Friday, March 29, 2024

Nghịch lý

Bùi Bích Hà

Nước Mỹ có một nghịch lý tôi không thể giải thích. Càng ở lâu, càng thấy 24 tiếng đồng hồ một ngày không đủ cho tôi làm hết các công việc cần làm tuy số lượng công việc nếu không bớt đi thì cũng không gia tăng.

Từ khi con cái khôn lớn, ra riêng hết, bếp núc nhà tôi hầu như chỉ nổi lửa tháng vài lần. Ðể nấu tí cơm nếp, tí cháo trắng, luộc vài quả trứng muối, quả bầu chấm chao hay cái bắp cải nhỏ lấy nước đánh dấm cà chua, gừng, tỏi.

Ngày giỗ bố mẹ, vài năm trước, tôi còn đi chợ mua vật liệu để nấu nướng những thức ăn hai cụ thích thuở còn tại thế. Bố tôi sinh thời hay ăn thịt đông, cá thu nướng lên, kho với nước trà và củ riềng, canh riêu cá rán thì là, cà chua. Bây giờ nhớ lại, tôi không hình dung ra món nào mẹ tôi đặc biệt thích vì hình như mẹ tôi quanh năm suốt tháng chỉ ăn thức ăn thừa của cả nhà. Có chăng là món đậu hũ om cà chua và rau ghém, thỉnh thoảng tôi thấy mẹ làm món này vào những ngày đầu Xuân, khi các luống rau diếp ở vườn sau bóng mượt và nõn nà như lụa.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, lúc gia đình còn khá giả, hai ngày giỗ ông bà nội được bố tôi chỉ huy tổ chức rất lớn. Thân nhân, thợ thuyền, người làm, tấp nập chuẩn bị công việc như trong một ngày hội làng. Mấy cái bếp gạch lộ thiên lửa cháy rừng rực. Lợn, bò đem từ đồn điền về, gia nhân rầm rập mổ thịt. Bàn thờ lư đồng, chân nến, sáng choang, vàng mã xếp đầy xung quanh.

Sau này, qua biến cố 1954 đưa đến cuộc di cư đầu tiên về phía Nam sông Bến Hải, của cải bố tôi đổ mồ hôi tạo dựng nằm hết ở Bắc vĩ tuyến 17 nên gia cảnh sa sút dần, những hình thức xa hoa cũ không còn nữa. Mặc dầu vậy, hai ngày giỗ ông bà nội giữa Tháng Ba và Tháng Mười Một Âm Lịch vẫn mãi mãi là những cái mốc thời gian được bố mẹ tôi trân trọng ghi nhớ. Bàn thờ bớt hào nhoáng nhưng vẫn trầm hương thơm ngát. Vẫn vàng mã chất đầy xung quanh và mâm cỗ thu nhỏ vẫn đủ bốn bát nấu và sáu đĩa. Mẹ tôi vẫn phải thửa nếp, đong đậu, đặt thịt để gói giò chả và nuôi vỗ vài con gà sống thiến.

Cuối Đông năm 1962, bố tôi qua đời. Ngoài giỗ ông bà nội, mẹ tôi có thêm một cái mốc thời gian để nhớ, song các mâm cúng cứ giản dị dần và ngày càng thu nhỏ hơn. Ông trưởng nam hết sống đời quân ngũ nay đây mai đó thì lưu vong vì biến cố 1975. Qua Mỹ, gia đình ly tán, anh gập mình trên những khó khăn riêng, ngày giỗ ông bà đối với anh chỉ còn là kỷ niệm. Mỗi năm ngày giỗ bố, anh ra đứng giữa trời thắp mấy nén nhang gửi gấm tấc lòng phiêu bạt, việc cúng giỗ cậy nhờ mẹ và em gái còn kẹt lại ở quê nhà.

Rồi, 28 năm sau, đến lượt mẹ tôi qua đời. Tới tôi, chỉ còn chu toàn hai ngày giỗ bố mẹ. Nói là chu toàn nhưng buổi chiều ngày giỗ, tan sở về tôi mới lật bật tạt vào chợ mua hoa và trái cây, ghé qua một hai nhà hàng có những món ăn kể trên, mua to go. Có hôm chỉ có một mình bên mâm cúng, nến và người cùng khóc dưới ánh đèn lặng lẽ. Trước giỗ một hai ngày, anh em gọi nhau qua mấy ngàn dặm đường, hỏi han, dặn dò, kể lể đôi ba điều sẽ làm. Bây giờ, anh đã có bàn thờ cho cha mẹ, đã có một người cùng anh lo việc cúng giỗ, đã có một nơi khang trang, rộng rãi để bày cỗ với đèn nhang ấm cúng nhưng múi giờ khác biệt ở hai tiểu bang cũng không cho hai anh em có cùng một lúc để tưởng nhớ cha mẹ.

Trong đáy lòng, tôi biết rằng sau tôi, những ngày giỗ ông, bà, cha, mẹ chỉ còn lại chút ngậm ngùi trên những tờ giấy mỏng nếu như hôm đó, các con tôi có tình cờ nhìn vào cuốn lịch.

Ðêm Thứ Tư, trời bỗng dưng mưa tầm tã. Những hạt mưa tí tách rơi trên khung kính cửa sổ phòng viết và bốn xung quanh nhà. Mặt nước hồ bơi xao động dưới gió. Mùa Đông rét mướt và một năm sắp tàn bao giờ cũng làm tôi nhớ về tuổi thơ ở cái thành phố nhỏ xa xôi, tận miền Trung Việt Nam. Giấc ngủ hứa hẹn sẽ dịu dàng hơn, ấm áp hơn dưới lớp chăn kéo lên tới cằm trong cơn mưa đêm làm thổn thức không gian và lòng người đi tha phương. Thỉnh thoảng, ký ức gọi dậy những hình ảnh cũ, như những bức vẽ đóng đinh bốn góc, ấn sâu thêm trên thân thể tôi trân mình chịu đựng.

Cơn mưa ướt át, dai dẳng, triền miên, ấy vậy mà sáng sớm hôm sau thức dậy trong tiếng chim hót, tôi thấy nắng đã lại chan hòa ngoài sân. Những mặt đường cư xá còn ẩm nước, thẫm màu nhưng sạch sẽ, khô ráo. Không gian trong trẻo và cây lá óng ánh mặt trời. Tôi chợt có ý nghĩ hóa ra Mẹ Thiên Nhiên cũng có nỗi lòng và bà cũng khóc. Nước mắt hay nước mưa tuôn đổ suốt đêm hẳn đã rửa sạch những phiền muộn trong lòng bà, trả lại cho bà khuôn mặt long lanh hạnh phúc cho một ngày mới bắt đầu.

Không khác những đứa con gái Mẹ sinh ra, có khi Mẹ khóc vùi, vật vã. Có khi Mẹ khóc rấm rứt, thở than. Có khi Mẹ khóc điên cuồng, tru tréo. Trong sự hờ hững hay bực dọc của mọi người và không một ai có thể làm gì để xoa dịu cơn thịnh nộ của Mẹ nhưng Mẹ nào có mong đợi hay quan tâm? Như những đứa con gái Mẹ sinh ra, suốt cuộc đời dài vô tận, Mẹ buồn vui và khóc một mình. Khóc chán, hả hê, lòng nhẹ hẫng, Mẹ lại kéo vạt áo lau mặt đứng dậy, bước đi, tiếp nối công việc còn dở dang. Cho cuộc đời. Cho mọi người.

Tôi đang mô tả bà Mẹ Thiên Nhiên hiền hòa, thỉnh thoảng hờn dỗi tí chút, ở nơi tôi ở thì nhớ ra tại một nơi chốn khác trên địa cầu, cũng bà mẹ ấy thốt nhiên nổi cơn thịnh nộ hung hãn. Xế trưa Thứ Sáu, 10 Tháng Ba, 2011, trận động đất 8.9 độ Richter kéo theo sóng thần, bất ngờ tàn phá bờ biển phía Đông Nhật Bản, cuốn trôi nhà cửa, xe cộ và người với tốc độ cuồng lưu 500 dặm một giờ. Hình ảnh chiếu trên màn ảnh nhỏ trong phòng khách mỗi ngôi nhà trên thế giới trải ra như một giấc mơ kinh sợ.

Làn sóng đặc kịt bùn đất, đen ngòm như một loài thủy quái, bò qua đường sá, làng mạc, xóa sạch, chôn vùi mọi công trình kiến tạo đẹp đẽ của biết bao bàn tay, khối óc. Lạ lùng thay, ngay sát cạnh một kè sông đầy những xác xe hơi bị sóng quăng quật móp méo, người đàn ông đứng chơ vơ nhìn quanh quẩn, tay vịn khư khư cái ghi đông xe đạp và sau lưng ông ta, vài chiếc xe khác bình tĩnh chạy qua như không có gì xảy ra. Văn phòng vẫn đông nhân viên làm việc ngay bên dưới những tấm bảng đang đánh võng và khi mặt đất chao mạnh, xô hết sổ sách, giấy tờ xuống đất, một anh rạp người xuống, cố dang rộng hai tay để ngăn chặn.

Người ta bảo dân Nhật đã quá quen thuộc với động đất. Nhìn từ trên không, lãnh thổ nước Nhật như một dải lụa nhỏ quằn quại giữa đại dương mênh mông, có thể bứt ra, trôi đi bất cứ lúc nào. Tài nguyên không có, điều kiện sinh sống khó khăn, hằng ngày phải đối diện với bất trắc đe dọa đến mạng sống, thế nhưng gần 128 triệu con dân của Thái Dương Thần Nữ vẫn chăm chỉ, cần mẫn, ung dung làm việc, đem hết năng lực và chất xám phục vụ tổ quốc và dân tộc, đưa Nhật Bản từ vị thế một đất nước thua trận, bị chiến tranh dày xéo và hủy hoại, vươn lên thành một đất nước hàng đầu trên thế giới về kỹ nghệ điện tử, có tiêu chuẩn đời sống cao.

Tôi chắc hoàn cảnh sinh tồn nghiệt ngã đã khai sinh ra triết lý Zen của dân Nhật. Sự đề kháng của họ không ỷ vào sức mạnh cứng rắn như sắt thép mà linh động, mềm mại, để có thể thích nghi dễ dàng. Bước vào khu vườn Zen của Nhật, có ngay cảm giác êm ả, bình yên khắp nơi. Cỏ cây dịu dàng, sỏi đá, tre trúc trật tự, thậm chí nước cũng giữ mình không xao động. Những hiểm nguy thường trực dạy cho người Nhật sự đoàn kết, tính kỷ luật và tinh thần vị tha đùm bọc để sống còn.

Ðọc văn chương Nhật, tôi thấy mình bị khí hậu ảm đạm của cốt truyện cuốn hút, tâm lý cô đơn của nhân vật pha lẫn niềm đam mê khắc khoải. Bây giờ thì tôi hiểu nguyên nhân của tất cả nguồn cảm xúc huyền hoặc ấy. Chẳng trách giới trẻ Nhật được ghi nhận có tỷ lệ tự tử khá cao. Tôi tự hỏi nếu tôi ở trong hoàn cảnh người Nhật, liệu tôi có được thái độ sống kiên cường hay chết dứt khoát như họ hay không? Liệu tôi có tìm đường bỏ nước ra đi, kiếm một nơi sống an toàn hơn không? Niềm tự hào dân tộc, danh dự và phẩm cách là những yếu tính căn bản của người Nhật.

Trong hiểm nguy, họ biết tựa lưng vào nhau, cùng phấn đấu một cách cao thượng để vượt thoát. Ðường phố hỗn độn gạch ngói, kèo cột, bàn ghế vỡ nát nhưng đạo đức của người Nhật nguyên vẹn. Họ không để tay lên bất cứ thứ gì còn lành lặn song không thuộc về họ. Các siêu thị mở cửa tự động giảm giá trên các món hàng. Các máy bán thức uống tự động cung cấp miễn phí cho người mua. Cả thế giới có dịp kinh ngạc trước tinh thần khắc kỷ cao độ của người Nhật ngay trong những giờ khắc bi thảm họ nhìn thấy sinh mạng người thân, của cải theo con nước trôi đi, còn thứ gì đáng giữ nữa chứ?

Có nhiều gia đình, buổi sáng người chồng đi làm ở một thành phố khác, chiều về không còn gặp lại vợ con, không còn biết đâu là nhà? Tất cả kỷ niệm chỉ còn trong ký ức. Lịch sử của nước Nhật có vì thế mà đứt đoạn từng phần, phải bắt đầu lại từ những cái mốc thời gian mới toanh? Có bao nhiêu gia phả của nhiều dòng dõi cũng vì thế mà lơ lửng giữa ngàn xưa và ngàn sau?

Buổi tối đứng dưới vòi sen nước tuôn xối xả, cảm giác sạch sẽ, mát mẻ bỗng nhiên gợi nhắc tôi hình ảnh những lưỡi sóng khổng lồ, đen ngòm, trườn qua xa lộ, vườn tược, đường phố, từ đồng quê đến thành thị phía Bắc Nhật Bản, xé vụn, bóp nát, trộn lẫn xác người, gỗ đá, kim loại, lênh láng như một nồi cám heo bất thần đổ ụp xuống…

Tôi ngây ra một phút, nhớ lại đã có không biết bao nhiêu buổi tối trong đời, đứng dưới vòi sen tận hưởng những hạt nước trong lành làm tiêu tan hết nỗi mệt mỏi của một ngày dài mà tôi nào nhận ra ơn phước trời cho? Có những lúc ở nhiều nơi trên đất Nhật, hàng ngàn người không có diễm phúc như tôi. Họ bị bứng ra khỏi những góc nhà quen thuộc, ra khỏi cả những vòng tay, những ánh mắt thân yêu, những ngày sống êm đềm cũ, thiếu thốn trăm bề, ngậm miệng nuốt nước mắt vào lòng như nuốt mật đắng để nhận chịu một số phận xa lạ và khắc nghiệt không ngờ.

Sáng mai, nếu chính tôi còn thức dậy, tôi sẽ làm gì để tạ ơn Trời Ðất? Nói những lời tử tế với mọi người? Tình nguyện làm một điều gì tốt cho những ai cần tôi? (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT