Friday, April 19, 2024

Nước lạnh

Bùi Bích Hà

Mùa Thu năm ngoái, chúng tôi nôn nao hẹn gặp nhau. Để thăm bà quả phụ VP, đã dời về khu mobile home có đông người Việt trên đường 1st, Santa Ana. Phần vì đôi chân qua tuổi 80, ngày một yếu, lên xuống cầu thang không dễ, phần muốn ra khỏi nơi chốn nhắc nhở bà quá nhiều kỷ niệm, nhưng cũng phải một thời gian bà mới quyết định dọn nhà. Dù ở đâu, ngôi nhà có bà luôn phong quang, đẹp đẽ, với vườn tược sạch như tranh vẽ, với hoa nở bốn mùa và cảnh trí nên thơ. Chúng tôi ngồi quanh cái bàn rộng, hôm nào đông nhất cũng chỉ có năm bảy người. Khăn trải bàn thay màu theo mùa, bát đĩa cùng bộ bày sẵn, chúng tôi tùy nghi mang thức ăn đến và cùng nhau bày biện.

Chị bao giờ cũng tự mình nấu nướng và đem phần lớn nhất đến cho buổi họp, dịu dàng mỉm cười: “Để các bạn còn mang về.” Tôi yên lặng nhìn chị. Áo vải, quần vải, khuôn mặt từ lâu không son phấn, chị có cái gượng tươi mà ấm áp, rất riêng biệt, cho bạn bè, cho mọi người. Hôm đó, chị nấu xôi lạc ăn với muối vừng rang, được TD khen là món tuyệt chiêu của chị.

Chúng tôi biết chị vừa trải qua các thủ tục y khoa trị liệu ung thư nhũ hoa với kết quả mỹ mãn. Không ai nói gì với ai nhưng tất cả chúng tôi mừng cho nhau trong buổi gặp gỡ thân tình này. Có người vui quá, quên cả dè dặt mà nói đùa: “Món xôi bắp của chị D. mới thật là vô địch!” Vẫn nụ cười không thành tiếng trên môi nhưng vết chân chim hằn rõ hơn ở đuôi mắt chị thay cho âm lượng tiếng cười: “Được mà, lần sau mình nấu xôi lúa.” Tôi ái ngại: “Chị ơi, chị vừa mới bình phục, nấu xôi lúa công phu và cách rách lắm!” Thế nào mặc dầu, chị vẫn có cái hiền hậu, chiều chuộng của bàn tay ấp ủ tách trà thơm và ấm, sẵn lòng mời bạn bè: “Có gì đâu, bây giờ dùng bắp hộp, không cần đánh mày, nấu dễ thôi!”

Lần cuối cùng, hình như dịp cuối năm, TD từ Oregon về, lại kêu gọi, lại hẹn hò đến thăm bà VP. Có người cẩn thận hỏi: “Gồm những ai?” Riêng chị không bao giờ hỏi. Đúng giờ, đúng ngày, chị mang đến hẹn một khay xôi lúa thật to, đầy đủ gia vị đi kèm: muối vừng pha đường, hành phi do chị tự làm, không mua sẵn ngoài chợ, đậu xanh hầm nhừ, xay mịn, vắt thành nắm tròn rồi thái mỏng. Ăn xong, chị gói ghém từng phần nhỏ cho mọi người “to go,” “để hôm sau ăn sáng.” Riêng TD và tôi, mỗi người được chị ưu ái cho riêng một lọ muối vừng không pha đường, để tha hồ ăn cơm và ăn cháy. Muối vừng của chị ngon vì chị rang vừng vừa lửa, không cho vào máy xay mà giã vừng khi còn nóng nên mùi vừng rất thơm.

Gặp chị, dù là trong mảnh vườn nhỏ ở sân sau ngôi nhà tại Bellflower hoa cỏ mượt mà hay giữa buổi sinh hoạt cộng đồng đông người, giữa vài chúng tôi và chị luôn có một không gian ít tiếng động để chúng tôi có thể nói với nhau một điều gì. Tình bạn của riêng tôi và chị chỉ thực sự bắt đầu khi phu quân chị, anh LĐĐ, lâm bệnh rồi qua đời. Những ngày cuối cùng, anh đã hôn mê, chúng tôi đến bệnh viện thăm anh, thấy anh nằm thiêm thiếp dưới chăn mỏng. Trong căn phòng đèn vặn vừa đủ sáng để có sự yên tĩnh tuyệt đối, làm rõ tiếng cái monitor chăm chỉ lích kích ở đầu giường phía ngoài như tiếng thời gian đếm những phút giây chia ly sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Ở đầu giường bên này, phía trong, chị ngồi như tượng, thương yêu ủ trong hai bàn tay chị bàn tay người bạn đời mà chị không thể buông ra, sợ hơi ấm sẽ vuột khỏi anh và chị sẽ vĩnh viễn mất anh. Không biết chị đã ngồi như thế từ bao lâu rồi và sẽ còn ngồi như thế bao lâu nữa? Không ai có can đảm hỏi bất cứ câu gì khi nhìn đôi mắt mọng nước của chị, sợ khổ đau sẽ vỡ òa.

Ngày hôm sau, bằng hữu được tin anh ra đi. Hai mươi năm đã trôi qua. Chị đã đưa anh về lại quê nhà Thanh Lãm để anh có lại quê hương. Giờ đây, chị đang trên đường theo anh về nơi đó. Ngay cả sự chết cũng không chia lìa được anh chị.

Không còn anh bên cạnh, tuy chị vẫn là chị nhưng nay chị càng ít nói hơn, càng nhẹ nhàng hơn. Nỗi thương cảm nhìn xuống phận người mong manh như vệt nắng chiều ven sông cho chị nét đằm thắm khó tả, khiến tôi mỗi khi có dịp gần chị, luôn có cảm giác chị như ly nước thật trong, óng ánh chút mặt trời (là tên một cuốn phim chiếu những ngày Sài Gòn hấp hối, “Un peu de soleil dans l’eau froide”). Liên tưởng của tôi không dính dáng gì truyện phim phóng tác từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Françoise Sagan, chỉ là cái hình ảnh nó gợi ra, thật đẹp, thật bất ngờ, thật lạ, của một cái gì vừa lạnh nhưng cũng vừa ấm; vừa ngỡ như vô vị nhưng cũng vừa đậm đà, vừa lặng thầm nhưng cũng vừa chói chang. Trên hết, một ly nước, khi khát mới hay là rất cần.

Cuộc sống trong xã hội Mỹ ngày càng tăng tốc, nhanh đến chóng mặt. Riêng chị không hề vội vàng. Khi nhớ bạn, chị ngồi xuống, viết thư trên giấy, bỏ vào phong bì, đem ra hộp thư ngoài ngõ cho bưu tá lấy đi. Chị viết ngắn thôi nhưng nói đủ những gì cần nói. Chị tỉ mẩn ương cây vào chậu con, mùa Xuân đem tặng bạn. Những khi không có cây con, chị mang đến chiếc lọ thủy tinh nhỏ cắm mấy nhánh hoa mỏng manh hái từ vườn vào, mỗi lần một loài hoa khác nhau. Tủ chén nhà tôi còn mấy cái lọ mang hơi hướm chị như thế.

Có thể nói hoa là người bạn nhỏ, tươi tắn, xinh đẹp, thân thiết của chị, thay chị đem tấm lòng chan chứa thương yêu và những lời chúc lành đến cho bạn bè trong cuộc đời chị biết buồn nhiều hơn vui này. Tin đi có khi biệt tăm, chị hiểu không phải vì người ta thờ ơ nhưng vì lý do gì đấy, người ta không làm được điều đôi bên cùng mong muốn nên không ai thấy chị có lúc nào phiền trách hay hờn giận một người nào. Chị như ly nước mưa thật trong, óng ánh chút mặt trời, hiểu thế nào là nghĩ đến nhau trong xa vắng vì chị đã nhớ nhung trong xa vắng kể từ những ngày sau Tháng Tư, 1975, anh bị Cộng Sản cầm tù trong các trại tập trung, anh chưa đi thật xa và lời hứa trở về mới chỉ là ước hẹn.

Không ai có thể sống dài hơn số năm họ có trên mặt đất này theo lập trình của tạo hóa nhưng ai cũng có thể sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn và nhiều hơn những giới hạn họ có. Tôi biết chắc không chỉ trong tủ chén nhà tôi mà ở đâu đó trong nhiều ngôi nhà bạn bè khác, cũng còn những cái lọ thủy tinh be bé, xinh xinh như thế, nhắc nhở chị với tất cả ngậm ngùi và thương quý. Chị đi rồi, can trường, lặng lẽ, bỏ qua cái hẹn hóa trị vào Tháng Sáu. Bàn tay tôi mỗi khi mở cái tủ chén, chạm mắt vào mấy cái lọ hoa trống không, đã luôn ngừng lại một giây để lòng tôi cháy đỏ đầu nhang tiếc nhớ chị.

Buổi họp mặt mùa Xuân này vắng chị vì cơn bệnh tái phát, chị không được khỏe. Bà VP kể chuyện bà điện thoại thăm hỏi chị, hẹn sẽ gọi thường hơn nhưng chị ý nhị trả lời: “Em không sao, chỉ mệt thôi và xin chị đừng gọi em nữa chị nhé!” Chị luôn có cách nói chậm rãi, thanh lịch và chân thật nên người nghe cảm nhận được ý chị kiên quyết qua lời nói ấy mà không dám cưỡng. Trong ngôi nhà yên ả ở Bellflower, chị đi những bước chân cuối cùng của đời người bằng cái tâm an tịnh, thanh thản của anh hai mươi năm trước, không gây phiền não cho mình, không để sầu đau cho người ở lại.

Giờ đây, hồi tưởng chuyện ngày qua, kể từ khi tôi dọn về Little Saigon, ngôi nhà nào tôi trú ngụ cũng có dấu giầy của chị. Chị cho tôi nhiều cây rất đẹp, biết nơi nào ở nhà tôi thích hợp với loại nào? Ngày tôi ở căn chúng cư trên đường Garden Grove, có vuông sân nhỏ, chị đem cho tôi một cây lá màu tím thẫm, như đàn bướm cánh mỏng, ngày bung ra, rung động trong nắng gió, đêm khép vào giấc ngủ. Tôi không biết chăm sóc cây như chị, chỉ biết tưới. Thỉnh thoảng chị ghé thăm, có lần thấy cây bị ốc sên cắn, chị giúp tôi cách chữa chạy. Chị không rầy rà tôi nhưng tôi biết chị xót xa thương cây, chừng nó phục hồi, tôi mới lại được thấy chị cười trong ánh mắt lấp lánh.

Về ngôi nhà này, chị cho tôi một loại cây khác, lá như lá sen nhưng chỉ bé bằng lòng bàn tay, trồng trong chậu đất. Chị đặt nó ở một góc patio có mái che, bên cạnh cái cửa sổ có nắng sớm soi vào. Buổi trưa, nắng cao, chiếu qua những chiếc lá mặt này đỏ ong như hổ phách, mặt kia xanh muốt như rêu. Những lúc bất chợt bắt gặp bức tranh thần kỳ ấy, tôi ngây ra nhìn, lòng thầm nhớ đến người cho, biết ơn chị chia sẻ vẻ đẹp của thế gian này cho đời đáng sống hơn. Cây đang mượt mà, sum suê, tươi tốt, tôi vẫn nhớ tưới đều, khi không một ngày giữa Tháng Ba, cây bỗng nhiên ủ ê, những chiếc lá vạm vỡ rủ xuống mình cây như chính chúng đang mệt lả. Tôi nghĩ đến chị, bâng khuâng tự hỏi lẽ nào cỏ cây cũng nhớ người? Nói với TD đang ở chơi nhà tôi, chị át đi, có lẽ để cả hai cùng bớt buồn: “Đừng nghĩ lẩn thẩn.”

Tôi biết tôi không lẩn thẩn tí nào vì cái cây đang héo úa dần, Mỗi buổi sáng, tôi vừa cắt bỏ những chiếc lá đang chết, vừa van vỉ cây hãy cố gắng sống. Cho tôi còn giữ được chút gì của chị để lại. Dẫu thế nào, tôi nhất định sẽ đem cái chậu gỗ này đi khắp các vườn cây, tìm mua một cây mới và đem về để đúng ở cái chỗ chị đã để nó lần đầu. Là cái bóng của chị thôi nhưng tôi sẽ rất vui, tạ ơn chị bao nhiêu lần cẩn thận xếp lên xe những chậu cây, những lọ hoa; bao nhiêu khoảnh khắc ngược xuôi mấy chục dặm đường đi về giữa hai nhà, nghĩ về tôi, hình dung ra tôi, sống giùm tôi những nỗi niềm chị cảm thương dù tôi chưa một lần thổ lộ.

Thôi nhé, chị về quê Thanh Lãm với anh. Cho tôi gửi theo chị về Việt Nam tấc lòng lưu lạc của đứa con phiêu bạt, thực sự không biết nơi nao là quê nhà nếu không là hạt bụi nhỏ nhoi ngàn năm bay trong hư vô. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT