Thursday, April 18, 2024

Trên bao la đồi nương

Bùi Bích Hà

Tôi gặp nhạc sĩ Tây Ban Cầm Nguyễn Đức Đạt lần đầu khi nhạc sĩ ở Việt Nam mới sang, còn rất trẻ. Tôi không nhớ rõ năm nào, có lẽ đâu chừng đầu thập niên 1990 thế kỷ trước, trong một buổi họp mặt thân tình với rất đông bằng hữu tại tư gia nhà văn Trần Diệu Hằng ở thành phố Tustin. Tối hôm ấy có cả nhạc sĩ Diệu Hương với các bản tình ca nổi tiếng của chị. Tất cả chúng tôi đều còn trẻ và rất trẻ.

Đạt người nhỏ nhắn, khuôn mặt thư sinh, mái tóc phủ xuống một bên trán. Anh có giọng nói nhẹ, tươi tắn, làn môi thấp thoáng nét cười. Vì khiếm thị, ngoài cây đàn, anh còn cái gậy theo anh. Đã lâu quá nhưng hình ảnh mười ngón tay trắng trẻo, mềm mại của anh lướt trên dây đàn, lúc vội vã, lúc ung dung, bay lượn như cánh bướm chập chờn lay động không gian bằng những giai điệu xô động lòng người, khiến có lúc cả thính phòng dường như không còn ai thở trong một không gian tuyệt đối thinh lặng.

Anh được giới thiệu như một nhạc sĩ Tây Ban Cầm có tài năng. Đã hẳn. Với tôi, mù tịt về âm nhạc, sẽ không thể hiểu hay nói gì nhiều về tài năng ấy ngoài cảm xúc như một nguồn sáng tràn trề từ tiếng đàn trẻ trung đầy sức sống của anh. Tôi vẫn nhớ là tối hôm ấy anh về sớm trước khi cuộc vui tàn. Không biết có phải vì đêm đã khuya hay vì anh đi mang theo những âm điệu rộn rã mà buổi họp mặt bỗng buồn theo, vắng ngắt, rồi mọi người chia tay.

Tôi chắc tối hôm đó, ngoài tiếng Tây Ban Cầm tài hoa của Nguyễn Đức Đạt, mọi người ra về cũng sẽ ghi nhớ mãi tiếng ngâm thơ say đắm lạ thường của Trần Diệu Hằng với “Tây Tiến” của Quang Dũng. Cho tới bây giờ, tôi chưa một lần nào nữa được nghe ở đâu một giọng ngâm thứ hai đẹp như với Trần Diệu Hằng, mỗi chữ, mỗi lời, mỗi điệu ngân, mỗi đứt đoạn, khắc họa vào cảm xúc của người nghe nỗi tưởng tiếc khôn cùng về một hạnh phúc có thật đang vuột qua tầm tay.

Sau này, Đạt xuất hiện hầu như khắp mọi nơi trong nhiều cơ hội trình diễn khác nhau. Được biết, ngoài tài năng âm nhạc, anh còn có một tấm lòng. Thỉnh thoảng gặp lại anh đó đây, tôi chào hỏi, trao đổi ít câu. Có khi không tiện, tôi chỉ đứng ở xa. Dù xa hay gần, có thể anh không nhận ra tôi là ai trong cái thế giới đầy bóng tối của anh nhưng anh biết tôi là một trong số nhiều khán thính giả hâm mộ và biết ơn tiếng đàn cho đi niềm vui của anh.

Sau này, cùng với Thành Lễ và nhóm Ngọc Trong Tim, anh hoạt động nhằm mục đích nâng đỡ, tạo cơ hội tỏa sáng cho những tài năng khuyết tật khác bằng cảm thông và tình yêu thương. Qua thời gian, nay Đạt trưởng thành, chững chạc với tuổi đời hơn. Tài năng của anh cũng như trái quả đang mùa, sung mãn, ngọt ngào, lừng hương giai điệu.

Tôi bất ngờ gặp lại Đạt trên sân khấu của Hội Trường Sinh Học tối Chủ Nhật, 28 Tháng Mười, bất ngờ nghe anh vừa đàn vừa hát một trong những bản nhạc tôi yêu thích, bài “Thu Hát Cho Người” của Vũ Đức Sao Biển.

Phải nói là sau một thời gian dài không được nghe hoặc thấy anh trình diễn, giờ đây trong mắt tôi, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cho thấy khả năng cống hiến của anh đa dạng hơn, trau chuốt hơn nhiều. Tiếng đàn có hấp lực mãnh liệt, tiếng hát đầy đặn giàu biểu cảm, Đạt khiến tôi vui mừng biết anh đã thật sự vươn lên từ một cảnh ngộ tưởng như hẩm hiu để trở thành Nguyễn Đức Đạt như mọi người đều thấy ngày nay.

Đang sôi động với tiết điệu dồn dập của một bản nhạc ngoại quốc, Đạt chuyển sang “Thu Hát Cho Người” trên cùng một cung bậc, liền lạc, không thấy chỗ nối. Tiếng hát của Đạt cất lên, quấn quít, tan chảy vào nhạc, trầm ấm, vồn vã, hoang dại, ngập tràn nhớ nhung… Của biệt ly. Của một lần buông nhau là mãi mãi không còn. Của trở về trong kỷ niệm cũ càng một bóng chim bay.

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào
đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ”

Tiếng ghi ta phụ họa bằng những âm cuồng nộ. Là nỗi đau cắt ruột của dao nhọn cứa lên da thịt. Có lẽ ý thơ của Vũ Đức Sao Biển hiền hậu hơn, dịu dàng hơn nhưng người trở về đồi sim lúc này, với Đạt, với cả tôi, là ai khác trong tiếng đàn cháy bỏng vì chờ mong đã biết là vô vọng. Tiếng đàn như lửa bốc lên cao, cao mãi, rồi tàn rơi, rồi im hơi… Rồi như tro than lặng lẽ. Rồi chỉ còn quạnh hiu và nước mắt.

Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ”

Trong khán phòng đông vài trăm người mà tiếng đàn, tiếng hát của Đạt vẫn như vũ bão, như đại dương cuồng nộ, mở ra một không gian sấm sét bao la và tình yêu như cơn sóng thần cuồn cuộn dâng lên, băng băng qua đồi, gào thét qua nương, cuốn theo nó cả một rừng sim tím tái nỗi chờ mong.

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay”

Tôi không biết có bao nhiêu người trong khán phòng đông vui tối hôm đó, như tôi trong ít phút giây, đã để hồn theo tiếng đàn tiếng hát của Nguyễn Đức Đạt? Tôi thấy mình chơi vơi, ngơ ngác, nghe bài hát quen thuộc mà sao như nghe lần đầu.

Tôi thấy mình bé bỏng, trôi về thềm ngôi nhà êm ấm cũ, “ngồi một mình khóc tuổi thơ bay,” cha mẹ đi về cõi khác, tình yêu chạm mặt rồi chia xa. Tôi nhìn ra vầng trăng đơn chiếc lưng trời, nghe gió đàn như tiếng gọi giùm tên một người giữa đêm mồ côi. Tôi nhìn ra buổi sáng linh lan của Vũ Đức Sao Biển, là nước mắt hay là những hạt sương mai trên từng cánh lá đẫm tương tư?

Tiếng hát nương tiếng đàn hay tiếng đàn nương tiếng hát của người nhạc sĩ buồn vui cùng âm nhạc, đang tung hoành trên vài thước vuông sân khấu, trong cái thế giới kỳ thú của riêng anh, vẫn tiếp tục dưới mười ngón tay đầy ma thuật.

Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người

Cảm ơn người em gái đồi sim đã đến, đã đi, đã êm ái và bạo tàn trao cho trái tim đa đoan của chàng họ Vũ niềm đau để nó cất lên tiếng khóc và tiếng hát kết tinh thành giai điệu. Cảm ơn người nhạc sĩ trong mù lòa đã sáng tạo ra một vũ trụ âm ba đầy màu sắc lạ thường, gọi mời khách lạ trong cuộc lữ hành đi qua địa cầu mênh mông sương phủ này.

Những nốt nhạc giã từ “Thu Hát Cho Người” vỡ òa rồi chấm dứt để chuyển sang một bản độc tấu hết sức điêu luyện của Đạt. Tôi đoán ngoài những bản nhạc trữ tình Việt Nam được nhiều thính giả yêu thích, Nguyễn Đức Đạt tìm được vùng đất phù hợp với sở trường của anh hơn cả trong các dòng nhạc ngoại quốc, tiết tấu khỏe và nhanh. Phải nhìn thấy những ngón tay như mưa trên giây đàn của Đạt, phải nghe những âm thanh ào ạt bật ra dưới những ngón tay ấy như ngọc rơi mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt và tràn đầy của anh và của thời đại anh.

Tôi mừng cho Đạt khi tôi hồi tưởng những ngày thơ ấu đã xa xôi của tôi ở thành phố Huế. Thời ấy, các nhạc sĩ cổ nhạc khiếm thị thường sử dụng đàn cò và đàn độc huyền. Tiếng đàn của họ ảo não và buồn thê thiết, điểm xuyết cho người ca nữ son phấn vụng về, đêm đêm xênh phách hát điệu Nam Ai, Nam Bình trên những con đò quanh năm chở đầy trăng trên sông Hương mùa Hè, chở đầy rét mướt ủ ê mùa Đông, cái lồng ấp lập lòe than hồng dưới vạt áo.

Họ mua vui cho người thâu đêm nhưng họ giải khuây bằng rượu và những giấc ngủ ngày. Họ như những con ve sầu không đợi tới mùa Đông mà thôi hát ngay từ mùa Hè. Họ nổi tiếng trong đám đông nhưng buồn một cõi riêng. Hình như cùng với đôi mắt bẩm sinh vô dụng hay trở thành vô dụng kể từ một ngày tối tăm nào đó, họ không từng biết ánh sáng hay đành giã từ ánh sáng để chỉ còn đêm đen triền miên.

Xung quanh họ, dường như cuộc đời cũng cùng lúc tắt hết mọi âm thanh, chỉ còn tiếng đàn của chính họ ru êm nỗi lòng cô quạnh. Rất khác với một nước Mỹ từng có những ngôi sao khiếm thị trong làng ca nhạc lẫy lừng danh vọng và rạng ngời phú quý, thời của Ray Charles, của Ronnie Milsap mà tôi còn nhớ.

Cũng nước Mỹ ấy đã đón nhận Nguyễn Đức Đạt trên dưới hai mươi năm, cho anh nguồn hứng khởi để bắt đầu một cuộc sống có ánh sáng riêng và âm điệu riêng, huy hoàng, diễm lệ, là bức tranh tuyệt đẹp trong tâm hồn anh mà anh không thể vẽ xuống khung vải, mà tôi chỉ có thể nhìn thấy ở nụ cười luôn nở trên môi anh, ở cách nói hối hả của anh như sợ thời gian không đủ cho mọi người hưởng hết niềm vui… (Bùi Bích Hà)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT