Friday, March 29, 2024

Yêu hoa

Bùi Bích Hà

Trong văn chương, thi phú, văn nhân, thi hào và nghệ sĩ khắp nơi, mọi thời đại đều luôn ca tụng hoa như một vẻ đẹp của tình yêu, hoa và giai nhân như bóng với hình, nói về hoa là nói về người đẹp một cách ý nhị. Ai cũng biết trong bài Đường thi nổi tiếng của Thôi Hộ, hoa đào ngụ ý chỉ mỹ nhân một lần hạnh ngộ.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã lấy ý bài thơ này, viết xuống hai câu lục bát dịch phỏng thần sầu.

Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Một câu lục bát tám chữ khác trong Kiều: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa,” chữ hoa ngụ ý người tình, cuộc tình mà kẻ tình si mong đợi được kể cận, chẳng phải vì phù dung hay mẫu đơn.

Ca từ của Hoàng Giác trong bản nhạc Cô Láng Giềng: “Năm xưa khi anh bước chân ra đi, đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi, em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi…” hoa tường vi chỉ là nhân chứng cho lứa đôi thề hứa.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, mấy câu “Vườn xuân bướm hãy còn rào, thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương,” hoa vẫn chỉ là ẩn dụ để miêu tả giai nhân. Hay là hai câu khác cũng trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Cái đêm hôm ấy đêm gì, bóng dương lồng bóng trà mi chập chùng,” trà mi không là hoa mà là mỹ nhân trong cuộc giao hoan.

Trên mặt đất này, chỉ loài người yêu nhau mới cất công tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập lục đèo cũng qua. Ấy vậy mà cũng có những sự thật không phải vậy.

Kẻ viết bài này vừa nhận được điện thư của một người bạn đang sống ở Bắc Cali, kể chuyện buổi sáng trời trên ấy hửng nắng, chợt “nhớ mùa hoa almond nở (từ giữa Tháng Hai tới giữa Tháng Ba) tại Ripon, một tỉnh nhỏ 60 dặm phía Nam Sacramento, bèn lái xe đi xem. Gửi các anh chị em vài tấm hình, ngắm hoa cho mát mắt.”

Chao ôi, tôi thường nghe quen câu hát “Xuân tới, hoa mơ, hoa mận nở,” trong bản nhạc Hoa Xuân, Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính, có mơ hồ mường tượng ra cảnh đất trời rộn ràng đổi mới trong vòng quay tuần hoàn của vũ trụ nhưng không hình dung ra thế nào là hoa mơ, hoa mận nở. Thỉnh thoảng cũng được xem những tấm ảnh chụp các con đường hoa trên thế giới đẹp đến độ vượt cả sự toàn mỹ tưởng chừng chỉ có trong tranh; những tấm ảnh ghi lại cảnh hoa đào bay trong gió, trải thảm con đường ven bờ giòng sông Potomac hay rắc những cơn mưa hồng dưới chân núi Phú Sĩ, ngây ngất, trầm trồ, rồi bỏ qua, rồi quên đi.

Thế nhưng hôm nay, thư của bạn, ảnh của bạn, như một phần của chính mình, đi giữa hai rặng hạnh đào nở hoa chi chít, nhìn xa, chỉ thấy phơi phới một rừng hoa cánh trắng muốt, nghĩ là bạch mai, là hoa mơ, hoa mận, hoa lê, gọi tên gì cũng được, những loài hoa chỉ nở trong tiết xuân, lại nghe bạn nhớ hẹn, lái xe 60 dặm đường để đến đây ngắm hoa, tôi bỗng nhận ra cuộc đời có những niềm vui mà có lẽ con người phải có đặc ân mới được hưởng. Con đường bạn tôi đi bộ giữa hai hàng cây, tả hữu là hai dải đất mòn dấu chân người, lõm giữa, lún phún màu cỏ xanh non, mơn mởn, mượt mà. Nhìn gần, những thân hạnh đào trải qua bao nhiêu mưa nắng thời gian, già nua, sần sùi, cằn cỗi, đen đủi, nhưng rất khác với con người tàn rữa theo tuổi, xuân về cành vẫn cứ trổ hoa, nhựa sống thanh xuân vẫn cứ tràn trề trong từng thớ gỗ. Những bông hạnh đào nhị vàng mãn khai, cánh dầy, chở che, ôm ấp những búp nụ bụ bẫm, nhú ra trên đài hoa màu đỏ bầm, tựa như cuộc tái sinh nào cũng hình thành từ những nhọc nhằn và đớn đau.

Tất nhiên những ai có tuổi thơ lớn lên giữa cỏ cây, hoa lá xanh tươi, vườn thơm mùi trái chín từng mùa, không gian vang lừng tiếng chim hót buổi sớm mai, như Huế của tuổi thơ tôi, đều nhận biết thiên nhiên ban cho con người nguồn an ủi vô tận và nguồn sinh lực dẻo dai.

Tuy nhiên, đến Mỹ, tôi nghiệm ra không gian ở Mỹ bao la hơn, cỏ cây, hoa lá vạm vỡ, mênh mông, rực rỡ hơn, bà mẹ thiên nhiên ưu đãi đàn con với ân huệ vĩ đại nhiều lần hơn dù cho khi bà nổi giận, cường độ càng hung hãn gấp bội. Trong cuộc sống thường nhật, thiên nhiên ở nơi này ít thân thiện, không mấy chan hòa với con người và ngược lại.

Có lẽ vì tôi sống ở tiểu bang Cali, có hỗn danh là tiểu bang vàng của Hoa Kỳ, kỹ thuật phát triển phồn thịnh, cuộc sống tính bằng vận tốc mỗi ngày một nhanh, nhà cửa, nơi làm việc và phương tiện di chuyển là những cái hộp lớn nhỏ bằng gỗ, bằng gạch, bằng kim loại, kín bưng, có đủ tiện nghi cần thiết, mùa Hè mát rượi, mùa Đông ấm không cần áo lạnh nên ngay cả ở thành phố Thiên Thần (Los Angeles) sương mù được thay thế bằng khói công nghiệp từ các nhà máy và các xưởng lọc dầu ven biển Long Beach. Cho dù vườn nhà cha mẹ các cháu tôi có khá đủ những cây ăn quả nhiệt đới, các cháu tôi không có những lúc nằm khểnh dưới gốc quýt, chỉ với tay lên cái cành gần nhất là có ngay trong tầm hái một quả quýt vàng tươi; cũng không có lúc nằm dưới một gốc khế trong buổi trưa mùa Hè thành phố inh ỏi tiếng ve sầu gọi nhau, chờ cơn gió thỉnh thoảng đi qua làm rụng những bông khế li ti mầu tím pha trắng trên mình chúng như một tấm khăn mỏng. Táo rơi đầy vườn. Ổi chín nẫu rụng xuống đất, lỗ chỗ dấu chim mổ.

Bạn tôi ở Sacramento, tuổi ngoài 70, hào hứng lái xe đi non 100 cây số đường để ngắm rừng hạnh đào vào mùa hoa nở. Một bạn khác ngoài 60, dời cư từ tiểu bang Florida về đồi Queen Ann, tiểu bang Washington, làm chủ một ngôi nhà cổ kính, có khu vườn bốn tầng, trong một không gian đẹp huyền hoặc khiến tôi không khỏi liên tưởng đến ngôi nhà làm bối cảnh cho tiểu thuyết Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) của nhà văn Emily Bronte. Chị mê hoa lan và là một nhà sưu tầm lan có tầm cỡ.

Không chỉ vẻ ngoài, kiến trúc nội thất ngôi nhà ẩn hiện nét kỳ bí với những gian phòng êm ả một cách lạ thường. Khi chồng con và các cháu đã yên giấc, chị trở dậy, thắp đèn, đi những bước chân im lặng thăm lan trong nhà kiếng, cảm giác một hạnh phúc bình an và thanh thản, đằm đằm lan tỏa trong tâm hồn chị, không thể diễn tả bằng lời. Chị tỉnh táo, sảng khoái, như buổi sáng tinh mơ cũng vừa thức giấc sau đêm dài, chuyển mình bên ngoài cửa sổ. Chị săm soi chờ đón một mầm non, một nụ mới hiếm hoi nứt ra đâu đó trên nhánh lan có cái tên dài ngoằng, cầu kỳ, khó đọc, khó nhớ ngoại trừ những giống lan đã quen thuộc trên thị trường và tên gọi của chúng được phiên âm ra tiếng Việt.

Mỗi ngày, chị thoăn thoắt lên xuống các cầu thang nối liền các tầng vườn sum suê, xanh ngắt như một khu rừng nhỏ, ít nhất bốn lần. Ở mỗi tầng, có một khoảnh đất đủ rộng để đặt ghế cho khách thăm vườn ngồi nghỉ chân những ngày có nắng hay những lúc thời tiết ấm áp. Hàng trăm họ hàng nhà Lan và nhiều loại thảo mộc khác đua chen khắp nơi, chiếm nhiều vị trí cao thấp khác nhau trong cả bốn tầng vườn thâm u nhìn thấy biển xa xa bên dưới, trong tầm mắt thấp thoáng bóng lá của một cây giẻ sai hạt. Phải có một tình yêu lớn lao lắm, phi thường lắm, chị mới tìm ra sức lực để tận tụy chăm bón ngần ấy gốc lan tôi thực sự không biết con số tổng cộng là bao nhiêu? Phòng khách nhà chị thường chưng bày những chậu lan hiếm quý, khó nuôi, đẹp mê hồn vì sự toàn hảo của chúng. Nhìn ngắm những cành lan muôn màu, muôn vẻ, con người không thể không tự hỏi liệu hoa lan có là sáng tạo tinh hoa nhất của Tạo Hóa hay chưa?

Chúng như những viên ngọc Tạo Hóa vui tay đem rải trong các khu rừng cô quạnh, làm phần thưởng cho những nhà thám hiểm chẳng biết định đi tìm gì ở nơi chưa có dấu chân người lai vãng này? Không phải quế, không phải trầm, cũng không phải vàng hay kim cương nhưng một nhà thám hiểm đầu tiên đã tình cờ khám phá ra lan, chắc đang đong đưa trên mình một cây cổ thụ. Vẻ đẹp quý phái, sang cả, lộng lẫy và mỏng manh của lan giữa núi rừng hoang vu, lạnh lẽo, tàn bạo, hẳn đã làm sửng sốt, đã làm ngây ngất, đã gây thương cảm đủ trong trái tim “người đâu gặp gỡ làm chi” để lan được nâng niu đem về thành phố, mặc khải một tình yêu khác, một đam mê thanh cao khác ngoài những ước mơ quẩn quanh phù thế.

Cố văn hào Nhất Linh, một nhà lập thuyết lừng lẫy, một nhà cách mạng nhân bản, một nhà ái quốc yêu nước và yêu dân như yêu cuộc sống, một nghệ sĩ tài hoa trong nhiều lãnh vực, khi nhận ra chân dung lem luốc của xã hội thời đại ông, nảy sinh ý muốn đi tìm nơi yên tĩnh để tạm nghỉ ngơi. Ông bỏ phồn hoa, lánh về Đà Lạt, vui với thiên nhiên bên giòng suối Đa Mê, ngày ngày vào rừng đi tìm những cây lan quý như bạn tri âm, vô tình trở thành một trong vài nhà sưu tầm lan hiếm hoi thập niên 50 thế kỷ trước. Như vậy, kẻ hậu sinh như tôi tự hỏi thầm có phải ông yêu quý lan vì dáng thanh cao mà gan dạ, vì nét mong manh mà sắc bén của hoa, vì vẻ đẹp toàn bích và riêng biệt của từng loại lan hiện hữu tự do, tự do phô sắc hương ở những vị trí cheo leo, đầy thách đố để thử lòng quân tử yêu hoa, xem thật sự có bao nhiêu người vì yêu hoa mà lặn lội đi tìm, vì thiên duyên tốt lành mà gặp gỡ?

Ngay cả bạn tôi trên đồi Queen Ann, chị tâm sự từng có một thiếu thời nghịch ngợm, tối tối từng vác xe đạp lên vai trốn cha mẹ đi cửa sau quần tụ với bạn bè cùng trang lứa, chiêng trống ồn ã. Một ngày, bỗng nhiên túm được cuốn sách trong bối cảnh một gia đình không có thói quen đọc sách, chị đã tò mò đọc ngấu nghiến, đã ngỡ ngàng, đã kinh ngạc, đã để tâm hồn bị cuốn đi trong cảm xúc bồi hồi, đủ cho sự tìm kiếm những lần sau và sau nữa. Cái thế giới huy hoàng châu ngọc nhờ sách chị mới lọt vào, vừa đem tới, vừa đáp ứng những khát khao sâu thẳm nhất trong đáy lòng cô bé bẩm sinh thiện hảo là chị ngày ấy. Sau này, khi bắt đầu có thể diễn tả bằng lời, cô bé ngày xưa lớn lên đã không ngại ngùng thổ lộ: chỉ nuôi ước mơ “làm sao sống được cuộc đời thanh cao như nó hiện hữu trên những trang sách quý.”

Từ hương thơm và vẻ đẹp của những trang sách ấy, bạn tôi đi tìm một hình thức sống động hơn. Con đường từ rừng sách đến rừng lan chắc không xa mà khá gần gũi. Bây giờ, như tôi nhìn thấy chị giữa khu vườn tỏa hương êm ả, hiểu ra chị yêu lan là yêu người tri kỷ. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT