Friday, March 29, 2024

Trách nhiệm

Bùi Bích Hà

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, người ta thấy xuất hiện rất nhiều hồi ký của những nhân vật quốc gia từng có mối liên hệ chặt chẽ với biến cố này. Ðể giải thích. Ðể biện luận. Ðể chỉ ngón tay vào ngực người khác. Ðể hạ bệ. Ðể viết lại lịch sử trong mơ tưởng muộn màng. Hầu như không một tác giả nào làm được cái cử chỉ giản dị nhất là tự chỉ tay vào chính mình.

Một câu ngạn ngữ đã trở thành lời nói cửa miệng của dân gian: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Có lẽ tác giả những thiên hồi ký lẫy lừng kia không có ai thấy mình là thất phu cả nên quý vị đứng ngoài câu ngạn ngữ nói trên.

Sống ở trên đời, rõ ràng không có ai hoàn hảo. Mỗi ngày, mỗi bước đi, mỗi cảnh ngộ là một bài học, một kinh nghiệm, phần đông rút ra từ thất bại. Thất bại tự nó chẳng có gì xấu xa nếu không nói rằng thất bại là yếu tính của đời sống, từ đó, nó cung cấp những bài học đưa tới thành công.

Vấn đề là người trong cuộc có đủ sự thẳng thắn, sự khiêm nhượng, sự sáng suốt để nhìn thấu những nguyên nhân thất bại (trong đó có sự yếu kém và sai lầm của chính mình) nhiên hậu mới nhìn ra được phương cách sửa chữa để hoàn chỉnh mình, hay không?

Thất bại thường đi kèm với nghịch cảnh và mỗi nghịch cảnh là một lò luyện thép, trui rèn cá tính một người. Chẳng thế mà khi nói về sự dày dạn kinh nghiệm của một cá nhân trong ứng xử, thái độ chung của mọi người thường là sự ngưỡng mộ và khâm phục vì vốn liếng cuộc đời của cá nhân ấy đồ sộ quá.

Vậy thì tại sao lại sợ phải nhận là mình thất bại? Tại vì cái trí không mở để nhìn xa hơn cái chóp mũi? Tại vì cái lòng hẹp hòi cho nên chỉ kèn cựa, thấy mình hay hơn người khác và cách biện minh dễ nhất là đổ vấy? Tại vì thiếu cái dũng khiến quanh co, không dám nhìn thẳng vào mình? Tại vì thiếu cái tâm công chính nên bịa đặt để tìm cách chạy tội và tha hồ tự ru ngủ?

Chao ôi, cái sân si của nhân gian nó tệ hại đến thế? Nó giam hãm con người trong vùng tối tăm ảo não, không có lấy một khe hở cho ánh sáng mặt trời một ngày mới soi vào?

Trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, năm vị tướng đã tuẫn tiết để bảo toàn sĩ khí và tư cách trượng phu. Thay vì cúi đầu không dám nhìn ai mà chỉ tay vào người khác, năm vị tướng đã hiên ngang ngửa mặt nhìn trăng sao, không thẹn với nhật nguyệt hai vai mà chỉ tay vào ngực mình.

Chỉ tiếc rằng các tướng vì không thể chấp nhận cái hoàn cảnh oan khiên đưa đến thất bại nên quyết liệt phản kháng và tự xử. Ðối với kẻ viết bài này, năm vị tướng hùng đã nhận hết về phần mình trách nhiệm không ngăn được đất nước rơi vào cơn phá sản, kể cả trách nhiệm đã lầm lẫn làm bạn với những người bạn không cùng chí hướng và tâm huyết, kể cả trách nhiệm đã xây dựng niềm tin nơi thuộc cấp bằng niềm tin của chính mình để rồi ôm lấy hư không đi vào thiên cổ hay chịu tàn phế giữa tuổi thanh xuân.

Hành vi tuẫn tiết của ngũ hổ tướng quân có lẽ cũng đánh động lương tri một số chiến hữu đồng ngũ, những người nếu không đủ can đảm nhận tội thì cũng đủ liêm chính để giữ im lặng, chiêm nghiệm lấy mình và không vu oan cho người khác, nhất là người đã đi về bên kia thế giới và không còn quyền phản biện.

Phải đợi đến bài bút ký “Trình Tổng Thống, Tôi Quyết Ðịnh Theo Tình Hình” của Mũ Xanh Phạm Vũ Bằng thì mọi người mới có thêm câu trả lời cho nghi vấn ai là người ra lệnh bỏ ngỏ miền Trung, đưa tới cuộc triệt thoái trong ê chề, trong hoảng loạn chưa từng có trong quân sử của một quân đội tinh nhuệ, lẫm liệt, vun bồi nên với xương máu của biết bao thế hệ tuổi trẻ đã dâng hiến đời mình cho lý tưởng tự do, cho danh dự của tổ quốc, của màu cờ, sắc áo họ chọn lựa.

Càng sống lâu, càng biết cái cử chỉ tưởng là nhỏ nhặt, tầm thường và dễ thực hiện, là sự thành khẩn nhìn lại mình, xem ra rất khó. Ðể có thể thốt lên câu nói giản dị, ngắn gọn: “Lỗi tại tôi,” xem ra cần đến sức mạnh dời non, lấp biển!

Trong gia đình, trong giao tế bằng hữu, trong tương quan xã hội, nói được với nhau câu này khi cần, có thể làm cho người nói trở thành lớn lao biết bao và giúp cứu vãn được nhiều lỗi lầm và đổ vỡ.

Rộng ra những bài học lịch sử, chữ nghĩa hay ngôn ngữ cần có tính trung thực để hậu sinh (và ngay cả người đương thời) có thể suy gẫm và ứng dụng.

Ngày vừa qua, có người hỏi kẻ viết bài này: “Trách nhiệm” và “Bổn phận” có gì khác hay giống nhau? Thoáng qua, ngỡ là giống nhau nhưng thực tế không phải thế mà có khác. Lẽ ra, cần tra cứu tự điển nhưng nhà không có nhiều tự điển để tham khảo đầy đủ nên đành mạn phép dẫn giải qua cách dùng phổ thông mấy chữ này trong sinh hoạt dân gian hàng ngày.

Nếu đi từ thấp lên cao thì hãy bắt đầu với “Bổn phận,” được xem là những việc phải chu toàn của con người theo mẫu mực/ đòi hỏi/ quy định của văn hóa đám đông, có khi cá nhân không đồng thuận, biết mà không làm. Trái lại, trách nhiệm tới từ ý thức, là sự chu toàn có tính tự nguyện, được thể hiện trong tự do. Tuy thể hiện trách nhiệm hay bổn phận tưởng chừng là một, không khác nhau song vì động cơ của chúng, như nói trên, một bên ít nhiều khiên cưỡng, một bên toàn tâm toàn ý nên chúng để dấu ấn khác nhau trên người nhận và cả người cho.

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy khắp nơi trên mặt đất này, nhân loại kêu đòi tự do đến cháy họng trong khi tự do là bẩm tính trời sinh cho muôn loài. Cứ nhìn những đứa bé còn măng sữa chòi đạp chân tay, mắt sáng như sao rạng ngời hạnh phúc. Lớn hơn một chút là vươn tới bất cứ cái đích ngắm nào trong tầm tay. Trí khôn của bé chưa phát triển đủ để có thể nhận thức quanh mình và tự bảo vệ thì trách nhiệm ấy ở bố mẹ, cho tới khi nào bé đủ lớn khôn thì tự do và trách nhiệm song hành. Tự do thiếu trách nhiệm là thứ tự do hoang dã, hỗn loạn, tự diệt. Nói về tự do như một bản năng thiên phú trong mỗi con người, có lẽ không ai hơn nhà thơ Phùng Quán: “Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”

Gông xiềng có thể trói buộc nhục thân một người nhưng không một ai, không một thế lực nào giam giữ được tự do bên trong của một con người thực sự ý thức, cảm nhận và quyết tâm gìn giữ phẩm hạnh cao quý ấy. Cũng hệt như mọi thứ khác trên đời bị nhân danh (giả dối) và bị lạm dụng (quá đà,) tự do mà thiếu trách nhiệm là thứ quyền lực cũng hư thối và gây tai họa không kém ma túy hay cờ bạc, tệ hại vạn lần hơn với nạn nhân nhiều gấp bội một cá nhân đương sự.

Tự do không được trách nhiệm hướng dẫn là vũ khí sát thương hàng loạt trong tay kẻ dữ, tuy không máu đổ thịt rơi nhưng sức công phá của nó tác hại còn ghê gớm hơn, di lụy có khi hàng thế hệ khi nó phá nát những công trình xây dựng tốt đẹp với ảo tưởng thay thế bằng lâu đài trên cát. Tự do là quà tặng tối thượng của Thượng Đế khi tạo sinh loài người, không ai có thể thực sự tước đoạt của ai trừ phi chính ai đó từ bỏ nó vì lý do riêng.

Ngoài cái mất hồn nhiên vì tình yêu nên có khi quên mình. “Có khi” là vì như lời trong bản nhạc “Cho Nhau” của Phạm Duy: “Cho rồi xin lại tự do.” Khác với con mèo biết giấu móng vuốt lúc cần thiết, những cái mất thấp hơn, vì lợi lạc nhất thời nên bán rẻ hoặc đánh đổi. Vì mất niềm tin, tuyệt vọng nên buông xuôi, có lẽ không ai không đồng ý là mỗi người chịu trách nhiệm về những mất mát ấy của chính mình.

Cùng với nhiều khả năng tự tồn khác mà Tạo Hóa cũng lập trình sẵn trong muôn loài, loài người chiếm vị thế hàng đầu vì biết phát huy tối đa những khả năng ấy. Tầm thường như đứa bé vài tháng tuổi có thể bơi lội trong nước nếu được cha mẹ huấn luyện. Không có may mắn này, đứa trẻ đợi lớn thêm có thể tự học, để thoát hiểm khi cần, để sáng chói nếu chọn lựa trở thành một lực sĩ môn bơi lội. Nghĩa là tự do được Trời ban, nhưng tự do như hạt mầm ương sẵn mà con người có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, tưới tẩm để có mùa màng, hoa trái.

Thỉnh thoảng được đọc vài bài thơ của người trong nước, có câu đại ý “Bao nhiêu năm rồi mà xin mãi tự do vẫn không được đảng cho!” Biết là tác giả ngụ ý mỉa mai nhưng cách diễn tả ấy không khỏi có phần tiêu cực, dường như chịu ảnh hưởng ít nhiều từ đường lối cai trị nhồi sọ của chính quyền độc tài Cộng Sản, muốn cấy vào đầu thần dân của họ ý thức đầu hàng, nô lệ, trông đợi mọi thứ từ bàn tay ban phát của kẻ cầm quyền. Cả thế giới biết, bàn tay ban phát trong mơ ấy ngoài việc gieo vãi mầm độc, chỉ biết vơ vét, tóm thâu làm của riêng, kể cả cái vốn quý tự do của mỗi người dân để làm thành thứ tự do chuyên quyền, bệnh hoạn, của giới lãnh đạo.

Những ai bỏ nước ra đi, đặc biệt những người vượt biên bằng mọi con đường hiểm nghèo nhất, đã sử dụng cái vốn tự do họ có một cách can đảm để thể hiện khả năng bảo vệ tự do ấy. Đến được đất hứa rồi, ứng dụng tự do lại là một thử thách mới, một can đảm mới, không đơn giản như chọn sự sống vượt qua sự chết trên con đường vượt thoát một chiều mà là sự phấn đấu khắc phục trường kỳ trong nội tâm mỗi người dân và trước ngoại cảnh phức tạp vạn lần hơn ở quê nhà.

Mục đích thăng tiến vẫn là thế nhưng ở tầm cỡ lớn lao hẳn và phương tiện thực thi để lựa chọn thì quá nhiều. Vậy nên, ở Hoa Kỳ, một xứ sở tôn trọng tự do ngôn luận và phẩm giá con người với không một rào cản nào, mọi thể hiện quyền hiến định cao quý này, đúng/sai, hay/dở chưa biết, cần bắt đầu với trách nhiệm vì không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài bản thân mình. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT