Muôn sự tại tâm

Bùi Bích Hà

Qua điện thoại, tiếng nói của người bên kia đầu dây gọi vào chương trình phát thanh cho phép đoán tuổi của bà khoảng trên dưới 70. Bà khóc nức nở, tức tưởi, mếu máo, như có nỗi uất ức không kềm hãm được, phải bung ra. Lẫn trong tiếng khóc khàn đặc, người nghe lõm bõm câu chuyện bà kể: “Tui đã năn nỉ nó, con ơi, lấy ai thì lấy, đừng bao giờ lấy Mỹ đen nha con, cả đời má, má quá sợ Mỹ đen, má sợ lắm, tội nghiệp má, con đừng… Vậy mà bây giờ nó ưng một thằng Mỹ đen, nó đem thằng đó về nhà cô ơi!”

Tiếng khóc của bà vút cao, mỏng như tiếng vĩ cầm trên thang âm rồi đứt. Tiếng người điều khiển chương trình vừa dịu dàng, vừa dứt khoát: “Thưa bác, chúng tôi hết sức thông cảm với hoàn cảnh gia đình bác vừa chia sẻ nhưng đây là giờ hội luận thời sự, xin lỗi bác và hẹn bác trong chương trình thư tín cuối tuần bác nhé! Kính chúc bác sức khỏe.”

Tâm sự của những bà mẹ nệ cổ trong các cuộc hôn nhân của con cái không thuận theo mong đợi của quý bà khiến tôi nhớ lại một chuỗi những phiền muộn nát lòng kiểu này tôi từng nghe qua hay chứng kiến cách nay gần 30 năm, thời tôi mới tới Mỹ và đi làm ở một công ty có đông công nhân người Việt mình cũng như các sắc tộc khác.

Một bà mẹ người Hoa nhất định phản đối, không cho con gái kết hôn với người cô yêu là một thanh niên Việt, tuyên bố: “Tôi nói thẳng là cậu đừng mất công theo đuổi con gái tôi nữa. Dầu cậu có đi tới đi lui cho mòn cả chục, cả trăm đôi giày lẫn gạch lót đường thì tôi vẫn không gả nó cho cậu.” Cô khóc hết nước mắt với tôi nhưng rồi cũng đành chia tay người tình để rồi ba năm sau mới kết hôn với một thanh niên đồng hương ở tuổi 32 cho mẹ vui lòng. Cô hối hả sanh hai con trong vòng ba năm, trước khi “trứng của người mẹ không còn tốt nữa” như bác sĩ cảnh báo. Hú vía! Trời thương ban cho một cháu là con trai!

Một cô khác cương quyết hơn, nhất định lấy người yêu là một thanh niên người Mễ dù cái giá cô phải trả là bị mẹ từ chối, không tổ chức hôn lễ, cô được tự do khăn gói ra khỏi nhà, nói cách khác, tự do “theo trai” và không bao giờ được về nhà cha mẹ nữa. Chưa hết, sau khi cô đi rồi, thân phụ cô đổ bệnh, bị bán thân bất toại. Mẹ cô quá buồn, đóng cửa tiệm kim hoàn để ở nhà săn sóc chồng và chính bà cũng cần “dưỡng thương.” Cô không về thăm nom cha mẹ được, khiến cô không bao giờ có niềm vui trọn vẹn trong cuộc đời riêng. Ngay cả khi các con cô lớn lên, cô vẫn không có câu trả lời nào nghe được khi chúng hỏi: “Con có ông bà ngoại không vậy mẹ?”

Một cô nữa có hai bằng cử nhân giáo dục và sử học, yêu một người đàn ông Latino ly dị vợ có hai con, thề sẽ không lấy ai nếu cha mẹ phản đối. Vì cha mẹ cô là tín đồ Công Giáo thuần thành, dù không vui nhưng sống thuận theo ý Chúa, sợ con cái lỗi đạo nên đành cắn răng chấp thuận cho cô chu toàn bí tích hôn phối. Không hiểu vì sao, cô không sanh con, lúc nào trong hạnh phúc riêng mình cũng có chút ngậm ngùi đã làm cha mẹ buồn lòng.

Trải qua hơn bốn thập niên ở xứ người, tôi nghĩ giờ đây những cuộc hôn nhân dị chủng đã không còn là vấn đề cấm kỵ quá nghiêm trọng về mặt tâm lý, văn hóa, ngay cả luân lý cho các bậc cha mẹ và con cái đến tuổi trưởng thành của họ nữa. Tôi thực sự không biết những kết hợp như thế có còn gây ra ít nhiều khiên cưỡng cho người trong cuộc hay không cho tới vừa mới đây, một nữ thính giả luống tuổi ở Atlanta gọi vào đài và khóc lóc rất bi thương, gần như hoảng loạn hay mê sảng.

Có một lý thuyết cho rằng cha mẹ người Việt thường dạy con bằng kinh nghiệm bản thân. Nếu tin điều này thì chúng ta phải nghĩ có thể bà mẹ trong trường hợp nêu trên không do kỳ thị chủng tộc mà do bà bị ám ảnh từ một biến cố nghiêm trọng nào đấy đã xảy ra cho bà hoặc thân nhân của bà, liên quan đến người da đen, lâu nhất từ cuộc chiến tranh thập niên 40 thế kỷ trước khi đội quân đánh thuê cho Pháp gọi là lính lê dương (hay Tây đen rạch mặt) hiếp đáp các cô thôn nữ ở những làng mạc chúng đi qua. Trường hợp này, bà nên đi gặp bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ hầu lấy lại sự an vui trong tuổi già mà bà xứng đáng được hưởng ở đất nước Hoa Kỳ.

Tuần qua, cộng đồng mạng được xem một live stream phổ biến rộng rãi trên YouTube, cho thấy cuộc sống riêng tư của một cặp đôi, chồng Trung Quốc, 43 tuổi, vợ Phi Châu, 27 tuổi. Chỉ một thời gian thật ngắn, đã có 20,000 người ghi danh theo dõi và đặt nhiều câu hỏi hiếu kỳ, quan tâm muốn tìm hiểu sự thật phía sau cuộc hôn nhân của họ. Phải nói là trong mắt tôi, họ là một đôi uyên ương xứng hợp, dễ thương, không thấy ra một lý do nào khiến nghĩ là họ không thể là một đôi vợ chồng. Hơn thế nữa, họ là một đôi vợ chồng hạnh phúc, đứa con trai đầu lòng bốn tháng tuổi của họ là trái quả của hạnh phúc ấy, khôi ngô, tuấn tú, bụ bẫm, là sự pha trộn hài hòa, đáng yêu của cả hai nguồn gốc đã phối hợp sản sinh ra bé.

Cuộc hôn nhân của hai người không chỉ nói lên hạnh phúc đương nhiên của họ mà còn nói lên một điều quan trọng hơn, đó là sự mở rộng tầm nhìn đưa tới mở rộng trái tim và vòng tay trong một nhân sinh quan mới, làm cho đời sống đẹp hơn vì con người biết tôn trọng nhau và yêu quý sự khác biệt, thể hiện yếu tính cốt lõi của một nền văn minh cao nhất trên hành tinh của loài người. Nghĩ cho cùng, lột bỏ lớp vỏ bọc ngoài (ngôn ngữ, làn da, mái tóc, đôi môi dầy, mắt nâu, mắt xanh, v.v…) cấu trúc sinh học của con người bất cứ thuộc sắc tộc nào là một, cảm giác của cơ thể con người là một, tâm hồn bên trong mỗi con người  buồn/ vui, yêu/ghét như nhau, hy vọng/thất vọng, giận hờn/nhung nhớ  như nhau, có gì khác? Những dị biệt nhỏ là vấn đề điều chỉnh, “khi thương trái ấu cũng tròn.”

Zou Qianshun, 43 tuổi, là một ngư phủ Trung Quốc làm việc trên tàu đánh cá. Cô Sandra, gốc Phi Châu, cách đây ba năm, làm chủ một tiệm cắt tóc trong khu vực ven biển của Châu Phi. Có lẽ nhân một chuyến Zou ghé bờ, hai người gặp nhau và đem lòng yêu nhau. Tháng Ba năm ngoái, 2017, họ cử hành hôn lễ tại Cameroon, quê hương của cô dâu. Sandra mặc áo cưới, đội vòng hoa, khuôn mặt hiền hậu, tươi tắn, đứng giữa họ hàng. Chú rể mặc sơ mi thêu hoa hai vạt trước, hân hoan đứng cạnh vị mục sư chủ hôn.

Tiễn chân cô dâu về nhà chồng ở mãi tận ngôi làng gần Dandong, phía Bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, thân nhân cô dâu rất lo lắng, sợ cô không được đối xử tốt, sợ cô khó thích nghi với cuộc sống mới theo văn hóa mới, giữa một cộng đồng nói thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Thế nhưng, thực tế đã có câu trả lời tích cực nhiều lần hơn: Sandra chuyện trò với chồng bằng tiếng Pháp và đang bập bẹ nói đôi chút tiếng địa phương, cô cũng học cách nhóm lò thổi nấu theo truyền thống quê chồng. Cô may mắn hơn so với cô bạn đồng nghiệp người Hoa của tôi cách đây ba chục năm, bị mẹ ruột cấm cản kết hôn với ý trung nhân Việt Nam và người yêu của cô bị hăm họa đi mòn nhiều đôi giày, mòn cả sân nhà bà thì cậu vẫn không bao giờ cưới được cô, mẹ của Zou hết lời “khen Sandra  thông minh, xinh đẹp và có tấm lòng nồng ấm.”

Đọc bản tin đến đây, tôi hết sức ngạc nhiên thấy một bà mẹ quê nghèo ở Trung Hoa lục địa, cuộc sống khép kín, ít cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài, lại vốn được coi là bị ràng buộc sâu đậm với phong tục tập quán lâu đời của dân tộc, ấy vậy mà cách nào bà có cái nhìn rất nhân hậu về cô con dâu dị chủng như thế? Tôi không mảy may tin vào cái kết luận dễ dãi của một số người cùng xem cái live stream này, cho rằng Trung Quốc đang có khủng hoảng dân số trai thừa, gái thiếu, là hệ quả của chính sách một con trước đây và vì gia đình nào cũng cần con trai nối dõi tông đường khiến con gái không được phép ra đời nên giờ đây đàn ông Trung Quốc rất khó tìm được vợ. Muốn có vợ, họ phải “vượt biên” đến các quốc gia khác. Điều này có thể đúng nhưng không nhất thiết rơi vào trường hợp vợ chồng anh Zou một khi anh “không đi mua nái để gây giống cho lợn” mà họ là hai con người yêu nhau và đợi chờ ba năm mới cưới, hệt như con đường của mọi cặp đôi khác yêu nhau và trở thành vợ chồng khi cuộc tình đã chín.

Vì hàng xóm láng giềng xôn xao khi anh Zou đưa “cô Thắm” về làng nên anh nảy ra ý định quay video phóng lên mạng chuyện tình của mình cho mọi người được thỏa lòng, mãn nhãn. Anh trả lời mọi câu hỏi, nhiều nhất là câu “Anh chị có thật lòng yêu nhau không?” Trả lời thì không khó nhưng để chiêm nghiệm được sự thật trong lời anh nói thì chỉ khi nào “thấy ta trong người và người trong ta,” may ra mới “ngộ.” (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem “Quê nhà quê người” với đề tài “Quan hệ giữa thầy, cô giáo và học sinh”(Phần 2)