Tháng Tư

Bùi Bích Hà

Tháng Tư năm nay là là Tháng Tư đếm được lần thứ 43 trên trang giấy mỗi năm tôi kẻ thêm một vạch kể từ Tháng Tư, 1975.

Nỗi buồn đau của ngày tháng đó lẩn sâu trong từng tế bào thần kinh của tôi, một tiếng thở dài chừng như chạm khẽ vào chúng cũng làm tôi trào nước mắt. Nên tôi né tránh. Không thể quên được thì lờ đi. Có ngờ đâu cố gắng không nghĩ tới điều gì làm mình khổ đau, lâu dần, cho tôi có được khả năng thiền định, dễ dàng tách mình ra khỏi thực tế phiền trược và tan vào hư không. Càng về sau, thậm chí tôi không ý thức lúc nào mình chuyển đổi từ cảnh giới này qua cảnh giới khác mà chỉ là cảm nhận thường trực nơi mình một trạng thái bình an trong tĩnh lặng tuyệt đối, bất luận xung quanh tôi đang diễn ra chuyện gì.

Nhiều Tháng Tư đã qua đi trong sự bình an ấy dù tôi vẫn mãi còn giữ thói quen kẻ thêm một vạch trong cuốn sổ nhỏ có một trang dành riêng cho việc này; dù tôi vẫn thấy mình rơi lệ, giống như mưa từ thinh không rơi xuống khoảnh vườn tịch mịch. Ðối với một số người, Tháng Tư hầu như đã trở lại với thân phận bình thường của một Tháng Tư trên cuốn lịch, không có gì khác biệt. Tháng Tư năm nay, nhiều người trong kịch bản lịch sử của biến cố Tháng Tư, 1975 đã xuống sân ga cuối, đã hoàn tất cuộc hành trình của họ trên mặt đất này, đã mang theo họ những tình cảnh một đời từ nay vĩnh viễn chôn giấu, đã bỏ lại túi hành trang hoang phế bên đường, không biết có ai muốn nhận một chút gì vừa ý mình và giữ lại làm kỷ niệm không? Vậy nhưng Tháng Tư năm nay, tôi bỗng nhiên được nghe nhiều đồng hương tranh cãi trên vài diễn đàn xã hội, xung quanh vấn đề đặt tên cho Tháng Tư. Người ta nêu ra những cái tên như: “Ngày Sài Gòn sụp đổ,” “Ngày giải phóng miền Nam,” “Ngày thống nhất đất nước,” “Ngày quốc hận,” “Ngày mất nước,” “Ngày di sản,” v.v…Việc này làm tôi nhớ lại ngày chị dâu tôi trở dạ sinh đứa con đầu lòng của anh chị, cũng là đứa cháu nội đầu tiên của nhà họ Bùi.

Khi tin từ nhà bảo sanh đưa về, chị sinh con gái. Bố tôi bảo người nhà sửa soạn nước cho ông tắm gội; bảo mẹ tôi ra vườn cắt hoa cắm lọ độc bình ở bàn thiên và hái trái cây bày mâm ngũ quả. Bố tôi khăn xếp, áo dài, đốt trầm hương trên bàn thờ, đích thân cáo tri cùng trời đất, tổ tiên rồi ngồi xuống tràng kỷ, mở cổ thư chọn một cái tên đặt cho đứa cháu mới chào đời. Những nghi thức trịnh trọng này để cảm tạ ơn lành và cũng để biểu lộ niềm tin vào tương lai tốt đẹp của đứa bé. Như thế, cái tên được chọn với thành ý và niềm hoan hỷ mang theo nhiều kỳ vọng.

Trong dân gian, cũng có một khuynh hướng đặt tên con theo tâm trạng hay cuộc sống buồn vui của cha mẹ vào thời điểm đứa bé đến trong gia đình. Có lẽ ý muốn đặt tên cho Tháng Tư của người Việt Nam rơi vào khuynh hướng này, để ghi khắc một điều gì (cả dân tộc) cần phải nhớ. Tuy nhiên, Tháng Tư không là một trẻ sơ sinh chỉ thuộc một gia đình nên việc tìm một cái tên có sự đồng thuận (của cả dân tộc) như Tết Ðống Ða ngày mồng 5 Tháng Giêng, thật không dễ dàng. Nếu mỗi cái tên phản chiếu một cách ghi nhớ khác nhau trong đại chúng, tôi bỗng tò mò muốn biết có bao nhiêu nhãn quan dị biệt về mốc thời gian 30 Tháng Tư, 1975? Ðối với bản thân hạn hẹp riêng tôi, ngôn ngữ của loài người không có từ nào ở tầm vóc mô tả trọn vẹn ngày 30 Tháng Tư, 1975. Nó vượt qua mọi tưởng tượng. Nó vượt qua mọi cảm xúc. Nó chỉ có thể là chính nó, 30 Tháng Tư, 1975. Của định mệnh tàn khốc, chấp nhận theo cách riêng của mỗi người trong cuộc. Chấm hết.

“Ngày Sài Gòn sụp đổ” ư? Chỉ thế thôi sao? Hiroshima và Nagasaki được xây dựng lại trên tro bụi, lừng lẫy hơn chỉ sau 30 năm với một khí thế từ lòng dân chuyển đổi tốt đẹp lên gấp trăm nghìn lần, như phượng hoàng hóa thân bước ra từ lửa đỏ. Sài Gòn đâu có san thành bình địa mà sau 43 năm, ngày càng thấy một Sài Gòn lầy lội, buồn thương chiêu hồn quá khứ, réo gọi tên mình, nhếch nhác như người kỹ nữ về chiều son phấn quá độ, trang sức kệch cỡm để che đậy cõi lòng vụn vỡ niềm tin và âm ỉ nỗi đau.

“Ngày giải phóng miền Nam” ư? Sao có thể hàm hồ đến vậy? Trước Tháng Tư, 1975, Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam đang là một nửa đất nước có cuộc sống tự do, có chính thể, có Hiến Pháp, có quân đội, đang từng bước tìm cơ hội thoát ra khỏi thân phận nhược tiểu, là con cờ trong tay ngoại bang, để xây dựng nền cộng hòa của riêng mình trên chính trường thế giới. Sài Gòn và miền Nam chẳng chịu ách đô hộ nào để cần giải phóng! Thiết tưởng khẩu hiệu tuyên truyền lừa dối dân với bốn chữ “giải phóng miền Nam” để tiến hành cuộc chiến tranh vô đạo nên chấm dứt cùng với cánh cổng dinh Ðộc Lập ngã xuống trước mũi xe tăng của quân đội miền Bắc trong một canh cờ bạc bịp và trước cảnh người dân di tản như nước lũ bằng mọi con đường có thể.

“Ngày thống nhất đất nước” ư? Quả là 30 Tháng Tư, 1975 đã thống nhất đất nước, hiểu theo nghĩa người dân hai miền được thông thương đi lại từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, chiều xuôi Nam rộn ràng hơn chiều ngược Bắc chủ yếu để thăm nuôi tù cải tạo. Biên giới vĩ tuyến 17 xóa đi cùng với Hiệp Ðịnh Paris trở thành mớ giấy lộn theo chân Ðại Sứ Jean Marie Merillon cặp nách lá cờ tam tài vội vã rời bỏ Sài Gòn. Cộng Sản Bắc Việt, một lần nữa, cướp thời cơ lịch sử và tự tuyên xưng là bên thắng cuộc, áp dụng lập tức chính sách phân biệt đối xử với người miền Nam, thẳng tay bỏ vào lửa luyện ngục những ai không tìm được phương tiện di tản, những ai yêu nước theo tinh thần quốc văn giáo khoa thư “không đâu đẹp bằng quê hương,” muốn ở lại để chứng kiến cuộc phân ly hai bên bờ dòng sông Bến Hải chấm dứt và từ nay, như nhạc sĩ Hoàng Trọng cùng nhà văn Hồ Ðình Phương từng nuôi ước mơ “đất nước của anh, của tôi, màu thắm bên bờ đại dương, sẽ hợp nhất thành “một khối non sông vinh quang” chào đón bình minh mới trên quê hương! Tiếc thay, ngoài tầm nhìn thiển cận, chính sách sắt máu, tâm thế thiếu tự tin vì thắng lợi như giấc mơ, quan trọng hơn cả, vì ý thức hệ cọng sản và quốc gia như nước với dầu nên thống nhất lòng người là điều bất khả. Miền Bắc chỉ có thể thống nhất lãnh thổ hiểu theo nghĩa gom giang sơn về một mối, do một chính thể họ tin là ưu việt cai trị, tôn xưng bằng mỹ từ phù phiếm những giá trị văn hóa và nhân sinh miền Nam đã vượt họ quá xa. Thực tế, sau “kỳ tích chiến thắng 30 Tháng Tư, 1975,” những người tự nhận sứ mệnh giải phóng vẫn chưa thấy chính họ thoát khỏi thân phận ăn mày tương lai trong túi quần ngoại bang.

“Ngày quốc hận” ư? Có lẽ người quốc gia hận cái hận của tướng không giữ được thành để lê dân thống khổ, không giữ được tiết tháo để khỏi thẹn với nhật nguyệt hai vai? Ðã 43 năm trôi qua, nếu hận chưa trả được, cũng không biết cách nào để trả thì người quân tử nên thôi, đừng to tiếng nhắc nữa mà cần tập trung rèn luyện mình, sẵn sàng cho một thời cơ khác. Phe thắng cuộc cao ngạo không nhận cái tên này vì đã thắng cuộc thì còn gì để hận nữa? Không phải vậy đâu, khôn ngoan đối đáp người ngoài, chiến thắng ấy mới thật sự vinh quang chứ khôn nhà dại chợ e có lúc phải hận chính mình. Hãy nghe nguyên tổng bí thư đảng Cộng Sản Nam Tư, ông Milovan Djilas, sau cuộc tình duyên bẽ bàng với chủ nghĩa, đã phát biểu một câu để đời: “Tuổi 20 không yêu Cộng Sản là không có trái tim. Tuổi 40 vẫn còn yêu Cộng Sản là không có cái đầu.” Bao giờ phe thắng cuộc mới biết “hận” vì không có cái đầu nên tổ quốc lỡ cơ hội vươn vai dưới trời Ðông Á?

“Ngày mất nước” ư? Chao ôi, nước dễ gì mất? Một dải giang sơn gấm vóc, “từ gió độc lập Trường Sơn vào tới ruộng ngọt phương Nam” như bản nhạc Bên Bờ Ðại Dương mô tả, là công lao hãn mã của bao thế hệ tiền nhân mở nước và giữ nước, lịch sử chứng minh bao lần tưởng mất mà mãi còn, tưởng thua hóa ra được. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây,” con thuyền Việt Nam vẫn vững tay chèo lái giữa đại dương mênh mông sóng gió, vẫn về lại bến an toàn sau những thời kỳ đen tối. Người Việt Nam tản lạc khắp chốn, tan vào nồi xúp nơi vùng đất họ dừng chân nhưng bất chấp công pháp quốc tế, cờ tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa vẫn kiên quyết tung bay dưới mọi bầu trời in bóng họ. Thể chế thay đổi. Chính phủ đến rồi đi. Ðất nước mãi tồn tại.

Sau cùng, “Ngày di sản” ư? Di sản gì thế? Ðể lại cho con cháu ư? Một trang sử u ám? Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn? Một nền hòa bình anh em tiếp tục chia phe truy bức nhau vì tâm bất đồng? Không. Dứt khoát không. Di sản Việt Nam để lại cho con cháu, cho lịch sử nhân loại là tinh thần Diên Hồng, là tình yêu nước trong sáng và không ngơi nghỉ, là văn hóa nhiễu điều phủ lấy giá gương, anh chị em cùng một bọc trứng không bao giờ ám hại nhau, không bao giờ bỏ nhau sống cũng như chết chỉ vì tư kiến, tư lợi. Di sản ấy được xây dựng từng ngày, tích lũy từng ngày, như tấm lụa đẹp ngời ngợi, thỉnh thoảng lắm có mối chỉ lỗi cũng không làm hỏng cả tấm lụa.

Dân tộc Việt Nam hiếu học, khiêm cung, biết tu thân, sửa mình, sao không thấy ai gọi ngày 30 Tháng Tư, 1975 là Bài Học Cần Ghi Nhớ?

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 26 tháng 4 năm 2017