Những điều vụn vặt

Bùi Bích Hà

Bà là một phụ nữ Nhật làm việc trong lãnh vực truyền thông. Bà tới Hoa Kỳ hầu như cùng thời điểm với những người Việt thế hệ thứ nhất nhập cư trong đợt di tản đầu tiên khỏi Sài Gòn vào Tháng Tư, 1975.

Với dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh, đôi mắt cực kỳ thông minh, nụ cười ấm áp, giọng nói nhẹ, nhiều âm điệu, bà dễ gây thiện cảm trong lần gặp gỡ đầu tiên. Bà vừa có cơ sở làm ăn riêng tại thành phố Fountain Valley, vừa phụ trách một chương trình thời sự truyền hình trên băng tần nói tiếng Nhật, chuyên phỏng vấn các nhân vật chính trị quốc tế. Phục sức theo kiểu phụ nữ chức nghiệp, giản dị và chọn lọc, bà giao tiếp với phong thái hòa nhã, tự tin và thuyết phục. Là đại diện thương mại cho một công ty sản xuất mỹ phẩm lớn của Nhật, bà muốn đi vào thị trường Việt Nam nhưng không phải chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà để giới thiệu phong cách sử dụng những sản phẩm ấy làm đẹp cho người phụ nữ. Bà có những đòi hỏi với tiêu chuẩn nhất định trong câu chuyện trao đổi để tìm đối tác khiến lòng riêng tôi rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vừa rồi, bà điện thoại mời tôi và bạn bè đến văn phòng của bà để tham dự một buổi làm “facial” được thực hiện tại đây.

Cũng cùng một cách trang trí tổng quát như nhiều phòng làm dịch vụ chăm sóc da quanh vùng Little Saigon mà tôi có dịp biết qua do nhu cầu công việc: ánh sáng mờ tối, các căn phòng đóng cửa hay có màn che yên lặng chìm trong tiếng nhạc cổ điển êm dịu, người khách hàng nằm thẳng trên cái giường nhỏ, dưới tấm đắp mỏng, hai mắt nhắm lại. Khác biệt nhỏ là trong phòng này có trà thơm đãi khách khi cần với bộ tách trà thanh lịch, mỏng và nhẹ. Càng mỏng và nhẹ hơn trong không khí tuyệt đối thinh lặng khiến mọi cử chỉ đều trở nên rón rén, cẩn trọng.

Người chuyên viên thẩm mỹ cũng là một phụ nữ Nhật ở tuổi trung niên. Bà có khuôn mặt trần, không trang điểm. Bà đứng ở đầu giường, cả người bà phút giây là hiện thân của một thứ nghi lễ, tập trung, nghiêm nghị. Bà thao tác theo một trình tự thuộc lòng, hết bước này sang bước khác. Tôi nhìn, quan sát, chiêm ngắm hai bàn tay bà, nét mặt bà nhưng không có một ý niệm nào về kỹ thuật bà áp dụng, chỉ cảm thấy thích thú những khi bà đắp cái khăn mặt nhỏ lên mặt người khách hàng, xếp hai góc khăn chéo lại như một búp sen, lần nào cũng giống lần nào, không sai một ly. Mấy ngón tay bà di động mềm mại dọc theo hai bên cánh mũi, xuôi ngược, đánh vòng quanh miệng, quanh mắt, vuốt từ cằm lên hai má, thái dương, tỏa theo đường lông mày. Bây giờ hình dung lại, tôi không thể nhớ hết “lộ trình” những ngón tay huyền ảo của bà được bóng tối sau các rèm cửa phụ họa, đã ru ngủ, đã đánh thức, đã vỗ về làn da trên khuôn mặt bà khách cách nào mà tôi chỉ nhớ nét mặt tập trung cao độ của bà, dường như dồn hết thần lực vào mười ngón tay mù trong một trao truyền, thể nhập trọn vẹn giữa kẻ cho và người nhận. Một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua trong êm ả lãng quên đời. Và, sau khi khách hàng nhận lớp mưa sương phủ lên khuôn mặt giờ đây tươi mát như một đóa phù dung vừa bung nở thì người chuyên viên thẩm mỹ bắt đầu công việc dọn dẹp… chiến trường.

Bước ra vùng ánh sáng bên ngoài, tôi và vài vị khách cùng dự khán ngẩn ngơ nhìn. Tôi thì thầm với người bên cạnh: “Có lẽ thế này mới gọi là làm facial!” Tôi đoán bà khách ở độ tuổi 60 nhưng làn da mặt của bà giờ đây sáng như một đồng xu mới, mơn mởn và phấn lên như da một quả đào đẫm sương sớm mai. Mỹ phẩm, kỹ thuật, đã hẳn nhiên nhưng không hẳn là tất cả làm nên sự thành công nhường ấy.

Tôi chợt nhớ lại khuôn mặt cô K. trong một lần được thấy cô làm “body massage” thử nghiệm cho người bạn thân của tôi cách đây khoảng tám năm, khi cô đang có tâm sự buồn và muốn tìm khuây trong công việc cô đang làm. Tôi đã ghi nhớ trong ký ức mình và sẽ không bao giờ quên hình ảnh cô ngày ấy: đầu hơi cúi, đôi mắt tập trung cao độ, đắm chìm, trầm tư nhìn theo hai bàn tay miết lên những vùng huyệt đạo ẩn dưới vai, cánh tay và sống lưng khách hàng, như muốn gởi vào đó sự quan tâm của cô và lời chúc thư thái, khỏe mạnh đến họ. Trong bóng tối mờ mờ của gian phòng lẩn khuất tiếng nhạc êm ả, tiếng lách cách trong trẻo của những viên đá đen khẽ va vào nhau trong cái nồi điện, đôi mắt cô để lại trong tôi một ấn tượng đẹp, khó quên. Vài năm sau, tình cờ gặp lại cô trên đường phố, cô xưng tên thì tôi mới nhận ra. Cô đẹp lên rất nhiều, vẻ đẹp lồ lộ, tươi tắn và đầy sức sống. Khen tặng. Hỏi thăm. Cô cười trả lời: “Em vẫn làm việc cũ. Cho đi và nhận lại, giản dị thế thôi chị ơi!” Chao ôi, thật vậy sao? Con người giống như cái bình điện xe hơi, sạc điện cho chiếc xe chết máy rồi tiếp tục chạy để nạp lại năng lượng cho chính nó?

Bữa nay, tôi thấy lại một phần hình ảnh K. ở người chuyên viên thẩm mỹ Nhật vừa hoàn thành tác phẩm làm đẹp cho khách hàng của bà. Quả nhiên, không có tác phẩm giá trị lớn nhỏ nào được tạo nên mà không có sự gởi gấm chân tình một chút gì nhiều hơn tài năng hoặc kỹ năng chuyên môn đã thành thói quen của tác giả. Làm chương trình thương mại với Daniel Phú, tôi không ngạc nhiên khi nghe cậu chia sẻ: “Em thường chú tâm cầu nguyện rất lâu trước khi thực hiện dịch vụ cho khách hàng. Xin cho họ được vui, được hạnh phúc với những gì họ tìm kiếm. Những ngón tay thiện nghệ của em vẫn cần được hướng dẫn bởi thành ý cầu mong điều tốt đẹp nhất cho khách hàng.” Tôi không biết có một trường dạy thẩm mỹ nào bỏ những gì tôi vừa nghĩ hay nghe nói như trên vào học trình hay giáo án dành cho học viên hay không? Tôi cũng không biết mỗi học viên khi rời trường lớp, bước vào giai đoạn thực hành kiếm tiền, tùy theo tâm lượng và trải nghiệm cá nhân, có ai dựa vào những điều ấy để lựa chọn phong cách ứng xử của riêng họ trong nghề nghiệp hay không? Chắc chắn đây chính là điểm làm nên bản sắc khác biệt giữa những người cùng làm một nghề giống nhau nhưng thành công ở mức độ khác nhau.

Một bản tin trên mạng Yahoo News đi kèm với tấm hình làm tôi chú ý: một bà mẹ mặc nguyên váy áo mầu đen nằm nghiêng trên bãi cát. Ảnh chụp nửa người từ bên phải nên tôi không nhìn rõ dung nhan bà. Bản tin kể, nguyên văn tiếng Anh của Bridgette White, tạm dịch như sau: “Phản ứng đầu tiên của tôi (bà mẹ) là bất bình. Ai đã chụp tấm hình dị hợm này chứ? Cảm giác vừa thấy ghét vừa tởm lợm tràn ngập, tôi suýt khóc òa. Ðúng cái lúc tôi vừa định bấm nút xóa thì con trai tôi bước vào phòng. Tôi hỏi nó ngay: ‘Con có biết gì về tấm ảnh này không hả?’ Hỏi xong, tôi xoay màn hình ra ngoài cho cháu thấy. Nó toác mồm ra cười: ‘Con chụp mẹ ở Tahoe chứ ai? Mẹ nằm đó, đẹp ơi là đẹp nên con phải chụp thôi!’ Tôi bảo nó: ‘Lẽ ra con cần phải hỏi mẹ trước khi dùng điện thoại của mẹ mà chụp hình.’ Nó trả lời: ‘Con biết rồi, nhưng mà này, thật tình nhé, mẹ có thấy mẹ đẹp không?’ Tôi nhìn lại tấm hình và cố gắng thấy cái gì nó thấy. Con gái tôi vừa đi qua và cũng ghé mắt vào, nó mỉm cười: ‘Làm bưu thiếp được đấy mẹ! Trông mẹ đẹp ghê đi, con thích lắm!’ Tôi hít vào một hơi thở sâu, tự nhủ: Ðây đúng là cái mình cần. Lỗi tự tôi cứ săm soi, xét nét những cái khiếm khuyết, những cái bất toàn. Tôi cần bắt đầu nhìn thấy nhiều cái khác nữa thay vì cứ bị ám ảnh với làn da không còn phẳng phiu trên hai bắp đùi đọng mỡ của mình. Tôi chỉ thấy bà mẹ nằm sóng soài trên bãi cát, không thấy chính bà mẹ ấy đã cùng với con cái mình thăm thú hàng giờ cả thiên nhiên xung quanh hồ. Tôi chỉ thấy đôi cánh tay quá tròn trịa của tôi nhưng tôi cũng nên thấy đó là hai cánh tay của một bà mẹ đã giúp con mình leo qua các hốc đá, bước đi trên cát nóng, sao cho những bàn chân non nớt của chúng không bị đau. Tôi chỉ thấy tôi trong quần áo màu đen bởi vì tôi cũng giống như những bà mẹ khác, hầu như suốt đời lúc nào cũng mặc cảm vì thân thể nặng cân của mình. Tôi vốn chẳng bao giờ thanh mảnh cả, chẳng bao giờ! Ngay lúc này, tôi mập nhất kể từ mười năm trở lại đây. Thì đã sao? Tôi chớ nên để tôi bị cầm tù vì số cân của thân thể mình mà hãy bắt đầu mặc áo ngắn, phong phanh mùa hè, mặc áo tắm nơi đông người, cùng các con rong chơi và ngay cả cảm thấy mình cũng hấp dẫn chứ? Ðúng vậy! Bạn nghe tôi nói đấy! ‘Tôi đang cảm thấy tôi xinh đẹp, chao ôi, quá xinh đẹp ấy chứ! Tôi thông minh, sáng láng.’ Chậc! Không hoàn toàn thế nhưng cũng tương tự thế! Phải chăng vì tôi đang già đi, chững chạc hơn? Phải chăng vì tôi có nhiều điều cần bận tâm hơn là dáng vẻ bề ngoài của mình? Hay có thể vì các con tôi đã nhìn tôi bằng đôi mắt ngưỡng mộ của chúng? Sự thực, không có gì quan trọng cả. Tôi sẽ không ghét bỏ bản thân nữa. Chấp nhận là điều khó và chú tâm vào đó càng khó hơn. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, không bỏ tập thể dục để được khỏe mạnh. Ngay bây giờ, tôi bằng lòng với thân hình tôi đang có. Tôi chẳng có vấn đề gì khi tự nhìn mình theo cách các con tôi nhìn tôi. Mẹ cảm ơn các con.”

Câu chuyện của bà mẹ này cho tôi một bài học thú vị. Tôi vẫn thường có dịp được nghe quý vị cư sĩ Phật Giáo am hiểu đạo thâm sâu, nói rằng: “Hình tướng mọi vật trên đời thảy đều hư huyễn, không có gì thật là thế mà chỉ do mắt nhìn và tâm thuận một lúc nào đó. Bởi vậy, cùng một đối tượng, người khen, kẻ chê. Cùng một thanh âm, lúc trong, lúc đục. Cho nên, hãy nhẹ nhàng và dễ buông xả để được an lạc.” Bà mẹ nặng cân, quá khổ, vẫn y nguyên. Phút trước, phút sau, thấy mình là ai khác vì tâm được soi sáng cách khác. Hóa ra, con người trong cuộc đời đâu có mãi là nạn nhân của những nỗi đau bên ngoài nó tưởng như không bao giờ dứt? Chẳng qua con người tự giam hãm mình đấy thôi! Hãy mở cửa đón chờ nhân duyên để “ngộ” một lối ra…

Lúc này tôi thường thích xem các chương trình tranh tài nấu nướng của các ông/bà đầu bếp chuyên nghiệp hoặc tài tử chiếu trên truyền hình Mỹ. Vài lúc rảnh rỗi, mở TV giải trí, chộp được một chương trình, tôi say mê theo dõi không chớp mắt. Ðối với tôi, đây là một loại thiền tập thú vị, nó cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, khinh khoái, lâng lâng như chạm được tay vào hạnh phúc. Tùy theo món ăn dự thi, thường thường thí sinh chỉ có tối đa 15 hoặc 20 phút để hoàn thành. Họ nhanh như cắt, biến chế vật liệu qua nhiều công đoạn chính xác và đầy nghệ thuật. Mỗi món ăn dự thi là một tác phẩm điêu khắc tuyệt tác, màu sắc tươi mát, hài hòa, sinh động, nằm lả lơi, kiêu kỳ, khêu gợi, trên mặt cái đĩa men trắng thật lớn khiến cho thực khách hàm thụ như tôi nhìn mà thòm thèm vì nó mỹ miều quá, hấp dẫn quá, trau chuốt quá và cũng… ít quá! Nhìn chúng, tôi nghiệm ra, ngoại trừ những lúc bà nổi giận, mẹ Thiên Nhiên rất chiều đãi lũ con của bà, cho chúng biết bao của ngon, vật lạ, chỉ cần chúng biết mở mắt ra nhìn để lọc lựa, mang những thứ sẵn có trong trời đất ấy về nhà, kết hợp và tận dụng chúng, cho chúng một dáng dấp, một hương vị bằng khả năng sáng tạo của mình. Có người nói với tôi nấu nướng cũng là một liệu pháp an thần đem lại cho những ông bà “bếp” tài tử sự lạc quan và tình yêu cuộc sống. Nó như một trò chơi thử thách nhiều khả năng khác nhau của một người với phần thưởng vừa no mắt, vừa no bụng. Tôi có một chị bạn có cậu con trai út làm bếp rất giỏi, tới mức cầu kỳ. Cậu tốt nghiệp đại học ngành tài chánh, đi làm lương cao, phục sức áo veste, sơ mi cổ cồn, cà vạt là ủi thẳng tắp. Cậu rất thích nấu nướng sau giờ làm việc và mời bạn bè đến nhà ăn uống. Tủ trong nhà bếp của cậu chất đầy những vật liệu thượng đẳng phục vụ nhu cầu ẩm thực. Từ nồi niêu, xoong chảo, dao thớt, muỗng nĩa, cậu sắm sửa toàn thứ đắt tiền mà cậu gọi đùa là “đẳng cấp.” Quan niệm cũ trước đây có lẽ cho là cậu hơi nhiều nữ tính. Tôi không nghĩ như vậy khi nhìn phong thái làm chủ căn bếp của cậu. Ai đó đã nói “Con đường tới trái tim người đàn ông đi qua cái bao tử.” Ðể bắt đầu, cậu nhìn vào sách nấu ăn, sửa soạn vật liệu, cân đong chuẩn xác rồi xắn tay áo mở lò, mở bếp. Khi món ăn hoàn thành, bày lên bàn, cậu ung dung mời cả nhà thưởng thức công trình của chính mình, chia sẻ với cha mẹ, anh chị em và bạn bè niềm vui chế ngự được mọi bất ngờ để đạt mục tiêu nhắm tới. Mỗi người một câu, bữa ăn trở thành bữa cỗ lớn và phòng ăn nhà họ vui như Tết!

Căn bếp sang trọng, tiện nghi ở Mỹ nhắc tôi nhớ lại những gian bếp ám khói ở Việt Nam, cảnh mẹ tôi tất tả mồi lửa, dập lửa trước và sau khi nấu những bữa cơm cho hàng mấy chục người ăn. Mùa Ðông, củi ướt, mẹ tôi phải đánh vật với củi, nước mắt ràn rụa vì khói cay. Dưới tro than còn lại, mẹ tôi hay vùi mấy củ khoai lang bới từ ngoài vườn vào, ruột khoai bột vàng thơm nức mũi.

Sau gần 30 năm ở Mỹ, nếu có ai hỏi tôi thích đi ăn ở nhà hàng nào, món gì? Câu trả lời ngay lập tức của tôi là nhà hàng của đồng hương người Việt với thực đơn Việt Nam. Tuy nhiên, giả dụ có ai đó đề nghị đi một nhà hàng của những thực đơn khác, tôi cũng sẽ rất hân hoan được thay đổi không khí và nếm những hương vị lạ. Khung cảnh các nhà hàng khác nhau cho tôi những không gian mới và những phong cách thưởng thức cuộc sống đa dạng, phải nói là rất thú vị. Những lần đi ăn như thế, bao giờ tôi cũng để ý xem có đồng hương của mình xung quanh không nhưng rất hiếm khi thấy. Ông chủ một tiệm ăn Ý tọa lạc giữa Little Saigon nói với tôi ông kinh doanh ở khu phố này nửa thế kỷ, với những ngày đầu tiên phải đứng ngay ở cửa để mời người qua lại mua bánh mì. Có nhiều đề nghị ông chuyển nhà hàng về phía biển, ở đấy với thực đơn đặc sắc của nhà hàng như hiện nay, ông có thể kiếm nhiều tiền hơn nhưng ông không đi. Ông nói ông là di dân, ông yêu mến những di dân người Việt. Ông lưu luyến cái nơi ông lập nghiệp thành công từ thuở hàn vi mới tới. Ông tâm sự: “Tôi có nhiều khách từ các cộng đồng khác, chỉ không có người Việt. Bà có thể giúp tôi mời họ đến được không? Tôi rất muốn được phục vụ họ.” Tình cảm chân thật cùng với hảo ý của ông khiến tôi xúc động và hâm mộ. Món sườn trừu nướng của nhà hàng ngon tuyệt vời. Người Việt đến thưởng thức có thể mang theo ít lá mơ là Ðông Tây hòa điệu. Nhà hàng Ý nguyên thủy nhưng ông không dọn bánh mì chấm dầu ô liu pha với giấm balsamic có rắc mấy lá rosemary mà ông có món sauce cà chua tươi, làm tại nhà, thơm ngon đặc sắc. Bữa ăn tối của tôi ở đấy thường chỉ gồm mấy khoanh bánh mì chấm xốt này, một chén xúp claimchowder rắc nhiều hạt tiêu, thêm chút ớt Tabasco và tráng miệng bằng một miếng bánh teramisu đặc sản của nhà hàng Renato’s.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 15 tháng 3 năm 2017

Mới đây, nghe nói ông đã về hưu, nhường quyền quản trị nhà hàng cho người con trai. Tôi không có dịp nào ghé lại để biết thế hệ nhập cư thứ hai, sinh trưởng tại Hoa Kỳ, tuy vẫn không thể chối bỏ nguồn gốc mình nhưng liệu có còn giữ được tấm lòng lân mẫn với người di dân như thân phụ của cậu hay không?