Thursday, March 28, 2024

Những số phận thảm sầu

Tạp ghi Huy Phương

“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?”
(Tố Hữu)

Ngày 19 Tháng Ba, 2018, trong khi tại Hà Nội, Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, ra tòa lần thứ hai về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” khoảng $35 triệu thì trên bờ biển Đài Loan, cảnh sát tìm thấy hai người Việt Nam, một nam, một nữ bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển. Những người này vì sự sống đói khổ đã phải bỏ nước, giao thân cho bọn buôn người ra đi.

Theo báo United Daily News, ba người Việt sống sót còn lại gồm một nam, hai nữ đã khai họ và hai người chết đuối kia đến từ Việt Nam. Nhóm của họ trả tiền để được chở bằng tàu tới Đài Loan, nhập cư lậu vào xứ này với hy vọng có thể tìm kiếm được một công việc tốt hơn.

Tuy nhiên, khi cách bờ biển Đài Loan khoảng 3 – 4 hải lý, thuyền trưởng của con tàu ra lệnh nhóm người Việt và hai người Đài Loan phải xuống tàu cứu sinh tự tìm đường vào bờ. Những cơn sóng lớn sau đó đã đánh chìm chiếc thuyền cứu sinh, tất cả bảy người trên đó đều bị rơi xuống biển. Không còn cách nào khác, họ phải tự bơi vào đất liền, nhưng có hai người đuối sức bị chết đuối và bị sóng đánh dạt vào bãi biển.

Một ngày sau đó, ở hai địa điểm, nhà chức trách cũng đã phát hiện thêm 26 người Việt vượt biển đến Đài Loan trên những tàu đánh cá của đảo quốc này và đã bị tống giam vào nhà tù Cao Hùng.

“Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình.”

Câu nói của Nguyễn Phú Trọng nghe rổn rảng, y như lối nói của những anh chàng “mãi võ sơn đông” ngoài phiên chợ chiều. Sao con người Việt Nam hôm nay lại khổ sở, điêu đứng như thế này. Vì sao nước giàu dân mạnh mà con người phải bỏ nước ra đi. Ngày trước còn đổ lỗi cho đế quốc xúi giục, trong cơn hoảng loạn, chạy theo “bơ thừa sữa cặn,” sao ngày hôm nay đã 43 năm “chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này” mà thiên hạ vẫn ùn ùn ra đi. Người giàu thì cho con du học, mua nhà cửa ở ngoại quốc, kẻ ít vốn thì đem thân “ở đợ” quê người, lấy chồng ngoại quốc hay xung phong đi làm thuê xứ khác. Bần cùng cũng tom góp, vay mượn để xuống tàu ra đi, hy vọng kiếm chút tương lai ở xứ người.

100 ngàn du học sinh Việt Nam học và làm việc ở 49 quốc gia, trong đó có đến 90% du học tự túc và nhiều người trong số họ đã không về nước.

Đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa đã lên tiếng báo động, hiện nay nhiều trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài.

Khi khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, du học sinh và công nhân xuất khẩu lao động đã trốn chạy xin tị nạn sang các quốc gia khác thay vì xin trở về nước. Số liệu thu thập được vào thời điểm đầu thập niên 1990 có khoảng 300 ngàn người sống rải rác ở Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông và Tây Đức…

Ngày nay hàng người tị nạn Việt Nam đang kẹt trên đất Mã Lai, Thái Lan và Cambodge, đang sống cuộc đời bất hợp pháp, vô tổ quốc, bấp bênh, đói khổ vì đã bỏ quê hương ra đi.

Bất chấp việc Chính Phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào Anh bất hợp pháp với hi vọng đổi đời. Người bản xứ gọi họ là “người rơm,” tức người không có giấy tờ hợp lệ, sinh sống bất hợp pháp.

Năm 1954, sau Hiệp Định Geneve, cắt miền Bắc giao cho Việt Cộng, hơn một triệu người chạy trốn chế độ Cộng Sản vào Nam. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong gần hai thập niên sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, hơn 1.3 triệu người Việt Nam vượt biên, vượt biển đi tị nạn. Trong số này , Liên Hiệp Quốc thẩm định từ 200,000 đến 400,000 người không đến được bến bờ hoặc chết vì tàu bị đắm, bị hải tặc Thái Lan sát hại. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đón nhận 823,000 thuyền nhân , Pháp 96,000, Úc cũng như Canada nhận 137,000 người, Anh quốc 19,000.

Nhưng vào năm 2013, gần 40 năm sau ngày Việt Nam thống nhất trong chế độ “xã hội chủ nghĩa,” nguyên nhân nào lại thúc đẩy hàng trăm người Việt Nam vượt biển ra đi?

460 thuyền nhân Việt Nam kể cả phụ nữ và trẻ em đã đến Úc trong 4 tháng đầu 2013. Hiện tượng người vượt biển lại tăng cao, bằng tổng số thuyền nhân đến Úc trong 5 năm trước.

Số liệu của Tổ Chức Di Cư Quốc Tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Kinh Tế và Xã Hội cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn người Việt di cư.

Vậy câu hỏi đặt ra là đất nước không còn chiến tranh nữa, kinh tế cũng tốt hơn, thì tại sao họ lại bỏ đi?

Có người cho rằng đây là vì lý do kinh tế nhưng cũng có người cho rằng đây là hậu quả của chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với nhân quyền, tự do ngôn luận và chính kiến tại Việt Nam. Nhưng dù là với lý do kinh tế, một chính phủ để dân đói nghèo, phải hy sinh mạng sống, bỏ quê hương ra đi, thì đó là một chính phủ tồi tệ.

Ngày xưa, sau Tháng Tư, 1975, người Việt vượt biển ra đi, được thế giới dang tay đón tiếp, lo chuyện ăn ở, thuốc men, cấp quy chế tị nạn, giúp tìm nơi chốn và giúp phương tiện để định cư tại một quốc gia thứ ba. Ngày nay, như những người Việt được bọn buôn người đưa đến Đài Loan, hay Âu Châu đã phải vay mượn, thế chấp nhà cửa, lo tiền trả cho bọn buôn người, được xem như là những người nhập cư trái phép, bị còng tay và đưa vào nhà tù hay bị trục xuất trở lại quê quán.

Nhưng bằng mọi giá, người dân Việt vẫn mong muốn chuyện bỏ đất nước ra đi.

Ngày nay có người đang ở trong nhà tù, có người đang sống vất vưởng trong ống cống gầm cầu, có kẻ đang sống cuộc đời khốn khổ, làm thuê ở mướn mà không đủ ăn. Tất cả họ đều là những người vô tổ quốc, sống bất hợp pháp, “những người rơm” như người dân Anh Quốc đã đặt tên cho họ.

Thực xót xa khi đọc lại hai câu thơ của Tố Hữu viết từ năm 1938:

“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi.
Số phận hay do chế độ này?”
Mà câu trả lời thì đã quá rõ ràng, cay đắng!

 


XIN TÌM ĐỌC
Tuyển tập 80
GA CUỐI ĐƯỜNG TÀU của HUY PHƯƠNG
Tác phẩm hoàn tất năm tác giả 80 tuổi, gồm 80 bài văn tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của Huy Phương.
Liên lạc mua sách: (949) 241-0488

MỚI CẬP NHẬT