Thursday, March 28, 2024

Những chuyện đổi đời

Tạp ghi Huy Phương

Tháng Tư lại về, khơi lại biết bao nhiêu chuyện não lòng cho cả một dân tộc. Đây là giai đoạn bi thảm nhất của miền Nam. Ba Mươi Tháng Tư được xem như một cơn đại hồng thuỷ, nôm na nhân dân gọi là ngày đứt phim, ngày tan hàng, ngày quốc hận. Nhân danh “cách mạng,” đây là một cuộc xâm lăng cướp bóc tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc, mà chỉ có tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt, nhắm vào những người miền Nam, đặc biệt là những người thuộc chế độ VNCH, quân đội, hành chánh, đảng phái chính trị và những người bị ghép vào tội phản động. Nếu không với lòng căm thù và ganh tỵ vô biên từ chủ trương của đảng Cộng Sản, thì khó ai có thể tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo như thế.

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu chiến dịch đàn áp có hệ thống với hằng trăm ngàn vụ bắt bớ, đưa hàng trăm ngàn nhân viên quân cán chính miền Nam đến các trại “cải tạo,” nơi mà “thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy!” Thực chất đây là chuỗi trại tù tập trung theo kiểu Trung Cộng và Liên Xô, ở đó chúng giết dần mòn tù nhân vì đói, bệnh tật, lao động cật lực và bị giết chóc.

Từ một miền Nam an lạc, trù phú, Cộng Sản Bắc Việt sau ngày “giải phóng,” vơ vét các “chiến lợi phẩm” mang về Hà Nội, đã biến mảnh đất này thành một nơi hoang tàn, bệnh tật, đói rách, tối tăm, tưởng như nơi đây đã đi giật lùi về thời hoang dã.

Gia đình các công viên chức miền Nam đã chịu một cuộc đổi đời bi đát.

Theo Lewis Sorley (1999), một sử gia Hoa Kỳ có uy tín, có lẽ “65,000 người bị xử tử bởi những người giải phóng họ” và “có đến 250,000 người bỏ mạng trong những trại cải tạo tàn bạo.” Có hàng trăm trại tù cải tạo, rải trên khắp toàn cả nước, đã đem lại bao nhiêu cảnh khốn cùng, nhà cửa bị tịch thu, lấn chiếm, thân nhân bị đuổi việc, con cái học hành dở dang, vật vã kiếm miếng ăn, gia đình ly tán. Nhiều gia đình nghe lời dụ dỗ đường mật của chính quyền mới, “đi kinh tế mới cho chồng con mau về,” để trở thành những gia đình không nhà, cùng đường trở về sống vật vờ trên hè phố.

Vụ “nạn kiều” là một chương bi thảm nhất trong lịch sử loài người khi hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa trong vùng cực Bắc Việt Nam năm 1978 bị cưỡng bức về Trung Quốc. Những người Hoa nhiều đời trước, đã di dân đến Việt Nam làm ăn, sinh sống, có người không biết tiếng Hoa, không biết quê hương, gốc gác mình nơi đâu, nay được chỉ định khăn gói trở về Trung Quốc.

Ngay lúc đó, Xuân Thuỷ, Bộ Trưởng Ngoại Giao còn trơ tráo tuyên bố: “Đảng và chính phủ ta trước sau như một, vẫn đối xử với bà con người Hoa như bát nước đầy. Có một số bà con trốn đi Trung Quốc, là do bọn xấu tác động! (Bên thắng Cuộc. T1- 121.)

Quảng Ninh và Hải Phòng là hai nơi, người Việt gốc Hoa được chiếu cố nhiều nhất. Người Hoa được chở xe lửa đi từ Hà Nội đi Lào Cai rồi đến Cầu Kiều. Nhưng số phận những con người này ra sao?

Trước khi qua biên giới, công an Việt Nam tịch thu mọi giấy tờ họ mang trong người. Về phía Trung Quốc đã có người ra đón, loa nhạc vang lừng. Nhưng đến ngày thứ ba, trở về “tổ quốc” tất cả đều phải bắt buộc đăng ký đi nông trường trồng cao su Mông Xi, ai chậm trễ sẽ phải đi Tây Tạng. 90% muốn trốn trở lại Việt Nam, nhưng đây là điều bất khả.

Trước đó, một phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, gốc Hoa đã rạch bụng tự tử. Trần Vĩnh Ngọc, hiệu trưởng một trường phổ thông, cha Hoa nhưng mẹ Việt, có vợ là người Việt gốc Thái Bình. Bị xếp vào diện phải “trở về Trung Quốc,” kêu ca không được, Trần Vĩnh Ngọc bắt ba đứa con “khăn quàng đỏ,” đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh lên giường, lấy chăn bông đè cho đến chết. Sau đó, Ngọc lấy búa đập vỡ đầu vợ và dùng dao đâm vào tim mình tự sát.

Không ít một số người bị cơn bão “cải tạo công thương nghiệp” xô đẩy đến đường cùng, tán gia, bại sản, bỏ thành phố, bị tù đày hay xô đuổi đi vùng “kinh tế mới,” hoặc bỏ thây trên biển cả. Không phải như lúc ban đầu, đối tượng tư sản chỉ có 92 người, mà gần 29,000 gia đình không phải chỉ là tư sản, mà trung thương, kể cả tiểu thương chợ Trời cũng bị xoá sạch, do Đỗ Mười chủ trương cùng với bầy đàn kéo từ Hà Nội vào.

Trong chiến dịch này, Cộng Sản Bắc Việt chiếm thêm 5 tấn vàng và vô số kim cương, hột xoàn. Số lượng người Sài Gòn bị mất hết tài sản tìm cách vượt biên hay bị cưỡng bức đi kinh tế mới. Con số của Hà Nội đề ra là một triệu hai trăm ngàn người Sài Gòn phải đi lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới, tuy không thực hiện được chỉ tiêu, nhưng Sài Gòn đã trở thành hoang vắng, một đô thị “tối lửa tắt đèn.”

Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cả một miền Nam “bị” cảnh đổi đời.

Trái lại, dân miền Bắc cũng “được” cảnh đổi đời, kiểu “chó nhảy bàn độc.” Biết bao nhiêu anh từ thợ thiến heo, thợ bẻ ghi đường sắt, thợ đóng quan tài, hay làm nghề khiêng cáng, bắt thịt heo lậu, đổi đời thành những cấp lãnh đạo đất nước, giàu có lẫy lừng!

Nguyễn Quang Lập, một nhà văn của “Bên Thắng Cuộc” trong câu chuyện nội bộ của gia đình ông, đã cho đây là “sự đổi đời kỳ diệu.”

“Sau ngày 30 Tháng Tư cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ ‘đã chết,’ giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là ‘triệu phú số một Sài Gòn.’ Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là ‘gia đình bảy đảng viên Cộng Sản.’ Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên Cộng Sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kỳ diệu!” (Huy Phương)

Mời độc giả xem chương trình “Quê Nhà Quê Người” với đề tài “Gian truân cảnh vợ tù ‘cải tạo’” (phần 1)

MỚI CẬP NHẬT