Thursday, April 18, 2024

‘Vườn Măng Cụt’

Bùi Bích Hà

“Vườn Măng Cụt” là nhan đề một truyện ngắn trích từ tuyển tập cùng tên của nhà văn Trần Mộng Tú, Văn Mới xuất bản năm 2006 tại Hoa Kỳ.

Nội dung kể lại câu chuyện bắt đầu từ chỗ cô Lan, con gái của đôi vợ chồng bạn cố tri của ông Thành, sốt sắng ra đón ông tại bãi đậu xe khu chung cư hiện mẹ cô đang sống những năm tháng tuổi già còn lại trong cảnh cô quả vì phụ thân cô, ông Lâm, vừa qua đời ít lâu.

Mẹ cô bước vào giai đoạn đầu của bệnh lú lẫn. Vài ngày qua, thấy mẹ nhắc đi nhắc lại tên bác Thành, kể nhiều kỷ niệm với ông khiến cô nghĩ có lẽ mẹ sẽ rất vui gặp lại người bạn quý của gia đình nên cô ngỏ lời khẩn khoản mời ông Thành đến ăn trưa với mẹ con cô.

Về phía ông Thành, góa vợ đã lâu và sau khi dự đám tang ông Lâm, phần thì vì tuổi già ngại ngùng đi lại, phần cũng vì hoàn cảnh tế nhị, nên tuy tình bạn giữa hai nhà vẫn như nguyên trong lòng ông nhưng ông thưa thớt dần sự thăm viếng. Nay thấy con gái bạn cũ tha thiết muốn mời ông đến nhà ăn bữa cơm hàn huyên thì nể tình cháu mà nhận lời.

Vừa nhác thấy ông bước vào nhà, bà Lâm mừng rỡ chào hỏi rồi cứ thế tuôn ra một tràng ký ức như thể nó đã xâm chiếm hết cái bộ nhớ mòn mỏi của bà, ở lại đấy, sáng rỡ ràng như một buổi sáng mùa Hè nào, khi bộ ba gồm đôi bạn chí thân Thành, Lâm và bà là Liên, khi đó chưa dứt khoát của ai trong hai chàng thanh niên cùng theo đuổi mình, vui đùa bên nhau trong vườn măng cụt ở Lái Thiêu sau khi họ đã cùng ăn nem chua ở chợ Búng, nhớ lại nem vùng này rất ngon.

Trong khu vườn măng cụt sum suê, ông Thành đã bửa đôi một quả măng cụt chín cây, mấy ngón tay ông đỏ tía màu nhựa măng cụt tươi chia cho bà một nửa rồi cứ thế họ dấn sâu vào khu vườn cho đến khi khuất tầm mắt của Lâm thì Thành hôn Liên. Liên để cho Thành hôn mình vì biết Thành yêu quý mình nhưng Liên lại chọn Lâm làm bạn trăm năm. Đám cưới Lâm-Liên, Thành là phù rể. Như dòng sông chia nhánh, từ đấy họ có cuộc sống riêng, Thành kết hôn với Tuyết và hai nhà vẫn giữ tình bạn keo sơn với một bí mật mà người trong cuộc luôn cẩn trọng cất giữ riêng mình.

Ông Thành im lặng ngồi nghe thiên tình sử bà Lâm mô tả một cách chi tiết và mạch lạc, rơi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, cố gắng lục tìm trong trí nhớ những kỷ niệm sống động qua giọng nói quả quyết, say sưa, đầy cảm xúc của bà vợ góa ngồi đối diện mà ông đã có một thời thân thiết nhưng tuyệt đối không nghĩ được là mình từng yêu thầm người tình của bạn, càng không có cư xử tệ hại như vừa được nghe kể lại.

Khi bà Lâm dứt tiếng bằng câu hỏi chói chang như tiếng cái xập xõa chấm dứt một bản hòa tấu êm dịu “Thế ông không nhớ à?” thi ông Thành choàng tỉnh và vội vàng đứng dậy kiếu từ. Trên đường trở ra bãi đậu xe, ngồi vào ghế lái xong rồi, ông mới quay kiếng cửa sổ xe xuống, nói với cháu Lan cùng đi để tiễn chân ông: “Có lẽ bác già rồi, trí nhớ có vấn đề, ngày mai bác phải đi gặp bác sĩ.” Khi đó, Lan mới ái ngại tâm sự với người bạn tâm giao một thời của cha mẹ cô: “Bác ơi, không phải bác mà là mẹ cháu mắc bệnh lú lẫn bác ạ!”

Độc giả thưởng thức truyện này vì cái không khí mơ hồ, lãng đãng của tuổi già trí nhớ bị suy sụp, mỗi ngày rong chơi giữa ký ức về một thực tế có thật và một thực tế huyễn mộng khác do đầu óc lộn xộn của họ cóp nhặt đó đây trong quãng đời đã qua, kiến tạo nó bằng một tưởng tượng mới khiến thật giả lẫn lộn nhau tựa như ngày chưa qua hết và đêm đang tới cũng chưa hoàn toàn đêm.

“Vườn Măng Cụt” sôi nổi trở lại khi một chị trong nhóm bạn văn chương thường trao đổi điện thư với nhau, ví von hai người bạn khác trong nhóm chia sẻ những kỷ niệm khác nhau trong cùng một buổi ra mắt sách cách nay đúng 20 năm, “âu yếm” gọi họ là “Vườn Măng Cụt.” Tuy rằng diễn tiến tiếp theo của biến cố này đã chứng minh là cách gọi tên “Vườn Măng Cụt” của chị bạn đầu tiên không áp dụng đúng cho trường hợp này vì tường thuật của hai bạn kia hoàn toàn chính xác trong phạm vi liên quan đến họ, sở dĩ không trùng lắp là vì họ ở hai phần đầu và cuối của buổi sinh hoạt ra mắt sách phải nói là đã xảy ra quá lâu ấy.

Dẫu sao, mũi tên trên dây cung đã bắn đi, nó phải bay cho hết đường bay của nó nên các bạn khác trong nhóm thấy vui, bèn… giữ lửa. Quả thật họ đều qua tuổi cổ lai hy, bạn trẻ nhất cũng ngoài 60, tinh tường thấy rõ so với các “anh/chị” trong nhóm, chưa kể hai cô em út và áp út đang thời rực rỡ. Bình thường, giờ đây các “anh/chị” luôn luôn có Google hỗ trợ đắc lực để có sự chính xác về nguồn gốc, thời điểm, danh tính của sự kiện và nhân vật họ muốn đề cập tới nên họ chỉ cần cẩn trọng phối kiểm điều gì họ không chắc thì mọi việc đều ổn thỏa. Những câu chuyện ngày xưa, hồi đó, đều gợi lại ký ức đầy cảm xúc cho người nghe hay người đọc, linh động, tươi rói, như vừa xảy ra đâu đây, tháng trước, năm trước.

Tuy nhiên, trong đời thường, chúng tôi hiện có nhiều bạn không thể cầu cứu Google hay ngay cả thuốc men giúp họ nữa. Họ bị quên quên nhớ nhớ, lờ mờ, ngơ ngác, tùy mức độ và tùy thể tạng mỗi người. Có lẽ cũng tùy cả hoàn cảnh sống và môi trường sinh hoạt xung quanh họ nữa.

Có người bàn bạc với con cháu giấu mình ở một nơi xa xôi trước khi không còn đủ sáng suốt để làm một quyết định hợp lý cho mình. Họ lặng lẽ biến khỏi tầm mắt bạn bè, chỉ để lại một cái tên, một cái bóng nhòa nhạt theo thời gian như một vệt khói mỏng trong kỷ niệm một thời đã qua bên nhau.

Có người ngồi ngây ngô bên cạnh một mặt bàn đầy chai lọ thuốc, cái xe lăn bên cạnh, nụ cười vô hồn chỉ là một phản xạ vật lý đãi người đến thăm, cũng là lần cuối cùng, rồi vĩnh viễn bế môn tạ khách. Có người như bà Lâm trong truyện “Vườn Măng Cụt,” sáng tác những câu chuyện có lớp lang, thậm chí diễm lệ tưởng chừng có thật, khiến người còn sáng suốt như ông Thành phải tin mà phân vân tự hỏi “Hay là mình đã bị lú lẫn?”

Có người trước kia xinh đẹp, đi ra ngoài luôn phục sức thanh lịch nhưng một ngày bỗng nhiên luộm thuộm, không muốn mang giầy dép thời trang nữa mà đi giày sneakers vì sợ té ngã, mặc cái quần vải ngắn trên mắt cá và cái áo khoác cũ xì không biết lôi từ đâu ra? Rời khỏi tiệm ăn, bước trên lối đi ra bãi đậu xe, chị rụt rè hỏi: “Bạn có nhớ mình đậu xe ở đâu không?”

Một người khác phong cách thường ngày chải chuốt, theo sát thời trang, giờ đây giữa mùa Hè, diện chiếc váy len mỏng có sọc, mang vớ coton cao tới đầu gối, nhặt những mẩu bánh vụn đưa lên miệng ăn từ cái khay vẫn còn đầy bánh để đãi khách trong buổi họp mặt. Lát sau, khi gặp lại nhau cùng buổi ấy, ngước mắt hỏi người mới trò chuyện chừng năm bảy phút trước: “Chị là ai vậy? Tôi có quen không?”

Một người nữa từng là người đẹp của Trưng Vương thập niên 1960, khuôn mặt trái xoan, đôi môi là nụ hồng hàm tiếu, đôi mắt hồ thu long lanh dáng thuyền, nay như người trong chiêm bao, lúc tỉnh, lúc mê, lâu lâu hỏi vào khoảng không xung quanh câu hỏi nhắc đi nhắc lại nhiều lần không sai một chữ: “Người ta bảo anh ấy chết rồi, có phải thế không?”

Thông thường, bệnh tiến triển khá nhanh, sự sa sút nhìn thấy rõ từng ngày. Con người với cuộc sống nội tâm/ngoại cảnh càng lúc càng đa đoan song có lẽ nhờ y khoa tiến bộ, ngày nay tuy người lâm bệnh dường như ở độ tuổi sớm hơn nhưng bù lại, hình thức bệnh cũng tươm tất hơn.

Đầu năm 1986, tôi đến Mỹ, thăm bạn tôi là một trong bốn nàng dâu hiếu thảo của một bà mẹ chồng hoàng tộc gốc Huế bị lú lẫn. Các nàng dâu thay phiên nhau rước mẹ chồng về nhà, trông nom bà mỗi nhà một tháng. Cụ bị cái cố tật cứ giật bỏ tã ra khỏi người, phóng uế tùy tiện. Chỉ sểnh mắt một chốc là cụ chui vào closet, tiêu tiểu xong mà không ai kịp thấy là cụ bốc dơ bỏ vào miệng. Mỗi nhà khi đón cụ về, phải căng nilon che kín thảm vì ngày ấy chưa có loại gỗ laminate để lót sàn như bây giờ, cũng không thể thay thảm bằng gạch men vì nhà sẽ quá lạnh trong mùa Đông, chưa nói tới việc cụ đi lại hay trẻ con nô đùa bị trượt té xuống gạch thì rất nguy hiểm. Mặc dầu cọ rửa kỹ, xịt thuốc khử mùi hôi hàng ngày, không khí trong nhà họ vẫn không thể bay hết hơi xú uế cho đến khi cụ bà qua đời sau gần mười năm bị bệnh nạn dày vò. Có lẽ các nàng dâu này là thế hệ cuối cùng chăm lo cho cha mẹ già hai bên, sau họ không còn ai nữa.

Mặc dầu thế nào, kẻ viết bài này chứng kiến vài trường hợp bị lú lẫn rất lạ, ít nhiều, do ảnh hưởng từ môi trường cuộc sống của những người trong cuộc, bệnh nhân và người săn sóc họ. Ở một chị, mười lăm năm trôi qua mà bệnh tuy không thuyên giảm, cũng không gia tăng. Bạn bè đến thăm, chị tươi tắn chào hỏi với nụ cười vốn dĩ xinh đẹp, vẫn y nguyên. Chị nói ít, nhìn chồng với ánh mắt đằm thắm. Chỉ khi bạn hữu bày thức ăn ra bàn, cần thêm đĩa hay muỗng nĩa và chị sốt sắng đi về phía bếp để lấy thì mọi người thấy chị vào bếp rồi đứng yên một chỗ, ngẩn ngơ. Tôi tới gần, dịu dàng hỏi chị: “Chị không nhớ chị định làm gì, phải không?” Mắt chị sáng lên, vẻ mừng rỡ: “Ừ, ừ.” Anh để chị ngồi bên cạnh, lấy thức ăn cho chị. Tôi để ý thấy chị chỉ ăn đúng một thứ nên lại nhắc: “Chị đổi món cho đỡ chán.” Chị ngơ ngác, có lẽ không biết tôi nói gì, muốn gì? Anh vội vàng chen vào: “Chị để tôi. Nếu không làm hộ, bà ấy cứ ăn một thứ và không biết khi nào thì ngưng.” Từ khi chị lâm bệnh, anh ở liền bên chị, ít khi đi đâu nếu không tiện đem chị theo. Tình yêu, sự kiên cường của anh không khắc phục được bệnh trạng của chị nhưng chắc chắn đã ngăn được nó phát tác mạnh hơn. Tôi thành thực không biết lựa chọn của anh như thế là đúng hay không đúng nhưng nếu nghĩ rằng tuổi già cần sự bình an thì anh đã đạt được mong ước tối thiểu này.

Một bạn gái của tôi có chồng bị lú lẫn. Bạn tôi kể triệu chứng ban đầu của anh là lái xe bị nhiều ticket mà giấu, quên chỗ để đồ đạc thường dùng hằng ngày, quên thay quần áo, kể một câu chuyện nhiều lần trong vòng ít phút đồng hồ… Khi anh được bác sĩ định bệnh xong, chị họp các con lại và hoạch định chương trình săn sóc dài hạn cho anh vì cả nhà đang bận công việc kinh doanh. Chị tìm được sự hỗ trợ quý báu từ gia đình một người bạn thời thơ ấu, nhận trông nom anh ban ngày từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Anh được hưởng không khí thân tình, ấm áp, được ăn thức ăn nấu ở nhà, cùng khẩu vị vì là đồng hương cùng quê quán, anh có người trò chuyện, cười đùa với anh, cho anh uống thuốc, uống nước, ăn sáng, ăn trưa, ăn xế, ăn chiều. Thỉnh thoảng có đám cưới trong thân thuộc vào các cuối tuần, anh đi dự với chị, bề ngoài trông anh vẫn bảnh bao như thuở nào, tóc chải mượt, com-lê cà vạt như mọi ai cho tới khi có người hỏi han thì mới thấy anh gật gù như “đá ngây ngô.”

Một anh bạn khác của tôi, tuy gia đình không đưa vào viện dưỡng lão mà gửi day care, anh có nửa ngày ở nhà, vợ anh có nửa ngày tự do để xả stress, hai cái nửa này ghép lại vẫn là sự chắp vá nên anh dù trông có khá hơn những vị trong nhà an dưỡng, vẫn không bằng trường hợp thứ nhất; chị có khỏe khoắn đôi chút nhưng tinh thần vẫn chịu nhiều áp lực, mệt mỏi và chịu đựng thấy rõ, cố gắng cầm cự qua ngày chứ không ở thế chủ động.

Trong cả hai trường hợp trên, có lẽ quan trọng ngang với điều trị y khoa là thái độ của thân nhân người bệnh. Tránh định kiến cho rằng bệnh lú lẫn hay Dementia hay Alzheimer là chương kết thúc cuộc sống của đời người vì trí nhớ bị xóa sạch, các thói quen sinh hoạt hằng ngày sẽ cùn mòn dần, khiến bệnh nhân phải lệ thuộc vào người khác mà nếu không có bàn tay khởi động, sẽ như cỗ máy bị han rỉ, trở thành phế liệu.

Phải chăng truyện “Vườn Măng Cụt” của nhà văn Trần Mộng Tú được đông đảo độc giả thưởng thức chính vì không khí truyện nhẹ nhàng, người bệnh thì linh hoạt và đáng yêu trong cuộc sống riêng chuyển buồn thành vui? (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT