích động, bức bách, tha hồ lăng nhục, vu cáo, bịa đặt một trăm thứ tội ngô nghê nhất trong tiếng reo hò man rợ bốn chung quanh, trước khi bị bắn, bị chôn cả thân hình xuống đất cho máy cày chạy qua hay bị bỏ cho chết trong đói khát và uất ức.

Cũng qua rồi cái thời kẻ nói nhiều sự thật về chế độ thường bị tai nạn giao thông trên công lộ, chết một mình hay cả nhà ở một quãng đường vắng vẻ như vợ chồng kịch tác gia Lưu Quang Vũ/Xuân Quỳnh cùng với con nhỏ của họ. Cũng không thể nào tiếp diễn mãi trước công luận thế giới hoạt cảnh đê tiện công an giả dạng côn đồ hành hung người yêu nước trên đường phố hay ném đồ dơ bẩn vào nhà họ để khủng bố tinh thần những người vô tội bên trong. Ở giai đoạn này, cách êm ả nhất, tiết kiệm thời gian và sức lực nhất để loại bỏ kẻ thù mà không cần phải hạ độc thủ, lại còn được tiếng nhân đạo, là tương kế tựu kế mời kẻ thù xuất ngoại, nôm na gọi là đi cho khuất mắt, vô hiệu hóa mọi khả năng hay tiềm năng đối kháng của đương sự.

Chúng ta có những nhân vật đấu tranh dân chủ sáng giá khi còn ở trong nước: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà giáo Nguyễn Chính Kết, Luật sư Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày, các nhà văn Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy, cựu đại úy công an phản tỉnh Tạ Phong Tần, mới đây nhất là ca nhạc sĩ Việt Khang. Mỗi vị tới đây một cách riêng và có phong thái hội nhập khác nhau nhưng tất cả ra đi trong một hoàn cảnh chung, là những mảnh ván vỡ ra từ một con thuyền lâm nạn, tuy chuyên chở tình yêu nước và hoài bão thể hiện tình yêu ấy giống nhau song thử thách của đại dương sẽ định ra phẩm chất của từng mảnh ván trên dòng trôi dạt.

Tôi nhớ lại những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi Hoa Kỳ cho phép công dân của họ được bảo lãnh thân nhân bị kẹt lại Việt Nam đi đoàn tụ gia đình trong chương trình ODP, một bản niêm yết điều lệ dán trên cửa phòng công tác người nước ngoài trên đường Nguyễn Du, có giòng chữ in đậm: “Chính quyền chỉ cứu xét cho xuất cảnh các thành phần bất khiển dụng…” Vậy mà khi hay tin hai anh em nhà văn Duy Lam và Thế Uyên, những ngòi bút văn chương/lý luận sắc bén thế hệ thứ hai của nhóm Tự LựcVăn Đoàn, được ra đi chính thức theo chương trình HO, tôi vẫn còn kinh ngạc tự hỏi sao nhà nước Cộng Sản dám thả hổ về rừng? Tôi khờ khạo không hiểu rằng người nghệ sĩ, nói chung, như cái cây cần bám rễ vào thổ ngơi quê hương để cho mùa màng hoa trái. Cái cây trốc gốc, sẽ héo úa dần rồi qua đời lặng lẽ. Bản thân tôi là nhà giáo tốt nghiệp đại học quốc gia, tới Mỹ, nếu không muốn bị lệ thuộc vào trợ cấp xã hội để dạy con tính tự lập, tôi lập tức trở thành một công nhân lao động hạng bét làm việc trong hệ thống sản xuất dây chuyền, đêm đêm giật mình thức giấc, hốt hoảng cố nhớ xem đã gom đủ mấy cái chi phiếu để trả tiền thuê chung cư chưa?

Đêm đầu tiên mon men tới trường Rancho Santiago College, lúc xong lớp, trở ra, tôi ngơ ngẩn không biết mình đã đậu xe ở đâu? Phải chờ cho sinh viên về gần hết, bãi đậu xe trống hoác, tôi mới nhận ra cái xe Toyota Corona cũ mèm của tôi trị giá 600 Mỹ kim, do một người hàng xóm thương tình để lại. Kinh nghiệm đáng sợ này làm tôi nhụt chí một phần, phần khác là các con tôi cần tôi phụ giáo buổi tối nên tôi đành bỏ ý định đi học lại, chưa kể khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối hàng ngày tôi phải làm thêm việc tại một văn phòng bảo hiểm mới đủ chi dụng cho gia đình 4 người. Dần dần tôi hiểu rằng xã hội Mỹ như cái máy xay khổng lồ, có hệ thống sàng lọc và phân loại tinh vi mọi thứ vật liệu, xay nát chúng thành vôi vữa để kiến tạo một đất nước phồn thịnh.

Ấy vậy nhưng tôi chỉ là một thường dân tị nạn. Tôi chỉ phải đối phó với sinh kế. Nếu chăm chỉ và cố gắng, tôi có thể làm chủ được tình hình, thực hiện được những giấc mơ nhỏ nhoi, rất khác với các nhà yêu nước tới đây, mang theo họ lý tưởng và trọng trách mưu cầu những giá trị nhân bản cao cả. Họ có người ủng hộ nhưng cũng có kẻ thù vì họ tranh đấu. Người ủng hộ thì tùy thuộc thiện cảm cá nhân, tự phát, hoặc từng nhóm theo nhau vì chủ đích riêng, không có kế hoạch, chiến lược nhất quán để tạo thành sức mạnh mới trong khi kẻ thù thì hung hãn, được chỉ đạo bởi guồng máy của bạo quyền trong nước, quyết tâm đánh phá với mục đích không rời là triệt hạ họ. Ở quê nhà, họ chỉ trực diện một mặt trận. Ngoài nước, trước một cục diện hoàn toàn xa lạ, họ mau chóng thấy họ bị kẹp giữa hai thế lực thù nghịch, vẫn kẻ thù ấy nay thêm cái bóng của chúng trong một cuộc chiến hỏa mù khác khiến họ mất phương hướng, lạc lõng và thất vọng, đánh mất chính mình. Mặt trận sinh tử giữa chính/tà đòi hỏi ở họ bản lãnh, ý chí, lập trường vững vàng, khả năng nhận thức, thích nghi và thuyết phục, vũ khí là sắt thép đã nung, không phải hàng mã.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, nhà giáo Nguyễn Chính Kết  và cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã có những dịp sinh hoạt thử lửa với môi trường cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại vàng thau lẫn lộn, bạn/thù khó phân biệt, đã tìm được con đường hội nhập riêng phù hợp với lý tưởng họ theo đuổi, đã  làm những gì trong khả năng dù chưa gây bão tố thì ít nhất cũng giúp gìn vàng giữ ngọc cho tổ quốc Việt Nam thời loạn ly.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Dương Thu Hương, họ là những cánh chim phiêu bạt ở những phương trời xa cách, thỉnh thoảng nghe tiếng hót thầm lẻ loi trong lồng ngực đầy nỗi tiếc thương không làm nổi mùa Xuân. Những vị còn lại, từng được cộng đồng đón tiếp rình rang, trọng thể, từng được xưng tụng là anh hùng/anh thư của thời cuộc, hiện đang sống như thế nào tại vùng đất được gọi là thủ đô của người Việt tị nạn Cộng Sản? Họ tiếp tục viết những bản cáo trạng tố giác suông tội ác và sự xấu xa của cái chế độ cả thế giới đều không ai còn lạ gì nhưng ai cũng mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà nấy rạng, ngay cả tổng thống Mỹ cũng nói “Các bạn hãy noi gương tiết liệt của Hai Bà Trưng đi!” Mọi người nghe xong đều vỗ tay hỉ hả như vừa được xem một đoạn phim tuyệt hay, không có mình ở trong!

Là chiến sĩ đấu tranh cho Tự Do, Nhân Phẩm và Công Bằng, chịu đánh phá hay thị phi là cái giá thường tình phải trả, để chứng minh vì muốn “tát sạch cái đầm lầy” ấy mà họ đang hy sinh. Họ sẽ được đánh giá bằng phẩm cách ứng xử, không bằng bùn lầy kẻ xấu vấy lên áo mình, càng không bằng những phương tiện họ phải dùng khi ngộ biến để thoát thân.

Hình ảnh “một miếng thịt tươi được vứt xuống một hầm cá sấu,” nhìn từ phía nào thì cũng thật đau lòng. Câu viết của nhà văn hàm chứa ít nhiều sự thật chua chát nhưng tôi thành thực không muốn giữ lại cái hình ảnh đó. Các nhà đấu tranh dù thất thế, chưa thành công từ trong nước ra, không phải là miếng thịt, ai muốn vứt đâu tùy thích và hải ngoại tuy chưa hoàn toàn tốt đẹp như “Chúng ta” mong đợi nhưng tất cả “Chúng ta” cũng không toàn là cá sấu. Cá sấu đã lợi dụng nước tràn bờ trong cơn vỡ đê tràn vào cái ao lẽ ra trong trẻo của “Chúng ta.” “Chúng ta” cũng đang phải vật lộn gian khổ với những con cá sấu được dung dưỡng do bản chất của người quốc gia bao dung, hiếu hòa , vốn bị Cộng Sản xếp vào loại tiểu tư sản vô tích sự! Dẫu thế nào, “Chúng ta” đã đón tiếp người trong nước ra với tất cả ân tình, với vòng nguyệt quế, với mỹ cảm và sự trân trọng. Chỉ là “Chúng ta” không bảo vệ được họ trước những con cá sấu kẻ thù thả vào ao nhà vì công việc be bờ của “Chúng ta” lỏng lẻo.

Tuy nhiên, vấn đề đã được nhìn thấy, được nêu ra, thay vì bỏ qua hay trách móc nhau, hãy thử tìm một giải pháp. Không được bảo vệ ư? Tôi thật tình muốn thấy những người bạn mới biết tự vệ và có khả năng tự vệ chững chạc ở đất nước tự do này. Chính là trong khi tự vệ, các bạn sẽ tỏa sáng bằng nội dung các bạn mang theo với các bạn tới đây, vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, tị hiềm và thử thách. Các bạn đã hy sinh để có được tự do và độc lập, xứng đáng với vị trí con người dưới ánh mặt trời, đây là chặng đường các bạn thể hiện những thành quả quý giá ấy, liên kết có chọn lựa nhưng đừng lệ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ gì. Các bạn đã từ chối những con cá sấu ăn thịt người, hãy sống chân thật với mình, với cái hoài bão nhân danh nó các bạn đến đây, hãy chan hòa với những ai các bạn muốn bắt tay, hãy dũng cảm học hỏi nhau với lòng khiêm nhượng để làm một người tử tế trong một cộng đồng tử tế.

Bao lâu nay, “Chúng ta” đã bỏ ngỏ cánh cửa ra vào giữa trong nước và ngoài nước. Thiết tưởng đây là một sinh hoạt “giành dân” có ưu tiên cao cho Ban Đại diện Cộng đồng được bầu cử hợp lệ. Nhớ lại người Việt Nam tị nạn Cộng Sản đi Mỹ trong chương trình ODP hai, ba thập niên trước, phải dừng chân 6 tháng ở trại chuyển tiếp Bataan, Phi Luật Tân, để theo học các lớp hướng dẫn hội nhập, từ tiếng Anh phổ thông đến phong cách ứng xử hầu tránh được bỡ ngỡ và sai phạm trong môi trường mới. Ngoài công việc tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị tại địa phương như hiện nay: đọc diễn văn, cắt băng khánh thành, thỉnh thoảng ra nghị quyết,… tôi mạo muội đề nghị cơ chế nên có thêm kế hoạch săn sóc các nhân tố tị nạn chính trị mới gia nhập cộng đồng, giúp họ nhận định một cách trung thực về tình hình chung, những gì chờ đợi họ trong cuộc sống mới, tạo cơ hội cho họ tự đánh giá và được đánh giá, v.v… Có lẽ đây là cách đón tiếp nhiệt tình, tích cực và lâu dài nhất của người quốc gia hải ngoại vốn có truyền thống “không đánh người chạy lại.” (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình “Người Việt bếp Việt” với “Cách làm món bông cải xào thịt bò”