Tiềm năng vô biên của nữ giới người Việt

Mỗi năm, khi con số 4, Tháng Tư, sắp sửa hiện ra trên các cuốn lịch, truyên thông mọi loại hình lại cùng nhau quay lại những thước phim buồn, gợi nhắc những hình ảnh không thể nào quên về cuộc di tản, cho tới nay, vĩ đại và bi thảm có một không hai trong lịch sử nhân loại, với hàng triệu con dân đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, bỏ nước ra đi tìm kiếm cuộc sống có tự do và phẩm giá.

Chúng ta bảo nhau nhìn lại để nhớ lại, để ghi lòng tạc dạ, để đừng vội quên hiểm họa Cộng Sản đã khiến chúng ta hai lần phải trốn chạy, đem thân vào dặm trường sóng gió 9 chết 1 sống.

Chỉ một sống thôi, như cái cây vẫn còn chút lộc non, đi tìm mưa nắng thuận hòa để phát triển hơn là chấp nhận ở lại với Cộng Sản để chết chắc cả 10 phần, chết dần mòn, bằng cách này hay cách khác, như Hà Nội/ miền Bắc những năm 1954, đã chứng kiến, đã trải nghiệm và như Sài Gòn/miền Nam những năm 1975 đang bày ra trước mắt.

Tuy nhiên, nhìn lại, nhắc lại, không có nghĩa là than khóc hay kể khổ. Nếu than khóc, nước mắt xin là mưa bão vỡ ra cùng thân tượng buồn, rửa sạch quá khứ để xây dựng lại một tổ quốc mới, không bao giờ chấp nhận bị chôn vùi. Tôi thật sự không muốn nhìn thấy bức vẽ với pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị xô đổ, chúi đầu xuống đất và cô gái Việt Nam ngồi giấu mặt khóc dưới vành nón lá.

Cộng Sản có thể xô đổ một bức tượng tiếc thương nhưng không xô đổ được tinh thần/phong cách người công dân/chiến sĩ yêu nước trong bất cứ hoàn cảnh nào một khi chúng ta quyết tâm bảo vệ những giá trị ấy.

Người phụ nữ gục đầu dưới nón cách đây hơn bốn thập niên trong bức tranh nay đang đứng lên ở khắp mọi nơi, vượt qua đau thương, làm được những công việc gần như kỳ diệu, xứng đáng với họ và giúp khôi phục thanh danh, uy thế của tổ quốc anh hùng, bắt đầu ở cái phần “lãnh thổ” nhỏ bé là trí tuệ và bản thân họ.

Thế hệ phụ nữ Việt Nam hậu chiến tranh nay chứng tỏ khả năng chiến đấu, tài thao lược, nhiệt tình cống hiến và tinh thần phục vụ cao cả của họ, là phiên bản thật rực rỡ, thật hào hùng của thế hệ cha anh đã lãnh nhận biết bao oan khiên lịch sử trong cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi ở quê nhà.

Những người phụ nữ ấy trong nhiều vai trò, ở nhiều vị thế, mang cấp bậc không tầm thường, ba vị trong danh sách đề bạt vinh thăng cấp tướng chờ xét duyệt, hiện đảm đương nhiều trọng trách lớn trong binh đội chiếm ngôi vị hàng đầu thế giới.

Họ cầm stethoscope để bảo vệ sinh mạng đồng ngũ hay họ lái máy bay chiến đấu Fighter F-18 yểm trợ hỏa lực ở độ cao tối thiểu 200 feet với mức chính xác nhất trên các chiến trường quốc ngoại. Họ điều binh khiển tướng cấp lữ đoàn trong binh chủng công binh hỗ trợ các chiến dịch hành quân. Họ cầm đầu đội ngũ khoa học kỹ thuật tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chế Tạo Vũ Khí của Hải Quân Hoa Kỳ hay giữ chức vụ phó tổng giám đốc điều hành dự án kiến tạo các hàng không mẫu hạm tối tân.

Phụ nữ Việt Nam trong dòng người di tản nay quán xuyến nhiều chức vụ quan yếu ở nhiều lãnh vực trong chính quyền và quân lực Hoa Kỳ, chưa kể sự thành đạt của một số khác rất đáng kể trên thương trường cạnh tranh khốc liệt của nước Mỹ. Một nỗ lực chung sức, chung tay để nối những mảnh cơ đồ đó lại, sẽ hình thành một Việt Nam như đất nước chúng ta đã từng là và sẽ là, tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, mạnh mẽ ngàn lần hơn.

Tôi rất tự hào, hãnh diện và biết ơn sự đóng góp vừa tài năng vừa vẻ đẹp của các bạn gái trẻ Việt Nam thấu hiểu được lý do vì sao cha mẹ họ có mặt ở nơi này, cách nào để họ thể hiện mình như những đại diện đích thực nhất của một cộng đồng  đến từ một dân tộc có lịch sử, có truyền thống và có văn hóa.

Không chỉ số ít phụ nữ như những ngôi tinh đẩu sáng ngời trên bầu trời quê người kể ở trên, những phụ nữ bình thường với học vấn trong khả năng mình, sống cuộc đời làm vợ, làm mẹ đơn giản, có nghề nghiệp mưu sinh lương thiện để cùng chồng tận tụy nuôi dạy những đứa con biết hành xử tự do trong trật tự, biết tôn trọng người xung quanh như chính mình, biết đối đãi công bằng để xây dựng đoàn kết tạo sức mạnh, biết yêu thương chân thật để bảo dưỡng tâm hồn, biết tự chế không chạm tay vào vũ khí làm tổn thương trẻ con để giải quyết bất bình riêng, họ đều là những đại diện cộng đồng gương mẫu, rất đáng kính trọng và ngưỡng mộ.

Cả những phụ nữ cần cù, lam lũ ở các môi trường lao động chân tay, họ là mẫu mực của lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng và niềm tin để nếu chưa thể vươn lên thì trụ vững trên hai chân mình, làm điểm tựa cho chồng và bệ phóng cho con.

Tôi sẽ không bao giờ quên những phiên chợ đêm mùa Hè tổ chức hằng năm ở khu Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster. Tôi khâm phục những người đàn bà Việt Nam chịu thương chịu khó, không bỏ lỡ một cơ hội nào có thể giúp họ kiếm được đồng tiền ngay thẳng bằng mồ hôi đổ xuống vạt đất bày đầy nồi niêu xoong chảo, xô chậu, bếp lò, trong không gian mịt mù khói nướng thịt, hải sản hay nướng bắp quét mỡ hành…

Họ quần quật từ bốn năm giờ chiều cho tới gần nửa đêm, với chồng con phụ giúp sau giờ làm việc hay học hành thường lệ, không quản ngại vất vả, nặng nhọc trên chiến trường ẩm thực phục vụ khách đi chơi chợ đêm. Họ không chọn con đường dễ dàng để có đồng tiền dễ dàng đến từ gia sản của người khác.

Họ không đi đôi giầy bạc nghìn hay đeo cái ví tay hằng chục nghìn bằng cách bán rao thân thế mình trong một xã hội “boring” với truyền thông nhân danh thiên chức, nhân danh tự do ngôn luận, ráo riết bới móc đời tư của những người tai to mặt lớn, có tiền, có địa vị, để vừa mua vui mọi người, thủ lợi, vừa hả dạ ngấm ngầm ghen tức. Chưa kể nếu đối tượng bị tấn công nay ở vị thế lãnh đạo quốc gia thì ôi thôi, cơ hội bằng vàng tới tay rồi!

Người đàn bà Việt Nam nếu có hoàn cảnh nào lỡ bước sa cơ thì ngậm tăm, không phải vì hèn nhát hay giả dối nhưng ngoài trời đất biết, lương tâm biết, họ không quấy hôi bôi nhọ mình, bôi nhọ người, xâm hại đến cả những ai vô tội đứng ngoài câu chuyện. Nếu nói là để sửa xã hội thì sao không sửa ngay khi sắt còn nóng, khi bàn tay kẻ xấu vừa chạm vào mình chứ sao lại nín thở qua sông, tắm mát xong còn chờ một cơ hội khác để tiếp tục trắng trợn thủ lợi thêm? Đã im như thóc, đã đồng lõa hưởng thụ, đã thu về phủ phê chiến lợi phẩm, đã toàn tâm toàn ý chia nhau cơ hội phạm tội vì có dao nào kề cổ, có súng nào dọa giết trên chiếc giường khách sạn năm, bảy sao lộng lẫy đâu, sao nay còn giương vi giương vẩy, lập lại lỗi lầm một cách nghiêm trọng hơn?

Thế giới từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam không ai lạ gì chuyện dài của những người đàn ông giàu có mua vui trên xác thân những người đàn bà sở hữu các tiêu chuẩn đàn ông thèm muốn và đi tìm. Chuyện qua lại này không dính dáng gì tới hai chữ “ngoại tình.” Nó chỉ là một loại thú vui mua bán bằng tiền, cao thấp hay ít nhiều tùy túi tiền của người đi mua thỏa thuận với người bán.

Ngôn ngữ Việt Nam phong phú, nôm na gọi chuyện này là “ăn bánh trả tiền,” ăn lúc nào, trả lúc đó. Bánh ngon có thể được chiếu cố nhiều lần. So với tam cung lục viện trong cung cấm các triều đại vua chúa Á Đông, trong đó có cả Việt Nam (với Cung Oán Ngâm Khúc) tồn tại cho đến khi cô dâu tây học Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, thánh danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, muốn Hoàng Đế Bảo Đại đưa sính lễ cưới hỏi bằng chiếu chỉ dẹp bỏ hủ tục này, giải phóng các cung phi và sắc phong hoàng hậu cho bà ngay sau hôn lễ, chủ trương dù là thiên tử cũng phải một chồng một vợ thôi, có lẽ chuyện “ăn bánh” của các vua Âu Mỹ tân thời có phần nhân bản hơn chăng?

Trong vụ tai tiếng lùm xùm giữa hai kiều nữ “siêu sao,” một trong kỹ nghệ phim X, một trong đế chế ảnh khỏa thân Playboy, truyền thông phe chống đối tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ ra sức thổi phồng nhưng không được ông tiếp lửa như thường khi, trong những chuyện khác, thì hơi cụt hứng nên phàn nàn, khích động, hỏi sao ông im re? Còn điều gì để nói nữa sau khi việc ăn bánh đã tiền bạc sòng phẳng từ lâu, nay chờ xem các luật sư hai bên nói gì trước tòa về khoản phụ thu?

Trong thâm cung bí sử của Tòa Bạch Ốc xưa nay, Monica Lewinsky ở tuổi mới lớn là người phụ nữ duy nhất chịu thiệt thòi, bị đối xử tàn nhẫn và bất công chỉ vì cô đã thơ ngây trao tình không đúng chỗ, sự tổn thương của cô di hại lâu dài mà không gì có thể đền bù được. Thái độ im lặng của đệ nhất phu nhân lúc đó rất khác với thái độ im lặng của đệ nhất phu nhân bây giờ, bất nhẫn trong trường hợp Monica và chững chạc, bản lãnh với Melania.

Biết bao giờ các bà vợ mới thôi là nạn nhân của những ông chồng sai phạm kỷ cương, công khai hay vụng trộm rồi vỡ lở vì những giao du ngoại hôn xuất phát từ bản năng khó kiềm chế? Biết bao giờ báo chí truyền thông mới hành xử công chính trong sứ mệnh thông tin để giúp chấn chỉnh xã hội thay vì khơi sâu thương tích của những bà mẹ mắc eo, ngoài chức năng làm vợ, còn chức năng làm mẹ phải bảo vệ và hướng tới tương lai của con cái?

Biết bao giờ các mỹ nhân đương thời biết sống đẹp như ngoại hình của họ, cho dù tự do vui chơi cũng đừng tự hạ mình quá, đừng vì nghể nghiệp lăn lóc mà quên khám phá ra họ cũng có khả năng làm những chọn lựa khác bất cứ ở quãng đời nào; đừng để son phấn mỗi ngày làm cho họ không còn “thật” được nữa, kiểu Ms McDougal vờ vĩnh xin lỗi đã làm buồn lòng Melania trong khi không phải chuyện năm trước mà chính những lời cô đang nói làm buồn lòng người vợ đã không hề xúc phạm cô dưới bất cứ hình thức nào dù chỉ là đưa ra một nhận xét bỉ thử khi trả lời truyền thông.

Và, đó chính là sự khác biệt đáng buồn lẽ ra, một cách lý tưởng, không nên có giữa McDougal và Melania, mỗi bên với một đứa trẻ hàng ngày ngước lên nhìn họ để hướng về tương lai. (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem bình luận “Một chính phủ hèn và nhu nhược”(Phần 1)