Tuesday, April 23, 2024

Tổ quốc ghi ơn

Bùi Bích Hà

Tin tức báo chí cho biết đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump trao tặng tiền lương hằng năm của ông vào quỹ bảo trì các nghĩa trang quân đội quốc gia. Dưới mắt quần chúng, với tư cách một tổng tư lệnh lực lượng quân sự của cả nước, trong đời thường, còn là một doanh nhân tỷ phú thành công trên thương trường trước khi tham chính ở vị thế quyền lực cao nhất, quyết định này của ông khiến ông được ngưỡng mộ nhưng không làm ai ngạc nhiên.

Riêng tôi, theo dõi công việc ông làm nhân danh nước Mỹ trong hai năm qua, ngoài hai ưu thế kể trên ở Trump, tôi đặc biệt lưu ý đến tình yêu nước Mỹ hơn bản thân mình của ông. Một nước Mỹ hùng cường, vĩ đại, là lá cờ đầu trên toàn thế giới xây dựng và bảo vệ các giá trị nhân bản cao quý của nhân loại. Một nước Mỹ là giấc mơ đẹp nhất trong tâm khảm ông, cho phép ông ngẩng cao đầu trên mỗi bước chân. Một nước Mỹ có câu trả lời cho lương tâm, cho những người đã nằm xuống để nước Mỹ đứng lên. Một nước Mỹ hướng về tương lai với lòng biết ơn quá khứ thể hiện qua từng ngày hiện tại.

Tôi muốn nói đến cách Hoa Kỳ đối xử với các cựu chiến binh và tử sĩ của họ trong mọi cuộc chiến tranh mà họ chủ trương hay dính líu vì nhiều lý do. Nói điều này vì tôi đang phải chứng kiến ứng xử tồi tệ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đối với cựu chiến binh đất nước tôi.

Trong mọi cuộc chiến tranh, nội chiến hay ngoại chiến, người chiến binh ở hai phòng tuyến đối nghịch, ra trận vì lợi ích của tổ quốc họ. Cho dẫu giữa họ có nhiều quan điểm khác nhau về lợi ích ấy nhưng tổ quốc là chung như ai đó đã viết: “Lịch sử luôn phải tôn trọng sự thật về những đóng góp cao cả của những công dân đã từng chiến đấu bảo vệ các giá trị làm người, cho tổ quốc và hy sinh cho quê hương.”

Sau cuộc chiến tranh Nam Bắc đẫm máu hậu bán thế kỷ 19, chiến binh của hai miền nước Mỹ, sống hay chết, được đối xử tử tế như nhau. Tàn cuộc binh đao, cởi bỏ chinh y, ai đâu về đấy, tự do làm lại cuộc đời, tái thiết ruộng vườn, làng mạc, không ai bị tù đày sỉ nhục.

Hàng trăm bảo tàng viện lớn nhỏ là chứng nhân cuộc chiến, được thành lập tại những nơi mặt trận đã diễn ra, trung thực ghi lại mọi dấu ấn được xem là những bài học lịch sử và văn hóa cần ghi nhớ tới muôn đời sau. Trong số này, nổi tiếng nhất là bảo tàng viện Appomattox Court House ở Virginia, thiết lập tại chính ngôi nhà nơi Tướng Lee của miền Nam đã thân chinh đến ký văn bản đầu hàng ngày 9 Tháng Tư, 1865, và được phe thắng trận long trọng nghênh đón với đầy đủ lễ nghi quân cách.

Được biết Appomattox Court House lưu giữ nhiều hình ảnh hào hùng của miền Nam bại trận hơn cả miền Bắc. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng dân tộc là một khối duy nhất. Khi một người Mỹ bị nhục, tất cả dân Mỹ cùng cảm thấy bị nhục. Theo tôi, thời hậu chiến, đây là cách nhìn hợp lý, văn minh, thẩm mỹ và nhân bản nhất. Để may vá lại những vết thương. Để mạnh mẽ hơn sau trận thử lửa với rất nhiều hy sinh và mất mát. Để cảm ơn những người đã nằm xuống cho một mục tiêu tốt đẹp thành hình.

Mặc dầu kinh nghiệm chiến tranh của nhân loại văn minh ngày nay thấy ở nhiều nơi nhưng chỉ ở đất nước tôi, có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, một thời được mệnh danh là viên minh châu rạng ngời dưới trời Đông Á, mới có cảnh nhà cầm quyền phe thắng cuộc cày xới nghĩa trang của phe thua cuộc, vứt thương binh phe thua cuộc ra đường và đày ải họ trong đói nghèo, bệnh tật, tủi nhục.

Chỉ ở đất nước tôi sau cuộc chiến mang danh nghĩa chống Mỹ cứu nước, mới có cảnh những kẻ thời cơ làm giàu bằng chiến tranh, ăn ở còn thua cả loài thú, đã lột da đồng loại làm chăn áo ấm cho mình.

Chỉ ở đất nước tôi sau cuộc chiến mang danh nghĩa chống Mỹ cứu nước mới có cảnh các cựu chiến binh phe thua cuộc, nay đã già, xương da gầy guộc, râu tóc trắng phơ, tàn phế vì nghĩa vụ trai thời loạn, lê lết tấm hình hài tật nguyền của họ trên khắp hang cùng, ngõ hẹp, nhặt những hạt cơm rơi bên cạnh các tượng đài Tổ Quốc Ghi Ơn dành riêng cho phe thắng cuộc, thực chất cũng chỉ là những bình phong sơn phết mỹ miều che đậy cho cả một thể chế phi nhân và bạo liệt.

Chỉ ở đất nước tôi sau cuộc chiến mang danh nghĩa chống Mỹ cứu nước mới có cảnh vì chính phủ đã không quan tâm nên tổ chức tư nhân hay tôn giáo mới lựa thời cơ, ghé vai vào gánh vác số phận những kẻ không may thì liền bị chính phủ làm khó bằng trăm phương, ngàn kế, thậm chí lạnh lùng đóng cửa văn phòng, ngưng mọi hoạt động cứu trợ chỉ nhằm mục đích giúp các cựu chiến binh bị bỏ rơi gìn giữ phẩm giá của họ.

Chưa hết, những phận người không may này, nếu không thế, thì cũng bị nhà cầm quyền thay đổi căn cước, biến họ từ những chiến binh từng vào sinh ra tử, sống chết vì lý tưởng bảo vệ quyền làm người, trở thành nạn nhân chiến tranh, ngửa tay nhận đồng tiền bố thí của thập phương như trường hợp dàn cảnh tiếp đón phái đoàn Thương Viện Hoa Kỳ do Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahey hướng dẫn thăm viếng Việt Nam mới đây.

Những cựu chiến binh ấy không là nạn nhân chiến tranh mà họ tham gia/tiến hành chiến tranh, cống hiến tuổi thanh niên và máu xương để ngăn làn sóng đỏ. Dù thất trận vì thời cuộc, họ vẫn là những công dân ưu tú, không sống hèn nhát khi tổ quốc kêu gọi, vẫn hiên ngang và thách đố gian lao khi lỡ bước, sa cơ. Họ xứng đáng được đối xử với phẩm cách bởi tất cả những ai từng chiến đấu như họ, từng là chiến binh như họ vì ngoài thắng thua là chuyện thường tình, mọi chiến binh không khác gì nhau trước và sau trận địa.

Điều này không hề mang tính lộng ngôn mà là thực tế nếu chúng ta đã biết tới khu tượng đài ghi ơn tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam xây dựng trên rặng Rocky Mountains hùng vĩ của tiểu bang Colorado. Khu tượng đài này do một trung tá lục quân Hoa Kỳ hồi hưu, Stuart Allen Beckley, đã ray rứt sống nốt hai thập niên còn lại trong đời sau cuộc chiến Việt Nam chỉ với quyết tâm bày tỏ tâm tình quý trọng ông dành tặng các chiến binh từng chiến đấu anh dũng và kiên cường dưới mắt ông để bảo vệ an nguy cho quê hương của họ. Đối với tôi, ông đúng là một chiến binh sống và chết với nguyên vẹn cốt cách ấy bất luận sự khác biệt ở bộ quân phục và màu cờ ông thuộc về.

Một đất nước bạc đãi, coi rẻ những người cầm súng buông khí giới, về từ các chiến địa đã im hơi, sẽ không xứng đáng nói tới lòng ái quốc; sẽ không có những tấm gương anh hùng nghĩa khí và sẽ không giải thích được chiến tranh khi lâm nguy.

Cuộc chiến tranh ý thức hệ tại Việt Nam (hay còn cách gọi khác là cuộc chiến tranh ủy nhiệm) được coi là đã chấm dứt giữa trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975, bằng dư vị chua chát và cay đắng nhưng hậu quả đến nay vẫn còn kéo dài.

Tuyệt đại đa số hàng ngũ sĩ quan cựu quân nhân quân lực VNCH chịu đựng tù “cải tạo” từ ba năm trở lên, được Hoa Kỳ chuộc lỗi bằng chính sách bảo trợ tái định cư ở hải ngoại. Lên tiếng hay im lặng, mỗi vị có lựa chọn riêng để suy nghiệm quá khứ. Tôi tin chắc mỗi vị đều sống nhiều hơn một thân phận mình khi nhớ về đồng đội. Chỉ có bọn lính đánh thuê, khi xong việc, trút bỏ bộ y trang sắm tuồng, sẽ không còn gì để nhận ra nhau nữa.

Cựu Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn, lúc sinh thời có một lời thú tội trắng trợn: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.” Đảng Cộng Sản Việt Nam nên tìm một danh xưng xứng hợp với chức năng này hầu phong tặng cho quân đội nhân dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Nhân ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong sắp tới, 27 Tháng Năm, và cũng nhân chuyến đi về nơi xa lắm của một thân hữu có nhiều sáng tác văn học cho quê hương, nhà thơ Trần Mộng Tú đã cảm khái dịch bài “For Whom the Bell Tolls” (Chuông Gọi Hồn Ai), nguyên tác của John Donne, để hãnh diện vinh danh những cuộc đời nhiều ý nghĩa ấy:

Chuông Gọi Hồn Ai

“Tôi không hoàn toàn
một mình trên ốc đảo
trong tất cả
tôi chỉ là mảnh nhỏ của càn khôn
là một phần của cõi toàn phần

Nếu mỏm đất kia bị sóng biển cuốn đi
cả Âu Châu sẽ trở thành nhỏ bé
ngay cả những pháo đài kiên cố
ngay cả chủ nhân của những pháo đài
và bạn hữu của các chủ nhân này

Cái chết sẽ xóa đi tất cả

Bởi tôi chỉ là một con người
Trong tất cả loài người
Nên chuông gọi hồn ai
Chính là chuông gọi hồn tôi.
(Trần Mộng Tú dịch)

Nguyên tác:

For Whom the Bell Tolls

“No man is an island,
Entire of itself.
Each is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less.
As well as if a promontory were.
As well as if a manor of thine own
Or of thine friend’s were.
Each man’s death diminishes me,
For I am involved in mankind.
Therefore, send not to know
For whom the bell tolls,
It tolls for thee.”
(John Donne)

Mỗi cá nhân là một mảnh của nhân loại, chia nhau buồn vui, khổ đau, hạnh phúc và ngay cả nỗi chết. Những ai ở ngoài lẽ thường này, hẳn là thuộc về một chủng loại nào khác? (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT