Thursday, April 18, 2024

Y đức

Bùi Bích Hà

Tiếng nói bên kia đầu dây điện thoại của một phụ nữ luống tuổi, nghẹn ngào, tức tưởi, như thể người nói đang cố kiềm chế xúc động: “Tôi đọc nhiều bài viết của bà trên báo, thấy bà chia sẻ nhiều điều. Hôm nay tôi có chuyện khổ tâm, muốn kể cho bà nghe để bà nêu lên, may ra người khác tránh được. Tôi còn nhớ dạo đã lâu, bà có đem vấn đề các phòng mạch bác sĩ thường không đúng hẹn, bệnh nhân tới phải chờ hàng giờ mới được cho vào khám. Tình trạng này, nay đã được cải thiện rồi.”

“Xin bà cho biết chuyện gì đã làm bà khổ tâm?”

Im lặng một lúc, như để lấy hơi và ôn lại chuyện đã qua, tiếng nói lại cất lên, đượm buồn, thong thả, có lẽ để đoan chắc bà chỉ nói một lần, người nghe xong sẽ không có gì phải hỏi lại nữa: “Mới đây, nhà tôi 80 tuổi, bình thường khỏe mạnh, không đau ốm vặt, cũng không có bệnh gì ngoài cao máu trong tình trạng ổn định nhưng bỗng nhiên một hôm, tôi để ý thấy bụng anh to ra. Tôi sờ bụng anh không thấy cứng, hỏi thì anh trả lời không biết tại sao nhưng không đau. Gặng hỏi thêm, anh mới cho biết anh chỉ thấy hơi mệt mệt, ăn không ngon miệng và thỉnh thoảng buồn nôn. Tôi lập tức đưa anh đi bác sĩ gia đình. Kết quả siêu âm cho thấy anh có một cái bướu lớn ở gần thận.”

“Bác sĩ gia đình cho biết nhà tôi cần được bác sĩ chuyên khoa khám nghiệm. Chúng tôi không làm gì khác ngoài việc tuân theo ý kiến của bác sĩ. Từ thủ tục ban đầu này, chúng tôi đi qua ba bác sĩ được xem là trong quy trình hội chẩn cần thiết để định bệnh và chữa bệnh. Tôi xin phép không nêu rõ danh tính và chuyên khoa của quý vị vì điều tôi muốn nêu lên chỉ một phần nhỏ của một vị liên quan tới nghề nghiệp, không phải chuyên môn của tất cả ba vị. Có nghĩa là tôi muốn nhân kinh nghiệm của gia đình tôi, lưu ý quý bác sĩ của cộng đồng, ngoài khả năng trị bệnh cho bệnh nhân, cũng cần đến cách cư xử với bệnh nhân nữa. Nếu tôi không hiểu lầm, mọi sinh viên học thuốc khi ra trường, đều tuyên hứa trước ông tổ Hippocrates, lời thề đạo đức y khoa trước khi họ thực sự hành nghề.”

“Thưa, bà có điều gì không hài lòng?”

Có vẻ câu hỏi gợi lại sự bất bình trong lòng bà nên giọng bà cao hơn và nhanh hơn: “Cách đây mấy hôm, tôi đưa nhà tôi đến phòng mạch một trong ba vị bác sĩ có trách nhiệm thăm khám nhà tôi. Sau thời gian chờ đợi, nhà tôi được gặp bác sĩ trong phòng làm việc, có tôi theo bên cạnh. Bác sĩ khám tổng quát xong thì quay lại ghi chép hồ sơ. Tôi vừa đỡ nhà tôi xuống khỏi giường, đang giúp ông mang dép, chưa kịp hỏi han gì thì nghe ông bác sĩ nói như quát một câu làm tôi sững sờ, tưởng mình nghe lầm: ‘Đi ra đi!’ Tưởng ông bác sĩ ra lệnh cho ai, tôi nhìn quanh nhưng không có ai khác ngoài vợ chồng tôi.”

“Tôi bất giác nhìn vào mặt ông, một khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm, nói chi tới một cái nhếch môi cười mỉm? Việc thăm khám bệnh nhân hoàn toàn lặng lẽ, chỉ đâu chừng mươi phút. Sau đó, văn phòng cho tôi biết nhà tôi được bác sĩ cho đi thử máu, phải chờ kết quả thử máu mới có thể thực hiện bước tiếp theo. Chờ đợi ba ngày không nghe động tĩnh gì, tôi hỏi Lab thì được biết họ đã gửi kết quả về phòng mạch bác sĩ rồi. Tôi theo dõi với phòng mạch, được biết bác sĩ rất bận, chưa đọc kết quả được. Thêm ba ngày nữa, bác sĩ vẫn còn bận. Tôi hơi phiền lòng vì cục bướu của nhà tôi tiếp tục lớn, đè lên các bộ phận xung quanh làm nhà tôi không ăn được, không thoải mái được. Dẫu sao, tôi vẫn tin tưởng rằng bác sĩ luôn là người biết rõ khi nào thì phải làm cái gì cho bệnh nhân nên tôi tự nhủ ráng kiên nhẫn thêm.”

Ngưng một chút, bà nói tiếp: “Điều tôi muốn nhắc nhở quý vị bác sĩ là thế này: ‘Bệnh nhân là những người yếu ớt, nhạy cảm. Họ thường buồn bã, lo âu, có khi còn đau đớn nữa. Ngoài cách điều trị chính xác, mau lẹ, họ cần sự cảm thông của bác sĩ điều trị, thái độ hòa nhã khi hỏi han, săn sóc, vì một lời nói tử tế, ân cần, sẽ thêm cho họ sức mạnh, những suy nghĩ tích cực và lạc quan, thiết tưởng cũng rất cần cho bệnh nhân để vượt qua bệnh nạn. Có lẽ bà cũng nghĩ như tôi là câu nói cộc lốc, ngụ ý khinh miệt ‘Đi ra đi!’ nếu được thay thế bằng một câu khác, tựa như: ‘Xong rồi, hai bác có thể về, thư ký bên ngoài sẽ hướng dẫn mọi việc cho bác.’ Chỉ đơn giản có thế thôi, chẳng mất mát, hao tốn gì mà lợi lạc vô số, tại sao không nỡ làm? Nhất là chúng tôi lớn tuổi, chẳng lẽ ở nhà, bác sĩ đối xử với cô dì chú bác cũng vậy sao? Xin lỗi bà, không biết tôi có đòi hỏi quá đáng không?”

“Thưa bà, rất cảm ơn sự chia sẻ chân tình của bà. Bà không đòi hỏi gì quá đáng cả, thái độ khiếm nhã của bác sĩ như bà vừa mô tả quả là điều khó hiểu với cả chính tôi, không có cách giải thích nào nghe ổn thỏa hết. Ngay lập tức, tôi chỉ có thể suy đoán là hôm đó, có lẽ bác sĩ sẵn có điều gì không vui hoặc do áp lực công việc nên ông bật ra sự bực dọc không kiểm soát được, khiến bà bất bình. Tôi hy vọng bác sĩ sẽ có dịp bù đắp sơ xuất này trong khi điều trị ông nhà. Tuy nhiên, như bà đề nghị, tôi sẽ đưa câu chuyện của bà vào bài viết hằng tuần trên báo, cùng với chương trình phát thanh để chúng ta cùng nhau chia sẻ một hoàn cảnh tế nhị mà ai cũng có thể làm tốt hơn, hầu xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó mọi người sống với nhau trong sự tôn trọng, tương kính và quý mến.”

Thế hệ người Việt nhập cư vào Mỹ ở tuổi 80 phần đông thuộc nền văn hóa cổ, theo phương châm kính lão đắc thọ và rất quan tâm đến nguyên tắc tôn ti trật tự, lấy chữ lễ làm đầu. Người nhỏ nói với người lớn, nếu không thưa gửi thì cũng cần khiêm tốn, nhũn nhặn, chưa nói tới những ai vì nghề nghiệp chuyên môn, thường giao tiếp với khách hàng thì còn thêm phần luân lý ứng xử nữa.

Phải thú thật cho tới nay sống gần hết đời, tuy đã từng chạm phải thái độ lạnh lùng và kiệm lời của vài vị bác sĩ song tôi chưa bao giờ nghe hay nghe kể lại có ai đã quát với bệnh nhân câu “Đi ra đi!” thô bạo nhường ấy. Giả dụ vị bác sĩ này lớn lên ở Mỹ song chắc chắn đã trưởng thành trong sự pha trộn của cả hai nền văn hóa Mỹ-Việt qua giáo dục từ thực tế nhà trường và từ nề nếp gia đình, ông không thể có hành xử như thế nếu không là do áp lực từ hoàn cảnh lúc đó.

Bởi vì, chúng ta thật khó hình dung ra nguyên ủy khiến câu nói xua đuổi kia được thốt lên từ một vị bác sĩ với bệnh nhân của mình, cho dù nói bằng Anh ngữ thì cũng rất khó nghe và khó chấp nhận. Qua giây phút xúc động, có lẽ tôi phải hiểu ông đang có điều bất như ý, sự tức giận hay lo âu bị dồn nén và bất ngờ bung ra, làm ông phân tâm, chia trí trong công việc?

Nếu không phải là vậy thì chúng ta hẳn rất buồn mà phải công nhận đây là cố tật của ông. Khi đã trở thành cố tật, chúng ta chỉ còn một cách đối phó duy nhất là từ chối dịch vụ của ông nhân danh sự bình đẳng về phẩm giá cũng như quyền lựa chọn điều tốt nhất của khách hàng. Mặc dầu bác sĩ chuyên khoa thường hiếm nhưng chúng ta không nên dậm chân trong thói quen, tật xấu, dung dưỡng chúng trong khi bác sĩ giỏi chuyên khoa dòng chính, biết tôn trọng bệnh nhân, không bao giờ thiếu.

Tục ngữ nước ngoài có câu “Người ta cao bởi vì mình thấp xuống,” sự nhường nhịn thái quá cũng làm đảo lộn trật tự mỹ quan của xã hội. Khách hàng Mỹ luôn được đối xử xứng đáng vì họ biết đòi hỏi đúng quyền lợi của họ.

Ngày nay, Internet cho phép chúng ta tiếp cận dễ dàng và rộng rãi nhiều nguồn thông tin về giới cung ứng dịch vụ và các loại sản phẩm con người dùng hàng ngày. Trước khi quyết định chọn một, hãy vào Internet để tìm hiểu. Thuở xưa chưa có Internet, người Việt chúng ta đã có văn hóa rỉ tai, truyền khẩu, “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa,” nếu dư luận đồng thanh thế nào về một món ngon, người tốt hay ngược lại, nhiều phần trăm sự thật nằm trong các đồn đãi ấy.

Trường hợp ông bác sĩ “đuổi khách” trong câu chuyện bà kể, nếu đã có nhiều lời than phiền về ông  được loan truyền thì có thể xem hành xử của ông hôm ấy là cố tật ăn sâu vào tính khí ông rồi, không chấp nhận thì tránh xa vì trách móc cũng bằng thừa. Ngược lại, bà có thể lấy lượng bao dung của người trên, hiểu giùm ông ta đấy chỉ là cử chỉ giận cá chém thớt ngẫu nhiên rơi vào ông bà mà tha thứ và quên đi cho nhẹ lòng. Một lời xin lỗi sau này, khi có cơ hội, là điều tốt nhất ông bác sĩ có thể làm ngoại trừ chính ông ấy cũng quên hết những biểu lộ kém cỏi của mình trong một lúc tức giận không kiềm chế được và gây hậu quả đáng tiếc.

Y khoa lâm sàng đã chứng minh một tương quan tốt, tin cậy và quý trọng giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ hỗ trợ hiệu quả quá trình trị liệu cho bệnh nhân. Một bác sĩ yêu nghề, có y đức, luôn đặt hết tâm huyết vào kết quả điều trị, chăm lo, săn sóc, cảm thông với bệnh nhân, là một phần sự nghiệp thầy thuốc của mình (nếu không nói là tất cả) nên luôn đối xử tốt với bệnh nhân.

Cao cả hơn người thợ chuyên môn làm ra sản phẩm hữu dụng, người thấy thuốc tái tạo sinh mệnh con người, nghĩa vụ ấy lớn lắm, đáng trân trọng và hãnh diện lắm. Nếu không cảm nhận điều này, người thầy thuốc đã mất đi một yếu tố tinh thần quan trọng để ngày càng tinh tấn hơn trong nhiệm vụ cứu người.

Trong xã hội Việt Nam trước đây, người thầy thuốc được đền đáp công lao quý trọng bằng đồng tiền tình nghĩa cũng quý trọng không kém từ công lao do bàn tay, khối óc của bệnh nhân lúc khỏe và gia đình họ, rất khác với cách chi trả hiện nay trong kỹ nghệ y tế giản lược mọi thứ vào những con số qua các bàn giấy, thiếu hẳn yếu tố nhân tình.

Cái khó của người thầy thuốc khi muốn giữ nguyên nhiệt tình ngày đầu khoác lên mình cái áo bác sĩ là thói quen, sự nhàm chán, tâm lý bão hòa đối với loại công việc và bối cảnh lập lại mỗi ngày, phát sinh từ bản năng tự vệ trước những khổ đau của kiếp người mà họ phải thường hằng trực diện, cảm xúc lần hồi bị bào mòn để chính họ không bị tổn thương.

Tan biến trong lực lượng lao động kiến tạo xã hội như bất cứ một thành viên nào khác nhưng bản chất công việc người thầy thuốc phải làm không tự động như máy móc mà còn do trái tim rất riêng tư của mỗi người. Vì vậy, họ rất cô đơn trong mỗi cố gắng lẻ loi.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều bác sĩ thời nay đi tìm sự an tịnh cho họ trong âm nhạc, thi ca, hội họa, nhiếp ảnh, thậm chí một mình với cái cần câu giữa trời nước mênh mông… mong mỏi vẻ đẹp của nghệ thuật hay sự hào phóng của mẹ thiên nhiên tiếp trợ họ như người bạn tri kỷ. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT