Friday, March 29, 2024

Mưa và Huế của tôi

Bùi Bích Hà

Chiều nhạc Hương Thiền với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cùng bạn hữu và các học viên của ông được tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt hôm Chủ Nhật, 25 Tháng Mười Một vừa qua, trong dư âm còn vương vấn của ngày Lễ Tạ Ơn, thời tiết hơi se lạnh và lòng người mênh mang nỗi nhớ quê nhà.

Chương trình khai mạc đúng giờ. Hội trường đông chật, ban tổ chức phải kê thêm ghế. Tôi theo bạn đến hơi trễ nên ngồi ở cuối thính phòng. Qua một giờ đầu, vài ba khán thính giả ngồi gần tôi vỡ lẽ họ chọn nhầm chương trình, thảo nào cứ loay hoay trên ghế và chuyện trò râm ran với người bên cạnh, quyết định đứng dậy ra về. Quang cảnh người qua lại, đi lên đi xuống không vì thế mà hết hẳn, khiến tôi tạm bỏ qua cho tôi cảm giác ngượng ngùng lúc bước vào vùng ánh sáng êm dịu của khán phòng, trong tiếng hát và tiếng nhạc dìu dặt vẳng lên từ sân khấu, thấy mình đến muộn, càng hiểu thêm vì sao tại những buổi concert của người Mỹ, cửa đóng lại sau giờ trình diễn ghi trên vé vào cửa hay giấy mời.

Những giây phút người nghệ sĩ trình diễn trải hết tâm tư mình, buông rơi những giọt châu quý giá, những giây phút người nghe thả hồn vào kỷ niệm dù hạnh phúc hay thương đau thì cũng rất thiêng liêng, trong hiến dâng, trong hoài nhớ, cần sự thinh lặng để cảm xúc được như mây, bay lên, lan tỏa, đậu lại đâu đó trong vùng trời ký ức rất riêng tư, rất thánh thiện của mỗi người. Một không gian lý tưởng của âm nhạc như thế đã được nhà thơ Xuân Diệu diễn tả bằng hai câu thơ: “Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.”

Là không gian của những kẻ yêu nhau như yêu thơ, yêu nhạc. Tiếng thơ, tiếng nhạc ngân lên giai điệu, là tiếng thầm của trái tim, của tâm hồn, là cả vũ trụ cũng ngây ra với tình “Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,” khiến mỗi bước đi chừng như lo sợ sẽ làm kinh động hư vô và mộng vàng tan biến.

Tôi không có tờ chương trình trong tay, lại ngồi xa sân khấu nên yên lặng nhắm mắt để mặc âm thanh vào ra tự do trong tôi, để mặc cảm quan ghi nhận những gì nó ghi nhận được, có lúc chợt nghe lại tiếng con suối của tuổi thơ xưa ven rừng Bạch Mã, vẫn còn để lại trong tôi cảm giác tươi mới, mát mẻ, lẫn với mùi của cỏ cây hoang dại có chút ngây ngất say.

Vài khán giả quanh tôi bồn chồn nhìn vào tờ chương trình, tôi đoán buổi tọa thiền của quý vị ấy đã hết giờ. Cùng lúc, như có điều gì thu hút, tôi mở to mắt nhìn lên sân khấu, tỉnh hẳn ra, ngạc nhiên lẫn vui mừng thấy một dáng Huế rất Huế mà đã lâu tôi không được nhìn thấy, ở nơi này và ở bất cứ đâu ngoài Huế như tôi từng biết và từng yêu thương đến cháy lòng.

Cô có mái tóc búi cánh phượng, hơi nghiêng một bên. Cô đeo kính trắng, gọng nâu đồi mồi, phù hợp với màu áo lụa gấm cô mặc. Cô đeo chuỗi đá màu gạch cua, là một tổng thể những nét Huế thanh nhã, đài các, được chọn lựa và phối hợp cẩn trọng đến mức toàn vẹn. Cô thong thả sửa lại mấy tờ giấy trên giá nhạc. Cô bắt đầu nói.

Tôi không nghe rõ cô nói gì trong khoảng cách khá xa vì giọng cô rất nhẹ nhưng âm sắc rặt Huế, trầm bổng trong tiếng nói cô ngọt ngào, trong trẻo, của chén chè hạt sen hái từ hồ Tịnh Tâm những đêm mùa Hè hây hẩy gió. Cô trình bày bài hát “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp,” là sự phối hợp mới mẻ giữa ca từ của Huệ Trân, nhạc Nghiêm Phú Phát và trích đoạn bài “Thà Như Giọt Mưa,” Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Hát như không hát, nghe như không nghe, thinh không thánh thót những giọt dương cầm của nhạc sĩ họ Nghiêm, những giọt mưa xa xôi lẫn với tiếng đàn cello trầm trầm, êm ả của Hồng Ánh, vỗ nhẹ lên những đầu dây thần kinh buông lỏng của tôi. Chẳng có mà cũng không là chẳng có mà thật có vì lòng tôi còn xao xuyến, ý thức xung quanh tôi một hư vô từ những thực thể tan vào nhau trong vô thức, trắng xóa, tịch mịch. Là dòng sông dường như đang chảy nhưng cũng dường như đứng yên.

Người phụ nữ trong dáng Huế yêu kiều đã làm xong nhiệm vụ sân khấu. Cô quay sang mời thầy giáo của cô nói đôi lời về nguyên do ra đời của bài hát “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp.” Mọi việc của đời thường luôn cần sự giải thích, choàng tỉnh như vừa qua chiêm bao.

Cảm ơn nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát về những chia sẻ và gửi gấm mang mang thiền vị của ông. Cảm ơn bằng hữu và học trò của ông trong nhóm Hương Thiền với lời ca tiếng hát trong những giây phút hóa thân tuyệt diệu của mỗi vị. Cảm ơn Huế thương yêu của tôi với những người phụ nữ Huế qua tuổi 40 là mặc áo tràng, sớm tối hai thời kinh kệ công phu, hoa ngọc lan thơm từng ngón tay.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cho biết thời gian ông lâm nạn, một hôm ông nhận được bài viết của tác giả Huệ Trân, bình giải bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được nhạc sĩ Pham Duy phổ thành ca khúc “Thà Như Giọt Mưa.” Huệ Trân dẫn giải một thoáng giây bất ngờ trong am thất tĩnh lặng, cô bỗng ngộ ra cả bài pháp Tứ Diệu Đế đầy ý nghĩa về những nỗi khổ đau của loài người, nguyên nhân và con đường đưa tới giải thoát trong mấy ca từ ngắn ngủi sư cô thường vô tâm, hát nghêu ngao những ngày thơ ấu.Tâm đắc, ông ấp ủ mơ ước sẽ có lúc được hát lên sự mầu nhiệm đã cho ông nhìn thấy ánh sáng trong cảnh đời tăm tối và từ đấy, khúc thiền ca “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp” nên hình nên dạng, được gửi tới thính giả chiều nay trên sân khấu này.

Có một lý thuyết cho rằng tất cả các tác phẩm nghệ thuật được người nghệ sĩ hình thành đều chỉ là bản phác thảo, chờ người xem, người đọc, người nghe tùy duyên cho chúng một chân dung, một linh hồn, một số phận. Tôi ở trong số những người chia sẻ quan điểm này.

Sinh trưởng ở Huế mỗi năm hai mùa mưa nắng, tôi sống hết thời thơ ấu và thời tuổi trẻ ở ngoại ô thành phố, suốt mùa Đông đội mưa đi về học qua hai con sông lúc trong, lúc đục, ướt lướt thướt như con ve sầu sống sót qua mùa Hè không có nơi ẩn náu. Mưa tầm tã, mưa không ngừng, cả bầu trời, cả mặt đất lênh láng nước.

Những cơn mưa ở Huế thời tôi bé dại như ông trời cầm chĩnh đổ, ràn rụa trên má, trên môi, một bàn tay nhỏ gò quai nón, tay kia ôm tập vở, tôi hớp mưa vào bụng, tò mò nghe vị ngọt thấm trên đầu lưỡi, cảm giác cả người tôi lạnh từ ngoài vào trong như cây cà rem.

Tôi cắm cúi chơi đùa một mình với mưa trên chặng đường tuy quá xa cho một đứa trẻ lên bảy, lên tám nhưng nó cũng khiến tôi thích thú vì thấy mưa rửa sạch mặt đường đá răm, làm ánh lên màu xanh lam rất đẹp dưới hai bàn chân nhỏ không guốc dép của tôi. Tôi quen với mưa mọi lúc, mọi nơi, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, mưa có nhiều bộ mặt khác nhau, nhiều tâm sự khác nhau. Tôi yêu những cơn mưa từng sợi bay nghiêng từ Thuận An theo chân những chị bán cá mặc áo vá vai, phong phanh miếng ni lông buộc chéo một bên cổ, quang gánh chạy tất tả, chạy lúp xúp qua Tây Thượng, Vĩ Dạ, qua Đập Đá, Đò Cồn, qua Gia Hội lên chợ Đông Ba cho kịp những người khách cuối.

Tôi cũng yêu những cơn mưa đêm dai dẳng, rì rào, rỉ rả, với ông bán phở gánh tùm hụp trong cái poncho không che kín hết người, gánh cả cái bếp lửa hồng qua mấy con phố đêm, tiêng rao rớt lại đằng sau cùng với hương vị phở thơm và ấm mùi hồi quế. Tôi đặc biệt yêu tiếng mưa những đêm mùa Đông rơi xuống bốn xung quanh nhà, trên khu vườn rộng trồng toàn cây ăn trái của bố tôi. Tiếng mưa rộn rã. Tiếng mưa thầm thì. Tiếng mưa rào rạt. Tiếng mưa phơi phới, Tiếng mưa ngập ngừng. Tiếng mưa êm ái vuốt lên những miền cảm xúc, dỗ dành giấc ngủ. Tiếng mưa cắt vào thịt da đau thắt ruột gan. Tiếng mưa gọi nhớ mơ hồ, gọi buồn không tên, gọi tình xa xôi ngàn dặm.

Một thời giã từ Huế, tôi như con cá mắc cạn, ươn mình, tanh tưởi. Sài Gòn cũng có những cơn mưa vội vã đến, vội vã đi, những cơn mưa bất chợt, lạnh lẽo, ồ ạt, vùi dập, không một chút thân thiện, nước mưa luồn qua cổ áo, thấm qua kẽ răng, tôi ngột ngạt nuốt vào bụng cả nỗi ăn năn muộn màng đã bỏ Huế mà đi.

Tôi cũng yêu “Thà Như Giọt Mưa” của Nguyễn Tất Nhiên, khao khát, tủi hờn, giận dỗi lấy mình, thách thức cùng số phận trầm luân. Tôi cũng hay nghêu ngao và cũng giống sư cô Huệ Trân, không bao giờ tự hỏi ý nghĩa đích thực trong ca từ u uẩn của nhà thơ tài hoa mà yểu mệnh từng một thời là thần tượng của cả một thế hệ học trò xứ Bưởi thập niên 1960, là gì? Thi sĩ hẳn là đã nhìn, ngắm, suy ngẫm về mưa nhiều lần, nhiều lúc, mưa ngoài trời hay lệ từ đôi mắt ông?

Ôi, những hạt mưa tự do được vỡ ra trên dung nhan em tượng đá và tình anh vô vọng. Vỡ ra rồi héo khô, không còn gì, em vẫn nguyên là tượng đá trăm năm, vẫn là tình yêu đời đời kiếp kiếp khiến nhân gian vọng tưởng không mòn mỏi. Hay anh xin là cơn gió thoảng để có thể ôm em dù chỉ một sát na mong manh, có còn hơn không? Có còn hơn không. Có còn hơn không. Có còn hơn không.

Có phải từ trong vô thức, đó là âm vang của lời van lơn, của lời cầu khẩn, với hư vô, với chính mình, dù lụn theo ngọn bấc tàn, đĩa dầu cạn nhưng mãi còn âm ỷ cháy, của kẻ tình si đập đầu vào điều bất khả, của một tôi mang theo trong ký ức mình niềm tuyệt vọng đã vỡ ra, đã khô đi, đã biến hóa và trong mê hoang, em về như mưa qua sông rộng, em về làm động gợn chút tình xưa, em về như dao nhọn, em về nay đã tóc sương phai… Điệp khúc bốn câu:

“Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá
Thà như mưa gió đến ôm tượng đá
Có còn hơn không, có còn hơn không…”

là hơi thở, là sinh mệnh của cả bài thơ lẫn người thơ sống chết cho tình yêu, là tranh cãi với Như Lai trong cõi sắc không, xin chọn một sát na được sống tràn đầy khi dòng máu chưa kịp tràn, khi quỵ ngã trên đường rồi còn sợi tóc vướng chân người, ghi dấu cuộc tình đã biết là không bao giờ trọn vẹn nhưng cũng biết là nó hiện hữu.

Giáo lý Như Lai uyên thâm, từ ái sẽ lý giải thế nào về Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp – Những Giọt Lệ Tình cũng Từ Vô Lượng Kiếp – do Tạo Hóa ban tặng để tưới tẩm mùa màng, sản sinh hoa trái, bảo dưỡng cuộc sống trên mặt đất này, đành là khi không khi có nhưng không ai có thể chối từ? Ngày nay, thiền định cho con người câu trả lời: sinh/diệt là mâu thuẫn gây khổ đau, mặt này mặt kia đều hệ lụy, chính là trong thanh tịnh thường hằng làm chủ thân ý mà con người đạt đến cõi giới an lạc, buồn vui theo nhau tự nhiên như thở, hết nắng rồi mưa vốn dĩ là luật tuần hoàn trong vũ trụ. (Bùi Bích Hà)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT