Nhận diện

Bùi Bích Hà

Hai chữ “Chống Cộng” gợi ra những hình ảnh và gây tác động ở nhiều mức độ khác nhau trong lòng người Việt Nam sinh trưởng ở nhiều địa danh trên đất nước và vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau.

Ðộng cơ

Những người lớn lên đúng thời điểm nổ ra cuộc tranh đấu chống thực dân Pháp, giành độc lập và quyền tự chủ cho xứ sở, từng hy sinh tuổi trẻ, bỏ trường lớp, bỏ gia đình, bỏ công danh sự nghiệp tham gia toàn quốc kháng chiến để rồi hỡi ơi, thấy mình bị mắc lừa bởi cái khẩu hiệu hào nhoáng, mê hoặc “bài phong, đả thực” mà những người Cộng Sản đệ tam quốc tế khoác lên món hàng giả độc hại của họ.

Kinh nghiệm chống Cộng của lớp người thuộc thế hệ này là chống lại sự lừa bịp, dối trá, nói một đàng làm một ngả, như câu nói sau này trở thành danh ngôn của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.”

Những người lớn lên vào thời điểm Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, bị kẹt lại miền Bắc vì tình yêu quê hương bản thổ, vì sự gắn bó với mồ mả cha ông đã bao đời, vì tin rằng người trong một nước ắt thương nhau cùng, để rồi phải tận mắt chứng kiến các cuộc đấu tố man rợ qua chính sách cải cách ruộng đất: những nạn nhân tay không, bị kết tội chỉ bởi sở hữu từ vài ba đến dăm bảy chục sào ruộng do cha ông đổ mồ hôi vỡ đất, canh tác từ đời này qua đời khác để sinh sống với nghiệp nhà nông. Họ bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị hành hạ, bị chôn sống, bị cày qua đầu, con cháu bị đuổi ra đường, bỏ cho chết đói vì làng xóm có thương cũng không ai dám gần con cái địa chủ để bị vạ lây.

Kinh nghiệm chống Cộng Sản của lớp người này là chống lại sự tàn ác, bất nhân và vô luân.

Những người lớn lên trong cuộc chiến sau cùng, 1955 đến 1975, chứng kiến cảnh cô giáo và học trò tỉnh lẻ đi tới trường lúc sáng sớm, bị mìn do “kháng chiến” cài đặt ban đêm, nổ tan xác; chứng kiến cảnh các viên chức hành chánh xã ấp phía quốc gia, chập tối là ôm dấu ấn đi tỵ nạn để tránh cảnh bị “kháng chiến” nửa đêm gõ cửa lôi đi không có ngày về; chứng kiến Mậu Thân ở Huế với hàng ngàn nạn nhân vô tội, bị giết bằng mọi cách: bị cuốc xẻng đập vỡ đầu, bị trói tay chân bằng kẽm gai, bị bẻ gãy xương cổ, bị lùa xuống rãnh chôn sống, từ dân thường đến quân nhân, viên chức, cả nhà tu, cả giáo sư đại học, xương chất thành non, máu chảy thành sông, oán than ngùn ngụt trời xanh.

Kinh nghiệm chống Cộng của thế hệ này là chống lại những con dã thú đội lốt người!

Sau cùng, với biến cố 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản có những nạn nhân mới gồm thâu tất cả những tội ác kinh hoàng của chúng, ngày càng tinh vi hơn. Bằng dối trá, chúng lùa những người chiến binh thất thế vào trại tù để trừ khử hậu họa; lùa dân lành, đàn bà, trẻ con, người già đi khai hoang rừng sâu, núi thẳm để cướp không nhà cửa của họ. Bằng tác phong thảo khấu trên quy mô cả nước, chúng công khai làm luật chiếm hữu đất đai, vật tư, tài sản của dân. Bằng hành vi tàn độc, sát nhân trá hình, chúng đày ải, xoi mòn sinh lực, cướp đoạt sự sống của biết bao sinh linh khi sống chỉ có một lý tưởng duy nhất là mưu cầu ấm no, hạnh phúc, tiến bộ cho gia đình và nhân dân miền Nam. Bằng cai trị độc tài, hà khắc, phân biệt đối xử, cộng sản xua người dân ra đại dương, chấp nhận đem thân thế đánh bạc với thần chết để hy vọng tìm được sinh lộ. Cứ một triệu người đến được bến bờ tự do, có ba trăm ngàn người đã bỏ xác đó đây trong cuộc hành trình vượt thoát 9 phần chết, chỉ có 1 phần sống.

Những kinh nghiệm thương đau khắc cốt ghi xương này, than ôi, đối với thế hệ sinh sau đẻ muộn, từ 3 thập niên cuối của thế kỷ 20 về sau, chỉ là những câu chuyện kể tam sao thất bổn. Tuổi ngoài 30 ngày nay không thực sự biết Cộng Sản là gì, có chăng là ký ức nhòa nhạt về những bữa cơm hẩm trộn bo bo và những chi tiết mơ hồ về một thời vắng mặt của bố, mẹ, nghe nói là “đi cải tạo xa.” Ðối với họ, những hình ảnh quá khứ đã thuộc về quá khứ. “Cuộc chiến tranh nào không dã man và cuốn sách chiến tranh giờ đây đã thực sự đóng lại.”

Nhận diện cho đúng

Ngày nay, ở hải ngoại, hình ảnh người Cộng Sản mà một số ông bà chú bác cô dì thuộc thế hệ trưởng thượng thỉnh thoảng kêu gọi chống lại, là những người sinh hoạt xem ra bình thường trong cuộc sống chung của cộng đồng: là ông A, bà B, Cô C, chú D,… Bề ngoài, dung mạo họ trông không ác, công việc họ làm hàng ngày thấy cũng không có gì ác. Họ là nhà văn, nhà báo, là nghệ sĩ, nhà buôn, là chính trị gia, v.v… Họ chưa bao giờ cổ xúy cho Cộng Sản nhưng họ bị suy diễn là có liên hệ với Cộng Sản, nhận tiền để làm tay sai cho Cộng Sản, làm lợi cho Cộng Sản. Dùng chữ “suy diễn” bởi tất cả những cáo buộc trên đều không có bằng chứng mà thường là do một thiểu số vì tư kiến, tư thù, tư lợi, háo thắng, đổ vấy để gây thanh thế cho mình hoặc gieo sự ác cho người cho bõ ghét; bởi những kẻ có khả năng sách động, lôi cuốn người thiếu suy xét vào hỏa mù, khiến ai muốn đứng ngoài sẽ phải run sợ vì mặc cảm không hợp thời, đi ngược lại xu thế của đám đông nên nhập cuộc. Khốn thay, chính những “lãnh tụ” hành nghề chống Cộng hăng say này lại bị phát giác có lúc đi theo Cộng Sản thứ thiệt để nhận ân huệ. Tiền hậu bất nhất, cái tâm của họ ác, họ mưu mô, quỷ quyệt, phản phúc, gian xảo không kém gì Cộng Sản.

Dán nhãn hiệu Cộng Sản lên trán những người quốc gia do khác biệt quan điểm là mắc bẫy Cộng Sản, là cho không chúng những tài sản quý giá của cộng đồng hải ngoại, là gây tổn hại rất lớn, thậm chí cản trở, phá vỡ việc định hình những người Cộng Sản chúng ta thực sự phải chống, quan trọng hơn nữa, chỉ ra cả cái chủ thuyết phi nhân mà những người này là đại diện.

Chống Cộng kiểu này tựa như chữa cảm bằng thuốc đau bụng, chữa đau bụng bằng “ganidan bột mì,” không những không có tác dụng mà còn làm mất lòng tin đối với sự chữa chạy của ông thầy thuốc.

Những người biết rõ Cộng Sản là ai, là gì, thấy họ bị đâm vào tim, vào phổi, căm phẫn vì cái tâm thế giả trá, vô ý thức, vô trách nhiệm, nối giáo cho giặc của thiểu số này. Những người không biết Cộng Sản là ai, là gì, thì mất động cơ chống Cộng. Hãy nhớ lại khí thế cuộc biểu tình 55 ngày liên tục phản đối Trần Trường phô bày ảnh Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng với những cuộc biểu tình có cùng mục tiêu phản đối Cộng Sản sau này để thấy rõ mức độ tham gia của quần chúng cần sự nhận diện đối tượng chính xác đến mức độ nào?

Lối mòn

Hơn nửa thế kỷ trước, trong bối cảnh kỹ thuật truyền tin còn hết sức thô sơ, chủ thuyết Cộng Sản còn lấp lánh huyền thoại, người Cộng Sản còn chưa lộ chân tướng, người ta thường nghe quen tai tên gọi những chiến dịch tuyên truyền quy mô của bọn họ, nào là địch vận, tuyên vận, trí thức vận, văn hóa vận,… dùng thủ đoạn bịp bợm, chữ nghĩa hào nhoáng để lung lạc, thu hút những người nhẹ dạ, cả tin vào vẻ đẹp hoang tưởng của một xã hội công bằng, sáng chói tình người. Trong thành phần mắc lừa họ, có cả những nhà tư tưởng lỗi lạc của Âu Châu một thời khuynh tả (Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, Albert Camus…). Nạn nhân điển hình, đáng tội nghiệp và thảm hại gần đây nhất bên trời Mỹ là nữ tài tử điện ảnh Mỹ Jane Fonda.

Thời gian làm việc cho mọi người! Khi sự nghiệp “vinh quang” của người Cộng Sản khắp nơi phơi bày các thành quả đẫm máu nhân dân vô tội, tố giác trước công luận thế giới bản chất xấu xa, mông muội, tham tàn của họ, làm rơi những cái mặt nạ từng có lúc mê hoặc, trả lại nguyên vẹn số phận những tờ giấy lộn cho chủ thuyết Mác-Lê Nin, khi Liên Xô bừng tỉnh giấc mơ buồn, khi cả Ðông Âu vuốt mặt đứng dậy cùng thế giới Tự Do, khi cái đạo đức sinh Bắc tử Nam đã hết nhiệm vụ lịch sử theo cách nói của Bắc Bộ Phủ Hà Nội, thì người Cộng Sản hoàn toàn phá sản. Họ còn gì hay ho nữa đâu mà hòng tuyên truyền?

Thời đại chúng ta đang sống định nghĩa bằng tri thức. Nó bỏ xa kiến thức là giai đoạn thu thập dữ kiện, lâu rồi. Cộng Sản Việt Nam giờ này vẫn còn theo đuổi chính sách ngu dân để trị, kiến thức còn chưa có đủ, nói gì đến tri thức là kiến thức đã tiêu hóa, đã đãi lọc tinh tuyền, đã thăng hoa để tiến lên vị trí cao hơn, là khả năng nhận định và phán đoán?

Hãy nhìn kỹ Việt Nam ngày nay, có cái gì gọi là văn minh, văn hóa? Giá trị cũ xóa sạch, giá trị mới chưa bận tâm xây dựng, cuộc sống sa đọa và tha hóa cùng cực trong cơn lốc cuồng nhiệt và tuyệt vọng xung quanh đồng tiền, chỗ kẻ ăn không hết, nơi người lần không ra. Ấy thế mà người Việt hải ngoại vẫn sợ bóng sợ gió mặt trận văn hóa vận của Cộng Sản trong nước, như hơn nửa thế kỷ truớc đã mất hút vào dĩ vãng?

Bước vào kỷ nguyên toàn cầu với sự phát triển tuyệt diệu của Internet, vấn đề giao lưu giữa các quốc gia liên lục địa chấm dứt lý thuyết khoanh vùng hay cô lập, hơn bao giờ hết con người cần phát huy và vận dụng tri thức để chọn lựa con đường đúng nhất cho mình. Các nhà lãnh đạo cộng đồng, các vị dân cử, các thân hào nhân sĩ, xin có cái nhìn mới, thực tế, ra khỏi lối mòn, cập nhật mình, cập nhật cả cộng đồng với nguồn năng lực mới để có những đáp ứng ngang tầm với vị trí và thời đại của chúng ta hơn là chôn chân ở cái võ đài mục nát, rệu rã, đấm vào khoảng không để tiếp tục ghi điểm mà không cần làm gì nhiều, không cần phí thêm sức.

Hãy thử nghe bài “Khi Tôi Về,” nhạc phổ từ thơ Kim Tuấn, để thấy tình tự dân tộc và quê hương là mặt trận văn hóa vận vô địch của người quốc gia sống bằng sự chân thật của trái tim, của tâm hồn, những thứ mà xác ma chủ nghĩa Cộng Sản không thể nào có được, để biết ai là người nên biết sợ ai? Nếu không phải thế, sao chế độ Cộng Sản trong nước cấm ngặt văn hóa phẩm của người Việt nước ngoài nhập vào Việt Nam? Chúng ta không xao lãng đối tượng, không khinh địch nhưng chúng ta cũng cần ý thức về sức mạnh và ưu thế của chúng ta để phát huy, để đầu tư sức mạnh và ưu thế ấy vào những kế hoạch khả thi, đem lại thắng lợi thực sự cho người quốc gia.

Chống Cộng vào thời điểm phi võ lực ngày nay là chúng ta phải cao hơn họ, hay hơn họ, tốt hơn họ để làm sáng tỏ chính nghĩa trước tà đạo. Tiếng nói chống Cộng của đại khối người Việt hải ngoại cần dõng dạc cất lên qua đại dương, về tận Việt Nam, cho cả tập đoàn lãnh đạo chính quyền Cộng Sản nghe rõ, muốn vậy, chúng ta phải thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết, thực sự có thành tựu và sức mạnh. Hơn 40 năm qua, người Việt hải ngoại mải đối phó với ám ảnh quá khứ nên chưa tập trung xây dựng sức mạnh của mình theo những tiêu chí kể trên, nay đã tới lúc nên nghĩ về việc này chăng? (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giấc ngủ vô cùng quan trọng(Phần 1)